Uống ít nước, nhịn tiểu, mặc quần dày tưởng chừng vô hại nhưng gây viêm đường tiết niệu
Theo TS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, trong thời đại công nghiệp, mọi người thường tập trung làm việc dẫn đến hình thành một số thói quen như ít uống nước, nhịn tiểu, sử dụng băng vệ sinh thường xuyên, mặc đồ quá dày… làm tình trạng viêm đường tiết niệu gia tăng.
1. Viêm đường tiết niệu xảy ra do những nguyên nhân nào?
Thưa BS, thông thường viêm đường tiết niệu xảy ra do những nguyên nhân nào?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: Viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh đầu tay của các bác sĩ tiết niệu và nam khoa. Trong các chương trình đào tạo từ sinh viên, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, cao học, tiến sĩ không thể thiếu chương nhiễm khuẩn về tiết niệu.
Vì đây bệnh lý rất thường xuyên và để lại nhiều gây di chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng trên sức khỏe bệnh nhân nên chương trình đào tạo sẽ nâng lên từng bước.
Có thể hình dung cơ bản, trong cơ thể chúng ta khi uống nước vào, nước sẽ lọc từ thận và đi qua hệ thống của 2 ống niệu quản. Sau đó đi xuống bàng quang, khi bàng quang căng đầy sẽ tống xuất ra ngoài.
Đây là một vòng tuần hoàn kín, nên nước tiểu hoàn toàn vô khuẩn. Tuy nhiên, một số trường hợp có sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu và bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng như tiểu rắt, biểu buốt, tiểu đau, đau vùng hạ vị, vùng cơ quan sinh dục và nóng sốt. Triệu chứng này có thể gợi ý bệnh lý viêm đường tiết niệu ở nam và nữ giới.
Đa số các tác nhân là vi khuẩn gram âm và một số ít là vi khuẩn gram dương. Tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu gồm có các nhóm:
- Trẻ em (dưới 5 tuổi): Thông thường do thói quen mặc bỉm hoặc không vệ sinh cơ quan sinh dục.
- Người trưởng thành: Đa số do thói quen vệ sinh, quan hệ tình dục không an toàn, các bất thường của cấu trúc giải phẫu cơ quan sinh dục. Ngoài ra, có thể do ảnh hưởng khí hậu nắng nóng, ẩm của khu vực châu Á nên tình trạng viêm đường tiết niệu gia tăng. Đó là lý do lượt khám, bệnh nhân đến nhà thuốc tư vấn nhiều hơn.
- Người lớn tuổi (trên 60 tuổi): Tỷ lệ nhiễm khuẩn đa số do các bệnh lý như ảnh hưởng của nội tiết, ảnh hưởng của tiền liệt tuyến, tắc đường tiết niệu,…
Ngoài ra, do cuộc sống bận rộn, uống nước ít hoặc do công việc căng thẳng nên nhiều bạn trẻ có thói quen nhịn tiểu, không đi tiểu. Đây là một trong những tác động làm cho tỷ lệ viêm đường tiết niệu gia tăng, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
2. Vì sao bệnh nhân đến khám viêm đường tiết niệu gia tăng khi thời tiết nắng nóng gay gắt?
Mối liên quan giữa thời tiết nắng nóng và viêm đường tiết niệu như thế nào? Vì sao thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ dẫn đến số bệnh nhân vào việm khám viêm đường tiết niệu gia tăng?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: 80% các nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu ở cả nam giới và nữ giới là do bệnh lý của E. Coli. Đây là vi khuẩn đường ruột nằm ở vùng tầng sinh môn của nam lẫn nữ.
Đặc biệt, các bạn nữ nếu có thói quen ít đi vệ sinh hoặc uống nước ít thì vi khuẩn ở vùng tầng sinh môn sẽ dễ xâm nhập vào đường tiểu nhiều hơn nam giới, từ đó tăng tỷ lệ nhiễm trùng ở nữ.
Các bạn nữ trong thời đại công nghiệp hiện nay thường có thói quen sử dụng băng vệ sinh để thấm hút dịch, dẫn đến vi khuẩn bùng phát.
Trong thời điểm nắng nóng lượng nước uống vào không đủ để đào thải ra ngoài. Đồng thời, sự ẩm ướt và nóng ở vùng cơ quan sinh dục của nam và nữ là điều kiện bùng phát vi khuẩn E. Coli ở vùng tầng sinh môn, làm tăng tình trạng nhiễm trùng.
Ngoài ra, ở nam giới da quy đầu nếu chưa được cắt sẽ gây ra tình trạng ẩm ướt và vi khuẩn tồn trú ở cơ quan sinh dục nam, dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm. Đặc biệt, khi quan hệ tình mà không vệ sinh hoặc không có biện pháp bảo vệ sẽ là yếu tố làm tăng bệnh lý viêm đường tiết niệu.
Một trong những nguyên nhân nữa là sự đào thải của nước tiểu trong thời tiết nắng nóng. Cơ thể chúng ta có hệ thống giúp quân bình nhiệt độ cơ thể luôn 37 độ, dù nóng hay lạnh, đó là sự bài tiết mô hồi.
Khi trong thời gian nóng mà chúng ta uống nước không đủ thì lượng mồ hôi vẫn thải ra liên tục để đảm bảo nhiệt độ của cơ thể, tuy nhiên lượng nước tiểu sẽ giảm đi, nếu không cung cấp đủ nước sẽ không thể sự bài tiết nước tiểu ra khỏi cơ thể, dẫn đến tồn lưu nước tiểu gây tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu.
3. Cách điều trị viêm đường tiết niệu
Hướng điều trị viêm đường tiết niệu, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng sẽ như thế nào thưa BS?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: Thời gian qua một số bệnh nhân tự tìm thông tin trên mạng và mua thuốc về uống. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân không chỉ mắc triệu chứng viêm đường tiết niệu đơn giản mà bắt đầu có những biến chứng như viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm thận, liên quan đến áp xe, viêm tiền liệt tuyến ở nam giới.
Ở nữ diễn tiến sẽ nặng nề hơn, gây ra tình trạng sốt, gây đau, tiểu máu, khó chịu vùng cơ quan sinh dục và cũng là một trong những tác nhân gây ra tình trạng viêm âm đạo cổ tử cung dẫn đến tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Phải xác định điều trị đúng đích chứ không điều trị bao vây. Nghĩa là tìm nguyên nhân gây nhiễm khuẩn là E. Coli, nấm hay trùng roi, từ đó mới có phác đồ điều trị chính xác và sử dụng đúng kháng sinh, đúng liều lượng. Không nên sử dụng kháng sinh bừa bãi hoặc tự mua thuốc giảm đau mà bỏ qua triệu chứng và để lại những di chứng phía sau.
Khuyến cáo đầu tiên là các bệnh nhân bị viêm tiết niệu trong thời điểm nắng nóng phải uống nước đầy đủ, từ 2,5 - 3 lít/ngày.
Thứ hai tránh tình trạng nhịn tiểu để không gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang làm tăng số lượng vi khuẩn, tăng tỷ lệ nhiễm trùng.
Thứ ba, cần vệ sinh thông thoáng.
Thứ tư phải có những bộ quần áo dành cho mùa nóng. Ví dụ, khi mặc quần jean, các đồ dày sẽ làm giảm tỷ lệ thoát mồ hôi. Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng ẩm ướt tầng sinh môn, cơ quan sinh dục của nam và nữ.
Ngoài ra, sau khi quan hệ tình dục phải có biện pháp vệ sinh ngay. Chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch và xà phòng đã có thể giảm thiểu 90% những tác nhân gây viêm nhiễm tại thời điểm đó, không nhất thiết phải có những phương thức đặc biệt khác.
4. Lạm dụng kháng sinh để điều trị viêm đường tiết niệu sẽ gây hậu quả gì?
Khi người bệnh chưa được chẩn đoán mà lạm dụng kháng sinh sẽ xảy ra hậu quả gì? Nếu đã đến bệnh viện thì việc sử dụng thuốc sẽ được chỉ định như thế nào thưa BS?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: Khuynh hướng hiện nay là người bệnh tự ý mua thuốc, thậm chí in toa thuốc trên mạng và đến nhà thuốc yêu cầu được bán thuốc đó, dẫn đến nhiều hậu quả.
Ví dụ, ở nam khi điều trị viêm đường tiết niệu không đúng và không theo phác đồ sẽ gây viêm niệu đạo mãn tính; viêm tiền liệt tuyến, áp xe tiền liệt tuyến; tắc đường dẫn tinh; nước tiểu đi ngược dòng và vi khuẩn đi ngược dòng lên bàng quang gây bàng quang cấp,… Nếu không điều trị tiếp sẽ gây viêm bàng quang mô kẽ, dẫn đến lan ngược lên hai niệu quản gây viêm thận, bể thận.
Ở nữ giới, diễn tiến của viêm tiết niệu thường ồ ạt hơn, nhanh hơn vì đường niệu đạo của nữ ngắn hơn nam (khoảng từ 2-3cm) và dễ gây tình trạng viêm bàng quang, viêm vùng hạ vị hoặc đau tức vùng bụng dưới gây tiểu máu và dễ dẫn đến viêm thận, bể thận.
Đồng thời, ở nữ giới không điều trị viêm đường tết niệu cũng là một tác nhân gây tình trạng viêm âm đạo cổ tử cung dễ dẫn đến tắc vòi trứng và gây vô sinh vĩnh viễn.
5. Thời gian điều trị viêm đường tiết niệu ra sao?
Nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng thì thời gian điều trị bệnh sẽ kéo dài trong khoảng bao lâu thưa BS?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: Bệnh nhân đến khám và điều trị ở các trung tâm về tiết niệu sẽ được áp dụng theo phác đồ.
Với những vi khuẩn gram âm có thể trung bình từ 7 - 14 ngày và trước khi chấm dứt chương trình điều trị kháng sinh cho bệnh nhân phải làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để đánh giá, sau đó mới bắt đầu điều trị.
Nếu nhiễm trùng tái phát, tái diễn nhiều lần, cần lấy nước tiểu đi cấy kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn và lựa chọn kháng sinh đúng, phù hợp cho bệnh nhân, từ đó mới có kết quả tốt.
6. Người bệnh viêm đường tiết niệu có cần kiêng thủ dâm hoặc quan hệ tình dục không?
Một số người bệnh quan tâm là nếu bị viêm đường tiết niệu thì có phải kiêng thủ dâm hoặc quan hệ tình dục không thưa BS?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: Phản ứng viêm luôn có 4 triệu chứng là sưng, nóng, đỏ, đau. Phản ứng này sẽ gây phù nề, xung huyết ở vùng bị viêm.
Đường tiết niệu của nữ khi bị viêm thì đường niệu đạo sẽ xung huyết, phù nề. Nếu quan hệ tình dục trong thời điểm này, vô tình sẽ làm tổn thương thêm niệu đạo, cơ quan sinh dục và làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Đối với những trường hợp có quan hệ, khi tổn thương bề mặt niêm mạc niệu đạo, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu dễ dàng hơn và diễn tiến nặng nề hơn.
Do đó, nên ngưng quan hệ vợ chồng hoặc các biện pháp thỏa mãn ở nam và nữ trong giai đoạn bị viêm nhiễm.
7. Cần làm gì để phòng ngừa viêm đường tiết niệu?
Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu, chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp nào thưa BS?
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng trả lời: Chúng ta phải tự giải quyết vấn đề đang xảy ra không để đến khi bệnh diễn tiến nặng.
Quan trọng nhất là uống nước, chỉ cần uống nước đun sôi để nguội từ 2,5 - 3 lít/ngày.
Thứ hai là trong quá trình làm việc, khi có nhu cầu đi vệ sinh thì cần đi ngay, tránh tình trạng tồn lưu nước tiểu.
Thứ ba, nên mặc quần áo thoáng để tránh ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn E. Coli và vi khuẩn gram âm ở vùng cơ quan sinh dục phát triển, gây bùng phát triệu chứng viêm nhiễm.
Thứ tư, khi có triệu chứng nên đến khám và điều trị trúng đích, không nên điều trị bao vây, sử dụng kháng sinh thật mạnh hay sử dụng phương thức kết hợp rất nhiều loại kháng sinh dẫn đến gia tăng đề kháng kháng sinh. Vì kháng sinh là nguồn tài nguyên có giới hạn, không phải mỗi năm có một loại kháng sinh mới.
Cuối cùng, khi đã điều trị kháng sinh phải dùng đúng và đủ theo phác đồ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình