Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị viêm âm đạo? Điều trị thế nào?
Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị viêm âm đạo? Điều trị viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai như thế nào? Làm sao để bà bầu giữ được mùi cơ thể thơm tho?… TS.BS Lê Văn Hiền sẽ giải đáp những thắc mắc về viêm nhiễm âm đạo ở phụ nữ mang thai.
TS.BS Lê Văn Hiền, Tổng Thư ký Hội Sản Phụ Khoa TPHCM (HOGA), Giám đốc Phòng khám Sản phụ khoa Hiền Đức
1. Vì sao khi mang thai, người phụ nữ bị nặng mùi ở vùng cơ quan sinh dục?
Thứ nhất, khi phụ nữ có mang em bé, cơ thể sẽ thay đổi để phù hợp giữ em bé trong 9 tháng 10 ngày. Sự phát triển của thai nhi cũng làm người phụ nữ thay đổi từ bên ngoài đến bên trong, nội tiết tố, nhịp tim, hệ thống tuần hoàn,...
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này là nội tiết của thai kỳ. Khi mang thai, nội tiết của thai kỳ do bánh nhau và buồng trứng tiết ra sẽ tạo ra những thay đổi, đặc biệt là da. Chúng ta có thể thấy được sự thay đổi sắc tố da, nếp gấp ở cổ, cánh tay, nách, bẹn sẽ sạm đen.
Nội tiết đó cũng sẽ làm cơ thể tiết ra mồ hôi và mùi thay đổi, đặc biệt là vùng cơ quan sinh dục, bẹn có mùi rất nặng. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai dễ bị viêm nhiễm âm đạo.
Sự thay đổi nội tiết khi mang thai sẽ làm tăng sinh mạch máu vùng xương chậu, âm đạo, âm hộ. Phụ nữ mang thai sẽ cảm thấy tiết dịch nhiều. Đó là điều kiện thuận lợi để vi trùng, vi nấm phát triển. Do đó, khi mang thai, phụ nữ rất dễ bị viêm nhiễm âm đạo.
Bên cạnh đó, việc thừa cân khi mang thai và ra mồ hôi nhiều khiến vùng bẹn, đùi bị hăm, dễ kích ứng cho vi trùng, vi nấm phát triển.
Đó là những nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai nặng mùi ở vùng bẹn, cơ quan sinh dục và dễ bị viêm nhiễm.
2. Ngăn ngừa mùi hôi và viêm nhiễm vùng cơ quan sinh dục ở phụ nữ mang thai bằng cách nào?
- Luôn vệ sinh sạch sẽ và khô, tránh để vùng âm đạo ẩm ướt. Có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày, hoặc thay quần lót thường xuyên.
- Khi đi vệ sinh xong, không nên rửa nhiều, có thể sử dụng khăn giấy để chặm khô. Khi tắm xong, có thể dùng máy sấy để sấy khô vùng cơ quan sinh dục, không để ẩm ướt.
- Không để cơ thể khi mang thai tăng cân quá nhiều, có thể gây hăm vùng bẹn và làm vi nấm dễ dàng phát triển.
- Hạn chế ăn đồ ngọt và tinh bột: khi mang thai đã có nguy cơ dẫn đến tiểu đường trong thai kỳ. Khi ăn nhiều đồ ngọt sẽ rất dễ bị nấm, môi trường âm đạo có tính hơi quá axit và làm nấm dễ phát triển.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm nhiễm âm đạo khi mang thai?
Khi khám thai, bác sĩ sẽ luôn khám âm đạo trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Những tháng giữa thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ khám tim thai, đo bề cao tử cung,... chứ không khám âm đạo.
Giữa thai kỳ, bác sĩ sẽ khám âm đạo khi nào thai phụ có triệu chứng khó chịu như ra máu, ra huyết trắng bất thường.
Thai phụ cần khám âm đạo khi có các triệu chứng như:
- Dịch tiết ra nhiều, có mùi hôi, mùi chua, ngứa, gây khó chịu
- Tiểu rát, tiểu buốt, tiểu ra cặn trắng
Khi mang thai, phụ nữ vẫn có thể điều trị viêm âm đạo. Tuy nhiên phải dùng một số loại thuốc đặt tại chỗ, có tác dụng tại chỗ và không ảnh hưởng đến thai nhi.
4. Không điều trị viêm âm đạo trong thai kỳ sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Viêm âm đạo là bệnh thường gặp nhưng nếu không điều trị sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề.
Vì âm đạo nằm sát cổ tử cung, nên nếu viêm âm đạo nặng sẽ dẫn đến viêm màng ối, rỉ ối, vỡ ối non. Nếu thai còn nhỏ thì có thể gây sảy thai hoặc sinh non. Nếu thai lớn, sẽ dẫn đến viêm màng ối, nhiễm trùng ối. Đặc biệt, khi em bé ra đời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng sơ sinh.
Một số sản phụ nói rằng kết quả khám thai bình thường như khi sinh em bé ra thì trẻ bị nhiễm sơ sinh. Nguyên nhân có thể là sản phụ bị viêm âm đạo trong khi mang thai.
Người mẹ sau sinh có thể bị nhiễm trùng hậu sản, vết khâu ở tầng sinh môn bị nhiễm trùng, khó lành hoặc viêm đường tử cung, áp xe phần phụ nếu bị lan đến vùng chậu.
Do đó, phụ nữ mang thai cần theo dõi và khám, điều trị kịp thời tình trạng viêm âm đạo.
5. Làm sao để khắc phục mùi khó chịu ở của cơ thể khi phụ nữ mang thai?
Về vấn đề mùi mùi cơ thể, chị em cần: giữ cơ thể sạch sẽ, khô thoáng, không để mồ hôi đọng nhiều ở vùng bẹn, nách, có thể sử dụng lăn nách, nước hoa. Tuy nhiên, không xịt quá nhiều vì sẽ gây ra dị ứng.
6. Khi mang thai, có nên kiêng quan hệ tình dục không?
Khi mang thai, nhu cầu quan hệ tình dục ở người phụ nữ không giảm, đôi khi còn tăng. Vì vậy, người phụ nữ mang thai vẫn có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, cần chọn tư thế quan hệ phù hợp để không gây ra tình trạng vỡ ối, sinh non.
Khi quan hệ, nên sử dụng bao cao su vì tinh dịch có chứa chất gây co thắt tử cung, dẫn đến tình trạng sảy thai hoặc sinh non. Bên cạnh đó, khi quan hệ có thể dẫn đến viêm nhiễm đường sinh dục, bao cao su sẽ giảm các bệnh lây qua đường tình dục.
7. Tại sao phụ nữ ở thành phố dễ bị viêm âm đạo hơn phụ nữ nông thôn?
Âm đạo là môi trường mở, không phải là môi trường vô trùng. Khi quan hệ, âm đạo không bị viêm nhiễm vì niêm mạc âm đạo tiết ra dịch làm âm đạo không bị khô. Môi trường axit ở âm đạo sẽ giúp tiêu diệt vi trùng gây bệnh. Đồng thời, âm đạo sẽ duy trì những con vi trùng có lợi, tạo ra môi trường bảo vệ âm đạo.
Nhưng nếu người phụ nữ không biết bảo vệ sẽ phá vỡ môi trường tự nhiên của âm đạo, dẫn đến dễ bị viêm nhiễm. Ví dụ như tự ý dùng thuốc đặt âm đạo sẽ tiêu diệt vi trùng có lợi cho cơ thể, phá vỡ môi trường tự nhiên của âm đạo. Việc sử dụng dung dịch vệ sinh dạng xịt cũng làm môi trường không còn sinh lý, dễ bị viêm nhiễm hơn.
Do người phụ nữ có lối sống hiện đại thường có những thói quen này nên tỷ lệ viêm nhiễm âm đạo cao hơn phụ nữ ở vùng nông thôn.
Minh Huy (ghi)
Trích video: Viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai | TS. BS - Lê Văn Hiền | Medeze Group Vietnam
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình