Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Giải pháp nào cho trẻ 7 tháng tuổi biếng ăn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đưa ra giải pháp nào cho trẻ 7 tháng tuổi biếng ăn và tư vấn về bệnh thalassemia, bé chụp CT nhiều lần, khi nào mũi ngừng phát triển, sụp mi, chít hẹp khe mi...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình  - chuyên khoa nhi

Nội dung tư vấn của BS Trịnh Ngọc Bình với bạn đọc AloBacsi:


- Đỗ Anh Thư - Bến Tre

Em chào BS,

Bé nhà em được 16 tuần 2 ngày tuổi mới uống liều đầu tiên vacxin Rota thì còn kịp không ạ? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Vắc xin Rotarix chỉ uống 2 liều:

- Liều 1: Có thể cho trẻ uống từ khi 6 tuần tuổi

- Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 4 tuần. Tuy nhiên phải hoàn thành trước 24 tuần tuổi

Vắc xin Rotarix chỉ dùng đường uống. Tuyệt đối không được tiêm cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Theo mô tả của em thì con em còn uống kịp thời gian này.


- Thanh Hoa - thanhhoa…@gmail.com

AloBacsi ơi,

Con em 5 tháng, sáng ngủ dậy mắt có nhiều dử 2 hôm nay, giống như bị đau mắt đỏ. Cho hỏi con em dùng thuốc dung dịch Tobrex được không? Và tra như thế nào? Cần chú ý gì khi vệ sinh mắt không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào Thanh Hoa,

Trẻ sơ sinh thường hay có ghèn khi sáng mới ngủ dậy tái đi tái lại nhiều lần có thể do tắc tuyến lệ. Nếu mắt bé có kèm theo triệu chứng mắt đỏ, sưng, sốt, thì sớm đưa bé đến BV để BS chuyên khoa mắt khám, chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp.


- Tuan Dao - tuandao…@gmail.com

Chào BS,

Bé nhà em sau khi xét nghiệm sàng lọc sơ sinh thì các BS kết luận có gen bệnh alpha thalassemia, và yêu cầu bố mẹ đi xét nghiệm để theo dõi ai mang gen này.

Em và vợ em đều sức khỏe bình thường, em rất hay đi hiến máu. Vậy BS có thể chẩn đoán tạm thời bé khả năng cao rơi vào tình trạng nhẹ hay nặng của bệnh này ạ?

Mẹ cháu đang uống sắt theo đơn của BS sau sinh. Và đang nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Vậy có nên cho mẹ cháu dừng sử dụng sắt không ạ?

Cảm ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền từ bố mẹ sang con cái. Người bình thường có 2 gen khỏe mạnh, người bị bệnh có 2 gen bệnh, người mang gen có 1 gen bệnh và 1 gen khỏe mạnh. Bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường.

Nếu người bệnh không được điều trị sớm, đầy đủ sẽ xuất hiện nhiều biến chứng do thiếu máu và thừa sắt gây ra trên tất cả các cơ quan làm thay đổi diện mạo người bệnh như thể trạng thấp bé, trán dô, mũi tẹt, hàm răng hô, suy tim, suy gan, suy nội tiế

Bệnh có 5 mức độ biểu hiện tùy theo số lượng gen bị tổn thương:

- Mức độ rất nặng có biểu hiện phù thai từ khi còn trong bụng mẹ

- Mức độ nặng có biểu hiện thiếu máu nặng khi trẻ chưa đến 2 tuổi;

- Mức độ trung bình thường có biểu hiện thiếu máu rõ khi trẻ trên 6 tuổi;

- Mức độ nhẹ, triệu chứng máu thường rất kín đáo, người bệnh thường chỉ được phát hiện khi có kèm theo bệnh lý khác như nhiễm trùng, phẫu thuật, có thai…;

- Thể ẩn không có biểu hiện gì khác biệt, không thiếu máu (thậm chí có thể hiến máu được).

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân

- Cân bằng các chất giàu dinh dưỡng;

- Không ăn thức ăn chứa nhiều sắt (thịt bò, mộc nhĩ, rau cải xoong…);

- Để hạn chế hấp thu sắt khi ăn từ các thực phẩm sau bữa ăn nên uống 1 cốc nước chè xanh;

- Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm (sò, củ cải đường, đậu nành...).

Chế độ sinh hoạt

- Sinh hoạt bình thường, hạn chế lao động nặng các hoạt động gắng sức.

- Tránh bị nhiễm trùng: rửa tay thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh.

- Vận động, tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp…

Theo mô tả của em thì tôi khuyên em nên cùng vợ đi xét nghiệm, nếu có bệnh thì điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe của mình, thông báo kết quả xét nghiệm máu của vợ em cho BS biết để có hướng điều trị thích hợp.


- Nguyễn T. L. - Long An

Chào BS,

Cháu năm nay 13 tuổi, cháu có thói quen tự tưởng tượng ra một câu chuyện, có nhiều người rồi độc thoại, khi không ai thì cháu độc thoại ra tiếng nhỏ nhỏ, còn khi có người thì có khi cháu độc thoại trong đầu.

Cháu có lên mạng xem, thì thấy có biểu hiện như: chậm phát triển, khó tập trung, không nói được, cách ly mình với xã hội,... cháu chỉ thấy có nói chuyện một mình là giống với cháu, cháu có khi cũng muốn cách ly với xã hội nhưng vẫn nói chuyện bình thường, cũng hơi khó tập trung còn mấy biểu hiện kia không phải.

BS giúp cháu với!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Điều này càng khiến cho sức khỏe của chúng mình bị suy giảm, tinh thần mệt mỏi, lo âu, rối loạn tâm lý… Bên cạnh đó, việc ăn uống và sinh hoạt thất thường ở lứa tuổi này cũng dễ khiến chúng ta mắc bệnh hơn.

Các biểu hiện dễ thấy nhất của căn bệnh rối loạn tâm lý là biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, học tập giảm sút…

Nặng hơn, một số trường hợp còn có cả các biểu hiện như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác, thường tự cô lập mình, sống ảo khiến cho cuộc sống của các bạn trở nên nhàm chán, u ám, thiếu niềm tin…

- Khi có biểu hiện của các bệnh tâm lý như trên, các bạn nên tâm sự với người thân trong gia đình hoặc bạn bè để tìm sự giúp đỡ.

- Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy…

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể bằng các thực phẩm lành mạnh, chăm chỉ tập thể dục để tăng cường sức khỏe…

- Nếu bệnh không giảm hoặc có các dấu hiệu nặng hơn, em hãy cùng mẹ hay người nào mà em cảm thấy thương yêu và tin tưởng nhất tới gặp BS tâm lý ngay để có hướng điều trị kịp thời.


- Nguyễn Thị Thơm - tieuthu…@gmail.com

Chào BS ạ,

Con gái em năm nay 4 tuổi (04/11/2013: 15 cân) bị viêm dạ dày, loét hành tá tràng, viêm trào ngược thực quản cấp độ 1.

Cho em hỏi bệnh như này chế độ dinh dưỡng như nào thì tốt ạ?BS có thể kê chế độ dinh dưỡng cho em trong vòng 1 tuần không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em Thơm,

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng hợp lý sẽ giúp cho trẻ nhanh chóng vượt qua những cơn đau dạ dày tá tràng hấp thụ được chất dinh dưỡng ổn định hệ tiêu hóa.

Không phải ở người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng mắc phải căn bệnh viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh hay chế độ ăn uống.

Khi trẻ mắc phải triệu chứng này cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp nhất là trong chế độ ăn uống hàng ngày.

- Đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ: Vitamin, vi chất, muối khoáng theo tuổi, cân nặng.

- Chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn nấu nhuyễn nghiền nát, sử dụng rau củ không dùng rau có lá nhiều chất xơ.

- Trong bữa ăn, không vừa ăn vừa uống nhất là sử dụng đồ uống có ga.

- Sử dụng nguồn protein từ thịt (nạc vai lợn, lườn gà), trứng (hấp, dạng kem caramen, xúp), sữa.

- Sử dụng nguồn vitamin từ rau củ (khoai tây, khoai lang nhiều beta-caroten và vitamin C…)

- Không nên ăn chan canh vì như vậy trẻ không chịu nhai mà chỉ nuốt chửng gây khó tiêu cho dạ dày.

- Ngoài ra nên cho trẻ uống thêm sữa và ăn các chế phẩm tuwg sữa như; phomai, váng sữa, yaourt,...

Thực phẩm nên kiêng cho trẻ:

- Các loại nước sốt, nước luộc thịt, dăm bông, lạp xường, xúc xích.

- Thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi: Thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ.

- Thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua.

- Gia vị, dấm ớt, tỏi, hạt tiêu.


- Hồ Bảo Anh - Hà Nội

BS ơi cho cháu hỏi ạ,

Con nhà cháu 6 tuổi, con gái. Cháu nó bị xe máy va vào và cháu cho đi chup CT tại BV gần nhà thì BS chẩn đoán là không sao. Sau khi về nhà cháu ngủ được 1 tiếng đồng hồ dậy thì cháu nó nôn và kêu đau đầu ạ.

Cháu lại cho con nhà cháu xuống BV Việt Đức chụp CT thì BS cho kết quả là không sao, về nhà theo dõi thêm ạ.

BS cho cháu hỏi với bé 6 tuổi, mà trong vòng 5 tiếng đồng hồ CT 2 lần thì nó có ảnh hưởng nhiều không ạ? Cháu lo quá. BS giúp cháu với ạ. Cháu cám ơn BS nhiều ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào Bảo Anh,

Hiện nay, đến BV chúng ta đã khá quen thuộc với câu nói chụp CT, kỹ thuật chụp này là CT Scanner, có nghĩa là kỹ thuật chụp quét định khu vi tính hoá. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây là kỹ thuật dùng nhiều tia X-quang quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang phối hợp với xử lý bằng máy vi tính để được một hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều bộ phận cần chụp.

Một điều rất đáng quan tâm là khi chụp cắt lớp, người bệnh phải chịu một lượng tia X-quang nhiều gấp hàng chục lần chụp thông thường, rất có hại đến sức khoẻ, đặc biệt là đối với sản phụ và trẻ em.

Vì vậy, cũng như mọi phương tiện khác chụp CT Scanner không phải cây đũa thần cho tất cả các bệnh, nó chỉ thực sự cần thiết khi bệnh nhân biết sử dụng đúng dịch vụ y tế và khi có chỉ định của BS điều trị. Nhưng nhiều người lại có tâm lý sính kỹ thuật cao, đi khám bệnh hay đòi chụp CT, cứ nghĩ rằng CT Scanner là kính chiếu yêu thấy được tất cả lục phủ ngũ tạng, phát hiện tất cả các thứ bệnh; BS không cho chụp thì không an tâm.

Nếu có lần sau, em không nên tự ‎ý cho bé chụp như vậy mà phải có chỉ định của BS, em nhé.


- Chi Lâm - sun…@95yahoo.com.vn

BS cho em hỏi,

Bé được 7 tháng nặng 7kg, mới sốt phát ban đào hết được 3 ngày. Vậy bé có thể chích ngừa cúm được không ạ? Cám ơn BS, mong được BS hồi âm!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Theo mô tả thì bé có thể tiêm ngừa cúm vì tiêm vaccin không ảnh hưởng đến thuốc đang điều trị bệnh. Do đó, em yên tâm cho bé đi tiêm ngừa nhé.


- Hanh Lien - Khánh Hòa

Thưa BS,

Con trai tôi 2 tuổi. Bé xét nghiệm máu, bác sĩ cho biết bé bị thiếu máu di truyền thể nhẹ và có các chỉ số xét nghiệm như sau: hb: 10,7; MCV: 54,9 và điện di hemoglobin: hb A: 91,5; hb A2: 5,9; hb F: 2,6.

Xin bác sĩ tư vấn thêm cho tôi cụ thể về bệnh của bé và chế độ dinh dưỡng thích hợp? Xin cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Hemoglobin là huyết sắc tố cần thiết để chuyên chở oxy đến các tế bào. Hemoglobin có 2 chuỗi alpha và 2 chuỗi beta. Khi có sự sai lạc trong cấu trúc của các chuỗi này, hemoglobin mất khả năng chuyên chở oxy. Tùy theo sai lạc ở chuỗi alpha hay beta chúng ta có thalassemia alpha hay beta.

Đây là bệnh di truyền và nếu người con chỉ nhận có 1 gene sai lạc từ cha hay mẹ, người đó chỉ có thalassemia trait nên bệnh nhẹ, thường không cần truyền máu.

Chế độ dinh dưỡng cho bé:

- Cân bằng các chất giàu dinh dưỡng;

- Không ăn thức ăn chứa nhiều sắt (thịt bò, mộc nhĩ, rau cải xoong…);

- Để hạn chế hấp thu sắt khi ăn từ các thực phẩm sau bữa ăn nên uống 1 cốc nước chè xanh;

- Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm (sò, củ cải đường, đậu nành...).

