Hotline 24/7
08983-08983

5 bước sơ cứu quyết định sự sống còn của người bị đuối nước

Với những người bị đuối nước, việc cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân.

Để chủ động cứu giúp người bị đuối nước, bạn cần nắm rõ thời điểm vàng và phương pháp sơ cứu đúng cách.

Thời điểm vàng sơ cứu người đuối nước

Đuối nước là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, những sự việc đau lòng cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước, báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin.

Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp.

Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào, gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2. Sau đó, các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên. Tốt nhất là xử lý ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên, tức là trong vòng 1-4 phút khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).

Tư vấn - 5 bước sơ cứu quyết định sự sống còn của người bị đuối nước
Nạn nhân đuối nước cần được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp. (Ảnh minh họa).

Các bước sơ cứu người bị đuối nước, theo BS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, BV Bạch Mai) gồm:

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi. Tiếp đến, người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.

Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.

Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.

Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho họ, thay quần áo và ủ ấm, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.

Đặc biệt lưu ý:

- Không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy.

- Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu, có nguy cơ gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.

Từ ngày 1/11, theo Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (quy định cũ chỉ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng).


Theo N.H - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X