Hotline 24/7
08983-08983

Cây óc chó: Vị thuốc dân gian nhiều công hiệu đến bất ngờ

Hạt óc chó chữa được nhiều bệnh mà Tây y thường bó tay hoặc chữa hoài không hết như: chứng suy nhược thần kinh, hay quên, ngủ kém, di tinh, liệt dương, rối loạn cương...

Cây óc chó vốn có nguồn gốc từ ấn Độ và các nước Tây Nam á, hiện đã di thực vào Việt Nam; được trồng ở một số tỉnh biên giới như Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn; Hồ đào xuất sang Trung Quốc rất được ưa chuộng.

Cây óc chó (còn gọi là hồ đào) là loại cây to, vỏ nhẵn, màu tro, sống lâu năm; độ cao có thể đạt tới 30m. Lá kép lông chim, không có lá kèm; thường có 7-9 lá chét; mép nguyên không cuống, hình trứng thuôn, khi vò có mùi hăng; trên chia thành 4 thùy ở phía dưới, nhiều rãnh nhăn nheo. Hoa nở vào mùa hạ, quả chín vào tháng 9-10.

Quả óc chó hay còn gọi là quả hồ đào. Ảnh: Internet
Quả óc chó hay còn gọi là quả hồ đào. Ảnh: Internet

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi:

- Nhân quả óc chó chứa 40 - 50% chất béo, ngoài ra trong hạt Hồ đào còn có 15,5% protein, 10,4% hydrat cacbon, 1,5% tro (magiê, mangan, canxi photphát, sắt, vitamin A, B2, C và E).

- Thanh long y (vách ngăn trong quả) có axit xitric, axit malic, juglin, hydrojuglon, axit elagic, emunsin, peroxydaza và tro.

- Lá Óc chó chứa một ít tinh dầu, khoảng 5% chất đường inozitol, một tanin pyrogalic, axit galic và axit elagic, ngoài ra còn có chất juglon và hydrojuglon, một chất hắc và đắng là juglandin, chất nhựa và pectin”.

Cây óc chó được dùng trong cả Đông y và Tây y. Tây y chủ yếu chỉ sử dụng lá dùng làm thuốc se da, sát trùng, bổ máu và lọc máu; Đông y sử dụng toàn bộ cây óc chó.

Nhân quả óc chó

Là nhân phơi hay sấy khô của quả óc chó chín, còn có tên là Hạch đào nhân, Hồ đào nhục, Hạch đào nhục, Hồ đào.

Tính vị, quy kinh: Nhân quả óc chó có vị ngọt, tính ôn, không độc, vào 2 kinh phế, thận.

Công hiệu: Bổ thận cố tinh, ôn phế định suyễn, nhuận tràng.

Chủ trị: Phế thận hư suy khái suyễn, lưng gối yếu mỏi, dương nuy (liệt dương, rối loạn cương cứng), di tinh, tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu có lẫn sỏi, đại tiện táo kết; dùng làm thuốc bổ dưỡng, nhuận da, đen tóc…

Đông trùng hạ thảo, Cáp giới (Tắc kè) và nhân quả óc chó đều là những vị thuốc cam ôn (ngọt ấm), chủ yếu vào 2 kinh phế và thận, có tính năng bổ phế, thận, trừ ho suyễn; thích ứng với các chứng ho suyễn do phế thận lưỡng hư. Tuy nhiên, giữa các vị thuốc trên có một số khác biệt: Đông trùng hạ thảo ngọt ấm mà không háo, bổ thận dương lại bổ phế âm, là vị thuốc quan trọng để tư dưỡng phế, thận; Cáp giới bản tính thuần âm, bổ thận dương và bổ phế khí, ích tinh huyết và chống ho suyễn, là vị thuốc quan trọng để bồi bổ đồng thời hai tạng phế, thận; nhân óc chó tuy ngọt ấm mà tính lại nhuận, bổ thận âm, bổ phế khí, lại vừa nhuận tràng, có sở trường bổ thận, ôn phế, trừ ho suyễn.

Liều dùng: 10 - 30g dưới dạng thuốc bột hay sắc nước uống.

Kiêng kỵ: Người âm hư hoả vượng, ho do đờm nhiệt và đại tiện lỏng dùng phải cẩn thận.

Không uống óc chó với nước trà đặc.

Hồ đào diệp (lá cây óc chó)

Vị ngọt tính ấm; có tác dụng sát trùng, giải độc.

Chủ trị: Khí hư, bạch đới, mụn nhọt lở loét, phù chân voi.

Hồ đào xác (vỏ quả óc chó đã chín  - phần thịt): Còn có tên Thanh long y.

Chủ trị: Băng huyết, nhũ ung, lở ngứa.

Hồ đào chi (cành non của cây óc chó): Vị ngọt, tính ấm; có tác dụng sát trùng giải độc; chủ trị ung nhọt, lở loét, ngoài ra còn dùng để làm thuốc giảm đau, bổ máu, kích thích tiêu hoá và điều trị một số bệnh ung thư.

Hồ đào hoa
(hoa óc chó):  Ngâm rượu đắp chữa mụn cóc Hồ đào căn (vỏ rễ óc chó): Có tác dụng nhuận tràng, thông đại tiện; có thể dùng để chữa táo bón mạn tính.

Phân tâm mộc (là vách ngăn bên trong quả): Còn gọi là Hồ đào y, Hồ đào giáp, Hồ đào cách. Theo sách Bản thảo tái tân, Phân tâm mộc vị đắng, chát, tính bình; vào 2 kinh tỳ và thận; có tác dụng kiện tỳ, cố thận, sáp tinh, lợi niệu thanh nhiệt. Dùng chữa di tinh hoạt tiết, lâm bệnh, niệu huyết, di niệu (đái dầm, đái són), băng trung, đới hạ, tả lỵ.

Liều dùng uống trong: 6 - 9g.

Một số bài thuốc dùng Hồ đào

- Chữa dương nuy (liệt dương, rối loạn dương cương): di tinh Hồ đào nhân 60g, rau Hẹ 250g, Dầu vừng 30g, muối 1,5g, rán chín ăn, hoặc Hồ đào nhân, Khiếm thực, ý dĩ nhân (lượng bằng nhau: 9 - 15g), sắc nước uống trong ngày.

- Chữa di tinh: Phân tâm mộc 6g, Khiếm thực 12g, Câu kỷ tử 12g, Bổ cốt chi 9g, Mẫu lệ 24g; sắc nước uống trong ngày.

- Chữa đau lưng, mỏi gối:
Dùng Thanh nga hoàn, gồm: Hồ đào nhân 300g, Bổ cốt chi 120g (sao thơm), Đỗ trọng 240g (tẩm Gừng sao), nghiền mịn các vị, trộn với 120g Tỏi giã nhuyễn làm thành viên; ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu bằng rượu ấm.

- Chữa đêm ngủ đi tiểu nhiều lần : Hồ đào nhân nướng chín, ăn trước lúc đi ngủ, chiêu bằng rượu ấm.

- Chữa sỏi đường tiết niệu: Hồ đào nhân 60g, Dầu vừng 60g, rán Hồ đào nhân, thêm 60g Đường trắng, trộn đều, nghiền nhuyễn, chia ra 3 lần ăn trong ngày, hoặc dùng Hồ đào nhân 60g, Gạo tấm 30g, nấu cháo ăn.

- Chữa ho, đờm suyễn lâu ngày (bao gồm viêm phế quản mạn tính ở người già, hen suyễn, phế khí thũng) Hồ đào nhân (1 - 2 quả) nhai với Gừng tươi (1 - 2 lát), nuốt dần; ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, hoặc dùng Nhân sâm, Hồ đào nhân (mỗi vị 6g), sắc nước uống.

- Chữa người già yếu, ho, thở, ngủ không được: Hồ đào nhân, Hạnh nhân, Sinh khương (mỗi vị 40g), giã nát, dùng mật viên to bằng hạt ngô. Ngậm 1 - 2 viên cùng nước Gừng trước khi đi ngủ.

- Chữa người cao tuổi bị táo bón: Hồ đào nhân 60g, Hắc chi ma (Vừng đen) 30g, giã nát, trộn đều; chia ăn 2 lần trong ngày (sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ).

- Chữa đau dạ dày: Thịt quả Hồ đào còn xanh (trái chưa chín, bỏ nhân) 120g, ngâm trong 240g rượu, nút kín, ngâm trong 7 - 10 ngày là dùng được. Mỗi lần uống khoảng 2g, có tác dụng giảm đau dạ dày do thần kinh.

- Chữa thần kinh suy nhược, hay quên, kém ngủ, hay ngủ mê, kém ăn: Hồ đào nhân, Hắc chi ma (Vừng đen), Tang diệp  (ba vị lượng bằng nhau), giã nhuyễn, hoàn thành viên 3g; ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 viên.

- Chữa chứng tạng táo (lên cơn thần kinh - hysteria): Hồ đào nhân 30g, đập vụn, hãm nước sôi, pha thêm đường vào, uống  ngày 3 lần.

- Chữa trẻ bị chốc đầu: Hồ đào (cả vỏ) thiêu tồn tính để nguội, thêm nửa phần Kinh phấn, trộn đều, tán nhỏ, hoà với dầu Thầu dầu, bôi lên chỗ chốc đầu đã rửa sạch bằng nước Trầu không hay nước Bạch đồng nữ.

- Chữa các chứng ngứa và viêm loét ngoài da: Hồ đào xác xát vào chỗ bị bệnh hoặc Hồ đào xác sắc lấy nước đặc để rửa, mỗi ngày 3 - 5 lần;  thường sau khoảng 10 – 20 ngày là khỏi.

- Chữa nhũ ung (sưng vú): Hồ đào xác thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, uống mỗi lần 6g cùng với rượu.

- Chữa ung thư cổ tử cung: Lấy một đoạn cành bánh tẻ (khoảng 30cm) của cây Hồ đào, chặt nhỏ, luộc cùng với 4 quả Trứng gà. Khi trứng chín, bóc bỏ vỏ trứng, cho vào nồi nấu nhỏ lửa trong 4 giờ. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 2 quả, liên tục trong nhiều ngày; có tác dụng điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Nguồn tham khảo:
http://caythuocquy.info.vn/Ho%CC%80-%C4%91a%CC%80o-nhan-Vi%CC%A3-Thuo%CC%81c-tra%CC%81ng-d%C6%B0%C6%A1ng-bo%CC%89-phe%CC%81-cho%CC%81ng-ung-th%C6%B0-1114.html

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X