Hotline 24/7
08983-08983

Bong gân cổ chân uống thuốc không đỡ, nên điều trị như thế nào?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, em bị gãy xương gót gần 2 năm rồi. Trước khi gãy em đã đi bó bột nhưng sau một thời gian em vẫn không thể đi lại bình thường nên em đã đi khám rất nhiều bệnh viện lớn, các bác sĩ đều bảo xưong đã lành nhưng em đi lại vẫn đau, đứng thả lỏng chân rất đau. Đợt gần đây nhất em đi khám bác sĩ kết luận: phù tuỷ xương gót, xương sên và đầu dưới xương mác; rách dây chằng chày mác sau sên mác sau; phù nể tổ chức phần mềm vùng cổ chân. Em có uống thuốc của bác sĩ cho 2 tháng mà không có gì thay đổi, giờ chân em còn tê, đôi lúc tay bên chân cùng tê. Xin bác sĩ tư vấn giúp em.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Bong gân (tổn thương dây chằng) cổ chân là một trong những chấn thương cơ xương thường gặp nhất trong thể thao. Cơ chế của chấn thương liên quan đến bàn chân bị vặn vào trong quá mức khi cổ chân gập lòng. Điều này thường xảy khi chơi thể thao sau khi bị “lật sơ mi” hoặc trượt chân khi đi trên đường không bằng phẳng (dốc, hố, bậc thang). Thời gian để các tổn thương dây chằng phục hồi trở về sinh hoạt bình thường cần nhiều tuần đến nhiều tháng. Đó là trong trường hợp chăm sóc và tập luyện tốt.

Trường hợp của em có lẽ do nghỉ ngơi không tốt, tổn thương tái phát nhiều lần dẫn tới viêm phù nề tái phát, kéo dài nên khả năng hồi phục chậm. Trước tiên em cần nghỉ ngơi tối đa, ít nhất trong 2-3 tuần đầu, chườm lạnh khi chân còn phù nề, kê cao chân và tái khám để bác sĩ kê toa giúp giảm sưng viêm trong giai đoạn sớm. Bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình có thể sẽ kê cho em sử dụng một loại nẹp cổ chân hoặc dụng cụ hỗ trợ như nạng, gậy khi đi lại để bảo vệ khớp.

Tập vật lý trị liệu ở giai đoạn sau đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ của người bệnh, hoạt động của khớp cổ chân mới dần trở về bình thường.

Trong trường hợp kiểm tra lại mô bớt sưng viêm nhưng vẫn còn phù nhẹ vào cuối ngày, có cảm giác tê bì em nên kiểm tra thêm chuyên khoa thần kinh, mạch máu; vì trong những chấn thương nặng có thể gây tổn thương nhiều bộ phận và cần xử trí tích cực.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>>Bong gân cổ chân và có vết bầm tím, chữa trị như thế nào?

>>Bong gân cổ chân 2 tuần vẫn còn sưng, có nghiêm trọng?

Bong gân cổ chân là chấn thương do kéo giãn cơ, đứt một phần hoặc hoàn toàn một hoặc nhiều dây chằng nối các xương cổ chân với nhau. Dây chằng là những sợi collagen khỏe và linh hoạt nối với xương, trong khi gân - thường là đầu tận của bó cơ - có nhiệm vụ nối cơ và xương với nhau.

Để chữa bong gân cổ chân, bạn cần được sơ cứu tại chỗ trước khi đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ. Bạn nên:

- Chườm đá ngay lập tức do chân sẽ bị sưng nhanh chóng. Không được chườm nóng trong 72 tiếng sau khi bị thương do sẽ khiến sưng nhiều hơn;
- Cổ chân cần được nghỉ ngơi, do đó bạn nên dùng nạng;
- Hạn chế tối đa việc đi lại;
- Bó ép hoặc dùng thanh nẹp cổ chân lại;
- Nâng cổ chân lên cao;
- Liệu pháp vật lý trị liệu có thể làm khỏe cơ, giúp hồi phục và giúp tránh bị chấn thương nhiều hơn;
- Bạn có thể dùng thuốc kháng viêm không kê toa (ibuprofen) để làm bớt sưng và giảm đau.

Tuy bong gân cổ chân có thể chữa tại chỗ, một số trường hợp bong gân nghiêm trọng cần phải phẫu thuật và trị liệu vật lý.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X