Chế độ sinh hoạt:

- Sinh hoạt bình thường, hạn chế lao động nặng các hoạt động gắng sức.

- Tránh bị nhiễm trùng: rửa tay thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh.

- Vận động, tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp…

Nếu vợ chồng em dự định sinh thêm con thì nên đến chuyên khoa Huyết học để được tư vấn thêm.


- Ngọc H. - tieu…@gmail.com

AloBacsi ơi,

Em năm nay 16 tuổi, gần đây hay có cảm giác muốn tự tử, tâm trạng của em dễ bị tụt xuống thì em lại nghỉ đến cái chết. Em vẫn vui vẻ tiếp xúc với mọi người nhưng khi ở một mình thì em lại thường như vậy.

Em không biết là mình bị gì nữa, em rất hay nghĩ đến cái chết. Mong BS giúp em ạ!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Ở tuổi dậy thì, các em có rất nhiều thay đổi về tâm lý, trạng thái tâm lý không ổn định. Vì thế, chỉ một chút thay đổi cũng khiến các em lúng túng, đôi khi có những suy nghĩ và hành động cực đoan. Áp lực về học tập thi cử ở lứa tuổi này cũng nhiều, một số bạn thường xuyên thức khuya học bài.

Hơn nữa, do cậy có sức khỏe nên nhiều em ăn uống và sinh hoạt thất thường, các bạn nữ sợ béo còn kiêng khem quá mức. Những điều này càng khiến cho sức khỏe của các em suy giảm.

Các biểu hiện dễ thấy nhất của rối loạn tâm lý là biếng ăn, kém ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, suy nghĩ lệch lạc, học tập giảm sút... Nặng hơn là nói lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ...

Điều quan trọng là con nên tâm sự với cha mẹ và người thân của em, nên kể lại cho người thân biết những bệnh trang hiện tại của em để họ tìm cách giúp đỡ em. Cha mẹ nên là người bạn thân nhất của em.

BS khuyến khích em tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy... Em cũng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Nếu thấy diễn biến tâm lý của em ngày càng theo chiều hướng không cải thiện thì em nhờ người thân đưa em đến BV để gặp BS tâm lý ngay để có hướng điều trị kịp thời.


- Đỗ Thị Kim Dung - 016349…

BS cho em hỏi,

Cháu 1 tuổi, phần đầu, bàn chân, bàn tay của cháu cứ nóng. Cháu vẫn chơi bình thường, như vậy có sao không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Dung thân mến,

Theo mô tả thì bé bình thường không có bệnh gì cả nên em yên tâm nhé.


- Thanh Hoa - thanhhoa…@gmail.com

Chào BS ạ,

Bé nhà em được hơn 7 tháng (bú mẹ, sữa công thức và bột gạo) rất lười ăn và thường xuyên bị táo bón. Có cách nào khắc phục không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào Thanh Hoa,

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của bé có thể do:

- Mọc răng nên không muốn nhai nuốt bất cứ gì.

- Bé 7 tháng tuổi nghĩa là mới đang ở giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm vì vậy mà cháu có thể biếng ăn do chưa quen với việc ăn dặm và mùi vị thức ăn.

- Bị rối loạn tiêu hóa, hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường với một số triệu chứng như buồn nôn, nôn trớ, đau đụng, nặng hơn là tiêu chảy, táo bón đều khiến trẻ lười ăn hơn. Đó là những dấu hiệu của loạn khuẩn đường ruột hoặc rối loạn sự co bóp và tiết dịch trong dạ dày và ruột.

- Do hệ miễn dịch kém nên rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công khiến trẻ mệt mỏi không muốn ăn.

- Cho bé ăn vặt trước bữa ăn: Nhiều cha mẹ không để ý đến chiều con cho con ăn vặt, nhưng lại không biết rằng cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn khiến bé lửng bụng gây cảm giác no lười ăn.

Giải pháp cho bé 7 tháng biếng ăn:

- Chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, phù hợp lứa tuổi và đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

- Nên chế biến thức ăn cho bé phải hợp khẩu vị, tránh nấu chung những loại thực phẩm không hợp vị gây khó ăn cho bé.

- Tránh dùng một loại thực phẩm hằng ngày như cà rốt, khoai lang, khoai tây, su hào. Nhiều người khi xay bột hay trộn các loại đậu xanh, hạt sen, ý dĩ… điều này không chỉ khiến bé ngán ăn mà năng lượng cũng không nhiều, lại gây khó tiêu.

- Không cho bé ăn vặt hay bú mẹ trước bữa ăn chính của bé

- Nên cho bé ăn tại 1 chỗ, tập cho bé thói quen tốt này

- Tạo không khí vui tươi, khuyến khích tính hiếu thắng của bé như ăn đua với các bé khác hoặc với các thành viên trong gia đình.

- Tuyệt đối không đánh, mắng bé trong bữa ăn, không ép ăn vì rất dễ tạo tâm lý sợ ăn.

- Thức ăn không nên nấu đi nấu lại nhiều lần.

Nếu áp dụng theo cách này nhưng bé vẫn không chịu ăn thì em nên đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Dinh Dưỡng khám và tư vấn thêm cho em.


- Minh Phúc - Đồng Nai

Chào BS,

Cháu năm nay 15 tuổi. Cháu bị viêm xoang. Cách đây 3 năm cháu có nổi cục hạch to bằng hạt đậu phộng, di chuyển được, không đau.

Cách đây nửa năm cháu sờ thấy thêm 1 cục hạch nhưng chỉ bằng nửa cục hạch trước.

Cháu cũng hay nhức đầu, luôn nghẹt mũi vào ban đêm.

Xin hỏi cháu có bị ung thư vòm họng không ạ? Xin BS tư vấn nhanh giúp cháu! Vì chuyện này cháu suy nghĩ rất nhiều!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào cháu,

Theo mô tả thì đây là hạch do cơ thể tạo nên khi chống tác nhân gây bệnh chứ không phải ung thư vòm họng như cháu nghĩ, cháu yên tâm nhé.

Cháu thường xuyên hay bị nhức đầu, nghẹt mũi vào ban đêm là do cháu bị viêm xoang, nếu có triệu chứng này cháu đi BS chuyên khoa Tai-Mũi-Họng khám và điều trị cho cháu nhé.


- Tuyết Ngọc - Bình Dương

Chào BS,

Cháu năm nay 14 tuổi, đang có thắc mắc là không biết khi nào mũi mới ngừng phát triển? Vì mũi cháu có sống mũi nhưng mà không cao lắm, đầu mũi thì to, không biết khi từ đây đến khi trưởng thành mũi có còn cao lên nữa không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào cháu,

Các bộ phận trên cơ thể người phát triển đến năm 25 tuổi, mũi sẽ phát triển phù hợp hài hòa với gương mặt, cháu nhé.


- Bạn đọc Phan Thật - thatphan…@gmail.com

Chào BS,

Con em đi khám BS bảo bị hội chứng chít hẹp khe mi. Tình trạng con em hiện tại phải ngửa cổ mới nhìn được. Vậy khi nào thì bé mới phẫu thuật được ạ? Nay bé 17 tháng. Xin cảm ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, ai sinh ra cũng muốn có một đôi mắt lành lặn, sáng trong, cân đối, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không may mắn sinh ra với đôi mắt bị sụp mi thì cũng không nên lo lắng quá, bởi sụp mi bẩm sinh có thể điều trị bằng phẫu thuật.

Tuổi để phẫu thuật sụp mi thường từ 5 - 6 tuổi, chỉ cần trẻ có thể hợp tác được với thầy thuốc trong khi khám, đánh giá được mức độ sụp mi và chức năng nâng cơ mi.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật sụp mi phụ thuộc vào sức khoẻ của bé có cho phép gây mê để mổ hay không, phụ thuộc vào phương pháp mổ, tình trạng thị lực và tư thế bù trừ của khuôn mặt.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật sụp mi khác nhau như: làm khoẻ chính cơ nâng mi bằng phương pháp rút ngắn cơ nâng mi trên; sử dụng các cơ lân cận hỗ trợ cho cơ nâng mi… Mỗi loại phẫu thuật đều có ưu, nhược điểm riêng và được áp dụng tuỳ các trường hợp cụ thể.

Khi độ sụp mi ít, chức năng cơ nâng mi tốt thì kết quả phẫu thuật sẽ khả quan. Khi sụp mi nặng, chức năng cơ yếu thì kết quả đạt được thường kém.

Em nên theo dõi sức khỏe bé và nhờ BS đang điều trị cho bé tư vấn thêm cho em vì BS này mới nắm rõ tình trạng của bé.


- Vũ Ngọc Anh - Ninh Bình

Con trai em năm nay 3 tuổi. Gần 1 năm nay cháu thường xuyên thức khuya11-12h đêm mới ngủ, trưa có ngày cháu không ngủ.

Vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe như nào ạ? BS cho em cách khắc phục tình trạng này với ạ!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Ngọc Anh thân mến,

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Đặc biệt, giấc ngủ đối với trẻ nhỏ không những đảm bảo cho việc phát triển thể chất mà còn làm cho bé được sảng khoái, vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động phù hợp lứa tuổi.

Bé 3, trung bình một ngày cần ngủ 10-14 tiếng hoặc hơn. Nếu bé khó ngủ, em nên :

- Tìm hiểu bé có bị suy dinh dưỡng không vì đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biếng ăn, làm bé mệt mỏi và khó ngủ…

- Chế độ ăn uống của bé có đầy đủ không, nếu bé ăn ít hoặc ăn quá no, sát giờ ngủ cũng khó ngủ

- Phòng ngủ ngoài việc thoáng mát sạch sẽ, cần yên tĩnh, có ánh sáng tối thiểu và tránh tiếng ồn.

- Bé cần có sự quan tâm vỗ về của người mẹ lúc ngủ.

- Dinh dưỡng cho bé là bữa ăn đa dạng thực phẩm, luôn nấu thay đổi món ăn. Trước khi ngủ khoảng 30 phút đến một tiếng, có thể cho bé uống thêm 1 ly sữa để tăng thêm năng lượng và chất dinh dưỡng trong đêm dài.

- Tắm hoặc lau mát cho bé trước khi ngủ để bé có cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái và cơ thể sạch sẽ mát mẻ cũng làm bé mau buồn ngủ.

-Cố gắng tạo lại thói quen ngủ của bé. Nếu cho bé ngủ sớm mà các thành viên khác trong gia đình vẫn bật đèn sáng hoặc có nhiều tiếng ồn chắc chắn bé sẽ khó ngủ.

Đặc biệt các bé đều làm nũng và rất cần sự vỗ về, massage của mẹ, mẹ có thể đọc hoặc kể chuyện cho bé với giọng nhẹ nhàng thủ thỉ chắc bé sẽ cảm thấy bình yên và buồn ngủ.

- Cố gắng cho bé ngủ sớm trước 22h vì thời điểm đó cơ thể sẽ tiết ra nhiều hoóc môn kích thích tăng trưởng, giúp bé phát triển được tốt hơn.

Bé đi ngủ sớm thời gian ngủ sẽ được nhiều hơn, sáng hôm sau chắc sẽ tỉnh dậy khỏe mạnh vui vẻ hơn.


- Hoàng Linh - Vũng Tàu

Chào BS, BS cho em hỏi,

Lúc em có thai phát hiện mình bị viêm gan B, HBSag (+) hbeag(-). Sau khi sinh bé BV đã tiêm huyết thanh cho bé và 1 mũi viêm gan B thông thường.

Bé 2 tháng tuổi em có cho tiêm 6.1, trong đó có viêm gan B, và em tính tháng thứ 3 và 4 đều cho bé tiêm 6.1.

Vậy cho em hỏi bé nhà em có khả năng bị lây từ mẹ không ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hoàng Linh thân mến,

Bệnh viêm gan siêu vi B chủ yếu lây truyền qua đường từ mẹ sang con. Tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh.

Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ thì tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong 3 tháng giữa thai kỳ là 10%, còn mắc ở 3 tháng cuối thai kỳ là 60-70%.

Về đường lây bệnh viêm gan B khi đang mang thai đến nay chưa ghi nhận, mà là lây trong lúc sinh: máu từ nhau thai bong tróc truyền cho bé; sản dịch, máu của mẹ lây cho trẻ sơ sinh; trẻ sơ sinh hít hoặc nuốt phải dịch có siêu vi viêm gan B từ người mẹ. Người mẹ có thể truyền siêu vi viêm gan B cho con khi sinh, dù sinh thường hay sinh mổ.

Nếu bé được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.

Theo mô tả thì con em đã tiêm ngừa liền trước 12 giờ nên con em có khả năng không lây nhiễm. Do đó, em yên tâm nhé.

~~~~~~~~~~~
Buổi tư vấn tiếp theo:


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X