Hotline 24/7
08983-08983

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận

Xét nghiệm đánh giá chức năng thận thực hiện khi bác sỹ nghi ngờ bạn có các rối loạn chức năng thận, ngoài ra cũng dùng để theo dõi các biến chứng tại thận ở những người bị tiểu đường và tăng huyết áp.

Thận là cơ quan có hình hạt đậu, nằm ở sau khoang bụng và hai bên cột sống. Cơ thể con người bình thường có hai quả thận, mỗi thận có kích thước gần bằng nắm tay.

Thận có vai trò quan trọng với cuộc sống của con người,như:

- Lọc các chất cặn bã trong máu, rồi đào thải ra ngoài qua nước tiểu
- Duy trì cân bằng nước – điện giải trong cơ thể
- Tham gia tổng hợp một số chất như: hồng cầu, vitamin D, hormone điều hòa huyết áp

Xét nghiệm đánh giá chức năng thận thực hiện khi bác sỹ nghi ngờ bạn có các rối loạn chức năng thận, ngoài ra theo dõi các biến chứng tại thận ở những người đái tháo đường và cao huyết áp. Xét nghiệm được thực hiện trên máu và nước tiểu của bạn.

CÁC DẤU HIỆU VỀ RỐI LOẠN CHỨC NĂNG THẬN

Một số dấu hiệu rối loạn chức năng thận thường gặp, bao gồm:

- Tăng huyết áp.

- Xuất hiện máu trong nước tiểu.

- Tiểu buốt, tiểu dắt.

- Phù bàn tay và các ngón chân, bàn chândo ứ dịch trong cơ thể.

Sự xuất hiện đồng thời các triệu chứng nêu trên có thể là dấu hiệu của một rối loạn chức năng thận. Khi đó, bạn cần thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra chức năng thận, tìm ra nguyên nhân

CÁC XÉT NGHIỆM ĐÁNH GIÁ CHỨC NĂNG THẬN

Các xét nghiệm giúp bác sỹ thăm dò chức năng thận bao gồm: tổng phân tích nước tiểu, định lượng creatinine, urea, BUN máu, độ lọc cầu thận (GFR).

Tổng phân tích nước tiểu (Urinalysis)

Xét nghiệm thực hiện trên mẫu nước tiểu, có thể là nước tiểu lấy ngay hoặc mẫu thu thập trong 24 giờ. Xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của hồng cầu, bạch cầu, protein và một số chất bất thường khác trong nước tiểu, ví dụ như trong nhiễm trùng tiết niệu.

Tuy nhiên nếu bạn luyện tập hoặc lao động nặng, protein cũng có thể xuất hiện trong nước tiểu, nhưng không phải bệnh lý. Khi đó, bạn cần thực hiện lại xét nghiệm sau một vài tuần để loại trừ trường hợp bệnh lý về thận.

Định lượng Creatinine máu

Creatinine là sản phẩm thoái hóa của Creatine phosphate (dạng năng lượng dự trữ trong cơ) khi cơ thể vận động, Creatinine được giải phóng vào trong máu, đi tới thận, được lọc và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi nồng độ Creatinine trong máu tăng cao, có thể nghĩ tới các bệnh lý tại thận làm suy giảm chức năng lọc và bài tiết nước tiểu.

Giá trị bình thường của Creatinine máu thay đổi theo tuổi, giới và cường độ hoạt động của cơ thể. Ở vận động viên thể thao, Creatinine có giá trị cao hơn người bình thường. Đối với trẻ em và người già nồng độ Creatinine có giá trị thấp hơn, ở nữ giới thấp hơn ở nam giới.

- Ở nam: 62-120 µmol/L
- Ở nữ: 53-110 µmol/L


Định lượng Urea

Urea được tổng hợp tại gan từ NH3 - sản phẩm của quá trình thoái hóa protein. Sau đó, Urea được đưa vào máu, đi tới thận và đào thải ra ngoài qua nước tiểu, chỉ một phần nhỏ được tái hấp thu. Urea máu tăng cao phản ánh chức năng lọc và bài tiết nước tiểu của thận bị suy giảm. Nồng độ Urea máu bình thường trong máu: 2.5-7.5 mmol/L.

Định lượng BUN

BUN là sản phẩm thoái hóa của các hợp chất chứa Nito, chủ yếu là quá trình thoái hóa protein. Sự tăng nồng độ BUN trong máu phản ánh các rối loạn tại thận. Ngoài ra, khi bạn sử dụng một số thuốc như kháng sinh, Aspirin liều cao cũng làm tăng nồng độ BUN trong máu. Nồng độ BUN máu bình thường 7-20 mg/dL.

Đo độ lọc cầu thận (GFR)

Xét nghiệm đánh giá khả năng lọc và đào thải một chất của thận. Độ lọc cầu thận (GFR) được xác định dựa vào yếu tố:

- Nồng độ Creatinine máu và nước tiểu (thu thập 24 giờ)
- Tuổi
- Giới
- Chủng tộc
- Chiều cao
- Cân nặng

Khi GFR < 60ml/phút/1.73m2 là dấu hiệu của các bệnh lý về thận.

HƯỚNG DẪN CÁCH THU THẬP MẪU NƯỚC TIỂU 24 GIỜ

Nước tiểu lấy trong 24 được dùng để thực hiện xét nghiệm đo độ lọc cầu thận (GFR) thông qua đánh giá độ thanh thải Creatinine. Xét nghiệm giúp bác sỹ biết được có bao nhiêu Creatinine được đào thải ra nước tiểu trong 24 giờ.

Bác sỹ sẽ đưa bạn một bình nhựa khoảng 3-5 lít, bên trong chứa chất bảo quản. Buổi sáng sớm thức dậy (ví dụ 6 giờ sáng) bạn đi tiểu bình thường, nhưng kể từ lần đi tiểu kế tiếp, bạn phải hứng toàn bộ nước tiểu vào bình chứa đã đưa, kể cả đi tiểu lúc đại tiện hay lúc tắm. Trong đêm nếu bạn có đi tiểu bao nhiêu lần thì cũng đều phải hứng vào bình chứa. Sau mỗi lần, hãy đóng nắp và lắc nhẹ bình chứa để trộn đều nước tiểu với chất bảo quản. Sáng hôm sau bạn thức dậy (6 giờ sáng), bạn đi tiểu và hứng nước tiểu lần cuối vào bình chứa, lắc đều, dán nhãn hoặc ghi các thông tin cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ, khoa điều trị) lên bình rồi mang tới phòng xét nghiệm.

KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM ĐƯỢC BÁC SỸ SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO?

Kết quả xét nghiệm giúp các bác sỹ phát hiện các tổn thương sớm tại thận, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị tốt nhất, giúp ngăn ngừa tiến triển xấu. Bạn có thể được kê đơn thuốc hạ huyết áp, nếu các kiểm tra cho thấy huyết áp đang cao, cùng với điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, thì việc duy trì đường huyết ổn định ở mức cho phép giúp phòng ngừa các biến chứng về thận trong bệnh lý đái tháo đường.

Theo Lê Văn Công
Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X