Hotline 24/7
08983-08983

7 điều bạn không thể nói dối nha sĩ

Khi đến gặp nha sĩ, mọi người sẽ có xu hướng… nói quá sự thật lên một chút, nhưng bạn có biết rằng, có một số điều, bạn không thể nói dối nha sĩ được. Hãy nhớ rằng, các nha sĩ, bằng việc khám răng, có thể biết rằng, bệnh nhân của họ có đang nói đùa hay không.

Sức khỏe răng miệng là một tấm gương phản chiếu sức khỏe nói chung của toàn cơ thể. Và việc nói dối về tần số dùng chỉ nha khoa hoặc mức độ uống rượu của bạn có thể sẽ gây ra những vấn đề sau này.

Chẳng hạn, nếu một người nói rằng cô ấy dùng chỉ nha khoa hàng ngày và cô ấy bị viêm dưới lợi, thì vấn đề sức khỏe của cô ấy có thể sẽ bị đánh giá nhầm, thậm chí là bệnh leukemia sẽ không được phát hiện. Nếu cô ấy nói thật về thói quen dùng chỉ nha khoa của mình, nha sĩ có thể sẽ có khả năng cứu được tính mạng của cô ấy, nhưng nếu nói dối, có thể cô ấy sẽ phải trải qua một loạt các xét nghiệm không cần thiết và phải lo lắng về những vấn đề (có thể) không tồn tại.

Một điều đặc biệt quan trọng: mối quan hệ thân thiết và chân thành giữa nha sĩ và bệnh nhân chính là chìa khóa để có được phương pháp điều trị tốt nhất. Dưới đây là 7 điều bạn không nên nói dối nha sĩ.

#1: “Tôi không cảm thấy đau”

Bằng chứng của việc bạn nói dối sẽ ở ngay trong mắt bạn. Khi mọi người bị đau, họ sẽ hơi nheo mày hoặc nhắm tịt mắt lại. Khi đó, cơ thể bạn cũng sẽ chuyển sang chế độ phòng vệ. Nha sĩ cũng có thể biết rằng bạn đang bị đau nếu lưới và chân của bạn cứng lại.

Nên làm gì? Nếu nha sĩ đang làm gì đó khiến bạn bị đau, hãy nói ra hoặc làm cách nào đó báo cho nha sĩ biết (nếu bạn không thể nói được), đặc biệt là với tình trạng đau nhói. Trong trường hợp này, nha sĩ sẽ phải dùng một loại thuốc gây tê thoa ngoài. Và nếu bạn phải đi khám nha sĩ thường xuyên hơn bình thường, hãy hỏi ý kiến nha sĩ xem liệu bạn có cần phải dùng một số loại thuốc giảm đau nhất định trước khi đi khám hay không.

#2: “Tôi rất ít khi uống soda”

Acid trong soda có thể làm hỏng lớp bảo vệ phủ ngoài lớp men răng của bạn. Và acid chỉ có thể phá hỏng lớp men răng này nếu bạn uống soda, nước ngọt thường xuyên. Nước chanh và nước của các loại trái cây họ cam quýt khác cũng gây ra tổn thương tương tự với răng.

Nên làm gì? Không nên uống soda, nước ngọt, cũng như các loại nước giàu acid khác vì chúng có liên quan đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Nếu muốn, bạn có thể nhấp từng ngụm nhỏ nước ngọt, trong thời gian dài. Sau khi uống, bạn nên súc miệng thật sạch bằng nước lọc để loại bỏ lượng đường và acid thừa bám trên răng.


#3: “Tôi không hút thuốc lá”

Thuốc lá là nguyên nhân khiến răng bạn bị ố vàng. Do mức độ ố vàng sẽ khác nhau tùy từng người, tùy mức độ hút thuốc, nên nếu nghi ngờ bạn hút thuốc, nha sỹ có thể sẽ ngửi thấy mùi khói thuốc ám trên quần áo của bạn hoặc nhìn vào ngón tay bạn để nhận ra vết ố do nicotine trên móng tay.

Nên làm gì? Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ của gần như tất cả các loại ung thư, bao gồm ung thư vùng miệng và họng. Thuốc lá không khói và thuốc lá nhai cũng không an toàn. Theo CDC, các loại thuốc lá này có thể gây ra các bệnh về nướu (lợi), sâu răng và mất răng.

#4: “Tôi thường xuyên dùng chỉ nha khoa”

Chải răng sẽ giúp loại bỏ các mảng bám ở trên đường lợi, nhưng dùng chỉ nha khoa có thể giúp loại bỏ các loại mảng bám ở phía dưới đường lợi. Do vậy, nếu lợi của bạn bị viêm, thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn không thường xuyên dùng chỉ nha khoa hoặc bạn đang dùng chỉ nha khoa sai cách.

Nên làm gì? Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần/ngày. Hiệp hội Răng hàm mặt Hoa Kỳ khuyến nghị rằng nên dùng chỉ nha khoa giữa các răng và di chuyển chỉ nha khoa theo hướng lên xuống để loại bỏ các vụn thức ăn thừa.

#5: “Tôi bị tắc đường/lạc đường”

Đúng là bạn có khả năng đi nhầm đường thật, nhưng một số nha sĩ sẽ nghi ngờ rằng bạn đến muộn do bạn lo lắng về việc đi khám răng. Tất cả các bác sỹ đều biết rằng nhiều bệnh nhân của họ cảm thấy lo lắng trước khi đi khám răng. Và khi bệnh nhân càng lo lắng, họ sẽ có xu hướng trì hoãn, chần chừ khi đi khám răng - và việc làm này, theo một nghiên cứu xuất bản năm 2014 sẽ khiến họ mắc phải nhiều vấn đề về răng miệng trong tương lai hơn.

Nên làm gì? Hãy nói cho nha sỹ biết nếu bạn cảm thấy lo lắng. Nha sĩ có thể sẽ cho bạn sử dụng khí nitơ oxit để làm giảm mức độ lo lắng của bạn hoặc thực hiện một vài phương pháp giúp bạn bình tĩnh hơn. Một số người mắc phải chứng sợ nha sỹ một cách nghiêm trọng và cần phải được trị liệu bởi chuyên gia tâm lý.

#6: “Tôi rất ít khi uống rượu bia”

Rượu bia có một mùi rất đặc trưng. Ngoài ra, những người uống nhiều còn có khả năng bị khô miệng. Rượu bia sẽ gây cản trở hoạt động của các tuyến nước bọt và làm giảm tiết nước bọt.

Nên làm gì? Nếu bạn uống rất nhiều (tức là uống trên 5 ly rượu một lần, trên 5 ngày/tháng), bạn cần sẽ phải đến gặp các chuyên gia để cai rượu. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cứ 10 người bị ung thư miệng thì có 7 người nghiện rượu.


#7: “Tôi không nghiến răng vào ban đêm”

Răng của bạn có thể sẽ bị nứt, vỡ do thói quen nghiến răng. Nếu bạn bị đau đầu hoặc đau cơ quanh hàm, đó là dấu hiệu cho thấy bạn mắc phải tình trạng nghiến răng vào ban đêm. Và mặc dù có thể bạn không nói dối (vì bạn không biết rằng mình có nghiến răng vào ban đêm), nhưng tình trạng nghiến răng cũng là một điều không nên bỏ qua.

Nên làm gì? Bạn có thể sẽ cần phải sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm hoặc một vài dụng cụ hàm mặt khác để bảo vệ men răng và tránh bị mất răng. Và điều tốt nhất bạn nên làm là trao đổi về vấn đề này với nha sĩ.

Theo Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Everydayhealth

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X