Hotline 24/7
08983-08983

Bé đi ngoài ngày 3 lần, uống nhiều loại men vẫn không khỏi?

Câu hỏi

BS cho em hỏi, Bé nhà em năm nay được 20 tháng tuổi. Lúc sinh bé được 3,1kg hiện giờ bé dược 9,5kg. Bé sinh thường, lúc sinh ra bé bi sặc nước ối nên phải tiêm kháng sinh 3 ngày ngoài viện. 7 tháng tuổi bé bắt đầu hay bị ốm. Từ khi đó đến này bé thường bị đi ngoài, uống kháng sinh là bé đi ngày 6-7 lần. Còn những ngày bình thường bé đi ngày 2-3 lần. Thường xuyên bị như vậy. Em có cho bé uống rất nhiều loại men. Uống men vào thì bé đi ngày 1 lần, không uống bé lại đi ngày 2-3 lần. Em đã cho bé uống những men như lackid, marin pluss, men enter, bio acemin. nhưng cũng chỉ đỡ trong thời gian dùng thuốc. BS giúp em, làm sao để bé không bị đi ngoài ngày 2-3 lần như vậy nữa? Theo em biết bé trên 1 tuổi là đi ngoài ngày 1 lần. Nhưng mà bé nhà em ngày nào cũng 2-3 lần, lúc thì phân khuôn, lúc thì phân nhão nhưng không nước. Bé ăn uống bình thường và cũng lười ăn. Em xin cảm ơn ạ! Lê Thị Thúy - Hà Nội)

Trả lời

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em Thúy,

Đầu tiên, bé nhà em 20 tháng, nặng 9.5kg là đã bị suy dinh dưỡng.

Bé đi ngoài ngày 2-3 lần nhưng không có triệu chứng bất thường, phân bình thường như vậy là bé không bị bệnh về đường tiêu hóa. Em có thể yên tâm.

Để khắc phục tình trạng biếng ăn của bé, em nên chú ý đến cách chế biến món ăn, xem có phù hợp với tuổi không. Dinh dưỡng cho cháu đã hợp lý chưa, nếu trẻ ăn quá nhiều chất đạm hay chất béo trong thời gian dài có thể dẫn đến biếng ăn.

Thêm nữa, cách cho cháu ăn như thế nào, nếu em cho cháu ăn vặt nhiều gần ngay trước bữa ăn chính, đến bữa cháu sẽ ngán ăn và không ăn được nhiều.

Vì vậy cần cho trẻ ăn đúng bữa, sữa, hoa quả, bánh kẹo… nên cho cháu uống sau bữa ăn (nếu lượng ăn ít) hoặc ăn vào các bữa phụ (cách bữa ăn chính ít nhất 2 giờ, vì vậy cần có khẩu phần ăn phù hợp theo nhu cầu tháng tuổi của trẻ.

Cải thiện bữa ăn cho bé:

- Thực phẩm dinh dưỡng phải tươi, an toàn, hợp vệ sinh.

- Vệ sinh ăn uống: Bảo đảm cho trẻ “ăn chín, uống sôi”. Thức ăn nấu cho bé phải ăn ngay không để quá 3 giờ, thức ăn không nên hâm đi hâm lại nhiều lần. Tránh những thực phẩm nhiễm bẩn và bị ô nhiễm vì đó là nguồn gây bệnh như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn... Các dụng cụ chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh.

- Vệ sinh cá nhân: Vào mùa hè tắm rửa thường xuyên cho bé bằng nước sạch, quần áo thoáng mát, hút mồ hôi, đầu tóc gọn gàng.

Giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa (vào mùa đông, khi tắm gội...) để tránh nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp.

Giúp bé có thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi.

Giữ tay sạch: tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ. Không để bé lê la dưới đất bẩn. Không cho bé mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.

- Vệ sinh môi trường: bảo đảm cho bé ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sạch sẽ. Đồ dùng, đồ chơi của bé cần sạch sẽ, khô ráo. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và nấu thức ăn cho bé. Để rác thải ở chỗ kín, xa nơi ở, tránh ruồi muỗi đậu.

- Chăm sóc tâm lý: âu yếm, vỗ về biểu lộ tình cảm trìu mến, yêu thương bé. Bé cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa... tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của bé, tránh la hét, giận giữ trước mặt bé tạo cho bé sợ sệt.

- Chăm sóc khi bé bị bệnh: khi bé ốm, đặc biệt là khi bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp cần chăm sóc và nuôi dưỡng bé thích hợp để giúp bé mau hồi phục bệnh.

Bé suy dinh dưỡng thường kén ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa, hay các bệnh viêm nhiễm, nên nấu cho bé ăn mỗi bữa một ít để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ.

Trong chế độ ăn, cần cho bé ăn đủ 4 nhóm như: Tinh bột (gạo chế biến thành bột, cháo hoặc cơm nát...) đạm (thịt hoặc cá, trứng,...), chất béo (dầu mè, dầu cải ,...), rau , củ, quả (đậu đỗ, rau xanh, các loại trái cây).

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của bé, luôn thay đổi món ăn để bé ăn ngon miệng.

Nếu các phương pháp trên mà bé vẫn không thay đổi tình trạng thì em đưa bé đến trung tâm dinh dưỡng để BS khám, tư vấn và điều trị cho bé.

Thân mến!

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn

› Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X