Hotline 24/7
08983-08983

35 loại bệnh nguy hiểm đến từ chuột

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vaccine phòng bệnh.

Người dân cần chủ động phòng tránh, đặc biệt đề phòng nguồn trung gian gây bệnh từ chuột. Ngoài ra, chuột còn là vật chủ mang đến 35 loại bệnh nguy hiểm cho con người.

Khẩn cấp giám sát dịch hạch

Chỉ trong 3 tháng gần đây, tại Madagascar (một quốc gia châu Phi) đã có 40 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch. Trước đó, Cơ quan đầu mối IHR của Mỹ thông báo ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado, Ủy ban KHHGĐ Trung Quốc cũng đã thông báo ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.

Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh lây truyền này, ngày 24/11, Bộ Y tế đã khẩn cấp yêu cầu các tỉnh, thành giám sát dịch trên động vật hoang dã; tập trung vào chuột, bọ chét. PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Dù 12 năm trở lại đây nước ta không ghi nhận trường hợp mắc, nhưng nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn”. Hai ca mắc bệnh cuối cùng tại Việt Nam được ghi nhận vào tháng 8/2002.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt người, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt với các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch.

Cục Y tế dự phòng đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai, chỉ đạo một số nội dung kiểm tra, giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ cao...

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch tại cửa khẩu, khu vực biên giới.

Bộ Y tế chỉ đạo, các tỉnh, thành phố cần truyền thông cho cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn… tránh để chuột, bọ chét tiếp xúc, thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả.

Trường hợp người dân phát hiện thấy có dấu hiệu nhiều chuột chết khả nghi dịch hạch, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Chủ động, sẵn sàng trang thiết bị, thuốc điều trị, hóa chất, phương tiện, nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý; nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét.

Chuột - ổ chứa bệnh truyền nhiễm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, mặc dù tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ năm 1975 tới nay không có bệnh nhân dịch hạch nhưng không thể chủ quan. Bệnh có thể lây lan nếu người dân không có ý thức phòng tránh.

Theo các chuyên gia y tế, dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Đây là loại bệnh của thú vật truyền sang người. Nguồn gốc bệnh từ thú vật hoang (thường là loài gặm nhấm như cáo, chồn…), sau đó lan truyền sang thú vật khác, đặc biệt là chuột, loài gặm nhấm sống gần người khác. Loài truyền vi khuẩn gây dịch hạch là con bọ chét. Khi bị chúng đốt, chuột sẽ chết hàng loạt.

Bọ chét sẽ rời xác chuột, đi tìm một con chuột khác để sống ký sinh và có thể cắn người, gây lây nhiễm bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch thể hạch với hai triệu chứng nổi bật là sốt cao và sưng hạch (hạch bẹn, nách, cổ) rất cấp tính.

Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-410C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày.

Đặc biệt, chuột là ổ chứa tới 35 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài bệnh dịch hạch, chuột có thể gây các bệnh do hantavirus. Khi chuột nhiễm hantavirus sẽ thải virus qua phân, nước tiểu cũng như các chất tiết và lây nhiễm cho người qua vết cắn, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các giọt dịch trong không khí.

Bệnh do hantavirus có thể viêm phổi và sốt xuất huyết kèm theo suy thận. Ngoài ra chuột còn là tác nhân gây bệnh vàng da xuất huyết, bệnh sốt chuột cắn do các vi khuẩn sống trong khoang hô hấp trên của chuột gây ra khởi phát 2-10 ngày sau tiếp xúc. Người bệnh có biểu hiện như ban đầu đau cơ, đau khớp, nôn ói, nhức đầu và xuất hiện mảng xuất huyết ở chi.

“Các bệnh lây truyền do chuột hầu hết đều chưa có vaccine phòng ngừa. Vì vậy để phòng bệnh cần kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế tiếp xúc chất thải của chúng. Khi có các biểu hiện bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời”, PGS.TS Trần Văn Kính khuyến cáo.

Nỗi ám ảnh “trận dịch đen”

Dịch hạch đã xuất hiện từ thời cổ xưa, tồn tại đến hiện nay. Trong vòng 2.000 năm qua dịch hạch gây bốn trận đại dịch với số tử vong khủng khiếp trong lịch sử nhân loại.

Nhất là hai đại dịch vào thế kỷ VI làm chết gần 40 triệu người và thế kỷ XIV nổi tiếng với tên “trận dịch đen” thời Trung cổ, được ước tính gây tử vong cho khoảng 25 triệu người châu Âu, 40 triệu người châu Á, châu Phi.


Theo Hoài Nam - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X