Hotline 24/7
08983-08983

Bị lao phổi, điều trị ở BV tỉnh được không?

BS Cao Thị Lan Hương sẽ tư vấn trực tiếp cho bạn đọc AloBacsi tới 18g hôm nay, 14/11. Mời quý bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

 

- Bao Khanh - huynhlebao…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Em có vấn đề cần tư vấn, mong AloBacsi tư vấn giúp em ạ. Chú em sinh năm 1978, có đi chụp X-quang Phổi tại một phòng mạch tư của bác sĩ ở Đồng Tháp. Kết quả chụp X-quang Phổi cho thấy chú em bị nám phổi. Bác sĩ khuyên nên đi thử đàm để biết được có bị lao phổi hay không? Sau khi xét nghiệm đàm và có kết quả là chú em không có virus lao phổi, bác sĩ tư vấn nên xét nghiệm lần 2 sau 1 tuần, nếu kết quả vẫn không có virus lao phổi thì bác sĩ vẫn tiến hành điều trị theo phương pháp trị lao.

AloBacsi có thể tư vấn giúp em, liệu trình điều trị lao trên toàn quốc là giống nhau phải không ạ? Trường hợp của chú em có nên đến BV Phạm Ngọc Thạch để khám lại từ đầu không ạ? Em chân thành cảm ơn AloBacsi rất nhều ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Phác đồ chẩn đoán và điều trị lao phổi trên toàn quốc là hoàn toàn giống nhau ở các quận, huyện trên toàn đất nước Việt Nam.

Các triệu chứng điển hình của lao phổi gồm ho kéo dài - sốt nhẹ về chiều - sụt cân ngày nay ít gặp, nhiều người bị lao không có các triệu chứng này, có người chỉ phát hiện qua phim chụp Xquang phổi thấy tổn thương phổi điển hình do lao. Nếu như phim chụp Xquang phổi có hình ảnh nghi ngờ mắc bệnh lao phổi nhưng kết quả xét nghiệm đàm thì chưa phát hiện vi khuẩn lao (âm tính) thì BS tư vấn 1 tuần sau tái khám xét nghiệm đàm lần 2 là phù hợp.

Nếu cả 2 lần xét nghiệm đàm đều âm tính, tức là không phát hiện vi khuẩn lao trong đàm, nhưng người bệnh có triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng khác phù hợp với bệnh lao phổi, thì bác sĩ sẽ chẩn đoán là lao phổi AFB (-) (có nơi ghi là M (-)) và điều trị bệnh lao phổi theo phác đồ lao phổi AFB (-). Lao phổi AFB (-), nghĩa là người bệnh vẫn có bệnh lao phổi nhưng do không mang nhiều vi khuẩn lao trong dịch tiết đường hô hấp - đàm nên chưa phát hiện được vi khuẩn lao trong đàm khi xét nghiệm đàm (vi khuẩn lao rất khó phát hiện, đặc biệt khi số lượng ít), và do đó khả năng lây cho người khác là không cao.

Theo tôi, từ Đồng Tháp lên TPHCM rất xa và tốn kém, mệt mỏi cho người bệnh. Do vậy, để an toàn và chắc chắn thì gia đình có thể kiểm tra lại bệnh lý lao phổi cho người nhà em tại bệnh viện của tỉnh Đồng Tháp, chứ không chỉ ở phòng mạch tư của bác sĩ, để nếu có gì “lấn cấn” thì các bác sĩ cũng hội chẩn khoa thống nhất chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, điều trị lao phổi là được trợ cấp hoàn toàn của nhà nước, em nhé.

 

- Ngô Hiền Lê - Hà Nội

Chào bác sĩ,

Hôm trước, cháu có bị chặt vào tay và đứt rời đầu tay trái, phải khâu 8 mũi. Bác sĩ khâu luôn cả vào móng tay cháu. Cháu muốn hỏi là khi cắt chỉ có được tiêm thuốc tê để giảm đau không ạ? Cháu cám ơn bác sĩ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thông thường lúc cắt chỉ và rút chỉ thì không có đau như lúc vừa đứt tay hay lúc khâu vết thương. Cảm giác lúc cắt chỉ cũng chỉ tê tê như kiến cắn, do vậy đa số không cần phải tiêm thuốc tê, vì việc tiêm thuốc tê làm cho vết thương nề lên sẽ khó cắt chỉ hơn.

Tuy nhiên, trường hợp người bệnh đau nhiều thì bác sĩ có thể cân nhắc xịt thuốc tê lên bề mặt vết thương trước khi cắt chỉ. Cuối cùng, việc có sử dụng thuốc tê hay không là ở quyết định của bác sĩ lúc cắt chỉ cho em, em nhé.


