Chăm sóc da khi mang thai để mẹ nào mang bầu cũng vẫn xinh đẹp
BS Lê Tiểu My sẽ hướng dẫn các mẹ các chăm sóc da bị mụn khi mang thai được an toàn nhất.
Nổi mụn khi mang thai không hiếm gặp. Nếu bạn đã/đang bị mụn thì khi mang thai sẽ thấy tình hình tệ hơn. Nếu tự hào da láng mịn, khi mang thai bạn vẫn phải đón tiếp mấy người bạn mụn "không mời mà đến".
Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ được nhắc đến nhiều nhất là xáo trộn nội tiết tố. Không thể ngăn nội tiết tố xáo trộn khi có thai, vậy thì tìm cách ngăn mụn vậy.
1. Một số cách chăm sóc da bị mụn khi có thai
- Rửa mặt 2 lần/ngày với sữa rửa mặt nhẹ dịu và nước ấm.
- Nếu tóc bị dầu, bạn cắt tóc hay cột tóc gọn gàng, làm sao đó để tóc không loà xoà trước mặt.
- Không nặn mụn, cào mặt, dễ để lại sẹo thâm.
- Chọn mỹ phẩm không dầu (oil-free)
Da bị mụn là hiện tượng phổ biến khi mang bầu. (ảnh minh họa)
2. Trị mụn
- Trong mọi trường hợp, tốt nhất vẫn nên khám chuyên khoa và nói với bác sĩ rằng bạn đang có thai khi được chỉ định bất kỳ loại dược phẩm nào.
- Nếu không có điều kiện đi khám, bạn có thể mua một số thuốc không cần kê toa. Những loại thuốc trị mụn có chứa các chất sau đây được xem là an toàn: benzoyl peroxide (dạng thoa trực tiếp); Azelaic acid; salicylic acid (dạng thoa), Glycolic acid. Với bất kỳ loại thuốc trị mụn nào chứa ngoài các chất trên, bạn cần tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng.
- Một số dược phẩm trị mụn có thể gây hại cho bé, như: nội tiết tố, Isotretinoin, tetracyclines, retinoids (dạng thoa). Nếu đọc thành phần có những chất này, bạn không được sử dụng.
Rất nhiều lần, mình được nghe câu nói “Khi có thai, mẹ càng xấu, càng làm cho mình xấu thì sinh con sẽ càng đẹp”. Bản thân việc mang thai đã làm cho người phụ nữ “bớt đẹp” rồi. Tăng cân, mệt mỏi, nôn ói, căng thẳng, ăn-ngủ khó khăn hơn, thì phải tìm cách làm cho mình đẹp hơn mới phải.
Dưới đây là những cách tự chăm sóc bản thân cho mẹ lúc mang bầu:
Dưỡng ẩm
Có thai, bạn “nóng” về mọi nghĩa. Máu trong cơ thể nhiều hơn, da dễ nổi mụn hơn, căng - rạn da! Đừng ngại thoa các chất dưỡng ẩm an toàn để giảm cảm giác khó chịu. Nhắc lại - chỉ cần nhớ nếu sử dụng thuốc trị mụn đừng quên hỏi bác sĩ của mình.
Sống tích cực
Tập thể thao - nếu bạn không có lý do đặc biệt nào bác sĩ yêu cầu không vận động. Ra huyết, đau bụng, doạ sẩy thai, doạ sanh non… thường được khuyên “nằm yên một chỗ”.
Bằng chứng cho thấy bất động không hề làm giảm nguy cơ sẩy thai hay sinh non, mặt nào đó lại “lợi bất cập hại”. Cứ vận động, đi bộ, bơi… trong khả năng của bạn. Chú ý những môn gắng sức hay gây căng giãn cơ quá mức, xoay trở quá mức… cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi tập.
Massage và Spa - thư giãn tinh thần
Thư giãn, massage nhẹ nhàng giảm cảm giác mệt mỏi, đau nhức là một ý hay. Bạn lưu ý vị trí, tư thế nằm an toàn và dễ chịu là được. Thư giãn, nghỉ ngơi khi bạn thấy mệt mỏi. Nếu có thể, bạn tham gia những khoá yoga với huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Kiểm soát những cảm xúc thất thường
Lúc vui - lúc buồn, lúc lo âu - lúc sợ hãi, bạn không hề cá biệt. Việc lo nghĩ về tương lai của con trẻ là điều hiển nhiên thôi! Tâm sự, nói - viết ra những bất an của mình, hoặc suy nghĩ “cảm xúc thất thường là một phần tất yếu của thai kỳ” - bạn sẽ dễ chịu hơn.
Chăm sóc tóc
Tóc rụng nhiều khi có thai và sau sinh cũng không đáng ngại lắm. Ăn uống đủ dưỡng chất sẽ có thể phục hồi mái tóc của bạn khoảng 6 tháng sau sanh. Cắt tóc gọn gàng gần ngày sanh là giải pháp giúp bạn trông đỡ “rối bù”.
Nhuộm tóc cũng được chấp nhận, nhưng tốt nhất đừng nhuộm trong 3 tháng đầu thai kỳ vì có rất nhiều loại thuốc nhuộm được sử dụng hiện nay, khó kiểm soát loại nào, chứa thành phần gì.
Trang điểm
Tại sao không? Bạn tìm hiểu tình trạng da của mình rồi sử dụng mỹ phẩm phù hợp. Nên đọc kỹ thành phần của loại mỹ phẩm bạn sử dụng, tránh những loại chứa chì. Tham khảo ý kiến người có kiến thức về làm đẹp, bạn sẽ chọn cách trang điểm phù hợp cho mình. Quan trọng nhất là bạn thấy mình luôn đẹp.
Phục trang thoải mái
Mặc đồ sáng màu, sạch sẽ, gọn gàng. Tránh quần áo nhiều chi tiết phức tạp. Giày cao gót hơi khó cho bạn, nhưng nếu giày của bạn dễ chịu, êm chân là được. Nên ưu tiên các loại giày chống trượt, co giãn tốt, thoáng chân vì đôi khi tình trạng phù chân khiến bạn rất khó chịu nếu giày bị chật.
Ăn uống khoa học
Nghĩa là không cố ăn quá nhiều, chọn thực phẩm an toàn, chia nhỏ bữa ăn để tránh cảm giác đầy hơi, khó tiêu. Không nhất định phải tẩm bổ thật nhiều, không nhất định phải cao lương mỹ vị, chỉ cần bạn thấy vui vẻ, thoải mái với món ăn đó.
Không thể có một loại thực phẩm nào giúp em bé của bạn thông minh xuất chúng - khoẻ mạnh hơn người, nên bạn cần ăn uống đa dạng, lành mạnh và sạch sẽ.
Vitamin
Viên sinh tố bổ sung thật sự hữu ích, vì bạn cần đủ vitamin, khoáng chất, nên viên uống bổ sung chắc chắn sẽ có ích cho bạn.
Uống đủ nước
Chia thành 8-12 cốc nước mỗi ngày. Uống đủ nước giúp bạn tránh được cảm giác mệt mỏi, nóng bức, giúp da không bị khô.
Ngủ đủ giấc
Đôi khi nhu cầu ngủ sẽ nhiều hơn bình thường, và phần vì bạn cũng dễ mệt mỏi hơn. Những giấc ngủ ngắn, ngủ trưa sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, dễ chịu hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình