Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc cơ thể khi buồng trứng "nghỉ hưu"

Chị em cần thay đổi một số thói quen để giúp cơ thể thích nghi với việc buồng trứng ngưng hoạt động.

"Nghỉ hưu" sớm

Trong khi các cơ quan khác như tim, phổi, gan, thận, xương khớp... phải bắt đầu làm việc từ lúc còn trong bào thai, thì hệ sinh dục được tạo hóa ưu tiên cho... ngủ ngon suốt mười mấy năm trời, chỉ vươn vai trở dậy vào tuổi dậy thì để giúp bé gái trở thành phụ nữ. Dù bắt đầu làm việc muộn nhất, buồng trứng lại là bộ phận "nộp đơn xin nghỉ hưu" sớm nhất.

Trong cái giai đoạn nhùng nhằng chờ "lãnh đạo duyệt đơn", cô nàng õng ẹo này lại làm việc cầm chừng theo kiểu... lãn công, gây ra đủ thứ khó khăn cho cơ thể như: tính tình thay đổi, những cơn bốc hỏa nóng phừng, mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu chóng mặt, lão hóa da tóc, loãng xương, viêm khớp, tăng cân, và cả những vấn đề sức khỏe như tim mạch, huyết áp, chuyển hóa...



Dù vậy, “không có mợ thì chợ cũng đông”, cơ thể vẫn phải tiếp tục những vòng xoay sinh lý của nó khi buồng trứng “thôi việc”. Đương nhiên, để thích nghi với sự thay đổi nhân sự này, sẽ phải có ít nhiều chỉnh sửa trong công việc điều hành cơ thể.

Đầu tiên là nhu cầu năng lượng chung sẽ giảm đi. Sau khi buồng trứng nghỉ hưu, các cơ quan khác cũng tự nhiên nhận ra mình đã làm việc... đủ rồi và giảm hoạt động. Hoạt động giảm đương nhiên sẽ cần ít năng lượng hơn, vì vậy khẩu phần ăn của phụ nữ phải giảm từ giai đoạn tiền mãn kinh.

Cắt giảm chất béo, bột và đường trong bữa ăn hàng ngày, chỉ cần 70% so với trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu về các chất dinh dưỡng quý như vitamin, chất khoáng, acid amin thiết yếu, chất chống oxy hóa... lại tăng lên, tức là bữa ăn giảm lượng nhưng phải tăng chất, đồng thời những chất dinh dưỡng cần được chọn lọc kỹ hơn.

Thực đơn và luyện tập

Lúc này, các bà nên chia các bữa ăn ra làm nhiều bữa nhỏ, trung bình khoảng 3 giờ ăn một lần, bữa chính xen kẽ với bữa phụ. Bữa ăn cuối trong ngày không nên trễ hơn 7g tối, nhất là với những người đi ngủ sớm.



Nên giảm chất béo tối thiểu, tức là tránh ăn nhiều các món ăn chiên, quay, xối mỡ, lăn bột... Ưu tiên chọn những chất béo tốt cho cơ thể như dầu thực vật, mỡ cá, tránh mỡ động vật, da, lòng, bơ, margarine.

Vẫn có thể duy trì 100g thức ăn giàu đạm mỗi ngày, nhưng ưu tiên chọn các loại “thịt trắng” như đậu hủ, cá, thịt gà vịt nạc..., giảm bớt thịt heo bò, hải sản . Sữa là thực phẩm không thể thiếu, mỗi ngày cần uống tối thiểu 500ml sữa không béo không đường hoặc uống sữa đậu nành mỗi ngày một đến hai ly cũng làm giảm bớt các triệu chứng bốc hỏa của mãn kinh.

Tăng rau xanh, trái cây tươi và thay một phần cơm trắng bằng ngũ cốc thô như khoai củ, miến dong, bún...

Mỗi tuần, nên có một ngày “ăn chay”, tức là không ăn chất đạm, chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc thô. Uống nhiều nước lọc, nước trà loãng ( nên uống cách xa bữa ăn) để cơ thể thải bỏ các chất chuyển hóa và để các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi.

Tập luyện và vận động rất cần thiết để duy trì sự dẻo dai, năng động. Các môn vận động phù hợp là đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, đánh cầu lông... Một số người quen chơi các môn thể thao mạnh như bơi lội, tennis... cũng có thể tiếp tục. Tập luyện cũng giúp làm giảm tâm lý căng thẳng, stress, bực dọc do sự thay đổi nội tiết tố.

Nên thu xếp để có thời gian thư giãn, nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch, họp mặt bạn bè là những sinh hoạt có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, giúp cơ thể quen dần với những ngày đầu tiên buồng trứng ngưng làm việc.

Theo Phụ nữ TP.HCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X