Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Trẻ bú sữa, tiêu tiểu thế nào là bình thường?

Chiều 6/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn online những thắc mắc của bạn đọc Alobacsi xung quanh chuyện tiêu tiểu của bé yêu: Trẻ đi tiểu như thế nào là bình thường? Dấu hiệu nhận biết bé bị táo bón, tiêu chảy?...

Kính mời quý bạn đọc đón xem phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:


NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1 - Không chỉ vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, mà chuyện tiêu tiểu của bé yêu cũng khiến các ông bố bà mẹ trẻ trăn trở. Xin hỏi BS, trong giai đoạn trẻ bú mẹ từ sơ sinh cho tới 6 tháng (trước khi ăn dặm), việc đi cầu, đi tiểu của bé diễn ra với mức độ như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình
 
Đối với bé khỏe mạnh bình thường thì:

Thứ nhất, về việc đi cầu của bé:

Mỗi em bé sơ sinh sẽ có số lần đi ngoài khác nhau trong 1 ngày và không theo nguyên tắc nào cả mà nó phụ thuộc vào việc bé bú sữa mẹ hay bú bình và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của từng bé. 

- Thông thường, từ 6-12 giờ sau khi sinh bé sẽ đi ngoài ra phân được gọi là phân su. Phân su không mùi, có màu xanh đậm và bé đi khoảng từ 2-3 ngày sau khi sinh. Sau đó, khi bé sẽ đi phân màu vàng nhạt bình thường.

- Đối với bé bú sữa mẹ, bé sẽ đi ngoài khoảng 5 – 6 lần 1 ngày, nhiều khi đến 10 lần ngày, đi phân hoa cà hoa cải. Tuy nhiên, cũng có một số bé 2 – 3 ngày mới đi ngoài 1 lần nhưng phân vẫn vàng, mềm nhuyễn, có khi lẫn chút nước thì là bình thường. Số lần đi ngoài của bé có thể thay đổi mỗi ngày và bé có thể đi ngoài ngay trong lúc đang bú mẹ.

- Nếu bé bú sữa công thức thì thường sẽ đi ngoài ít hơn so với bé bú sữa mẹ. Thông thường bé bú bình đi ngoài từ  1-4 lần 1 ngày, thường tùy thuộc vào loại sữa bé uống và sự tiêu hóa của bé, phân thường dẻo, và có màu nhạt hơn, mùi cũng nặng hơn bé bú mẹ. Bé bú sữa bình thường dễ bị táo bón hơn bé bú mẹ, nên mẹ cần kiểm tra phân của bé cũng như số lần đi ngoài để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Thứ hai, về việc đi tiểu của bé:

- Thông thường bé đi tiểu khoảng 6 lần trong 1 ngày hoặc nhiều hơn. Trung bình cứ 1-3 giờ bé đi tiểu 1 lần, nước tiểu trong suốt cho đến vàng hoặc vàng đậm, có mùi Amoniac. Nếu bé bệnh hoặc đang sốt, thời tiết nóng thì số lần đi tiểu sẽ ít hơn và ngước tiểu có màu vàng sậm hơn bình thường. Đây là quá trình hết sức bình thường ở trẻ sơ sinh nên mẹ không cần quá lo lắng.

- Khi bé uống ít nước hoặc uống sữa thì nước tiểu sẽ càng đặc và càng có màu sẫm, đây là dấu hiệu để mẹ nhận biết và bổ sung cho bé uống thêm nước hoặc sữa.

Thân.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Câu 2 - Nhờ BS hướng dẫn công thức tính lượng nước tiểu 24 giờ của bé? Nếu lượng nước tiểu ít hay nhiều so với công thức thì có đáng lo không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Chỉ số bình thường ở trẻ em thì lượng nước tiểu 24 giờ của bé được tính theo cân nặng từ 25-50 ml/kg cân nặng của bé /ngày (bé dưới 01 tuổi).

Công thức tính: V ml/24giờ = 600+100 (n-1) ( bé trên 01 tuổi ).

Với V: thể tích nước tiểu; n: tuổi bé.

Lượng nước tiểu bé còn phụ thuộc vào độ tuổi, chế độ ăn uống và chức năng bài tiết của thận (nếu bé uống nhiều nước hoặc ăn nhiều canh, bé sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường). Nếu lượng nước tiểu ít hoặc nhiều hơn bình thường và kèm theo một số triệu chứng bất thường thì cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ khám và xử trí cho bé.

Thân mến.


Lượng nước tiểu của từng bé không giống nhau. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 3 - Màu nước tiểu của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Dấu hiệu nào để biết bé bị nhiễm trùng tiểu ạ? Trường hợp này có điều trị tại nhà được không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Trẻ sơ sinh có nước tiểu màu trong suốt cho đến vàng hoặc vàng hơi đậm, có mùi Amoniac là bình thường.

Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị nhiễm trùng tiểu:

Thường thì những trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có thể có nhiều triệu chứng như: sốt, nôn hay tiêu chảy, tiểu ít hay không tiểu, ngủ gà, mất ngủ, quấy khóc, chán ăn, bỏ bú, đau bụng, đi tiểu ra máu... Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng trên thường không rõ ràng. Do vậy, khi thấy trẻ sốt mà không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, tiểu ít hoặc không tiểu,... thì phải đưa bé đến bệnh viện vì có thể trẻ đã bị nhiễm trùng đường tiểu.

Trẻ càng lớn thì các triệu chứng của bệnh càng rõ hơn: Trẻ muốn đi tiểu mà không đi được hoặc trẻ thường xuyên tiểu són, tiểu lắt nhắt, tiểu gắt, nước tiểu của trẻ thấy đục, nhiều khi tiểu ra máu, đau hông lưng, tiểu nhiều về đêm, đái dầm. Nhất là bé trai, quan sát thấy bé khi đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ, cần cho bé khám ngay vì có thể do dài hoặc hẹp bao quy đầu.

Nhiễm khuẩn đường tiểu là bệnh gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng hơn. Sau mỗi đợt nhiễm khuẩn đường tiểu nặng hoặc nhiễm khuẩn đường tiểu tái phát nhiều lần, trẻ sẽ bị sẹo thận dẫn đến suy thận mạn sau này.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường hay có các biểu hiện của bệnh trên, cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám, chẩn đoán xác định và điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu cho trẻ, cha mẹ nên quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ. Với trẻ nhỏ cần lau khô và thay tã cho trẻ ngay sau mỗi lần trẻ đi vệ sinh (bé gái thì vệ sinh từ lỗ tiểu ra sau hậu môn để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng ngược dòng).

Nên cho trẻ uống đủ nước hằng ngày, ăn uống nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể trẻ. Đồng thời, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm nhất là các loại rau, củ, quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn. Bê cạnh đó, tuân thủ quy trình điều trị của bác sĩ, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin để nâng cao sức đề kháng; hướng dẫn trẻ cách đị vệ sinh sạch sẽ và đúng cách.

Thân mến.

Câu 4 - Bé phải rặn khi đi tiểu có sao không BS, gặp hiện tượng này bố mẹ có cần lo lắng về hệ tiết niệu của bé?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bé rặn khi đi tiểu có thể là do bé bị bệnh lý ở đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu, hẹp bao da quy đầu… Cha mẹ nên sớm đưa bé đến bệnh viện để được BS khám, chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp nhé.

Thân.

Câu 5 - Phân của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào qua các tuần/tháng? Màu sắc và độ đặc/lỏng như thế nào là bình thường?

Thông thường, từ 6-12 giờ sau khi sinh bé sẽ đi ngoài ra phân được gọi là phân su. Phân su không mùi, có màu xanh đậm, màu đen, rất dính và bé đi khoảng từ 2-3 ngày sau khi sinh. Phân su được tạo từ nước ối, chất nhờn, tế bào da và tế bào khác được thai nhi thải vào trong tử cung.
Sau đó, phân của bé bắt đầu nhạt màu hơn đồng thời cũng ít dính hơn. Đây chính là thứ phân chuyển tiếp cho thấy bé đã bắt đầu tiêu hóa sữa mẹ và đường ruột dần đi vào hoạt động.

Khi bé bú mẹ, phân có nhiều màu khác nhau do mẹ ăn nhiều thức ăn khác nhau. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.


Thông thường, quan sát thấy bé đi ngoài, phân có màu vàng hoặc hơi xanh và lỏng chứng tỏ bé khỏe mạnh, bình thường. Phụ huynh có thể yên tâm.

Thân mến.

 
Câu 6
- Phân của trẻ bú sữa mẹ và trẻ bú sữa công thức có khác nhau không ạ? Phân, có bọt, nhầy là do nguyên nhân gì, khắc phục thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Phân của trẻ bú sữa mẹ và trẻ bú sữa công thức khác nhau như sau:

- Nếu bé được cho bú sữa mẹ hoàn toàn, phân sẽ có màu vàng hoặc hơi xanh và lỏng (hoa cà, hoa cải). Nó rất giống với nước mũi khi bị cảm còn kèm theo những hạt trắng dẻo lấm tấm, lẫn trong phân và có mùi chua.

- Còn phân của bé bú sữa công thức thì phân có dạng nhão như bơ đậu phộng và màu nâu nhạt, vàng nâu hoặc xanh nâu. Ngoài ra, mùi phân cũng nặng hơn so với phân của trẻ bú mẹ.

Trẻ đi phân có bọt, nhầy thường có rất nhiều nguyên nhân nhưng điển hình có 4 nguyên nhân:
  • Đường ruột trẻ chưa tiêu hóa hết lượng đường trong sữa do hệ tiêu hóa trẻ chưa hoàn thiện.
  • Do nhiễm khuẩn đường ruột: Bé sống trong môi trường không được đảm bảo vệ sinh thì bé sẽ rất dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập, nhất  là loại vi khuẩn E.coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter, Yersinia gây ra tình trạng tiêu chảy có nhầy, bọt kèm theo sốt cao, đau bụng… Nguy hiểm hơn là loại virus mang tên Rota loại virus này có khả năng gây nên những tổn thương dạ dày và lớp lót bên trong ruột làm cho  sữa không được hấp thụ gây nên tình trạng trẻ đi ngoài có chất nhầy.
  • Do dị ứng sữa như: bé không dung nạp được sữa hoặc bé bị dị ứng do dùng thuốc kháng sinh, thiếu men enzyme.
  • Do trẻ mắc hội chứng kém hấp thu, do chế độ ăn của mẹ hoặc do các bệnh lý khác.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình (trái) và BTV Mỹ Thi đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long.

Cách khắc phục phân có bọt nhầy ở trẻ nhỏ:

- Cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bé đi ngoài có bọt nhầy. Nếu bé đi ngoài có bọt nhưng không bị tiêu chảy và vẫn khỏe mạnh, tăng cân bình thường thì mẹ chỉ cần chú ý chế độ chăm sóc và dinh dưỡng của bé. Đối với các bé đang bú sữa mẹ vẫn cho bé bú bình thường nhưng mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn của mẹ. Nếu bé đang dùng sữa công thức mẹ có thể thay đổi nhãn hiệu sữa và vệ sinh sạch sẽ tay, đồ dùng trước khi cho bé ăn.

- Đối với các bé đi ngoài sủi bọt nhầy kéo dài và kèm theo các triệu chứng bất thường như trên thì mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám tìm ra nguyên nhân bệnh để xử trí kịp thời.

- Ngoài ra, thực hiện các phương pháp sau tại nhà để giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe như: cho bé đủ nước bằng cách cho bé uống sữa , thay tả thường xuyên để giúp bé khô ráo, thoải mái. Quần áo, chăn mền cho bé nên sạch sẽ.

- Rửa tay thường xuyên khi chăm sóc bé.

- Mẹ có chế độ ăn thích hợp và đầy đủ dinh dưỡng để bé bú mẹ được khỏe mạnh.

Thân mến.

Câu 7 - Bé đang bú sữa có thể đi phân cứng không ạ? Vài ba ngày bé không đi ngoài có sao không? Dấu hiệu nhận biết bé bị táo bón? Cách khắc phục như thế nào thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bé đang bú sữa mẹ hiếm khi đi ngoài phân cứng, vài ba ngày bé không đi ngoài thì không sao do bé bị mất nước nhưng nếu tình trạng này kéo dài là nghĩ ngay đến bé bị táo bón.

Các dấu hiệu của táo bón: số lần đi ngoài ít, nhiều khi 3-4 ngày bé mới đi ngoà , đi phân rắn, vón cục và mỗi lần đi khó khăn phải rặn.

Cách khắc phục: bé bú mẹ thì mẹ nên thay đỗi chế độ ăn uống cho phù hợp nhất là các chất  có nhiều chất xơ. Bé bú bình, bổ sung các loại chất xơ hòa tan thêm vào các cữ sữa của bé. Nhiều bé phản ứng táo bón với sữa bột công thức làm từ sữa bò thì chuyển qua dùng sữa làm từ đạm đậu nành.

Nguồn: Internet


Câu 8 - Dấu hiệu nhận biết bé bị tiêu chảy như thế nào ạ? Vì sao bé chỉ bú sữa mẹ vẫn bị tiêu chảy? Nhờ BS hướng dẫn cách khắc phục ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Khi trẻ đi ngoài, phân lỏng là dấu hiệu đầu tiên và điển hình nhất khi trẻ bị tiêu chảy. Ngoài ra, phân lỏng, nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày từ 10 -15 lần. Phân có mùi chua, phân nhầy, đối với trường hợp bị lỵ phân sẽ có nước lẫn máu.

Tiếp theo trẻ sẽ có dấu hiệu buồn nôn và nôn ói thường gặp khi bị tiêu chảy do virus rota hoặc do tụ cầu, trường hợp này thường khiến trẻ nôn nhiều trong vài ngày, dẫn đến tình trạng mất nước và chất điện giải. Đồng thời, do bị mất lượng nước lớn nên bé lúc nào cũng cảm thấy khát.
Tiêu chảy nhiều ngày làm cho trẻ bị kém ăn, biếng ăn. Trẻ có thể có biểu hiện vật vã, kích thích quấy khóc hoặc mệt lả, li bì hôn mê nếu tình trạng mất nước nặng hoặc sốt do giảm khối lượng tuần hoàn. Bên cạnh đó, khi trẻ khóc to không có nước mắt là bị mất nước trung bình. Mắt có thể bình thường, trũng hoặc rất trũng và khô.

Trong trường hợp trẻ bị mất nước nặng và sốc thì  bàn chân bàn tay thường lạnh móng tay màu tím hoặc da có nổi vân tím. Da bụng và đùi các nếp hằn da thường mất nhanh, khi nếu nếp véo da mất đi chậm hoặc rất chậm trên 2 giây là biểu hiện của mất nước nặng. Ở trẻ bị mất nước, trẻ sẽ thở nhanh do tăng chuyển hóa ở các trường hợp nước nặng và mạch thường rất nhanh và yếu.

Bé bú mẹ nhưng vẫn bị tiêu chảy là do một trong các nguyên nhân sau:

- Nhiễm trùng đường ruột: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là virus Rota. Loại virus này gây ra bệnh viêm dạ dày, viêm ruột và một số bệnh nhiễm trùng khác.

- Không dung nạp lactose: Lactose là một thành phần có trong sữa công thức và cả sữa mẹ. Khi cơ thể trẻ sơ sinh không sản xuất đủ lactase, một loại enzym cần thiết để tiêu hóa Lactose khiến cho hàm lượng Lactose bị tích tụ ở ruột, gây nên các vấn đề về đường ruột trong đó làm cho bé bị tiêu chảy.

- Rối loạn tiêu hóa: Do hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Để khắc phục tiêu chảy thì:

  • Đầu tiên để tránh mất nước, mẹ cần cho bé bú nhiều hơn để bù vào lượng nước đã mất.
  • Uống thêm khoảng 50-100ml nước Oresol sau mỗi lần đi ngoài.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi cho bé bú và sau khi thay tã.
Bệnh có diễn biến rất nhanh, gây mất nước trầm trọng nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến suy thận, suy hô hấp hoặc tử vong. Do đó, ngay khi có những triệu chứng nặng mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để BS khám và điều trị kịp thời không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống.

Thân mến.

Câu 9 - Nhiều bà mẹ mô tả con mình đi phân “hoa cà hoa cải”, dưới cái nhìn của bác sĩ, hiện tượng này là như thế nào? Khi nào là bình thường và khi nào là đáng ngại?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bé đi phân “hoa cà hoa cải” thì đây là hiện tượng bình thường không lo ngại.

Trường hợp trẻ đi ngoài bình thường là khi: Trẻ dưới 3 tháng đi ngoài từ 8 – 10 lần/ngày, trẻ từ 3 đến 6 tháng đi ngoài 4 – 5 lần/ngày, trẻ trên 6 tháng 3 lần/ngày.

Trường hợp đáng lo ngại là nếu thấy trẻ đi ngoài, phân lỏng nước, có chất nhày, có bọt, có khi phân có màu xanh, có mùi tanh, có lẫn máu hoặc trẻ khó chịu, quấy khóc, có dấu hiệu mất nước, bỏ ăn, bỏ bú, có thể sốt,… thì nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ khám và xử trí kịp thời.

Thân.

Câu 10 - Nhờ BS cung cấp các động tác massage giúp bé tiêu hóa tốt. Cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Sử dụng các biện pháp massage đơn giản cho bé nhằm tăng nhu động ruột, giúp cơ thể bé co bóp tống chất thải ra ngoài nhanh hơn: Bài massage có thể là khuyến khích bé lật, nếu bé đã biết lật. Nếu bé chưa biết bò, có thể vừa massage cho con dễ tiêu hóa vừa giúp con nhanh biết bò bằng động tác co duỗi chân như đạp xe. Hoặc đơn giản là dùng 3 ngón tay để đo khoảng rộng từ rốn bé xuống dưới, sau đó dùng chính 3 ngón tay đó ấn nhẹ nhưng dứt khoát cho tới khi cảm thấy phần bụng đó của bé cứng thì bỏ ra. Làm lặp lại trong 3 phút và nên thực hiện sau bữa ăn của bé 40 phút.

Thân mến.

Mùa nóng cũng là lúc các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, nhất là bệnh tiêu chảy “bùng phát”.

Nguyên nhân do thời tiết nóng ẩm và vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn sinh sôi, phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh trên người.

Đồng thời, mùa nóng làm cho thực phẩm dễ bị lên men và nhiễm khuẩn,  các mầm bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ em mùa nóng:

Nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.

Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước an toàn, không cho trẻ ăn đồ ăn để lâu ngày, giữ vệ sinh môi trường.

Cho trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Rửa sạch sẽ đồ chơi cho bé.

Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh.

Nên cho trẻ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rota virus.

Thay mặt AloBacsi, BTV Mỹ Thi (trái) bắt tay và cảm ơn BS.CK1Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian giao lưu cùng bạn đọc. Ảnh: Hoàng Long.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về chuyện tiêu tiểu của bé yêu, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh, thực hành điều trị đúng cách, xua tan những lo âu khi trẻ có những vấn đề về tiêu tiểu.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo! Chúc BS thật nhiều sức khỏe!

Trân trọng.

Thực hiện: Mỹ Thi - Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X