Vitamin C tăng cường sức đề kháng: Nên ăn những thực phẩm nào, bổ sung bao nhiêu là đủ?
Trong chương trình giao lưu trực tuyến trên AloBacsi, TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến việc bổ sung vitamin C: nhu cầu khuyến nghị theo mỗi độ tuổi, các loại thực phẩm giàu vitamin C, cách bổ sung để hấp thu tối đa nhất cho cơ thể. Mời bạn đọc theo dõi thông tin chi tiết trong bài viết sau.
1. Dinh dưỡng - yếu tố quan trọng để có hệ miễn dịch khỏe mạnh
Dinh dưỡng giúp gia tăng hệ miễn dịch của cơ thể như thế nào? Bên cạnh đó, bổ sung dinh dưỡng như thế nào cho đúng cách, nhất là khi dịch bệnh phức tạp cùng với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Chúng ta đều biết rằng, tình trạng dinh dưỡng và chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tất cả mọi người.
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có tình trạng dinh dưỡng không được bình thường như suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì, đều đối diện với các nguy cơ cao về sức khỏe.
Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, các kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, những người có dấu hiệu rối loạn dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh là những người có nguy cơ cao bị mắc COVID-19. Bên cạnh đó, những người có biến chứng nặng khi mắc COVID-19 thường là những người có tình trạng dinh dưỡng không cân đối và chế dinh dưỡng cũng không được hợp lý.
Sức khỏe tốt sẽ giúp cho chúng ta có sức đề kháng tốt phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng, trong đó có virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, nếu chúng ta không may bị mắc bệnh thì bệnh cũng nhẹ, ít bị biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và mau phục hồi. Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, dinh dưỡng còn giúp cho sức đề kháng và sự tăng trưởng tốt nhất.
Để có một chế độ dinh dưỡng tốt, chúng ta cần tập trung vào những yếu tố sau:
- Cung cấp đầy đủ năng lượng phù hợp với nhu cầu của cá nhân.
- Cung cấp đầy đủ chất đạm.
- Cung cấp vừa đủ chất béo, trong đó ưu tiên chất béo chưa bão hoà.
- Đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao sức đề kháng và miễn dịch của chúng ta không thể không kể đến một số các vitamin và chất khoáng. Theo đó, chúng ta thường nhớ đến các vitamin (vitamin A, C, B, một phần vitamin E) và các chất khoáng quan trọng (kẽm, sắt, i-ốt, selen) với vai trò hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Ngoài ra, Omega 3 và Probiotics cũng có những vai trò nhất định đối với chất đề kháng của cơ thể.
Như vậy, có thể nói rằng, nếu chúng ta có một chế độ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng như đã nêu sẽ hỗ trợ cho cơ thể sức khỏe và sức đề kháng tốt nhất.
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến trong mùa dịch cùng AloBacsi
2. Nhờ đâu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường và gia cố hệ miễn dịch?
Như BS vừa chia sẻ, nhóm vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ đâu mà những dưỡng chất nhỏ bé như thế này lại giúp tăng cường và gia cố hệ miễn dịch?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Vitamin A, B, C, D và E giữ vai trò đặc biệt quan trọng với hệ miễn dịch. Bởi các vitamin này tham gia vào quá trình bảo vệ tế bào, đặc biệt là các tế bào biểu mô, để làm hàng rào vật lý giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Cụ thể:
Vitamin A là loại vitamin sẽ giúp cho tế bào niêm mạc ở đường hô hấp, tế bào niêm mạc ở đường tiêu hóa và tế bào biểu mô ở da được bền vững, đây bản chất là hàng rào vật lý để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Vitamin B cũng có vai trò đặc biệt quan trọng với quá trình hỗ trợ cho các tế bào miễn dịch tạo ra các kháng thể và bảo vệ cơ thể trước tình trạng viêm, nhiễm trùng.
