Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Bé hay khóc, ngủ ít và bú ít thì mẹ phải làm gì?

Bé ngủ ít khóc nhiều, va đầu vào tường, bé 21 tháng tuổi bị lác mắt, lưỡi bé có đốm trắng... là những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn.


Từ 14g30-16g30 BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình online tư vấn về nhi khoa

Trong thời gian giao lưu ngày 22/3, bên cạnh việc giải đáp thắc mắc về nhi khoa của bạn đọc gửi qua hộp thư của AloBacsi thì BS Bình liên tục tư vấn trực tiếp cho nhiều trường hợp qua số hotline 08983 08983.

Một trong số đó là bệnh nhân 57 tuổi, bị ung thư vòm họng cách đây 3 năm. Sau khi phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì hiện tại, cơ mặt và răng hàm bị dính lại gây khó nói, không nhai được, ăn uống khó khăn. Người con trai rất lo lắng không phương pháp nào bóc tách cơ mặt và cơ hàm cho cha mình được hay không?

BS Bình cho biết trong trường hợp này cần có sự hội chẩn của BS điều trị ung thư và BS chuyên khoa Răng Hàm Mặt thì mới đưa ra được kết luận cuối cùng để có hướng điều trị thích hợp cho người bệnh.

Hay có bạn đọc nữ thắc mắc liệu siêu âm đầu dò có biết chính xác mang thai hay không? Ngoài ra, 3-4 năm nay, chị liên tục sử dụng thuốc thánh thai cấp tốc, thậm chí có tháng uống tận 4 viên.

Ngay sau khi nghe trường hợp này, BS Bình liền đưa ra lời khuyên: “Việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục như vậy có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, sau này việc có con sẽ khó khăn hơn. Do đó, bạn có thể uống thuốc ngừa thai hằng ngày hoặc sử dụng biện pháp ngừa thai khác như bao cao su để an toàn cho sức khỏe. Để thăm dò liệu có thai hay không, siêu âm đầu dò thường cho kết quả chính xác hơn so với siêu âm bụng”.

Nội dung buổi tư vấn của BS TNgọc Bình với bạn đọc AloBacsi:

- Hong Nhung - Thanh Hóa

Bé nhà cháu được 2 tháng, gần đây bé hay khóc ngủ ít và bú ít. BS cho hỏi con cháu có làm sao không ạ? Xin cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Vì lúc bé trong bào thai được bảo vệ trong bụng mẹ ấm áp, không tiếng ồn quen rồi, khi sinh ra môi trường bên ngoài hoàn toàn khác nên bé có nhiều thay đổi đột ngột. Nhiều trường hợp bé bằng tuổi con bạn cũng như vậy. Bé mới 2 tháng tuổi thường chưa quen lắm với bên ngoài nên bé có thể khóc, ngủ ít, bú ít.

Để cải thiện tình trạng này em nên mặc quần áo thoáng mát cho bé, phòng ngủ sạch sẽ, mát mẻ, cho bé bú no trước ngủ, phòng ngủ yên tĩnh,... Nếu áp dụng các cách trên mà bé không tiến triển thì đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và điều trị cho tốt.


- Nguyễn Hải Đăng - thanhvan…@gmail.com không đăng riêng

Chào BS,

Bé nhà em 14 tháng. Từ lúc 9-10 tháng thì cháu cứ ăn xong là bị đi ngoài ngay. Ngày 3 bữa thì đi cả 3. Phân lúc thì theo khuôn, lúc lại hơi lỏng. Em cho cháu uống men tiêu hóa thì cháu lại đi bình thường. Nhưng cứ dừng men khoảng 1-2 tuần thì cháu lại bị. Uống men lại bình thường.

Cháu có đang uống kẽm và canxi nữa. BS cho em hỏi cháu nhà em bây giờ có tiếp tục uống men không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hải Đăng thân mến,

Các triệu chứng mà bạn đã mô tả về con bạn là bé bị rối loạn tiêu hóa. Bạn nên đưa trẻ đến BV gặp BS chuyên khoa nhi để khám và điều trị.


