Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh hô hấp khi chuyển mùa: “Già không bỏ, nhỏ dễ gì tha!”

Trong thời tiết chuyển mùa như hiện nay, các bệnh lý về hô hấp đang có xu hướng gia tăng ở cả người lớn và trẻ em. Hiểu được điều này, Phòng khám Bác sĩ gia đình - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức buổi giao lưu “Bệnh hô hấp khi chuyển mùa” vào ngày 13/1 vừa qua.

Trời lạnh: “Mùa cơ hội” của bệnh lý hô hấp
 
TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ kế hoạch tổ chức các chương trình giao lưu sức khỏe trong buổi tư vấn "Bệnh hô hấp khi chuyển mùa"
 
TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu phó trường Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch - Trưởng Phòng khám Bác sĩ gia đình cho biết, mỗi tháng trường sẽ tổ chức một buổi như vậy vào thứ 7 đầu tiên của tháng, nói về sức khỏe mang yếu tố thời sự, thời tiết hay những bệnh thường gặp trong đời sống mà mọi người quan tâm. Phòng khám cũng sẽ mời những chuyên gia đầu ngành cung cấp những kiến thức bổ ích cho mọi người.

Trong buổi đầu tiên có 2 diễn giả là TS.BS Trần Văn Thi, Giảng viên Bộ môn nội - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kiêm Trưởng khoa Hô hấp BV Nguyễn Tri Phương và BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Đồng 1 trao đổi xung quang chủ đề “Bệnh hô hấp khi chuyển mùa” ở cả người lớn và trẻ em.
 
TS.BS Trần Văn Thi - Giảng viên Bộ môn nội - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kiêm Trưởng khoa Hô hấp BV Nguyễn Tri Phương
 

TS.BS Trần Văn Thi cho biết, chức năng hệ hô hấp bao gồm: Chức năng không khí, vận chuyển không khí và điều hoà hô hấp. Khi bất kỳ một bộ phận nào của bộ máy hô hấp bị rối loạn chức năng thì đều có thể gây ra bệnh lý.

Khi thời tiết trở lạnh, các bệnh hô hấp người lớn thường hay mắc phải như: Nhiễm trùng hô hấp, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh khí phế quản cấp, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm mũi dị ứng, hen.

Bên cạnh đó, TS.BS Trần Văn Thi cũng đưa ra các biện pháp ngừa phòng ngừa viêm mũi dị ứng như: Tránh tiếp xúc các tác nhân dị ứng như bụi trong nhà cũng như ngoài đường, tránh tiếp xúc lông động vật, hoa có mùi thơm hoặc nhiều phấn, mùi lạ, khói thuốc lá. Khi đi ra đường hoặc lúc quét, dọn nhà cần đeo khẩu trang.

Đối với cách ngừa viêm mũi dị ứng TS.BS Trần Văn Thi khuyên rằng, không nên nuôi chó, mèo trong nhà, nhất là trong gia đình có người bị bệnh dị ứng. Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm để hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng mò, mạt. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình tôm, cua, ốc.
 
Phong cách trả lời ngắn gọn nhưng mỗi phần tư vấn của BS Trương Hữu Khanh luôn nói trúng "tim đen" của các bậc phụ huynh
 
 
Tiếp nối phần trò chuyện của BS Thi, BS Trương Hữu Khanh cũng có nhiều chia sẻ về các bệnh hô hấp khi chuyển mùa ở trẻ.

Theo BS Trương Hữu Khanh, trẻ hay bị bệnh khi chuyển mùa bởi khó thích ứng với thời tiết, không biết giải quyết cách thích ứng như: tắm nhiều, tắm lâu khi nóng nực, không biết tự giữ ấm khi trời lạnh và thuận lợi cho 1 số tác nhân gây bệnh phát triển. Viêm mũi họng - cảm, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suyễn là những bệnh hô hấp trẻ thường mắc phải.

Ông cũng hướng dẫn các bậc phụ huynh cách phòng bệnh cho trẻ bao gồm: cho trẻ ngủ đủ, bú đủ, uống đủ nước, ăn đủ lượng đủ chất. Rửa tay nếu lạnh quá thì rửa nước ấm khi mùa lạnh. Giữ ấm vùng cổ, đầu ngực, lòng bàn chân bàn tay nhất là đi ra ngoài, tránh gió lùa thẳng vào mặt trẻ. Tắm nước ấm, trong khi tắm và sau tắm 30 phút tránh gió lùa, lau đủ khô trước khi mặc quần áo, uống sữa ấm, không ăn thức ăn lạnh. Khi trời ấm nên mở phòng thoáng để thông khí và khi mùa nóng: không tắm nhiều lần, tắm lâu, không chơi đùa ngoài trời quá lâu.
 
Tiêm ngừa thuốc phế cầu có ngừa được các triệu chứng bệnh hô hấp?

Tại buổi sinh hoạt, mọi người rất sôi nổi và hào hứng đặt câu hỏi cho 2 chuyên gia.

“Tôi bị triệu chứng của đường hô hấp trên, tôi uống thuốc thì hết bệnh nhưng không dùng thuốc nữa thì bệnh lại tái phát. Tôi muốn hỏi bác sĩ về cách phòng ngừa và chữa bệnh để dứt hẳn được bệnh ạ?” bà Phạm Thị Danh (72 tuổi) tại quận Bình Thạnh.

Với câu hỏi này TS.BS Trần Văn Thi giải đáp: Khi cơ thể chúng ta bị bệnh, có thể là do yếu tố về cơ địa của mình, nếu cơ thể khoẻ mạnh thì những tác nhân bên ngoài ít xâm nhập vào hơn. Do đó, chúng ta nên có lối sống khoẻ mạnh về chế độ ăn, uống, ngủ nghỉ hoặc ở những người lớn tuổi thường mắc những bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch thì chúng ta nên kiểm soát bệnh lý đó cho thật tốt.

Ở trường hợp của cô đã dùng thuốc và hết bệnh rồi nhưng lại bị lại bởi thời tiết tiếp tục diễn tiến ban đêm lạnh, ban ngày nóng cô nên cố gắng bảo vệ cơ thể của mình. Ví dụ như ban đêm trước khi đi ngủ có thể cô mở quạt, nhưng khi cứ để quạt như vậy và đến gần sáng thì trời lại lạnh, với quạt đó thì làm cho cơ thể bị nhiễm lạnh.

TS.BS Trần Văn Thi chia sẻ thêm, có 3 vùng không nên để quạt trên người là: vùng đầu, vùng ngực và dưới chân.

Tiếp theo, một khán giả khác cũng đặt câu hỏi cho TS.BS Trần Văn Thi. “Xin bác sĩ cho biết, người đã tiêm ngừa thuốc phế cầu rồi thì có thể phòng ngừa được các triệu chứng hô hấp thường gặp khi giao mùa này không ạ?”

TS.BS Trần Văn Thi trả lời: Khi chủng ngừa cúm và phế cầu thì có thể ngừa được hoặc khi bị bệnh thì có thể bị nhẹ hơn, nhưng không hoàn toàn phòng ngừa được. Bởi vì, đôi khi chúng ta chủng tác nhân này nhưng lại bị nhiễm bởi tác nhân khác.

Do đó, những người trên 65 tuổi không có bệnh lý gì thì nên chủng ngừa. Đối với những người trẻ hơn và có những bệnh lý về nhiễm trùng hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn hay bệnh hen thì nên chủng ngừa để hạn chế bệnh lý này, vì nó sẽ là cơ hội để cho bệnh phổi trở nên nặng hơn.
 
Khách tham dự lớn tuổi dùng smartphone lưu tại những kiến thức chuyên gia cung cấp trong buổi tư vấn
 

Câu hỏi liên quan đến sức khoẻ của trẻ em mà bà Thục hỏi “Khi sờ vào cơ thể bé không hề thấy nóng và bé vẫn chơi, ăn uống bình thường, nhưng cặp nhiệt độ thì thấy bé sốt 39-40 độ C, trường hợp đó là gì xin bác sĩ hãy giải thích giúp và những lúc như vậy thì gia đình nên làm gì để tốt cho bé?”

BS Trương Hữu Khanh cho hay: “Con nít khi mình sờ lên người bé thì cần có kinh nghiệm, vì đôi khi ở trẻ nếu hầm hầm thì không phải sốt mà là nổi da gà, khi bị sốt sẽ ấm hơn da người lớn nhiều.

Trẻ sốt có nhiều giai đoạn, nếu chỉ nóng ở đầu mà người bình thường là nóng ít, nếu đầu nóng và người đều nóng là nóng vừa, còn đầu nóng mà sờ người thấy lạnh thì là nóng nhiều”

Bên cạnh đó ông còn đặc biệt lưu ý về cặp nhiệt kế thủy ngân cần đúng cách, đúng vị trí và thời gian. Một số trường hợp cặp nhiệt kế thuỷ ngân vào nách vẫn không phát hiện được sốt mà phải cặp vào hậu môn, nhưng rất hiếm khi gặp. Sử dụng súng bắn nhiệt độ không cần phải bắn nhiều lần, chỉ cần bắn 1 lần mà phải bắn đúng cách để có kết quả chính xác.

Phụ huynh cần phải biết cách “dụ” trẻ nhỏ sử dụng nhiệt kết thuỷ ngân bằng việc nói cho trẻ biết công dụng của nhiệt kết và hướng dẫn sử dụng những lúc vui chơi để đến khi bị bệnh trẻ sẽ không ngại hoặc khó chịu. Hơn nữa, cha mẹ nên nắm rõ kiến thức về một số loại thuốc hạ sốt cơ bản dành cho trẻ nhỏ.

Đến với chương trình giao lưu sức khỏe ngày 13/1, khách tham dự không chỉ có thêm kiến thức để phòng bệnh cho bản thân, gia đình mà còn nhận được nhiều phần quà hấp dẫn từ ban tổ chức. Khi ra về còn không quên hẹn lần sau gặp lại tại hội trường của Phòng khám gia đình - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
 
Nguyễn Chúc
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X