Vitamin C là một trong những chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng thông qua các cơ chế cơ bản:
- Vitamin C là một chất chống oxy hóa rất tốt. Khi chống oxy hóa và tăng quá trình đào thải các gốc tự do chính là bảo vệ các tế bào. Đặc biệt là các tế bào của hệ thống miễn dịch, các tế bào bạch cầu vốn dĩ mong manh, rất dễ bị phá vỡ và tổn thương bởi các gốc tự do. Vì vậy, nếu bổ sung vitamin C, cơ thể sẽ được hỗ trợ cho quá trình trung hoà các gốc tự do và chất thải trong quá trình chuyển hoá.
- Vitamin C tham gia vào quá trình kháng viêm, chống lại tình trạng viêm ở nội mạc của mạch máu. Do đó, chúng sẽ giúp lưu thông nhiều máu hơn đến tất cả các cơ quan tế bào, đặc biệt là các tế bào trong hệ thống tạo ra kháng thể.
- Vitamin C còn có vai trò với các tế bào biểu mô, kích thích để tổng hợp ra các chất đạm, hỗ trợ chuyển hoá các chất dinh dưỡng đưa vào trong cơ thể hằng ngày, là nguyên tố quan trọng tạo ra kháng thể, cũng như tạo ra chức năng hoàn hảo của các tế bào trong cơ thể của chúng ta.
Vitamin E cũng thường được nhắc đến như một chất chống oxy hoá.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhắc đến vai trò của kẽm, sắt, selen và i-ốt. Tất cả các chất khoáng vi lượng này đều đóng vai trò quan trọng thông qua việc hỗ trợ cho các tế bào miễn dịch, hỗ trợ hoạt động của các tế bào tạo ra kháng thể, đồng thời hỗ trợ hoạt động chức năng của các tế bào và các mô tham gia vào quá trình chống lại các tác nhân gây bệnh.
Trong tất cả các loại vitamin thì vitamin nào giữ vai trò chủ chốt, vì sao ạ?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Thật ra không có vitamin nào giữ vai trò chủ chốt đối với sức đề kháng cả. Chúng ta phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các vitamin và các chất khoáng. Không một vitamin nào có vai trò duy nhất nhưng sẽ có một số vitamin có vai trò với sức đề kháng cao hơn. Ví dụ: vitamin nhóm B cũng tham gia vào quá trình chuyển hoá chất, quá trình bảo vệ sức khoẻ cho chúng ta nhưng hiệu quả sẽ không bằng với những loại vitamin A, C, D, E.
Do vậy, chúng ta thấy được rằng, các vitamin đều đóng vai trò quan trọng, trong đó có một số vitamin quan trọng hơn như vitamin A, C, D, E.
3. Nhu cầu vitamin C của trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ và người trưởng thành?
Nếu nhắc đến vitamin C, một nhân tố không thể thiếu nếu như muốn tăng sức đề kháng. Xin hỏi BS nhu cầu sử dụng vitamin C của mỗi người như thế nào? Độ tuổi, người trưởng thành, hay trẻ nhỏ sử dụng ra sao cho phù hợp ạ?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Vitamin C là một loại vitamin rất nổi tiếng. Mỗi khi nhắc đến cảm cúm, hay mệt mỏi, uể oải thì chúng ta sẽ được khuyên sử dụng vitamin C để hỗ trợ cho sức đề kháng tốt hơn.
Theo khuyến nghị ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng vitamin C ở mỗi người có sự khác nhau, cụ thể:
- Trẻ nhũ nhi: 40 mg/ngày.
- Trẻ < 10 tuổi: 70 mg/ngày.
- Trẻ em > 10 tuổi: 90 mg/ngày.
- Người trưởng thành: 100 mg/ngày.
Như vậy, chúng ta thấy rằng cơ thể không cần quá nhiều vitamin C. Nếu cung cấp đủ theo nhu cầu khuyến nghị thì đã giúp cho cơ thể khoẻ mạnh hơn và tất cả các cơ quan sẽ hoạt động hoàn hảo, trong đó cơ quan tạo ra kháng thể.
4. Nhu cầu vitamin C của người bệnh nền có khác biệt so với người khỏe mạnh?
Nếu như chúng ta có bệnh nền thì việc sử dụng vitamin C có khác gì so với người bình thường? Nếu sử dụng thì cần lưu ý điều gì ạ?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời:
Với một số bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp thì vẫn sử dụng vitamin C theo nhu cầu khuyến nghị như bình thường.
Với một số người bị các bệnh mãn tính ở đường tiêu hóa, khiến cho quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng, thì sẽ cần phải điều chỉnh để đưa vitamin C nhiều hơn một chút bởi cơ thể không hấp thu đủ loại vitamin này.
Việc hấp thu vitamin C giữa người có bệnh lý mãn tính nặng với người khỏe mạnh không có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm khi xây dựng chế độ ăn, cũng như lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin C cho mình.
Tuy nhiên, đối với người có các bệnh lý nền, chúng ta cần lưu ý lựa chọn thực phẩm giàu vitamin C ở một dạng nào đó mà khi ăn sẽ hấp thu được tốt. Đồng thời không gây kích thích đường tiêu hoá, không tạo cảm giác khó chịu.
5. Cần lưu ý gì trong cách chế biến, ăn uống để vitamin C được hấp thụ tối đa?
Chúng ta cần lưu ý điều gì để vitamin C được hấp thụ tốt hơn và có những sai lầm nào chúng ta cần tránh ạ?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Chúng ta nên lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin C làm sao để cân đối chế độ ăn, đồng thời đáp ứng đúng theo nhu cầu khuyến nghị.
Theo đó, chúng ta phải lưu ý đến đặc tính của vitamin C. Đây là một loại vitamin tan trong nước và không bền với nhiệt. Do đó nếu chúng ta lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin C nhưng lại chế biến với nhiều nước thì sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu hụt vitamin C.
Hơn nữa, vì không bền với nhiệt, nên nếu để thực phẩm nhiều vitamin C tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu hoặc chế biến với nhiệt độ cao sẽ làm hàm lượng vitamin C bị phá huỷ khá nhiều, thậm chí phá huỷ lên đến 80 - 90% lượng vitamin C vốn có trong thực phẩm.
Nếu sử dụng trái cây để cung cấp vitamin C, nên ăn trái cây toàn phần và tươi. Hạn chế việc chế biến trái cây với nhiệt độ vì một số loại men sẽ chuyển hóa vitamin C khiến cơ thể không hấp thu được hết hàm lượng vốn dĩ trái cây đã có.
Ngoài ra, một số thói quen chưa tốt đó là chúng ta sử dụng các viên bổ sung vitamin C với liều quá cao, không tương thích với nhu cầu khuyến nghị của cơ thể.
6. Loại rau, củ, quả, trái cây nào giàu vitamin C?
Làm thế nào để bổ sung lượng vitamin C tối đa cho cơ thể thưa BS? Khi mua hoa quả, chúng ta nên ưu tiên những loại nào, tiêu chí lựa chọn ra sao và phương thức ăn đúng nhất để giữ trọn vẹn vitamin C?
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Đầu tiên, chúng ta nên biết được thực phẩm nào giàu vitamin C. Có 2 nhóm thực phẩm giàu vitamin C căn bản là rau và trái cây.
Hầu hết các loại rau có lá màu xanh đều giàu vitamin C, có thể kể đến như: bông cải xanh, bông cải trắng, rau cải, rau mồng tơi, rau ngót, rau dền,...
Loại rau nhiều vitamin C nhất là ớt chuông (hay còn gọi là ớt ngọt, ớt Đà Lạt). Ớt chuông màu vàng có lượng vitamin C khá cao, gấp 2,5 lần so với nhu cầu khuyến nghị trong 100g ớt chuông màu vàng. Ớt chuông màu đỏ chứa khoảng 190mg và ớt chuông màu xanh chứa khoảng 140mg vitamin C cho 100g ớt.
Các loại rau lá màu xanh lượng vitamin C sẽ dao động trong khoảng 40 - 60 mg vitamin C cho 100g. Đặc biệt, sau khi chế biến, lượng vitamin C trong thân của rau sẽ nhiều hơn lượng vitamin C có trong lá.
Trái cây hầu hết đều có chứa vitamin C. Nhiều người thường nghĩ quả chanh sẽ chứa nhiều vitamin C nhất nhưng trên thực tế thì không. Tùy theo giống chanh mà lượng vitamin C sẽ giao động từ 40 - 50 mg trong 100 g chanh.
So với chanh thì lượng vitamin C ở cam sẽ nhiều hơn. Theo tính toán, cứ 100g cam sẽ có khoảng 50 - 70 mg vitamin C, tùy vào giống cam và mức độ chín của cam.
Cùng họ trái cây có múi, bưởi cũng có hàm lượng vitamin C khá cao, khoảng 60 - 70 mg vitamin C. Một số giống bưởi có hàm lượng vitamin C cao hơn, có thể lên tới khoảng 80 - 90 mg vitamin C cho 100g bưởi. Một số loại trái cây cũng có nhiều vitamin C có thể kể đến như dâu hoặc xoài.
Đặc biệt, một loại trái cây chứa nhiều vitamin C được mệnh danh “siêu trái cây” đó là kiwi. Trong 100g kiwi 95mg vitamin C.
Khi mua, nên chọn trái cây đúng mùa vì dinh dưỡng bao giờ cũng cao hơn. Thổ nhưỡng cũng quyết định rất nhiều đến hàm lượng vitamin C có trong thực phẩm. Trái cây chín thì lượng vitamin C sẽ nhiều hơn lần so với trái cây chưa chín. Nếu thu hoạch sớm, trái cây sẽ được làm chín nhân tạo thay vì chín cây. Điều này sẽ khiến trái cây không thơm ngon bằng và cũng không nhiều vitamin C.
7. Kiwi - “siêu quả” giúp tăng cường sức đề kháng, tốt cho tiêu hóa và sắc đẹp
Nhờ BS có thể chia sẻ rõ hơn về hàm lượng vitamin C có trong kiwi cũng như giúp bổ sung như thế nào cho cơ thể chúng ta?
Trong các loại trái cây, kiwi chứa nhiều vitamin C và được mệnh danh là "siêu quả" vì những giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại (Ảnh minh họa)
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam trả lời: Khi chúng ta có sự hội nhập quốc tế, người dân có cơ hội thưởng thức nhiều loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao là quả kiwi. Lợi ích chung của kiwi là cung cấp vitamin, chất xơ, một số khoáng chất và hàm lượng ít đường fructose (loại đường chuyển hoá nhanh).
Đặc điểm của kiwi:
- Kiwi có năng lượng không cao, trong 100g kiwi chỉ có khoảng vài chục kcal. Vì vậy, khi ăn kiwi chúng ta sẽ không lo lắng như khi ăn một số loại trái cây khác có năng lượng cao.
- Kiwi không có chất béo và có một ít chất đạm.
- Kiwi có lượng đường fructose với hàm lượng khá thấp nên những người có chế độ ăn cần phải kiểm soát đường cũng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
- Kiwi có khá nhiều vitamin nhưng một trong những đặc điểm nổi tiếng của kiwi đó chính là vitmin C. Hàm lượng vitamin C trong kiwi vào khoảng 95 mg cho 100g. Với kích cỡ trung bình của một quả kiwi thì chúng ta có thể ăn 1 quả, chúng ta đã đáp ứng được khoảng 90 - 100% nhu cầu khuyến nghị về vitamin cho một người/ngày.
- Ngoài ra, kiwi còn có nhiều vitamin khác như vitamin nhóm B, vitamin E, K. Kiwi có khá nhiều các chất khoáng vi lượng tốt cho sức khỏe như magie, mangan, đặc biệt có cả canxi và phốt pho. Kiwi cũng chứa nhiều chất xơ. Ngoài ra, kiwi còn chứa nhiều chất chống oxy hoá, do đó có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Với các chất dinh dưỡng như thế này, thông thường kiwi hay được sử dụng để hỗ trợ cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa giúp chống lại nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, kiwi còn giúp làm đẹp da, phòng ngừa các bệnh ý có liên quan đến rối loạn chuyển hoá nếu chúng ta biết lựa chọn và sử dụng phù hợp nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình