Hotline 24/7
08983-08983

"Hóa giải" nỗi lo rối loạn tiêu hóa ở người lớn trong ngày Tết

Không chỉ ở trẻ em, mà người lớn cũng có nguy cơ mắc phải rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày. Những nguyên nào dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở người lớn? Dấu hiệu nhận biết và những biến chứng gây ra nếu không điều trị kịp thời? Mong BS Lưu Phương tư vấn.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bạn đọc thân mến,

Bụng không tốt coi như cơ thể không tốt. Không chỉ riêng ở trẻ em mà rối loạn tiêu hóa cũng thường gặp ở người lớn.

Rối loạn tiêu hóa ở người lớn chia làm 2 loại: Cấp tính và mạn tính. Trong đó, rối loạn tiêu hóa cấp tính thường dưới 2 tuần, trung bình 3 ngày mọi chuyện sẽ quân bình trở lại. Còn rối loạn mạn tính là xảy ra dài ngày, kéo dài hơn 2-3 tháng.

Tiêu hóa bình thường là khi chúng ta ăn thấy ngon miệng, nhìn là muốn ăn, sau đó thức ăn xuống dạ dày, hoạt động co bóp tốt, cuối cùng là đi ngoài phân thấy bình thường. Vậy khi nó trục trặc một trong những hoạt động đó thì được gọi là rối loạn tiêu hóa như: không muốn ăn, ăn không ngon miệng, khó tiêu, sôi bụng, chướng bụng, đi ngoài khó khăn, phân lẹt xẹt…

Như tôi đã nói ở trên, nếu các triệu chứng này xảy ra từ 3-5 ngày thì gọi là cấp tính. Nguyên nhân thường không liên quan đến hệ tiêu hóa mà do tình trạng sốt siêu vi, viêm họng… chính những phản ứng trong cơ thể làm chúng ta thấy lình xinh, ăn không ngon miệng, ăn vào muốn nhợn, điều này là do dạ dày đờ ra, co bóp kém đi, dịch tiêu hóa tiết ra ít đi... Như vậy, rối loạn tiêu hóa ở người lớn rất dễ xảy ra mà không liên quan gì đến hệ tiêu hóa, hay nói cách khác là bị "văng miểng".

Ngoài ra, như quý vị cũng biết, Tết gần đến, chúng ta ăn uống liên miên, hệ tiêu hóa lúc này hoạt động như kỳ thi. Bình thường chúng ta không học bài nhưng gần đến kỳ thi thì bắt đầu nhồi nhét, dẫn đến quá tải. Hệ tiêu hóa cũng tương tự như vậy. Đó là chưa nói đến vấn nạn thực phẩm bẩn. Có thể ví von, miệng chúng ta sạch nhất mà cũng là nơi dơ nhất, vì nơi đây là vị trí giúp vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Đối với rối loạn tiêu hóa mạn tính rất nhiều nguyên nhân như: hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày mạn tính do nhiễm HP, viêm loét dạ dày, thuốc kháng viêm... cũng tấn công dạ dày gây rối loạn tiêu hóa.

Nguyên nhân tiếp theo mà rất đáng lưu ý, đó là thói quen uống thuốc vô tội vạ, nhất là thuốc kháng sinh. Có người uống kéo dài thời gian uống hơn chỉ định của bác sĩ, có người lại “mượn” toa thuốc của người khác để tự điều trị cho chính mình... Điều này dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, nó làm chết những vi khuẩn có lợi như là "bạn bè" của mình trong ruột. Hay nói cách khác, chính quân ta hại quân mình.

Về biến chứng. Nếu rối loạn tiêu hóa cấp tính, điều làm bác sĩ chúng tôi sợ nhất là rối loạn nước điện giải, nói đơn giản hơn là mình bị héo đi, rối loạn tiêu hóa làm mất nước, không đủ 60% lượng nước thì cơ thể khô héo như sa mạc, tim đập nhanh, thận không hoạt động hiệu quả. Điện giải là muối, thiếu nó bị vọp bẻ, nhức đầu, chóng mặt, nguy hiểm nhất là rối loạn nhịp tim.

Rối loạn tiêu hóa mãn tính nhẹ nhàng hơn, nhưng nó dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất đạm, thiếu vitamin, thiếu máu mạn, chất lượng cuộc sống kém. Thậm chí có người bị rối loạn tiêu hóa mà dẫn đến trầm cảm, biến chứng ung thư thì rất xa nhưng vẫn có thể xảy ra, chúng ta cần lưu ý.

ThS.BSCK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Trưởng đơn vị Tiêu hóa Can thiệp, BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X