- Nguyen Van Ngoc - Long An

Chào BS, con em bé gái gần 4 tuổi nhưng bị rốn lồi từ bé. Em muốn được BS tư vấn có nên phẫu thuật hay để tự nhiên sẽ hết. Sức khỏe bé vẫn tốt, không có triệu chứng gì xung quanh rốn cả. Cảm ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Rốn bé lồi thì khi lớn hơn khoảng 7-10 tuổi sẽ thụt vào. Trường hợp của bé không cần phẫu thuật, bạn nhé!


- Cuong Tran - cuongp…@gmail.com

Cháu nhà em 17 ngày tuổi, được xét nghiệm sàng lọc tại Viện Phụ sản Trung ương, BS kết luận thiếu men G6PD và chỉ định sang Viện nhi Trung ương xét nghiệm lại.

Kết quả xét nghiệm G6PD: 5,2 IU/10^12hc và kết luận bé thiếu mem và phát cho 1 tờ giấy giới thiệu. Trong đó có ghi chỉ định: không ăn các loại hoa quả họ quất (quất, quýt, cam, bưởi), không uống các loại thuốc có chứa vitamin C.

Cho em hỏi như vậy con em bổ sung vitamin bằng phương pháp gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Cường,

Thiếu men G6PD, tế bào hồng cầu sẽ bị phá hủy do các chất ôxy hóa có trong thức ăn như trong hạt đậu tằm, nhất là khi chưa nấu chín, có chứa nhiều chất ôxy hóa hoặc một số thuốc và thực phẩm có chất ôxy hóa gây ra tình trạng thiếu máu do tan huyết ở tế bào hồng cầu.

Bệnh nhân bị thiếu men G6PD sẽ có cuộc sống hoàn toàn bình thường, tuy nhiên khi sử dụng một số loại thức ăn, dược phẩm có khả năng ôxy hóa thì sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều trị khỏi hoàn toàn cho người bị bệnh thiếu men G6PD là có thể được. Tuy nhiên, người bị bệnh chỉ có thể tránh được các biến chứng nặng nếu tránh ăn đậu tằm, quýt, cam, bưởi, uống các loại thuốc có chứa vitamin C, thực phẩm có chất ôxy hóa suốt đời.

Bạn có thể cho bé uống sữa có vitamin. Tuy nhiên, bạn nên cho bé uống cách men G6PD từ 30-60 phút. Bạn nên đưa bé đến khám BS để được khám, tư vấn và điều trị.



- Nguyễn Lê Thu - nguyenle…@gmail.com

Thưa BS,

Con gái tôi năm nay 14 tuổi, cách 4 năm cháu hay chóng mặt nhức đầu. Tôi đưa cháu đến BV huyết học khám và xét nghiệm máu và kết quả BS cho biết cháu bị thiếu máu tiểu hồng cầu. Hiện nay cháu thỉnh thoảng hay chóng mặt nhức đầu và thường mệt mỏi.

Vậy BS cho lời khuyên để chăm sóc cháu tốt hơn. Cần ăn những thực phẩm gì và những loại trái cây gì để làm tăng hồng cầu. Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Thu,

Cách chăm sóc tốt nhất đó là bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi, không làm gì quá sức, đưa trẻ khám bệnh định kỳ, có thời gian vui chơi nhiều, đừng để trẻ bị stress…

Các loại thực phẩm cần bổ sung cho trẻ:

- Rau chứa nhiều sắt bao gồm: cải bó xôi, rau cải xoăn, xúp lơ, khoai tây, cải xoong, đậu hà lan, ngũ cốc, lúa mạch, yến mạch.

- Trái cây - hoa quả chứa nhiều sắt bao gồm: Dưa hấu, dâu tây, quả chà là, nho, đu đủ, chuối.

- Thịt chứa nhiều sắt bao gồm: Lòng đỏ trứng, gan lợn, thịt nạc, các loại thịt màu đỏ như (thịt cừu, thịt bò,…), cá, động vật thân mềm như sò, nghêu, trai, ốc, hến….

Ngoài ra, bạn có thể cho bé uống thêm sữa trước khi đi ngủ hoặc sáng sớm.


- Lê Thị Hồng Ngân - Đồng Nai

Chào BS, bé nhà con được 8 tháng rồi mà chưa được 7kg, bé ăn rất nhiều, cho con hỏi trường hợp bé nhà con có bị còi xương và thiếu canxi không? Con có nên bế bé đi trung tâm dinh dưỡng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hồng Ngân thân mến,

Con bạn hơi nhẹ cân nhưng vẫn bình thường, bé không bị còi xương và thiếu canxi, nếu bạn lo lắng cho bé thì bạn nên đưa bé đến Trung tâm dinh dưỡng để BS chuyên khoa nhi khám và tư vấn tiếp cho bạn.


- Nguyễn Thị Thư - nguyenthu…@gmail.com

Bs ơi, bé nhà em 4 tuổi rưỡi tháng nào cũng bị sưng amidan rồi ho sốt. Vậy có nên cắt amidan không ạ

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Thư,

Bé bị viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần là con bạn bị viêm amidan mạn tính. Bạn nên đưa bé đến BV chuyên Nhi để BS khoa Tai-Mũi-Họng khám và có hướng điều trị thích hợp.

Phẫu thuật amidan hiện nay là rất phổ biến. Tuy nhiên cần có chỉ định chặt chẽ, thường trong trường hợp amidan viêm mạn tính nhiều lần (thường 5-6 lần trong một năm), amidan viêm mạn tính gây biến chứng, tắc nghẽn đường thở trên gây khó nuốt, ngáy, ngưng thở khi ngủ.


- Kim Anh - lethiki…@gmail.com

Thưa BS con em được 4 tháng rưỡi 3 hôm nay bé lười bú lượng sửa giảm hẳn. Ít và lòng bàn tay chân cứ nóng là sao ak. bé không sốt

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Bé biếng bú có nhiều nguyên nhân: bé bị viêm họng, đẹn, rối loạn tiêu hóa… Bị mẹ ép ăn no quá lâu dần sẽ làm cho bé biếng ăn. Có 1 nguyên nhân khác là bé từ lúc sinh ra bé chỉ ngủ và chơi. Bé không thèm bú lớn lên sẽ lười ăn.

Các bé trong giai đoạn từ 4 - 6 tháng thường rất ham chơi hơn ham ăn. Để cải thiện tình trạng lười bú của bé em nên: không nên ép bé bú 1 lúc quá nhiều khi bé không muốn, nếu bé có bú thêm sữa công thức thì em nên cho bé uống thêm nhiều nước.

Lòng bàn tay chân của bé bị nóng có thể do bé uống ít nước, phòng ngủ của bé nóng ẩm.

Nếu tình trạng của bé không thay đổi, bạn nên đưa bé đến Trung tâm Dinh dưỡng để được tư vấn và điều trị.


- Hồng Quý - Quyhoa…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Hiện tại con gái em được 3 tháng 15 ngày ạ. Cháu cứ đến 4-5 ngày mới đi đại tiện, em muốn biết có phải cháu mắc chứng chậm tiêu không? Em đã ăn rất nhiều rau khoai và củ khoai mà đến hôm nay ngày thứ4 rồi mà cháu vẫn chưa đi. Cho em lời khuyên sớm nhất BS nhé.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hồng Qúy thân mến,

Theo mô tả của bạn thì con bạn bị táo bón. Muốn cải thiện tình trạng này, bạn nên cho con bạn uống nhiều nước, vì bé bú mẹ hoàn toàn nên bạn phải ăn nhiều rau xanh, chuối, cam, đu đủ để bé hấp thụ qua sữa mẹ. Từ đó, bé sẽ đi tiêu được.

Bạn nên lau mát cho bé trước khi đi ngủ. Nếu tình trạng của bé không cải thiện, bạn nên cho bé đi khám với BS chuyên khoa Nhi để được tư vấn và điều trị. Bạn không nên để tình trạng này kéo dài bạn nhé.


- Ngoc Anh - Daklak

Bé trai nhà em mới có 1 tháng rưỡi vậy khi nào có thể mổ thoát vị cho bé được ạ? Em thấy trước khi mổ bé phải nhịn ăn từ 2h sáng, như vây bé có thể chịu được không ạ. Có thể đợi bé lớn 1 chút để có sức mổ thì có nguy hiểm không? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Ngọc Anh thân mến,

Thoát vị bẹn là dị tật do ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt.

Còn với trẻ trai, do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn, sẽ gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn. Nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm.

Thoát vị bẹn là bệnh lý phổ biến ở trẻ. Trẻ có dị tật này, khối thoát vị xuất hiện ở lứa tuổi càng nhỏ càng cần được mổ sớm để tránh nguy cơ nghẹt ruột cho trẻ.

Hiện nay mổ thoát vị bẹn bằng nội soi có rất nhiều ưu điểm nhưng ưu điểm lớn nhất là phẫu thuật viên dễ dàng nhận thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn, đồng thời có thể khâu lại ống phúc tinh mạc (nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em) mà không đụng chạm đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn. Chính vì vậy phẫu thuật nội soi tránh được 2 biến chứng nguy hiểm là tắc ống dẫn tinh hoặc teo tinh hoàn.

Bạn có thể yên tâm, con bạn nhịn đói nhưng BS có truyền dịch dinh dưỡng trước khi phẫu thuật nên em bé sẽ không bị mất sức.

- Linh Nguyễn - ntl…@gmail.com

Chào BS,

Bé nhà mình đang uống sữa bột pha. Hỏi BS tôi lấy nước ở cây nước nóng lạnh như vậy có đảm bảo dinh dưỡng cho bé không? Có đúng không? Tôi pha đúng tỉ lệ ghi trên hộp sữa. Nước ở cây nóng lạnh khoảng 90 độ, mình pha ra cho nước chỉ còn 40 độ. Rất mong BS cho mình ý kiến sớm nhất! Cảm ơn BS!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn có thể lấy nước ở cây nóng lạnh để pha sữa cho trẻ. Theo bạn mô tả, bạn pha sữa khi nước còn 40 độ, như vậy là hợp lý. Do đó, theo BS bạn pha như vậy rất đúng và chuẩn rồi.


- Ngoan Nguyen - ngoan…@gmail.com

Chào BS, BS cho em hỏi,

Bé nhà em được 5 tháng tuổi, em vẫn thường xuyên rơ lưỡi cho bé mỗi ngày, nhưng mỗi lần rơ lưỡi bé không chịu há miệng, cứ ngậm lại và mút tay mẹ nên em chỉ rơ được gần như 1/2 lưỡi bé thôi. Bé rất biếng bú sữa.

Em phát hiện phần giữa lưỡi của bé có 1 mảng khác vị trí khác, nó giống như bị tróc da ấy. Nhưng lưỡi bé không bị trắng mà vẫn hồng hào bình thường ạ. vậy BS cho em hỏi đó có phải bé bị nấm lưỡi không ạ? Và em phải làm gì với vấn đề đó của bé ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Ngoan,

Bé bị viêm nhiễm ở lưỡi mà bạn rơ lưỡi cho bé mỗi ngày nhưng lại không đúng cách nên vi khuẩn sinh sôi nảy nở ở lưỡi và vòm họng. Do đó, bạn làm cho lưỡi của bé đau nên mỗi khi bạn rơ lưỡi, bé rất sợ, từ đó họng bé bị đau, viêm nhiễm nấm nên bé sẽ lười bú.

Lưỡi bé không được điều trị đúng cách nên càng ngày lưỡi càng đóng mảng trắng nhầy nhìn như bị tróc da nhiều lên. Bạn nên đưa bé đến khám với BS chuyên khoa Nhi để được hướng dẫn điều trị.



- Lê Huyền - lehuyen…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Hiện nay bé nhà mình được 11 tháng 13 ngày, bé trai nặng 9.5kg. Bé ăn dặm từ lúc 6 tháng đến nay. Từ lúc ăn dặm đến giờ lúc nào bé cũng đi ngoài phân sống, mình có cho bé uống men vi sinh Enterogermina liên tục 5 ngày nhưng tình hình không cải thiện. Mong AloBacsi tư vấn giúp mình. Cám ơn AloBacsi.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Lê Huyền thân mến,

Nguyên nhân bé đi phân sống có thể do việc chế biến không đảm bảo vệ sinh hoặc thực phẩm không tươi sống, thức ăn cho bé quá nhiều đạm hoặc quá nhiều chất béo. Vì ruột của bé còn non, không tiêu hóa hết thức ăn gây ra tình trạng đi phân sống. Bé uống men vi sinh là chỉ cải thiện được một phần đi phân sống, việc cho ăn uống đúng đủ và hợp vệ sinh mới cần thiết.

Để cải thiện tình trạng đi phân sống của bé bạn chọn thực phẩm phải tươi ngon, chế biến hợp vệ sinh, không nên nấu đi nấu lại thức ăn nhiều lần, cho bé ăn khẩu phần ăn hợp lý đủ 4 nhóm: tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ (rau, củ, quả).

Nếu áp dụng các cách trên mà bé không cải thiện thì bạn nên cho bé đến BV có chuyên khoa Nhi, gặp BS khoa Tiêu hóa để được khám và điều trị.


- Hà Nguyễn - Gia Lai

Chào BS,

Con em được 2 tháng 20 ngày mà 4 hôm nay bé không đi ngoài được em dùng thuốc bơm hậu môn cho bé thì phân sệt sệt, không biết có phải bé bị táo bón không? Em có massage bụng cho bé nhưng bé toàn đánh hơi mùi rất nặng. Không biết có cách nào giúp bé đi ngoài được không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Hà,

Theo như mô tả thì con bạn bị rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa gây cho bé mất nước, biếng ăn, táo bón, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Là bệnh khá phổ biến. Trong trường hợp bé bú mẹ hoàn toàn thì bạn nên ăn nhiều rau, trái cây để bé hấp thu qua sữa mẹ. Trong trường hợp bé bú sữa công thức thì bạn nên cho bé uống nhiều nước.

Việc bơm hậu môn cho bé chỉ mang tính tạm thời, nếu bạn lạm dụng nhiều quá bé sẽ không tự chủ được việc đi ngoài, làm bé lười đi ngoài mà chờ đợi để được bơm.

Ở tuổi này của bé bạn không nên tự ý cho bé uống men tiêu hóa. Nhằm phòng tránh rối loạn tiêu hóa các bà mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ ăn bột từ tháng thứ 7 khi trẻ đã có khả năng tiêu hóa tinh bột. Khi cho trẻ ăn bột, cần cho trẻ ăn từ từ ít một, từ loãng đến đặc để trẻ thích nghi dần với chế độ ăn từ bú mẹ sang ăn tinh bột.

Nếu bé tiếp tục tái diễn tình trạng như trên, mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa tiêu hóa hoặc dinh dưỡng Nhi để có biện pháp kịp thời giải quyết tận gốc tình trạng rối loạn tiêu hóa ở bé.


- Thái Nguyễn - congio. . . @gmail.com

Chào BS,

Bé nhà tôi hiện tại được gần 3 tháng. Bé rất hay lên gân, cứng rắc người từ đầu đến chân, mỗi lần thế cháu lại ưỡn ra. Ban đầu gia đình tôi chỉ nghĩ cháu cứng, nhưng giờ cũng thấy lo. Vậy xin hỏi BS cháu như vậy có bị sao không ạ? Mong BS trả lời sớm. Tôi cảm ơn BS!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Thái Nguyễn,

Bé nhà bạn mới 3 tháng tuổi rất hay lên gân xanh khiến bé hay gồng mình cứng người và ưỡn người ra có thể bé bị thiếu canxi. Bạn nên đưa bé đi BV để bác sĩ chuyên khoa Nhi khám, chẩn đoán chính xác và kê đơn theo đúng mức độ thiếu canxi.

Ngoài ra mỗi ngày bạn cần phải cho bé ra ngoài tắm nắng 30 phút từ 6-8 giờ sáng. Khi được bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi mà tình trạng này của bé không tiến triển thì bạn đưa bé đi tái khám lại khoa thần kinh nhé.


- Lê Thị Mai Hương - Thanh Hóa

Chào BS,

Con trai em 21 tháng tuổi bị gãy tay lồi cầu tay trái. Cháu đã tháo đinh 4 ngày hiện tại chỗ gãy vẫn sưng và tay chưa duỗi thẳng được. Gia đình không có điều kiện đưa tới phòng tập. BS có thể hướng dẫn giúp cháu các bài tập tại nhà được không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Mai Hương thân mến,

Thời gian đầu mới tháo đinh, nẹp chỗ mổ sẽ sưng to theo thời gian sẽ hết sưng. Bạn nên tập cho bé chức năng cổ bàn tay như cầm thả vật, vắt khăn, mở nắp chai lọ, mặc và cởi quần áo, lăn bóng, lật trang sách, vắt chặt miếng xốp lau bảng, phủi bụi,… trong thời gian dài cho bé quen dần.

Ngoài ra để việc trị liệu đạt hiệu quả cao, cần cho bé chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước.


Từ 17g-19g hôm nay BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương đảm nhiệm trực điện thoại

- Bạn đọc Phuong - phuongp...@gmail.com

Chào BS,

Con em năm nay 2,5 tuổi. Mấy hôm trước con đi giật lùi và có va vào tường, con nôn ra 1 ít và vẫn ăn chơi vẫn bình thường. Hôm nay con bị sốt nhẹ và lười ăn. BS cho em hỏi va chạm như thế có ảnh hưởng tới não của con không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Vì em nói chung chung, không biết con bạn va đầu vào tường mấy ngày, đầu có sưng, đau không và nôn ra gì nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho em được. Vì vậy em nên đem bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và điều trị tốt cho bé.


- Ha Thi Giang - Sơn La

Bé nhà em 21 tháng tuổi. Mắt bên phải của bé bị lác, mới phát hiện cách đây 2 tuần. Cho em hỏi ở tuổi này có thể phẫu thuật được chưa ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Bé nhà em mới 21 tháng tuổi thì chưa thể phẫu thuật được em nhé. Thông thường, trẻ từ 5 tuổi trở lên, khi BS thăm khám nhiều lần mới có quyết định phẫu thuật hay không. Do đó, em nên đưa bé đến BV Nhi gặp BS chuyên khoa mắt để khám, tư vấn và điều trị thích hợp.


- Lê Hồng - minhn…@gmail.com

Xin chào BS,

Con gái em tròn 4 tháng, cân nặng của bé là 9kg, cao 70cm, lúc sinh bé nặng 3,1kg. Xin hỏi BS với chiều cao và cân nặng như vậy thì bé có đang phát triển tốt không hay có bị xem là béo phì không ạ? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Theo như em mô tả thì con em phát triển rất tốt, bé bình thường nên em yên tâm nhé.


- Bạn đọc Nguyện - mangu...@gmail.com

Chào BS,

Nhờ BS cho em hỏi bé nhà em 4 tuổi ăn ít ngậm hay bị ói, hay bị viêm họng nữa, bị nôn từ nhỏ đến giờ. Bé được 15 kg không lên cân cả năm nay. Nhờ BS tư vấn cho em về bệnh của bé.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Nguyện,

Bé 4 tuổi, nặng 15 kg là suy dinh dưỡng, có thể do nhiều nguyên nhân như:

- Cho trẻ ăn không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ hoặc cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày.

- Trẻ biếng ăn có thể do mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Khi bệnh trẻ thường biếng ăn, những kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh, vừa diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu.

- Chế biến thức ăn không hợp khẩu vị và lứa tuổi của trẻ.

- Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng như giun, sán,…

- Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn: trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.

Do đó, để cải thiện cân nặng bạn cần phải cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

Trong chế độ ăn, ngoài cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu, phở, nui, miến. Ngoài ra, bạn nên cho bé ăn thêm hoa quả chín.

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

Ngoài ra, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ bị suy dinh dưỡng cũng rất quan trọng.

Bạn cần đảo đảm cho trẻ “ăn chín, uống sôi”. Thức ăn nấu xong cho trẻ ăn ngay, nếu để quá 3 giờ phải đun sôi lại mới cho trẻ ăn. Các dụng cụ chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh.

Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ để tránh nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp. Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ. Không để trẻ lê la dưới đất bẩn. Không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.

Vệ sinh môi trường: Bảo đảm cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ. Đồ dùng, đồ chơi của trẻ cần sạch sẽ, khô ráo.

Chăm sóc tâm lý: Trẻ cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa... tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tránh thô bạo trong cử chỉ lời nói của người lớn trước mặt trẻ.

Chúc bạn nuôi con khỏe mạnh, mau lớn!


- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X