Acyclovir là thuốc gì? Công dụng và liều dùng
Tên hoạt chất: Acyclovir
Thương hiệu: Acyclovir 200mg, Acyclovir STADA® 400mg, Zovirax, Acirax Cream, Acyclovir Denk 200, A.T Acyclovir 200mg, Aciclovir 5%.
I. Công dụng của thuốc Acyclovir
Acyclovir là chất tương tự nucleosid được phát hiện ra và công bố vào năm 1977. Acyclovir là thuốc kháng virus, chủ yếu để điều trị herpes sinh dục, vết loét lạnh, bệnh zona và bệnh thủy đậu.
Khi vào cơ thể, acyclovir chuyển thành dạng monophosphat - acyclovir nhờ một enzyme của vi rút, sau đó chuyển thành dạng triphosphat - acyclovir nhờ các enzyme khác của tế bào. Chất này ức chế tổng hợp DNA của virus, ngăn cản sự sinh sản (nhân lên) của virus mà không ảnh hưởng gì đến tế bào bình thường.
Tuy nhiên, acyclovir không phải là một phương pháp chữa trị cho các bệnh nhiễm trùng. Các virus gây ra các bệnh nhiễm trùng tiếp tục sống trong cơ thể ngay cả giữa các đợt bùng phát và acyclovir có nhiệm vụ làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của những đợt bùng phát này.
Acyclovir giúp vết loét nhanh lành hơn, giữ cho vết loét mới hình thành và giảm đau/ ngứa. Acyclovir cũng có thể giúp giảm thời gian đau sau khi vết loét lành.
Ngoài ra, ở những người có hệ miễn dịch yếu, acyclovir có thể làm giảm nguy cơ virus lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Acyclovir nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, tức là nhóm các loại thuốc an toàn nhất và hiệu quả nhất.
II. Liều dùng của thuốc Acyclovir
Acyclovir có thể được đưa vào cơ thể qua đường miệng với với dạng viên nén, dạng kem, hoặc tiêm.
1. Liều dùng thuốc Acyclovir với người lớn
a. Viên nén Acyclovir
Điều trị herpes simplex: Dùng 200mg acyclovir 5 lần mỗi ngày, cách khoảng 4 giờ. Có thể điều trị trong vòng 5 ngày nhưng có thể phải kéo dài hơn nếu nhiễm virus khởi phát trầm trọng.
Trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch trầm trọng như sau ghép tủy hay những bệnh nhân bị giảm hấp thu ở ruột, liều lượng có thể tăng gấp đôi lên 400mg.
Thủy đậu, Zona: 800 mg/lần, 5 lần/ngày, 5 - 7 ngày hoặc tới 10 ngày.
b. Tiêm truyền tĩnh mạch Acyclovir
Ðiều trị herpes simplex ở người suy giảm miễn dịch, herpes sinh dục khởi đầu nặng, Varicella zoster: 5 mg/kg thể trọng, cứ 8 giờ mỗi lần trong 5 - 7 ngày. Liều tăng lên gấp đôi cứ 8 giờ một lần ở người suy giảm miễn dịch nhiễm Varicella zoster và ở người bệnh viêm não do Herpes simplex.
c. Thuốc mỡ Acyclovir
Bôi lên vị trí tổn thương cách 4 giờ một lần, 5 - 6 lần mỗi ngày, kéo dài từ 5 - 7 ngày, bắt đầu ngay từ khi xuất hiện triệu chứng.
Thuốc mỡ tra mắt: Ngày bôi 5 lần (tiếp tục ít nhất 3 ngày sau khi đã dùng liều điều trị).
2. Liều dùng thuốc Acyclovir với trẻ em
a. Viên nén Acyclovir
Herpes simplex: Ở trẻ em trên 2 tuổi nên dùng với liều dùng cho người lớn. Nếu trẻ em dưới 2 tuổi thì uống nửa liều người lớn.
Thủy đậu và Zona: Trẻ em: Bệnh varicella, mỗi lần 20 mg/kg thể trọng (tối đa 800 mg) ngày 4 lần trong 5 ngày hoặc trẻ em dưới 2 tuổi mỗi lần 200 mg, ngày 4 lần; 2 - 5 tuổi mỗi lần 400 mg ngày 4 lần; trẻ em trên 6 tuổi mỗi lần 800 mg, ngày 4 lần.
b. Tiêm truyền tĩnh mạch Acyclovir
Trẻ sơ sinh tới 3 tháng nhiễm Herpes simplex: Mỗi lần 10 mg/kg thể trọng, cứ 8 giờ một lần trong 10 ngày.
Trẻ từ 3 tháng - 12 tuổi nhiễm Herpes simplex hoặc Varicella zoster 250 mg/m2 da, cứ 8 giờ một lần, trong 5 ngày. Liều tăng lên gấp đôi thành 500 mg/m2 da, cứ 8 giờ 1 lần cho người suy giảm miễn dịch bị nhiễm Varicella zoster và trong trường hợp viêm não do herpes simplex (thường dùng 10 ngày ở bệnh viêm não).
3. Nên đặc biệt chú ý giảm liều ở bệnh nhân suy thận
Ở những người bệnh suy thận trầm trọng (độ thanh thải creatinine dưới 10ml/phút) nên điều chỉnh liều thành 200mg 2 lần mỗi ngày, cách khoảng 12 giờ.
Trong điều trị bệnh zona nên dùng 800mg 2 lần mỗi ngày, cách khoảng 12 giờ đối với bệnh nhân suy thận trầm trọng (thanh thải creatinine dưới 10ml/ phút) và 800mg 3 lần mỗi ngày, cách khoảng 8 giờ cho bệnh nhân suy thận trung bình (thanh thải creatinine trong khoảng 10-25ml/phút).
4. Liều dùng thuốc Acyclovir với người đang mang thai và cho con bú
a. Liều dùng thuốc Acyclovir trên phụ nữ mang thai
Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phân loại nguy cơ của thuốc khi sử dụng trong thai kỳ theo các mức độ A, B, C, D, X.
Theo hệ thống phân loại này, acyclovir được xếp vào mức độ B, nghĩa là các nghiên cứu về sinh sản trên động vật không cho thấy nguy cơ đối với thai nhưng không có nghiên cứu kiểm chứng trên phụ nữ có thai; hoặc các nghiên cứu về sinh sản trên động vật cho thấy có một tác dụng phụ (ngoài tác động gây giảm khả năng sinh sản), nhưng không được xác nhận trong các nghiên cứu kiểm chứng ở phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ (và không có bằng chứng về nguy cơ trong các tháng sau).
Thực tế, đã có một số nghiên cứu theo dõi ảnh hưởng của acyclovir trên thai nhi, kết quả ghi nhận thuốc không làm tăng nguy cơ dị tật cho thai nhi khi sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Sử dụng acyclovir tại chỗ điều trị herpes cũng không cho thấy tác hại nào. Ngay cả với liều acyclovir cao nhất ở mẹ, nồng độ acyclovir trong sữa chỉ khoảng 1% và ít có khả năng gây ra tác dụng phụ ở trẻ bú mẹ.
Các nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy không có bằng chứng thuốc gây quái thai hay hạn chế phát triển bào thai trong tử cung khi sử dụng liều cao gấp nhiều lần liều điều trị thông thường.
Theo y văn, liều dùng của acyclovir trong điều trị nhiễm herpes sinh dục lần đầu là 400mg uống 3 lần/ngày trong 7-10 ngày.
Tuy nhiên vẫn nên thận trọng khi sử dụng, cần tham khảo ý kiến và khám thai định kỳ, xét nghiệm tiền sản theo hẹn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của thai nhi.
b. Liều dùng thuốc Acyclovir trên phụ nữ đang cho con bú
Hiện, chưa quan sát thấy các triệu chứng độc tính trên trẻ bú mẹ, và ngay cả kể sử dụng acyclovir trên trẻ sơ sinh cũng cho thấy dung nạp tốt. Mặc dù aciclovir được ưu tiên hơn cả nếu có chỉ định điều trị kháng virus trong thời kỳ này nhưng vẫn nên thận trọng. Nếu có thể, nên dùng đường tại chỗ hoặc đường toàn thân điều trị herpes. Với dạng tại chỗ, chỉ nên dùng các kem hoặc gel thân nước, tránh thuốc mỡ để hạn chế lượng parafin trong thuốc mỡ trẻ nuốt phải khi bú mẹ.
III. Cách dùng thuốc Acyclovir
1. Cách dùng thuốc Acyclovir hiệu quả
Điều trị bằng acyclovir được bắt đầu tốt nhất trong vòng 72 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng (nghĩa là phát ban, phồng rộp, ngứa ran, nóng rát) và hiệu quả nhất nếu bắt đầu trong vòng 48 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Uống mỗi liều thuốc với một ly nước 250ml đun sôi để nguội, có thể dùng khi đói hoặc sau ăn no đều được. Nếu dùng acyclovir sau khi ăn có thể làm giảm đau bụng. Việc uống nhiều nước trong khi dùng acyclovir có tác dụng giúp cho thận làm việc thuận lợi, vừa hạn chế tác hại đối với thận vừa tăng thải trừ virut ra ngoài.
Bạn phải dùng acyclovir theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về liều lượng và thời gian điều trị, ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện. Bạn không nên dùng thuốc với liều cao hơn hay thấp hơn và dài ngày hơn chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Mặc dù acyclovir điều trị virus nhưng nó không hiệu quả đối với bệnh cúm hoặc bệnh cảm lạnh thông thường.
- Thuốc acyclovir dạng hỗn dịch uống: Lắc cho hỗn dịch tan đều, sau đó đong bằng thìa theo đúng chỉ định liều dùng của bác sĩ.
- Thuốc viên acyclovir buccal (Sitavig): bạn cần giữ thuốc trong vỉ, không bóc ra trước khi sử dụng. Khi dùng cần đàm bảo tay khô ráo, viên thuốc còn nguyên vẹn. Lưu ý là không nhai viên thuốc trước khi nuốt. Bạn đặt mặt phẳng của viên thuốc vào nướu trên, phía sau môi và phía trên răng của bạn. Viên nén phải ở cùng một bên miệng với vết loét của bạn.
Sau đó, ngậm miệng và ấn nhẹ vào bên ngoài môi của bạn, giữ trong 30 giây. Bạn cần tránh chạm hoặc ấn vào thuốc khi nó đã được đặt đúng chỗ. Bạn ngậm cho tới khi acyclovir tan hoàn toàn trong miệng. Bạn cần nhớ, trong 6 giờ đầu tiên, nếu viên thuốc rơi ra hoặc không ở vị trí ban đầu thì nên đặt lại vị trí ngay lập tức. Nếu bạn vô tình nuốt viên thuốc, hãy uống một ly nước và đặt một viên thuốc mới vào vị trí thay thế.
2. Bạn nên làm gì khi uống quá liều hoặc thiếu liều thuốc Acyclovir?
Khi bạn chẳng may uống quá liều có thể xuất hiện các triệu chứng như co giật, ảo giác, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không có nước tiểu. Khi đó, bạn hoặc người thân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Nếu quên một liều acyclovir, bạn nên dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra gần thời gian uống liều tiếp theo (khoảng 30 phút) thì bạn chỉ uống liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên. Bạn không nên uống gộp cả 2 liều vì sẽ gây quá liều nguy hiểm cho sức khỏe.
IV. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Acyclovir
Thuốc uống: Cảm thấy không khỏe, khó chịu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu.
Thuốc tiêm: Viêm hoặc viêm tĩnh mạch tại chỗ tiêm, buồn nôn, nôn, đau bụng, phát ban hoặc nổi mề đay.
Ít gặp hơn là các phản ứng thần kinh - tâm thần như ngủ lịm, run, nhầm lẫn, ảo giác, cơn động kinh. Làm tăng nhất thời ure, creatinin máu, enzyme gan. Nếu dùng chung với các thuốc gây độc cho thận thì sẽ tăng nguy cơ suy thận.
Ngoài ra, khi sử dụng acyclovir có thể gặp các phản ứng bất lợi khác cho sức khỏe bao gồm: Đau bụng, hiếu chiến, kích động, thiếu máu, hoang mang, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi, rụng tóc, ăn không ngon, sưng da. Bạn cần ngưng dùng thuốc, gọi cho bác sĩ để được tư vấn về tác dụng phụ và xử lý khi cần thiết.
Lưu ý: Nếu bạn sử dụng acyclovir và gặp phải bất kỳ dấu hiệu dị ứng như phát ban, khó thở, sưng mặt, môi lưỡi hoặc họng thì phải dừng thuốc và đi cấp cứu ngay lập tức.
Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là các vấn đề về thận (thay đổi lượng nước tiểu, đau lưng/ bên hông), chóng mặt, buồn ngủ và thay đổi tâm trạng (nhầm lẫn, ảo giác, mất ý thức).
V. Lưu ý khi dùng thuốc Acyclovir
1. Nên làm gì trước khi dùng thuốc Acyclovir?
Trước khi sử dụng, bạn cần trao đổi với bác sĩ - dược sĩ nếu dị ứng với thuốc acyclovir hoặc valacyclovir (Valtrex). Đặc biệt, nếu bạn có tiền sử bệnh về thận, các tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch như HIV, ghép tủy xương, ghép thận… thì cần cho bác sĩ biết để được tư vấn cụ thể hơn.
Trước khi phẫu thuật, bạn hãy báo với bác sĩ, nha sĩ những thuốc được kê toa và không kê toa, chất bổ, các chất dinh dưỡng và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định sẽ dùng, bao gồm cả acyclovir.
Không lái xe, máy móc, hạn chế đồ uống có cồn khi bạn đang sử dụng thuốc acyclovir. Trước khi tiêm ngừa (như vắc xin chống lại virus varicella) thì nên trò chuyện và xin ý kiến từ bác sĩ.
Lưu ý: Nếu bạn đang dùng acyclovir để điều trị mụn rộp sinh dục thì cần biết rằng thuốc này không có tác dụng chống lại sự lây lan cho bạn tình. Vì vậy, để giảm nguy cơ nhiễm herpes, bạn không nên quan hệ tình dục trong khi bùng phát bệnh hoặc xuất hiện triệu chứng. Cách an toàn nhất là nên sử dụng thêm biện pháp bảo vệ như bao cao su khi “yêu”.
2. Tương tác thuốc với Acyclovir
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Vì vậy, bạn hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc được kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng để tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc dược sĩ kê đơn acyclovir cho bạn.
Một số thuốc có thể tương tác với acyclovir bao gồm:
● ibuprofen;
● Enalapril;
● Oxytetracycline;
● Leucovorin;
● Succinic acid;
● L-Citrulline;
● Fluorescein;
● Alprostadil;
● Quinapril;
● Famotidine;
● Fexofenadine;
● Deferasirox;
● Peginterferon alfa-2b;
● Teriflunomide;
● Aspartame;
● Pravastatin;
● Liothyronine;
● Aminohippuric acid;
● Lansoprazole;
● Zidovudine;
● Cefdinir;
● Mercaptopurine;
● Benzylpenicillin;
● Tazobactam;
● Captopril;
● Ellagic Acid;
● Avibactam;
● Eluxadoline;
● Edaravone;
● Minocycline;
● Benzoic Acid;
● Caprylic acid;
● Ataluren;
● Dabrafenib;
● Dolutegravir;
● Cabotegravir;
● Avatrombopag;
● Letermovir;
● Pradigastat.
Acyclovir rất giống với valacyclovir, vì vậy không sử dụng thuốc có chứa valacyclovir trong khi sử dụng acyclovir.
VI. Cách bảo quản thuốc Acyclovir
Thuốc acyclovir dạng viên nén nên bảo quản dưới 25 độ C và giữ khô. Dạng kem bảo quản dưới 25 độ C, loại này chưa một chất kiềm được bào chế đặc biệt và không nên hòa loãng. Đối với thuốc mỡ tra mắt nhiệt độ bảo quản cũng tương tự như dạng kem, nhưng cần lưu ý nếu ống thuốc đã bị mở quá 1 tháng thì không nên sử dụng tiếp.
Thuốc acyclovir không lưu trữ trong phòng tắm và cần để thuốc xa tầm tay trẻ em, vật nuôi.
Không xả thuốc xuống nhà vệ sinh hoặc đổ chúng vào cống trừ khi được hướng dẫn làm như vậy. Vứt bỏ đúng cách sản phẩm này khi hết hạn hoặc không còn cần thiết.
Phương Nguyên - Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình