Hotline 24/7
08983-08983

Ba em nấc cụt hoài, chữa thế nào vậy AloBacsi?

Chiều nay 30/10, BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương online tư vấn từ 17g-19g. Quý bạn đọc có thể gọi số 0936 551 460 để gặp BS Hương trong khung thời gian này.


BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương


Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Vũ P. P. - Nam Định

Thưa BS,

Trước đây tôi bị đau dạ dày, khi đi khám và uống thuốc thì đỡ đau bụng, và chỉ còn đau dạ dày nhẹ, nhưng vẫn không khỏi được bệnh táo bón và đầy bụng.

Bụng lúc nào cũng đầy, kể cả khi không ăn gì, thức thì không sao nhưng khi ngủ lại xì hơi rất to và nhiều, đã làm mọi cách mà không hết, dù ăn nhiều rau xanh uống men tiêu hoá, uống thuốc chữa đầy hơi nhưng không có hiệu quả.

Tôi không dám ở cùng người lạ và bị trêu chọc rất nhiều, mong BS giải đáp giùm...

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thực tế, ai cũng phải “xì hơi” vì nó chứng tỏ đường tiêu hóa hoạt động tốt. văn hóa phương Tây không trêu chọc người xì hơi mà họ còn khuyến khích là vậy.

Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, với một số người thì “xì hơi” nhiều, liên tục lại là biểu hiện của một số bệnh về đường ruột.

Nếu như bạn có bất kỳ các bất thường nào kèm theo việc xì hơi như tiêu ra máu, sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân, sốt về chiều... thì nguyên nhân có thể là các bệnh lý nguy hiểm như viêm ruột, ung thư...

Các nguyên nhân lành tính của xì hơi nhiều gồm viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, nhiễm giun sán... và phần lớn là do nguyên nhân từ thực phẩm ăn vào, gồm chế độ ăn nhiều tinh bột, khoai, đậu, mì gói, nước có gas, trứng, rượu, đường nhân tạo...

Về mặt điều trị thuốc, vì BS không khám trực tiếp cho bạn nên mọi tư vấn chỉ mang tính tham khảo. Do đó, BS chỉ tư vấn hướng đi kiểm tra sức khỏe, các phương pháp không dùng thuốc, và người bệnh vẫn cần đến BV để được điều trị thuốc thích hợp. Bạn nên khám chuyên khoa Tiêu hóa là phù hợp nhất.

Về chế độ ăn, bên cạnh việc ăn nhiều rau xanh, uống men tiêu hóa, bạn cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu và các thực phẩm làm tăng tạo hơi đường ruột, cử tối nên ăn ít lại, món nào ăn vào thấy xì hơi nhiều thì tránh món đó.


- Anh Phuong - p.anh…@gmail.com

Dạ cho cháu hỏi,

Mẹ cháu hiện tại 60 tuổi, tuần trước mẹ cháu có bị cảm và có mua thuốc uống, y tá đo huyết áp và nói tim đập nhanh.

BS cho cháu hỏi bệnh này có nguy hiểm không ạ? Cách điều trị như thế nào ạ? Cháu cám ơn ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg.

Huyết áp và nhịp tim có thể tăng khi căng thẳng, do lo lắng, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào BV, khi gặp BS thì huyết áp cao), bệnh lý viêm nhiễm, do cafe, khi khó thở... nhìn chung là các stress đối với cơ thể.

Như vậy, huyết áp và nhịp tim ghi nhận ở những lúc cơ thể đang lo lắng, bồn chồn sẽ không phản ánh chính xác được huyết áp và nhịp tim dao động bình thường của người bệnh.

Ngoài ra, tùy vào trị số huyết áp và mạch bao nhiêu, mạch có đều không... thì mới kết luận được là có nguy hiểm hay không.

Do đó, em có thể quay lại hỏi BS đang điều trị cho mẹ em là có nguy hiểm hay không dựa vào kết quả lần trước, nếu không nguy hiểm thì sau khi hết đợt cảm này, em nên cho mẹ em khám lại tại chuyên khoa Tim mạch để xem có tăng huyết áp hay bệnh lý tim mạch gì không, em nhé.


- Nguyễn Ngọc - ngocanh…@gmail.com

Chào BS!

Vợ tôi bị suy thận khi bị cảm cúm, hắt hơi sổ mũi thì nên dùng thuốc gì? Cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Ngọc thân mến,

Suy thận hay bệnh thận mạn tính thì có nhiều nguyên nhân, nhiều giai đoạn giảm chức năng lọc cầu thận. Tùy vào giai đoạn và mức độ của bệnh thận mạn, nói cách khác là suy thận mạn giaid đoạn nhẹ hay nặng mà việc sử dụng thuốc sẽ khác nhau, loại thuốc khác, liều thuốc khác.

Do đó, tôi khuyên bạn nên cho vợ bạn khám BS chuyên khoa Thận - Tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị thích hợp sớm, bạn nhé.


- Vu Thi Luyen - luyenvu…@gmai.com

Ba em bị nấc cụt thường xuyên, trước đây có phẫu thuật cắt 1 quả thận. Xin hỏi BS có cách nào trị hết nấc được không ạ? Xin cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nấc cụt là những đợt co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành do thì hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín.

Nấc cụt từ vài phút đến ít hơn 24 giờ được coi là nấc cụt tạm thời, chủ yếu do dạ dày bị căng trướng và gây kích thích thần kinh phế vị hay cơ hoành.

Những nguyên nhân thường gặp là ăn uống quá nhanh, ăn nhiều thực phẩm nóng hay lạnh quá, nhiều gia vị (ớt), uống nhiều nước giải khát có ga), uống nhiều rượu… Đây là dạng phổ biến, thường gặp ở người bình thường, không ảnh hưởng sức khỏe và không cần điều trị.

Nấc cụt kéo dài quá 48 giờ hoặc tái phát theo chu kỳ thường có bệnh lý đi kèm hay tiềm ẩn, thường là do bệnh lý dạ dày, thần kinh cơ...

Thông thường nấc cụt rất dễ chữa, chỉ có 1 số trường hợp là khó. Ba em nên khám chuyên khoa Tiêu hóa là phù hợp nhất, em nhé.


- Trần Toàn - Gia Lai

BS ơi,

Lưỡi cháu có màu trắng và trên lưỡi có lông còn gây hôi miệng nữa. Lúc cháu phát hiện ra lưỡi trắng dến nay cũng được hơn 1 năm rồi. Mong BS tư vấn giúp cháu!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Toàn thân mến,

Bình thường ở lưỡi vẫn có các gai và nụ lưỡi, dọc 2 bên lưỡi và ở cuống lưỡi thì gai và nụ to hơn ở đường giữa, bên cạnh đó trên lưỡi luôn có một lớp bợn trắng, dù có cạo lưỡi mỗi ngày thì lớn bợn trắng này vẫn sẽ xuất hiện lại vào ngày mai, nhưng lớp này mỏng, không hôi, cạo nhẹ không chảy máu.

Cạo lưỡi càng mạnh càng “quá sạch” có thể làm tổn thương lưỡi, làm lưỡi bị sung huyết xuất hiện các nốt chấm đỏ và bợn lưỡi có khi còn tạo lập nhanh và nhiều hơn để bảo vệ lưỡi.

Nguyên nhân gây bợn trắng dày trên lưỡi kèm hôi miệng là: trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý răng miệng, nấm lưỡi, hút thuốc lá...

Như vậy với tình trạng này, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas và khám BS chuyên khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt để được kiểm tra và điều trị thích hợp.


- Nguyễn T. - ces…@gmail.com

Chào BS,

Thời gian gần đây em trung tiện nhiều bất thường, ngày khoảng mấy chục lần và hơi cũng nhiều hơn trước rất khó chịu. Đôi lúc đại tiện phân từng bón từng cục nhỏ. Ngoài ra em không đau bụng hay có gì khác thường.

Vậy xin hỏi BS em có bị bệnh lý gì về dạ dày, đường ruột, đại tràng không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thực tế, ai cũng phải “xì hơi” vì nó chứng tỏ đường tiêu hóa hoạt động tốt. Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, với một số người thì “xì hơi” nhiều, liên tục lại là biểu hiện của một số bệnh về đường ruột.

Các nguyên nhân lành tính của xì hơi nhiều gồm viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, nhiễm giun sán...và phần lớn là do nguyên nhân từ thực phẩm ăn vào, gồm chế độ ăn nhiều tinh bột, khoai, đậu, mì gói, nước có gas, trứng, rượu, đường nhân tạo...

Hiện tại theo thông tin em cung cấp thì tôi chưa thấy có dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm nào. Để giảm xì hơi, em nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu và các thực phẩm làm tăng tạo hơi đường ruột, có thể dùng thêm probio hay sữa chua mỗi ngày để bổ sung vi khuẩn đường ruột.


- Huỳnh Quốc Trọng - huynhquoc…@gmail.com

Xin chào quý BS,

Tôi năm nay đã 48 tuổi, gần một năm nay hay bị viêm họng, đi khám BS nói bị trào ngược dạ dày thực quản, thuốc được kê thường uống: Nexium 40mg nhưng tình trạng nóng rát cổ họng vẫn thường xuyên xảy ra.

Mong quý BS giúp tôi chữa trị hết triệu chứng đau nóng rát cổ họng. Chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Trọng,

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản với Nexium 40 mg là đúng phác đồ của Việt Nam và hội tiêu hóa thế giới.

Tuy nhiên, với việc đơn trị liệu (chỉ dùng mỗi Nexium 40) và liều thuốc như hiện nay thì với bạn, chưa đủ để kiểm soát triệu chứng trào ngược (tình trạng nóng rát cổ họng vẫn thường xuyên xảy ra), do đó, bạn nên khám lại tại BS chuyên khoa Tiêu hóa để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Bạn nên xét nghiệm tầm soát Hp và nội soi dạ dày nếu chưa làm.

Song song đó, bạn cần tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao.


- Phạm Văn Duy - phamduy…@gmail.com

Thưa BS,

Hôm vừa qua tôi có làm xét nghiệm máu và có kết quả như sau:

Bilirubin toàn phần (AU) 42.2 µmol/L (0 - 21.0) Tăng

Bilirubin trực tiếp (AU) 8.0 µmol/L (0 - 5.0) Tăng

Bilirubin gián tiếp (AU) 34.2 µmol/L (3.0 - 16.0) Tăng

Gamma GT(Architect) 48.93 U/L (5.0 - 36.0) Tăng

Xin BS vui lòng chẩn đoán xem tôi bị bệnh gì và cách chữa trị như thế nào cho hợp lý? Chân thành cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bạn Duy thân mến,

Nồng độ bilirubin toàn phần, bilirubin gián tiếp và trực tiếp của bạn tăng cao hơn so với mức bình thường, mức độ tăng nhẹ, nhưng kiểu tăng là tăng chủ yếu bilirubin gián tiếp.

Nguyên nhân thường gặp gây tăng bilirubin gián tiếp là tán huyết, viêm gan, do thuốc...

Với bao nhiêu đây xét nghiệm thì chưa đủ dữ liệu để BS chẩn bệnh và điều trị cho bạn được. Bạn nên đến kiểm tra kỹ hơn ở BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật, đem tất cả các xét nghiệm đã làm, sau khi hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám, BS sẽ xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.


- Hải Triều Phạm - trieu…@gmail.com

Thưa BS,

Em thi thoảng buổi sáng dậy bị hắt xì hơi và xì mũi ra nước trong. Tình trạng này không thường xuyên và chỉ hắt xì hơi một hai cái. Em cứ cách 2 ngày là bị xì nước mũi và sau vài ngày lại hết

Khi khám sức khỏe ở công ty, em bị lệch vách ngăn mũi trái.

Cho em hỏi em có bị viêm mũi dị ứng không? Có cần dùng thuốc không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hải Triều,

Triệu chứng của em thường gặp trong bệnh viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí...

Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Có người viêm mũi dị ứng theo mùa, có người viêm mũi dị ứng quanh năm; nhưng đây là bệnh thuộc về cơ địa, tức là không chữa dứt được.

Hiện giờ, mức độ của em thuộc nhóm nhẹ, chưa cần điều trị, nên tránh những yếu tố gây kích thích mũi xoang, như bụi, khói thuốc lá, mạt nhà, nước hoa, phấn hoa... giữ ấm vùng mũi họng, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa/ quạt định kỳ, ra đường nên đeo khẩu trang, trời lạnh phải giữ ấm cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.

Nếu viêm mũi nặng, nghẹt mũi nhiều, hỉ mũi ra dịch đục thì em cần khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị thích hợp.


- Minh Hải - miha…@gmail.com

Chào BS,

Tôi hay đi phân sống kéo dài cũng mấy tháng này. Có uống men tiêu hóa antibio mà cũng không khỏi.

Đại tiện ngay sau khi ăn sáng, nếu chậm thì rất đau tức ở đại tràng, nhưng xong thì ổn cả ngày. Tôi muốn tăng cân thêm nhưng không thể.

Xin hỏi đó là bệnh gì, chữa trị ra sao? Xin cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Minh Hải thân mến,

Đi ngoài phân sống là triệu chứng về đường tiêu hóa mà bất cứ ai cũng có thể gặp một vài lần khi ăn uống không đảm bảo.

Thế nhưng, nếu kéo dài kèm sụt cân, suy dinh dưỡng thì cần phải khám chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra một số bệnh như: hội chứng ruột kích thích, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm đại tràng, bệnh lý nội tiết (như cường giáp)... để điều trị kịp thời để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Bạn nên đến BV đa khoa, đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa là phù hợp nhất.

Song song đó, bạn cần tích cực bổ sung thêm dinh dưỡng bằng những thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng tùy khả năng cơ thể chấp nhận (không hay ít gây đau bụng, tiêu chảy sau ăn) như súp, cháo, nước trái cây, sữa... và uống nhiều nước, hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê, trà đặc, không hút thuốc lá.


- Giang Đặng - tragiang…@gmail.com

Chào BS,

Vừa rồi em mới bị sốt, đang có dấu hiệu khỏi bệnh, sáng thức dậy em bị đắng họng, khi ra súc miệng em nôn ra những dịch màu nâu đen, bụng co thắt khó chịu.

Trước kia em bị sung huyết dạ dày. Không biết em bị gì vậy ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Giang thân mến,

Người có tiền căn bệnh lý dạ dày khi có triệu chứng nôn ra dịch nâu đen, bụng co thắt khó chịu thì cần cảnh giác với xuất huyết tiêu hóa, mặc dù có thể không phải do xuất huyết mà do nguyên nhân lành tính như nôn ra dịch mật, do thuốc, thức ăn cũ có màu sậm...

Tuy nhiên, nếu sốt mà chưa loại trừ được sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu (có thể gây xuất huyết dạ dày) thì càng cần phải cảnh giác.

Do đó, tốt hơn hết em nên đến BV để kiểm tra sức khỏe, khám chuyên khoa Tiêu hóa là phù hợp nhất, em nhé.


- Hoàng Nam - hoangnam….@gmail.com

Em mới kiểm tra sức khỏe định kỳ của công ty yêu cầu và xét nghiệm thấy mấy chỉ số gạch chân và in đậm.

Nhờ BS giải thích giúp em như vậy bình thường không và cần ăn uống hay giảm tăng gì để đạt bình thường? Cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoàng Nam,

Trong kết quả xét nghiệm của em thì hiện có 2 vấn đề chính:

Thứ nhất là tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng triglyceride và giảm HDL-cholesterol máu (loại mỡ máu tốt cho sức khỏe).

Để điều trị tình trạng này, về phương pháp không dùng thuốc, em cần ăn uống hạn chế dầu mỡ và các chất nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, nội tạng động vật, da mỡ động vật, các món chiên xào... tăng cường chất xơ, rau xanh, không uống bia rượu và không hút thuốc lá. Song song đó cần tập thể dục điều đặn tối thiểu 45 phút mỗi ngày trong tuần.

Sau 2 tháng em cần kiểm tra lại bilan mỡ máu, nếu không giảm hoặc tăng nữa thì cần khám BS chuyên khoa Nội tiết hay chuyên khoa Nội tổng quát để được điều trị hỗ trợ thêm thuốc.

Thứ hai là về marker viêm gan siêu vi B. Anti HBS là kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm siêu vi gây viêm gan B (HBV), nồng độ kháng thể của em khá cao.

Kháng thể được tạo ra trong 2 trường hợp, một là em đã từng nhiễm HBV từ bên ngoài, có thể có biểu hiện viêm gan cấp do HBV hoặc không nhưng nay cơ thể đã loại trừ hoàn toàn HBV ra khỏi cơ thể và tạo ra kháng thể bảo vệ; hai là kháng thể được tạo ra nhờ vào chủng ngừa viêm gan B.

Dẫu sao đi nữa, với kết quả này, cho thấy em đã có nồng độ kháng thể kháng HBV cao, tức là được bảo vệ khỏi viêm gan siêu vi B. Nồng độ kháng thể bảo vệ trong máu của em rất cao (là điều tốt), em không cần đi chích ngừa.

Tuy nhiên, kháng thể có thể giảm dần theo thời gian, do vậy sau 10-20 năm em có thể xét nghiệm lại Anti HBS, nếu lượng kháng thể xuống thấp dưới mức an toàn thì chích nhắc lại 1 mũi vaccine là được.

Thân mến,

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X