- Nguyễn Thị Mộng Nguyên - TPHCM

Mình mang thai được 22 tuần rồi và lỡ không biết nên đã uống 1 ly sương sáo hạt é thì có sao không vậy? Mong được bác sĩ giúp đỡ. Cảm ơn nhiều ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo 1 số thông tin trên mạng dựa trên đặc tính của hạt é mà khuyến cáo thai phụ không nên ăn sương sáo, hạt é vì sợ sẩy thai, tắc ruột. Tuy nhiên, đó là khi thai phụ ăn 1 số lượng hạt é cực kỳ nhiều. Còn việc uống 1 ly sương sáo hạt é thì theo khoa học chứng cứ chưa ghi nhận trường hợp nào bị sẩy thai, quái thai, tắc ruột chỉ vì 1 ly chè sương sáo hạt é.

Do vậy, thai phụ cũng không cần phải làm mọi cách để ói ra hay nhập viện theo dõi gì cả trong trường hợp này. Em chỉ cần khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ sản khoa là được.

 

- Lưu Vũ Bảo Ân - anluuvu…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Con năm nay 18 tuổi. Khoảng 6-7 năm vê trước, con bị nổi mê đay quanh năm. Đi khám bệnh uống thuốc 1 tuần hết nhưng sau đó bị lại. Con dùng thuốc certirizin màu đỏ. Cứ lên mề đay thì con uống. Liên tục mấy năm nay. Bác sĩ cho con hỏi con nên sử dụng thuốc nào để trị dứt điểm. Có phải con mắc bệnh về gan? Cảm ơn bác sĩ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nổi mề đay là một tình trạng của dị ứng. Dễ dị ứng là do cơ địa, nên không trị dứt được, chỉ trị khi có biểu hiện dị ứng. Bệnh có thể khởi phát bất kỳ lúc nào trong cuộc đời, thường tập trung vào những năm đầu đời, có người từ nhỏ đã bị, có người lớn lên mới phát. Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được thật sự rõ, nhưng quan sát thấy có liên quan đến căng thẳng đầu óc, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm ăn vào, nhiễm giun sán... làm cho cơ thể nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng hơn.

Cetirizin là một thuốc chống dị ứng dùng 1 lần trong ngày, tương đối an toàn và ít tác dụng phụ. Nếu em uống hạp thì mỗi khi nổi mề đay lại có thể dùng thuốc này.

Em cũng nên khám sức khỏe tổng quát, làm xét nghiệm kiểm tra tổng thể xem có bệnh lý nền tiềm tàng nào làm thúc đẩy dị ứng hay không, như nhiễm giun sán, viêm gan... để điều trị thích hợp.

Để giảm dị ứng, em nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, mặc đồ thoáng mát, hạn chế các thực phẩm có thể gây dị ứng nặng lên như đồ biển, thịt bò, thịt rừng (món nào ăn vào thấy nổi sẩn ngứa thì tránh ra), không thuốc lá, cữ bia rượu, không thức khuya, tập thể dục.

Theo Đông y thì gan và thận là 2 nơi thải độc của cơ thể, khi 2 cơ quan này hoạt động không tốt thì cơ thể dễ bị dị ứng hơn nên em cũng có thể uống những bài thuốc lọc gan lọc thận ở nơi chữa Đông y uy tín, có bằng cấp.


- Vũ Đình Cần - TPHCM

Kính thưa bác sĩ,

- Khoảng từ tháng 5/2016 thì lâu lâu bị đau lưng. Và đặc biệt là bị tê chân trái. Khi ngồi 1 chỗ thì không thấy gì mà cứ đứng dậy di chuyển là nó bị tê và nhói đau. Kể cả khi đứng 1 chỗ thì nó tê đến mức phải nhấc chân lên xuống liên tục để bớt đi cơn đau nhức. Tôi hiện đang làm văn phòng.

- Bác sĩ có thể tư vấn giùm tôi là tôi có thể mắc bệnh gì không? Nếu đi khám thì nên đi khám ở đâu để có thể khắc phục tình trạng hiện thời. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Hội chứng đau thắt lưng thuộc nhóm bệnh lý cơ xương khớp ở vùng cột sống thắt lưng, như căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, công việc ngồi nhiều ít vận động, do thiếu vi khoáng chất (như canxi, kali, magie...).

Nếu đau thắt lưng kèm tê chân trái thì phải kiểm tra xem có bị chèn ép rễ thần kinh cột sống thắt lưng hay không (thường gặp trong thoát vị đĩa đệm, hẹp lỗ liên hợp đốt sống...), hay có bệnh lý gì về thần kinh cơ - mạch máu phía bên chân trái không. Với tình trạng này, bạn khám chuyên khoa cơ xương khớp là phù hợp nhất, bạn nhé.


- Nguyễn Thị Trinh - Trinhthang…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Hôm nay em đi nội soi dạ dày thực quản tá tràng về thì bị đau bụng. Kết quả viêm phù nề hang vị, trợt rải rác, Hp âm tính… Bác sĩ cho em hỏi như vậy có nguy hiểm không? Và tại sao lại đau bụng? Xin cảm ơn vì bác sĩ đã đọc và giải đáp.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kết quả nội soi dạ dày cho thấy em bị viêm dạ dày, không có nhiễm Hp, đây là bệnh thường gặp, không nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị được. Nhiều bệnh nhân sau khi nội soi dạ dày thì bị đau bụng, có thể do nhiều nguyên nhân như việc nhịn đói trước đó cũng làm dạ dày khó chịu hơn, thủ thuật soi dạ dày cũng kích thích dạ dày nhiều, tâm trạng lo lắng cũng làm tăng nhu động dạ dày...

Nhìn chung, với bệnh đau dạ dày, em nên tuân thủ điều trị của bác sĩ, uống thuốc và tái khám theo hẹn, đồng thời, cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe không bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

 

 



- Hoàng Ngọc Điệp - diepshin…@gmail.com

Bác sĩ ơi, em đi xịt Al vì mào gà. Hai lần đầu em thấy bệnh giảm, lần thứ 3 em thấy đau rát hơn khi xịt, về kiểm tra thì một bên mép có vết như bị phỏng và rát. Còn mệt méo kia thì có mảng trắng bám, hai ngày sau vết như bị phỏng còn đó. Vết trắng đỡ rồi. Liệu vết đó có sao không ạ? Em lo quá. Nó vẫn còn rát. Xin cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sùi mào gà do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra. Một trong những phương pháp điều trị sùi mào gà là xịt AL (chấm nitơ lỏng) gây phá hủy mô bằng nhiệt lạnh (-198,5 ͦ C). Sau áp lạnh, vùng da điều trị thường có cảm giác như vùng da bị phỏng nhiệt và nổi bóng nước, giả mạc trắng. Hiện tượng phỏng vùng mô xung quanh thường xảy ra vào những lần xịt AL tiếp theo do sùi mào gà càng giảm thì phần tiếp xúc với mô lành càng tăng.

Những triệu chứng mà em mô tả cho thấy mức độ phỏng còn nhẹ, chưa đến nỗi nhiễm trùng, nên em chỉ cần theo dõi và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, mặc quần thoáng mát. Nếu sùi mào gà đã giảm nhiều rồi thì lần sau có thể không cần chấm AL nữa mà tiếp tục theo dõi thôi, vì những sùi mào gà nhỏ có thể tự rụng được, quan trọng là em đừng tiếp xúc với những nguồn lây nhiễm là được.


- Nguyễn Khánh Thân - Nghệ An

Bác sĩ cho cháu hỏi: chân của cháu đầu tiên bị bong gân. Do không kiêng vận động nhiều sau đó, cháu bị mẻ xương gót. Cháu đã bó bột 2 tháng và kiêng cữ tổng cộng 6 tháng rồi nhưng chân cháu vẫn đau nhói chưa đi đươc và nó còn bị sưng nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lưu thông mạch máu không được tốt như trước đây nên sẽ dễ gây sưng nề nhẹ, và điểm gãy xương lâu lâu cũng nhói đau nhẹ khi đi lại nhiều hay trời trở lạnh, dù là xương đã lành. Ngoài ra, vùng gót chân còn chịu thêm ảnh hưởng của trọng lực và sức nặng cơ thể đè lên nên khi em đi lại nhiều thì chân sẽ sưng nề nhiều hơn.

Điều quan trọng là em đã tái khám lại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bs đánh giá lại chưa, nếu bác sĩ khẳng định mọi thứ đều ổn thì em yên tâm, tập đi lại từ từ, xoa bóp chân, khi ngồi/ ngủ nên kê chân cao, ăn uống đầy đủ chất, không thức khuya, không bia rượu, không thuốc lá, dần dần sẽ hồi phục lại. Nếu bác sĩ chẩn đoán có gì bất thường thì em cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ em nhé.

 

- Trần Hoàng Vũ - tranhoang…@gmail.com

Gửi các bác sĩ,

Em là Vũ 23 tuổi. Hiện tại đầu gối trái em có những biểu hiện như có tiếng nổ: "bộp" khi đứng lên ngồi xuống. Đặc biệt khi ngồi xổm từ 3-5 phút thì chân bị tê. Ngoài ra đi lên đi xuống cầu thang hoặc chạy cũng rất đau phía dưới xương bánh chè. Em rất đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá, nhưng chân em bị đau như vậy hơn nữa năm nay em cũng rất hạn chế đá bóng hay vận động mạnh. Xin các bác sĩ cho em lời khuyên! Em xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện của em có thể gặp trong bệnh lý viêm gân bánh chè, tổn thương sụn bánh chè, sụn chêm ở khớp gối... Em không nên ỷ y mà cần đi khám chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bs thăm khám, chụp phim Xquang khớp gối thẳng nghiêng cho em để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. Trong thời gian chuẩn bị đi khám, em có thể đi đứng làm việc bình thường nhưng đừng chơi đá banh hay vận động mạnh để tránh té ngã.

 

- Tuan Anh - ngk3o1…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cháu năm nay 17 tuổi. Cách đây 5-6 tháng cháu bị cảm và bị ngạt mũi nhưng từ lúc đó đến bây giờ lúc nào cũng bị ngạt. Ban ngày cháu đi làm thì mũi vẫn bình thường nhưng ban đêm khi trời lạnh thì nó bắt đầu bị ngạt phải thở bằng miệng nhưng thở bằng miệng nó hơi khó thở và thở nó cứ khò khè. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu bị bệnh gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng nghẹt mũi khi trời lạnh thường gặp trong bệnh viêm mũi vận mạch, đó là do không khí lạnh làm khô niêm mạc mũi, làm co mạch máu, gây viêm, phù nề niêm mạc mũi và cuống mũi dưới.

Em nên giữ ấm vùng mũi họng, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa/ quạt định kỳ, ra đường nên đeo khẩu trang, trời lạnh phải giữ ấm cơ thể, khi bị nghẹt mũi cấp thì có thể ra nắng đứng 1 chút sẽ bớt, và nhỏ mũi loại có kháng histamin hay corticoid nhưng tránh lạm dụng vì thuốc có thể có tác dụng phụ nếu dùng nhiều.

Nếu áp dụng theo cách trên mà vẫn không hết thì em cần khám chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ soi mũi cho em, xác định xem có bất thường gì kèm theo hay không (như vẹo vách ngăn mũi, viêm mũi xoang mạn...) để điều trị mạnh hơn.

 

- Nguyễn Thành Đạt - emyeucuaanh…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em năm nay 26 tuổi, em cứ bị tê mỏi tay phải mỗi lúc sáng ngủ dậy và gần đây thì triệu chứng đó xuất hiện nhiều hơn về ban ngày. Lấy tay chạm nhẹ ở da ở cánh tay cũng có cảm giác đau từ bắp tay đến tận ngón tay giữa gây khó khăn cho công việc cũng như cuộc sống hằng ngày, mong bác sĩ tư vẫn giúp em. Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng mà em miêu tả nhiều khả năng là có chèn ép thần kinh của tay, có thể do nằm sai tư thế gây chèn ép thần kinh mạch máu, có thể do thiếu vitamin và khoáng chất, do bệnh lý thực thể của thần kinh...

Vì tình trạng này ngày càng tăng và gây khó khăn cho công việc, cuộc sống của em, nên em cần sắp xếp khám chuyên khoa nội thần kinh càng sớm càng tốt. BS cần phải hỏi kỹ hơn về bệnh sử, tiền căn bệnh lý, thăm khám và làm xn kiểm tra ban đầu, từ đó mới xác định rõ mặt bệnh, nguyên nhân và điều trị thích hợp.


- Nguyễn Thị Lan Hương - Melody.phuong…@gmail.com

Cháu chào bác sĩ,

Cháu năm nay 21 tuổi. Cháu mới sinh con được 4 tháng. Gần đây cháu thấy ở cổ có triệu trứng sưng và hơi đau ở bên phải cổ dưới cằm. Cho cháu hỏi đấy là dấu hiệu có nghiêm trọng không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng cổ to kèm sưng đau bên phải cổ vùng dưới cằm có thể gặp trong viêm giáp bán cấp sau sinh, viêm hạch... Em cần đến bệnh viện để kiểm tra sớm, bác sĩ cần thăm khám, xét nghiệm kiểm tra (xét nghiệm máu, siêu âm vùng cổ...) nhằm xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp an toàn cho em và cho bé.

 

 

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn


› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn


› Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123


› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;

Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X