Hotline 24/7
08983-08983

Xử trí đúng cách tai nạn đuối nước ở trẻ: hà hơi thổi ngạt để nước ra khỏi phổi

Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, trẻ bị tai nạn đuối nước cần được hà hơi thổi ngạt để nước ra khỏi phổi. Tuyệt đối không dốc ngược hoặc bế xốc nạn nhân.

1. Các bước sơ cứu đúng cách khi trẻ bị đuối nước

Nhờ BS chỉ ra những bước sơ cứu đúng cách khi trẻ bị đuối nước gồm những gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đuối nước ở miền Nam thường được gọi là chết đuối. Cách sơ cứu đầu tiên là phải quan sát và kiểm tra xem người bị đuối nước có còn thở hay không. Nếu người đuối nước không còn thở, cần hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) ép ngực và liên tục thổi hơi để hồi phục hô hấp cho nạn nhân, tuyệt đối không nên làm thêm bất kỳ động tác nào khác. Những động tác sơ cứu khác sẽ gây nguy hiểm thêm cho tính mạng của người bị nạn.

Trong trường hợp nạn nhân còn thở, việc sơ cứu sẽ có các bước thực hiện khác với tình trạng không còn thở, cho người gặp nạn nằm ở tư thế nghiêng và vỗ vào lưng để họ có thể ọc nước ra ngoài. Đối với trường hợp xác định đã ngưng thở, người sơ cứu phải hà hơi, thổi ngạt.

2. Những thói quen cần trách khi sơ cứu đuối nước

Đâu là những thói quen cần tránh khi sơ cứu trẻ bị đuối nước ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có rất nhiều quan niệm sai lầm về cách sơ cứu khi gặp trường hợp đuối nước. Ví dụ ở nhiều nơi, người thực hiện sơ cứu thường để người bị nạn vào lu để lăn, đây một phương pháp rất lạ và phản khoa học. Việc người bị đuối nước được sơ cứu bằng cách bỏ vào trong lu để lăn hay vác lên lưng rồi chạy chính là 2 động tác hoàn toàn sai và sẽ làm mất đi cơ hội để hà hơi, thổi ngạt giúp cho nạn nhân có oxy cung cấp lên não.

Việc thực hiện sơ cứu ban đầu sai có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho người bị đuối nước hoặc khi thực hiện hà hơi, thổi ngạt chậm trễ sẽ để lại di chứng cho nạn nhân do bị thiếu oxy lên não quá lâu.

Việc dốc ngược nạn nhân đuối nước lên là một hành động sơ cứu sai lầm

3. Không nên dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy khi bị đuối nước

Dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy khi trẻ bị đuối nước sẽ gây nguy hiểm ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, với trường hợp khi nước đã vào phổi, việc thực hiện động tác xốc người bị đuối nước sẽ không hiệu quả.

Để nước ra khỏi phổi cần hà hơi, thổi ngạt.

Động tác xốc chỉ giúp những dị vật mắc bên trong hầu họng ra khỏi cơ thể khi người gặp nạn còn thở. Khi nạn nhân đã mất phản xạ thở, động tác xốc lên để chạy và nghĩ nước sẽ được người gặp nạn ọc ra là hoàn toàn không đúng. Việc thực hiện xốc nạn nhân sẽ làm chậm trễ trong quá trình sơ cứu ban đầu.

Trong khoảng 3 phút, người bị đuối nước sẽ tử vong nếu thiếu oxy lên não quá lâu. Khi não không có đủ lượng oxy, những tế bào não sẽ chết, việc thực hiện sơ cứu có thể giúp người bị đuối nước tỉnh dậy nhưng lúc này não của họ đã chết và sẽ trở thành người thực vật.

Chính vì vậy, khi nhận thấy nạn nhân ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, sẽ không có một phương pháp nào khác có thể thay thế để giúp những trường hợp ngưng tim, ngưng thở do đuối nước.

Lưu ý động tác sơ cứu hà hơi, thổi ngạt cho nạn nhân đuối nước là rất quan trọng

4. Phụ huynh nên thiết lập những thói quen gì để phòng ngừa đuối nước ở trẻ?

Đề phòng trẻ bị đuối nước, đâu là những thói quen cha mẹ cần thiết lập, thưa BS?

- Khi cho con đi biển, hoặc nơi có sông hồ, nên trang bị những vật dụng gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với trường hợp trẻ bị đuối nước, phụ huynh nên từ bỏ suy nghĩ rằng con chỉ bị đuối nước ở các khu vực như biển, sông, hồ, ao, kênh, suối. Ở một mực nước nhất định, đặc biệt đối với những trẻ nhỏ vừa chập chững biết đi, không thể tự đứng lên được khi bị té úp mặt xuống nước.

Phụ huynh cần chú ý đến 2 trường hợp đuối nước là đuối nước tại nhà hay tại những khu vực quen thuộc thông thường như nhà tắm, hồ cá nhỏ trong sân nhà. Thứ hai là đuối nước ở những khu vực sông, hồ.

Đối với những vùng sông, hồ cho dù có đi đâu phụ huynh cũng cần biết khu vực nào có thể cho trẻ xuống và chỗ nào không thể.

Nếu đã đi đến những khu vực có nước cần cho trẻ mặc áo phao, ở những trẻ biết bơi phụ huynh cũng không nên cho con đến tự ý đến nơi nguy hiểm. Không nên có suy nghĩ con biết bơi và có thể đi đến bất kỳ nơi nào. Điều quan trọng là phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ thói quen có thể tự đi đến bất kỳ đâu và nhận biết được nơi nào là nguy hiểm, không thể xuống được dù là biết bơi hay không.

Bên cạnh đó, ở những ngôi nhà có hồ bơi và hồ cá, phụ huynh nên luôn luôn để ý đến trẻ. Vì ở một đứa trẻ chưa biết đi khi té úp mặt xuống nước sẽ bị đuối nước hoặc nếu trẻ biết bơi nhưng khi có tai nạn xảy ra, trẻ cắm đầu vào xô hay lu sẽ không thể xoay xở để tự thoát ra được.

Các tình huống tai nạn tại nhà ở trẻ thường rất đáng tiếc, phụ cần chú ý những trường hợp này để tránh được tai nạn đuối nước không mong muốn ở trẻ.

5. Trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể học bơi?

Trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể học bơi để đề phòng đuối nước, thưa BS? Lựa chọn đơn vị học bơi sao cho đảm bảo an toàn?

- Và vì sao dù trẻ đã biết bơi, cha mẹ vẫn cần phải theo sát con khi vui chơi ở biển - sông, hồ, thưa BS? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, khi đề cập đến vấn đề cho trẻ đi học bơi, cần chia thành 2 nhóm.

Thứ nhất là cho trẻ tiếp xúc với nước, khi trẻ biết ngồi phụ huynh có thể cho con được tiếp xúc với nước nhưng cần được theo sát trong vòng tay của người lớn.

Thứ hai là cho trẻ học bơi đúng nghĩa khi con đủ 4 tuổi, (trước độ tuổi này không gọi là học bơi).

Tuy nhiên, dù là tập bơi hay tiếp xúc với nước, ở trẻ nhỏ cần có sự an toàn về mực nước, hai là cần có người lớn ở bên cạnh. Ở người lớn có thể tập bơi một mình nhưng đối với trẻ nhỏ phải có người lớn ở bên cạnh, không nên để trẻ một mình ở hồ dù cho mực nước trong hồ có thấp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X