Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Bé nổi hạch nách sau khi chích ngừa lao, bao lâu mới hết?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình hướng dẫn các bố mẹ cách giảm nôn trớ khi bé bú, cách điều trị khi bé nổi hạch nách sau khi chích ngừa lao, xử trí khi nhỏ nhầm thuốc, trẻ bị mộng du...


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nội dung tư vấn của BS Ngọc Bình với bạn đọc AloBacsi:

- Phạm Thị Thủy - phamthithuy…@gmail.com

BS tôi cho hỏi,

Bé nhà tôi sau tiêm phòng lao có nổi hạch ở nách trái, đi khám BS hút dịch xét nghiệm rồi cho thuốc về uống. Nhưng đến nay cháu 1 tuổi rồi mà cái hạch vẫn không tan. Xin hỏi có sao không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Thủy,

Trẻ em sau tiêm vắc xin BCG ngừa lao thương hay gặp là nổi hạch (hay còn gọi là viêm hạch lympho). Đây là một hiện tượng rất thường gặp ở những trẻ sau khi chích ngừa lao. Thường sau khi chích ngừa lao ngay bên tay chích ngừa ở vùng nách (trái).

Sưng hạch dưới nách trái, chiếm tỉ lệ 0,6-1,33%. Hạch xuất hiện sau khi trẻ tiêm văcxin BCG từ 2 tháng đến 1 tuổi. Lúc đầu hạch nhỏ, sau đó to dần.

Hạch sau tiêm ngừa BCG có thể biểu hiện hai hình thức:

- Hạch đơn giản (không mưng mủ): không đỏ, không đau và không sốt. Sờ vào có cảm giác cứng và chắc. Hạch thường tự khỏi trong vòng 1-2 tuần và không để lại sẹo.

- Hạch phức tạp (mưng mủ): hạch viêm tấy đỏ, đau, lớn dần, sờ vào có cảm giác bập bềnh, nếu để lâu ngày hạch có thể vỡ và rò mủ, phải đến BS nhi khoa điều trị

Khi phát hiện hạch ở nách, hạch này không phải hạch lao mà là hạch phản ứng sau tiêm chủng nên không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần dùng kim tiêm chọc hút 1-2 lần, sau đó cho uống kháng sinh thông thường trong vòng 5 ngày sẽ cho kết quả tốt. Hạch này rất lâu mới tan, nên bạn yên tâm nhé.


- Bạn đọc Tram - Bình Dương

BS ơi,

Em đi mua thuốc nhỏ mũi mà người ta bán lộn thuốc nhỏ tai (2 chai này giống nhau), em nhỏ mũi thì cháu khóc thét lên... con em có sao không BS?

Thành phần thuốc là: Cloramphenicol.....80m

Dexamethason acetat....4mg

Cám ơn BS!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn nên đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và tư vấn thêm càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nhỏ mũi và nhỏ tai là 2 loại thuốc có dạng bào chế, hấp thu của thuốc và cách sử dụng hoàn toàn khác nhau nên công dụng cũng khác nhau. Thuốc nhỏ tai có các chất làm cho khô niêm mạc mũi, và co mạch trong mũi của bé nên làm cho bé khóc.

Bạn nên lưu ý sau này, hãy đọc kỹ tác dụng, liều dùng, đường dùng của thuốc để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.


- Hồ Thị Quỳnh - quynhho…@gmail.com

Chào BS,

Bé nhà em được 8 tháng tuổi, nặng 8kg. Bé ăn uống chơi nhỡi bình thường. nhưng 1 tuần nay bé cứ hay ọe như muốn nôn nhưng không nôn. Đôi lúc bé có ho một tí rồi thôi. Bé không sốt.

Vậy cho em hỏi bé bị làm sao ạ? Và bé hiện tại vẫn chưa mọc răng, vậy có chậm không ạ? Mong BS tư vấn giúp. Em cảm ơn!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Quỳnh thân mến,

Những chiếc răng sữa đầu tiên của bé mọc vào lúc bé được khoảng 6 tháng tuổi, và bé có đủ 20 chiếc răng sữa khi được khoảng từ 2-3 tuổi.

Số lượng răng là một trong những dấu hiệu dùng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Những chiếc răng đầu tiên mọc lên báo hiệu trẻ có thể bắt đầu ăn các thức ăn đặc hơn sữa.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ: có vài trẻ sinh ra đã có sẵn 1-2 răng, hoặc có một số trẻ đến 8-12 tháng mà vẫn chưa mọc chiếc răng cửa đầu tiên. Đây là sinh lý bình thường, trẻ vẫn phát triển tốt về tất cả mọi mặt khác: thể chất và tinh thần nên bạn yên tâm nhé.

Điều cần quan tâm là phát hiện sớm các trường hợp chậm mọc răng có liên quan đến thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, còi xương do thiếu vitamin D... để kịp thời cải thiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ cho phù hợp. Thức ăn chính của trẻ là sữa. Sữa là loại thức ăn giàu canxi nhất và dễ hấp thu nhất nên trẻ không thiếu nguồn cung cấp canxi.


- Nguyễn Uyên - Thái Bình

Con trai tôi 15 tuổi mỗi lần cháu cảm thường bị mơ ngủ sau đó không làm chủ được mình, nói mê sảng, vùng dậy đòi đi. Không biết cháu có bị sao không, nhờ BS tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Uyên,

Theo như bạn mô tả, tôi nghĩ con bạn bị mộng du.

Mộng du là một chứng bệnh thường gặp nhưng lại không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Có tới 40% trẻ em có mộng du vào một thời gian nào đó. Trong gia đình có trẻ mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc và hầu hết là các trẻ phát triển nhanh.

Người bệnh đang ngủ, ngồi, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ đi về phòng ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa…

Mộng du là một loại rối loạn giấc ngủ, người đi trong giấc ngủ tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ. Mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, thường gặp ở trẻ em, ngay cả trẻ em mới biết đi, tuổi hay gặp nhất là từ 3-7 tuổi.

Bạn nên đưa bé đến gặp BS chuyên khoa thần kinh để được khám, tư vấn và điều trị.


- Leo Duy - duyle…@gmail.com

Chào BS,

Bé nhà em 2 tháng tuổi nặng 5.5kg bé gái bé nhà em rất ham bú và dễ bị ọc sữa. Em có phơi nắng cho cháu, mẹ thì uống thêm canxi. Nhưng sao bé bú vẫn thường hay ọc vào ban đêm? Ban ngày thì ít ạ. Mỗi lần vậy bé thường hay thở mệt. Mong BS tư vấn, em chân thành cám ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em Duy,

Bé sơ sinh từ 1-2 tháng tuổi có hệ tiêu hóa còn non yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ nên khi bú, bé dễ nuốt hơi vào dạ dày. Lượng hơi này nhiều không chỉ làm bé dễ no hơn mà còn làm bé hay ọc sữa và mệt. Hiện tượng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Mẹ có thể giúp bé loại trừ nguy cơ này bằng cách chia nhỏ thời gian bú để giúp bé tiêu hóa tốt hơn.

Với những bé bú bình, mẹ nên giữ bình sữa nghiêng 45 độ, nghiêng bình sữa sao cho ngập cổ bình để tránh tránh bé nuốt quá nhiều khí thừa.

Với những bé bú mẹ, nếu lượng sữa mẹ cho bé bú nhiều hơn lượng sữa miệng bé có thể nuốt mỗi lần sẽ khiến thực phẩm trong dạ dày bị trào lên, khiến bé bị ọc sữa.

Để tránh làm trẻ bị nôn ói, mẹ nên cho con bú từ từ, bú nhiều lần hơn, với lượng sữa đã được giảm bớt mỗi lần. Đồng thời, khi cho bé bú xong, mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi để bớt lượng khí thừa, tránh làm con bị đầy bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, chỉ nên cho bé nằm sau khi bú khoảng 15 phút.

Trường hợp này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và có thể mất hẳn mà không cần biện pháp can thiệp nào khác.

Thân mến,


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983


 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X