Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tăng nhãn áp do dùng corticoid

Prednisone là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh viêm ruột (IBD) và các bệnh tự miễn khác. Mặc dù prednisone có thể có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh tự miễn nhưng nó cũng là một loại steroid, và điều đó có nghĩa là thuốc sẽ đi kèm với một loạt các tác dụng phụ. Nhiều tác dụng phụ của prednisone sẽ giảm khi liều lượng giảm, nhưng một số tác dụng phụ có thể là vĩnh viễn, bao gồm bệnh tăng nhãn áp.

Sử dụng prednisone liều cao hoặc trong thời gian dài có thể gây bệnh tăng nhãn áp, một bệnh về mắt nghiêm trọng. Bệnh tăng nhãn áp có thể không đau, nhưng nó có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn hoặc thậm chí bị mù. Do vậy, những người điều trị bệnh viêm ruột trong thời gian dài bằng prednison cần phải được kiểm tra mắt hàng năm, bất kể tuổi tác. Nếu bác sĩ nhãn khoa không làm xét nghiệm bệnh tăng nhãn áp, hãy yêu cầu tiến hành xét nghiệm ngay cả khi bạn còn trẻ tuổi. Những người dùng prednisone cũng nên thông báo với bác sĩ của họ nếu bất kỳ thành viên gia đình nào có tiền sử bệnh tăng nhãn áp.


Tổng quan

Bệnh tăng nhãn áp là sự tăng áp lực nội nhãn bên trong mắt. Sự gia tăng áp lực này có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác. Các dây thần kinh thị giác là mô rất nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt, bao gồm các sợi thần kinh nối võng mạc với não. Các dây thần kinh thị giác rất cần thiết để giúp bạn nhìn thấy mọi vật, vì nó truyền tín hiệu đến não.

Bệnh tăng nhãn áp được chẩn đoán sau khi tổn thương dây thần kinh thị giác xảy ra. Áp lực nội nhãn cao có thể làm cho thị lực của bạn giảm đi và cuối cùng dẫn đến mù lòa trong một vài năm. Một số người có thể đã bị tăng nhãn áp, nhưng không có tổn thương dây thần kinh thị giác, và có thể không bao giờ phát triển bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, áp lực nội nhãn cao cho thấy tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.

Phân loại

Có nhiều loại tăng nhãn áp, bao gồm tăng nhãn áp thứ phát (do biến chứng của tình trạng khác hoặc với do dùng một số thuốc như prednisone), tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng, tăng nhãn áp bẩm sinh, tăng nhãn áp áp lực thấp hoặc tăng nhãn áp áp lực bình thường.

Bệnh tăng nhãn áp góc mở. Đây là dạng tăng nhãn áp thường gặp và đôi khi được gọi là bệnh tăng nhãn áp góc rộng. Trong loại tăng nhãn áp này, dịch trong máu chảy qua góc dẫn lưu quá chậm dẫn đến việc chất lỏng tích tụ bên trong mắt, làm tăng áp lực.

Bệnh tăng nhãn áp thứ phát. Đây là loại bệnh tăng nhãn áp ít phổ biến hơn, nhưng thường gặp ở những người bị viêm ruột đang dùng prednisone hoặc các corticosteroid khác. Tăng nhãn áp thứ phát cũng có thể là một biến chứng của một tình trạng khác như phẫu thuật, đục thủy tinh thể nặng, u mắt, viêm màng bồ đào hoặc tiểu đường. Bệnh tăng nhãn áp thứ phát có thể là loại góc mở hoặc góc đóng.

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng. Trong loại bệnh tăng nhãn áp này, một phần của mống mắt ngăn chặn thủy dịch thoát ra qua góc dẫn lưu. Chất lỏng tích tụ đột ngột, gây ra một sự gia tăng áp lực đột ngột trong mắt, khiến bạn bị đau dữ dội và buồn nôn, mờ mắt và đỏ mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, bạn có thể bị mù trong vài ngày.

Nguy cơ

Những người có nguy cơ cao bị bệnh tăng nhãn áp bao gồm:

- Người dùng corticosteroid.
- Người Mỹ gốc Phi trên 40 tuổi.
- Người trên 60 tuổi, đặc biệt là người gốc Tây Ban Nha.
- Những người có tiền sử gia đình bệnh tăng nhãn áp.
- Những người có thị lực kém, tăng huyết áp, bệnh tim, bong võng mạc, u mắt và viêm mắt như viêm màng bồ đào và viêm mống mắt mãn tính.

Triệu chứng

Trong nhiều trường hợp, bệnh tăng nhãn áp có thể xuất hiện mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Bởi khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh đã tiến triển qua một thời gian đáng kể. Khám mắt mỗi 1-2 năm một lần có thể giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp sớm. Những người dùng corticosteroid nên nói chuyện với bác sĩ của họ về việc thường xuyên khám mắt.

Chẩn đoán


Bệnh tăng nhãn áp được chẩn đoán thông qua hai xét nghiệm đơn giản và không đau. Thử nghiệm đầu tiên là giãn đồng tử. Bác sĩ nhỏ thuốc nhỏ vào mắt làm giãn đồng tử. Khi đồng tử lớn, bác sĩ có thể sử dụng ánh sáng để nhìn vào võng mạc ở mặt sau của mắt và kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp hoặc các rối loạn khác. Khi đồng tử bị giãn ra, thị lực mờ đi. Một số bác sĩ nhãn khoa có thể sử dụng các kỹ thuật mới hơn, chẳng hạn như hình ảnh võng mạc, chụp ảnh có độ phân giải cao của mắt mà không cần phải dùng thuốc giãn đồng tử.

Thử nghiệm thứ hai là đo nhãn áp. Nếu xét nghiệm này cho thấy bất kỳ bất thường nào thì có thể thực hiện một loại xét nghiệm đo nhãn áp khác.

Điều trị

Thuốc nhỏ mắt được sử dụng để làm giảm lượng chất lỏng trong mắt hoặc tăng lưu lượng dịch lỏng thoát ra ngoài. Những loại thuốc nhỏ này phải được sử dụng nhiều lần trong ngày và các tác dụng phụ bao gồm đau đầu, ngứa mắt, rát và đỏ.

Phẫu thuật laser có thể được sử dụng để loại bỏ tình trạng tắc nghẽn hoặc tăng lưu lượng dịch thoát ra khỏi mắt. Trong phẫu thuật tạo hình vùng bè, góc dẫn lưu sẽ được ép để mở ra; trong phẫu thuật cắt mống mắt, một lỗ nhỏ sẽ được tạo ra ở mống mắt để tăng lượng dịch thoát ra ngoài; và trong quang đông thể mi, mắt được điều trị để giảm sản xuất dịch. Tác dụng phụ của phẫu thuật laser có thể bao gồm viêm. Thủ thuật này có thể cần được lặp lại nhiều lần.

Trong vi phẫu, một lỗ mở được tạo ra trong mắt để giúp dẫn lưu chất lỏng dư thừa. Cách điều trị này thường chỉ được sử dụng sau khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Tác dụng phụ có thể bao gồm viêm, đục thủy tinh thể và các vấn đề về giác mạc.

Lời khuyên

Với các phương pháp điều trị mới cho bệnh viêm ruột, corticosteroids không được sử dụng nhiều như trước đây. Những loại thuốc này hiện đang được sử dụng ít hơn và trong thời gian ngắn hơn, làm giảm nguy cơ xuất hiện những tác dụng phụ. Đối với những bệnh nhân sử dụng corticosteroids để điều trị viêm ruột hoặc cho một tình trạng bệnh khác, điều quan trọng là phải hiểu được nguy cơ của các tác dụng phụ và theo dõi chúng một cách cẩn thận.

Theo CTV Võ Dung - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X