Hotline 24/7
08983-08983

Bỗng dưng "điếc đặc"

Một sáng nọ, vừa thức giấc, tai bạn bị lùng bùng, rồi “điếc đặc”, vì sao rơi vào tình trạng này.

Mỗi năm, có khoảng 1.000 bệnh nhân (BN) bị điếc đột ngột đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị và số lượng này ngày càng tăng. Theo BS Nguyễn Thành Lợi, BV Tai Mũi Họng TP.HCM, nguyên nhân gây điếc đột ngột chưa được xác định rõ.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị: dùng corticoid toàn thân và tại chỗ, thuốc có tác dụng dãn mạch tăng cường oxy máu, thuốc an thần, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thở oxy cao áp, châm cứu...

Anh Nguyễn T.Đ. (40 tuổi, H.Củ Chi, TPHCM) cho biết, buổi sáng thức dậy, tai anh chợt bị lùng bùng. Theo chẩn đoán của các BS chuyên khoa tai mũi họng, anh bị điếc đột ngột độ III. Điều may mắn là anh vào viện sớm, và mới chỉ bị điếc đột ngột một bên tai. Sau hơn nửa tháng điều trị, tai trái của anh Đ. có thể nghe lại, mặc dù sức nghe giảm.

Điếc đột ngột thường gặp ở lứa tuổi từ 30 - 60. Bệnh diễn biến nhanh trong vòng vài giờ đến vài ngày. Tình trạng mất thính lực thường diễn ra vào buổi sáng sớm, sau khi ngủ dậy.

Một số trường hợp lần đầu tiên nhận thấy giảm thính lực khi họ cố gắng nghe, chẳng hạn khi nghe điện thoại. Một số trường hợp nghe một tiếng báo động "pop", sau đó, khả năng nghe của họ biến mất. Những người bị điếc đột ngột thường bị chóng mặt, ù tai, hoặc cả hai.

Rất nhiều yếu tố nguy cơ tác động đến suy giảm thính lực: nhiễm độc thuốc, nghiện rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên, stress, làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn kéo dài...

Vài biểu hiện khác cũng nên lưu ý đi khám để được chẩn đoán sớm việc suy giảm sức nghe: chóng mặt và mất cân bằng, không thể theo kịp các cuộc trò chuyện nhóm, âm thanh nghe lúc được, lúc không, gặp rắc rối khi nghe giọng nữ giới, không có khả năng nghe tốt khi có nhiều tiếng ồn nền, xem ti vi hoặc nghe nhạc với cường độ âm thanh cao…

Khi có dấu hiệu điếc đột ngột, nên đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt. Ảnh internet

Điếc đột ngột là một tình trạng cấp cứu nên BN phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị. Nếu thời gian đến khám và điều trị sớm trong bảy ngày đầu thì khả năng phục hồi cao hơn. Sau 10 ngày điều trị, tỷ lệ cải thiện thính lực đạt 47%.

Nhiều BN bị điếc đột ngột, trì hoãn đi gặp bác sĩ vì nghĩ rằng mất thính giác là do dị ứng, viêm xoang, ráy tai, hoặc do cảm cúm thông thường...

Tuy nhiên, chậm chẩn đoán và điều trị điếc đột ngột có thể làm giảm hiệu quả điều trị. BN lớn tuổi có khả năng phục hồi thấp hơn những BN trẻ. Điếc đột ngột ở cả hai tai thì khả năng hồi phục sẽ kém hơn so với điếc một bên.

Những BN điếc đột ngột cả hai tai thường có các vấn đề kèm theo như ngộ độc, bệnh lý tự miễn, u tân sinh, bệnh lý về mạch máu, họ này thường bị điếc sâu hơn, khó cải thiện hơn.

Để phòng ngừa bệnh điếc đột ngột, cần giảm stress, thư giãn hợp lý; tăng cường hệ miễn dịch, mang khẩu trang khi vào những chỗ đông người để hạn chế nhiễm các bệnh do siêu vi; thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, không sử dụng rượu bia, thuốc lá; vận động thường xuyên để tránh tình trạng mỡ trong máu.

Lưu ý điếc đột ngột còn có thể do tắc mạch máu nhỏ nuôi tai trong vì mỡ trong máu cao gây huyết khối...

Đặc biệt, bạn nên tránh tiếp xúc thường xuyên với môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn. Bất cứ tiếng ồn nào trên 85 decibel đều có thể gây hại cho các tế bào ở tai trong - các tế bào chuyển đổi thành tín hiệu âm thanh đến não.

Đừng bao giờ nghe nhạc bằng tai nghe với âm thanh mở tối đa; cần mang nút tai hoặc bịt tai bảo vệ nếu bạn phải đi vào môi trường tiếng ồn trên 85 decibel. Ngoài ra, nên đi đo thính lực hàng năm để phát hiện sớm tình trạng suy giảm thính lực.

Theo Hương Thanh - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X