Hotline 24/7
08983-08983

Y học sẽ ghép được đầu vào năm 2017?

Quả là câu chuyện kinh dị và bất khả thi dưới mắt của nhiều người. Thế nhưng một bác sĩ người Ý tin rằng ông có thể vượt qua mọi trở ngại để thực hiện trong vòng hai năm tới.

Ý tưởng ghép đầu do BS Canavero đề nghị gặp phải sự nghi ngờ và phản kháng của nhiều người

Ý tưởng được bác sĩ người Ý Sergio Canavero đưa ra vào năm 2013. Ông muốn sử dụng phẫu thuật để kéo dài cuộc sống của những người mà hệ thống cơ bắp và thần kinh bị thoái hóa hoặc các bộ phận trong người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư.

Giờ đây, BS Canavero tin rằng mình có thể vượt qua những rào cản sau cùng như ráp nối tủy sống và ngăn ngừa hệ miễn dịch đào thải bộ phận ghép, và như thế mọi chuyện có thể tiến hành sớm vào năm 2017.

Canavaro lên kế hoạch thông báo dự án của mình tại hội nghị thường niên của Viện bác sĩ ngoại khoa chỉnh hình và thần kinh Hoa Kỳ vào tháng 6 năm nay tại Annapolis (Maryland).

Thực tế thì nỗ lực đầu tiên để ghép đầu được nhà phẫu thuật Xô viết Vladimir Demikhov thực hiện vào năm 1954 trên một con chó. Đầu và bốn chi của một con chó được ghép vào thân một con chó khác to hơn, nhưng sau nhiều thử nghiệm khác nhau những con chó chỉ có thể sống được 2 - 6 ngày.

Năm 1970, một nhóm nhà khoa học do Robert White của đại học y khoa Case Western Reserve (Ohio, Hoa Kỳ) tìm cách ghép đầu một con khỉ vào mình một con khỉ khác.

Ở đây các bác sĩ không ghép cột sống nên khỉ không thể chuyển động, nó chỉ có thể sống nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài. Con khỉ sống được 9 ngày trước khi hệ miễn dịch đào thải chiếc đầu ghép.

Từ đó đến nay cũng diễn ra một số thử nghiệm ghép đầu, nhưng mọi chuyện vẫn chưa tiến triển mãi đến khi Canavero tuyên bố "giờ đây chúng tôi nghĩ mình có trong tay các giải pháp kỹ thuật và ghép đầu là chuyện khả thi".

Trong tháng này, Canavero đã công bố phát thảo kỹ thuật ghép đầu trên tạp chí khoa học Surgical Neurology International, theo đó người ta sẽ làm lạnh phần đầu của người nhận và cơ thể người cho cho đến khi các tế bào thần kinh có thể tồn tại mà không cần đến ôxygen.

Sau đó người ta bóc tách phần mô chung quanh cổ, còn các mạch máu lớn được nối vào các ống nhỏ để duy trì trước khi tủy sống của mỗi cơ thể bị cắt ra.

Phần tiếp theo, đầu người nhận chuyển vào cơ thể người cho và hai đoạn cuối tủy sống được "đấu nối" lại với nhau. Để làm được điều này, Canavero dự định sử dụng một chất hóa học gọi là polyethylene glycol để tẩy rửa các bề mặt. Giống như nước nóng làm cho spaghetti khô dính lại với nhau, ở đây polyethylene glycol làm cho mỡ trong màng tế bào kết dính lại.

Tiếp theo, các cơ bắp được may lại, máu được bổ sung vào cho vừa đủ và người nhận được giữ hôn mê trong 3 - 4 tuần để họ không cử động. Trong lúc này, việc kích thích điện cho tủy sống vẫn diễn ra đều đặn nhờ các điện cực ghép vào, bởi theo nghiên cứu điều này giúp cho việc kết nối các dây thần kinh mới được tốt hơn.

Khi người nhận đầu thức dậy, Canavero tiên đoán họ có thể cử động, cảm nhận khuôn mặt của mình và nói chuyện với cùng một giọng. Trong một năm sau đó, nhờ vật lý trị liệu, người nhận dần dà phục hồi và đi đứng trở lại như thường.

Theo Canavero, phần khó khăn nhất trong ghép đầu chính là việc "hàn" tủy sống lại với nhau. Polyethylene glycol cho thấy nó có thể giúp tăng trưởng thần kinh tủy sống trên loài thú, và Canavero có ý định dùng người hiến tạng chết não để thử nghiệm kỹ thuật này.

Mặc dù đưa ra một viễn cảnh khá sáng sủa, nhưng ý tưởng ghép đầu của Canavero vấp phải sự nghi ngờ của nhiều người.

Richard Borgens, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bại liệt tại đại học Purdue, vùng West Lafayette, Indiana (Hoa Kỳ) cho rằng "không có bằng chứng cho thấy việc kết nối tủy sống và não dẫn đến việc phục hồi tri giác và vận động sau khi ghép".

Nhưng Canavero lại tin rằng nếu polyethylene glycol không có tác dụng, ông sẽ bơm tế bào gốc hoặc tế bào khứu giác OEC (olfactory ensheathing cells - tế bào tự tái sinh có thể kết nối niêm mạc của mũi đến não) vào trong tủy sống. Dù chưa chứng minh được, nhưng Canavero tin rằng cách tiếp cận này đơn giản nhất và ít gây tổn thương.

Thực tế thì BS Canavero không phải là người đơn độc với ý tưởng ghép đầu. Mới đây TS Xiao-Ping Ren của đại học y khoa Harbin (Trung Quốc) chứng tỏ rằng chuyện ghép đầu có thể thực hiện được trên loài ruồi. Trên tạp chí khoa học CNS Neuroscience & Therapeutics, Ren cho rằng trong vài tháng tới ông có thể thực hiện quy trình ghép đầu của Canavero trên loài chuột và khỉ.

Nhưng phản bác nhiều nhất về chuyện ghép đầu chính là khía cạnh đạo đức. Patricia Scripko, chuyên gia thần kinh và đạo đức sinh học của Mỹ cho rằng "nếu bạn thay đổi cấu trúc vỏ não nghĩa là bạn tạo ra một con người khác và như thế vấn đề đạo đức phải đặt ra".

Ngoài khía cạnh đạo đức, một số người cũng lo lắng chuyện ghép đầu có thể khiến người ta nảy sinh ý tưởng trao đổi cơ thể cho nhau vì lý do thẩm mỹ.

Nhìn chung, ý tưởng ghép đầu do Canavero đề nghị gặp phải sự phản kháng của nhiều người. Harry Goldsmith, gíao sư phẫu thuật thần kinh tại đại học California bình luận: "Đây là một dự án vĩ đại và khả năng thành hiện thực là hầu như không có".

Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị
Nông thôn ngày nay

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X