Hotline 24/7
08983-08983

Cách người Nhật dạy con đứng lên từ thất bại

Con có quyền làm sai và thất bại, nhưng sau thất bại đó con phải học cách tự một mình đứng lên. Đó là cách dạy con của các bà mẹ Nhật ngay từ khi con còn thơ ấu.

Ở Nhật Bản, hình ảnh những em bé mầm non hoặc tiểu học tự một mình đi học trên đường hay đi cùng các bạn mà không có sự đưa đón của phụ huynh đã trở nên quen thuộc. Khi đến lớp, các em được yêu cầu phải xếp dép của mình thật ngay ngắn, sau đó là xếp đồ chơi. Các động tác phải thật thành thạo. Nếu sai phải làm lại, không được bỏ cuộc đến khi nào nhuần nhuyễn mới thôi. Tính kiên cường, vượt lên từ thất bại đã được rèn giũa cho bé thông qua những bài học nhỏ như thế.

Nana korobi ya oki – “Bảy lần vấp ngã, tám lần đứng dậy”


Bảy lần vấp ngã, tám lần đứng dậy. Đây là câu thành ngữ chỉ sự kiên cường cố gắng mà người Nhật dùng để dạy con noi theo. Sai ở đâu thì sửa ở đấy, vấp ngã chỗ nào thì tại chỗ đó đứng lên. Tự thân vận động, không nhờ vả người khác. Quan trọng hơn, câu nói không đơn giản chỉ ngã bao nhiêu lần thì đứng dậy bao nhiêu lần mà còn phải nỗ lực nhiều hơn những lần trước. Người Nhật dạy con phải biết cố gắng, không ngừng dấn thân vào khó khăn để biết khả năng thật sự của mình tới đâu.

Khuyến khích con khám phá thiên nhiên và cuộc sống mà không có bất kỳ giới hạn nào.

Ganbatte - “Cố lên con, hãy làm tốt nhất có thể”

Khi con gặp vấn đề khó khăn, một bà mẹ phương Tây sẽ chúc con may mắn. Còn một bà mẹ Nhật sẽ động viên con: “Ganbatte” có nghĩa là cố lên con, hãy làm tốt nhất có thể. Đây chính là sự khác biệt của người Nhật trong cách hướng con giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Người Nhật không bao giờ trông chờ vào vận may như cách người Mỹ chúc con "Good luck" (may mắn) trước một kỳ thi lớn, một thử thách quan trọng. Họ luôn cố gắng làm hết sức có thể để đạt được mục tiêu của mình. Trẻ em Nhật trong những năm đầu đời luôn được khuyến khích tự do phát triển, khám phá mọi thứ mà không có bất kỳ giới hạn nào. Thậm chí trong chương trình học của trẻ mẫu giáo, nhà trường chỉ chú trọng giáo dục về nhân phẩm và kĩ năng sinh hoạt thường ngày cho bé.

Người Nhật không khen con thông minh trước mặt người khác, thay vào đó họ sẽ khen ngợi sự cố gắng của trẻ: con đã rất nỗ lực.

Sức mạnh của từ “chưa”

Người Nhật không dạy con mình nói “con không biết”, “con không hiểu”, “con không làm được” mà thay vào đó sẽ là “con chưa biết”, “con chưa hiểu”, “con chưa làm được”. Sự thay đổi từ ngữ trong cách nói này giúp trẻ thay đổi tư duy, có thêm niềm tin vào bản thân mình hơn.

Trẻ em Nhật được khuyến khích tự khám phá bản thân mình nhiều hơn và không bao giờ bỏ cuộc khi vấn đề xảy ra. Cũng như việc được yêu cầu học cách sắp xếp giày dép trước khi vào lớp mỗi ngày, nếu chưa biết, trẻ sẽ học dần dần đến khi nào trở nên thành thạo. Còn không biết thì sẽ không bao giờ làm được.

Nếu có sự nỗ lực, cố gắng thì lĩnh vực nào trẻ cũng có thể biết và làm tốt. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nói “chưa” chứ không thể nói “không”. Điều này giải thích tại sao trường học ở Nhật không phân chia lớp theo năng lực của bé.

Có nhiều chuyện không phải làm một lần là đã thành công. Dạy con biết đứng lên từ sau thất bại. Muốn đứng lên đòi hỏi đứa trẻ phải có tính kiên cường. Tính kiên cường phải được rèn giũa từ tấm bé. Đó là cách dạy tính kiên cường cho con của người Nhật nhưng bất kỳ ai cũng có thể làm được nếu chúng ta muốn.

Thói quen trách mắng, thậm chí sử dụng đòn roi nếu con không đạt được thành tích tốt hoặc không vượt qua được những trở ngại, chỉ khiến bé thêm áp lực, không vượt qua nổi và có tâm lý buông xuôi.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X