Hotline 24/7
08983-08983

U nang buồng trứng nguy hiểm thế nào, ai nên tầm soát?

Hiện nay, chưa có biện pháp hiệu quả để tầm soát u nang buồng trứng đại trà, tuy nhiên có một số trường hợp chuyên biệt cần tầm soát định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh. Đây là một trong những chia sẻ được BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng khoa Khoa Phụ nội Nội tiết, Bệnh viện Hùng Vương và BS.CK2 Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Trưởng khoa Phụ ngoại Ung Bướu, Bệnh viện Hùng Vương đề cập trong bài viết dưới đây.

1. Trường hợp nào nên tầm soát u nang buồng trứng?

Căn bệnh này thường gặp, vậy các chị em có cần tầm soát để phát hiện sớm và độ tuổi nào bắt đầu tầm soát, bao lâu nên thực hiện một lần?

- Để chẩn đoán chính xác u nang buồng trứng, người phụ nữ sẽ được thăm khám và chỉ định làm các cận lâm sàng nào, thưa BS?

BS.CK2 Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Trưởng khoa Phụ ngoại Ung Bướu, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Không may là hiện nay chưa có biện pháp hiệu quả để tầm soát u nang buồng trứng đại trà.

Tuy nhiên, có những nhóm người chuyên biệt cần tầm soát khối u buồng trứng hoặc ung thư buồng trứng như: bệnh nhân có tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và bản thân mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 sẽ được khuyến cáo tầm soát định kỳ hằng năm bằng siêu âm và xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư buồng trứng.

Đối với các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng như mãn kinh cần khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng đến ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm các trường hợp u buồng trứng.

Siêu âm là biện pháp cận lâm sàng đầu tay đối với u nang buồng trứng. Siêu âm có những tiêu chuẩn để chẩn đoán phân biệt giữa khối u buồng trứng với các khối u khác, cũng như khối u buồng trứng lành tính và ác tính (ung thư). Vì vậy, các chị em có thể yên tâm nếu bác sĩ cho biết đây là khối u lành tính trên siêu âm.

Các dấu hiệu chỉ điểm khối u lành tính bao gồm: khối u đơn độc ở buồng trứng, không có chồi, không có vách hoặc vách mỏng, không u nhú hay sùi và không có các triệu chứng gián tiếp như dịch ổ bụng.

Nếu trên siêu âm bác sĩ nhận thấy khối u echo hỗn hợp, có phần đặc và phần nang, có chồi, có nhú, nhiều vách, nhiều thùy, đặc biệt tăng sinh nhiều mạch máu trên thành nang và trên các vách, đồng thời có dịch ổ bụng và kích thước u lớn thì nhiều khả năng là ung thư buồng trứng.

Cùng với sự kết hợp các xét nghiệm máu khác như CA-125 gia tăng hoặc bHCG gia tăng cũng có thể giúp bác sĩ lâm sàng chẩn đoán đây là u ác tính hay lành tính.

Tuy nhiên, xét nghiệm CA-125 chỉ tăng cao trong 80% các trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn trễ và tăng trong khoảng 50% trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn sớm. Xét nghiệm này cũng có thể tăng trong các trường hợp bệnh lý lành tính khác như u xơ tử cung, viêm nhiễm vùng chậu hoặc bệnh nhân mang thai. Vì vậy, xét nghiệm CA-125 chỉ có giá trị theo dõi, còn giá trị chẩn đoán chỉ đóng một phần nhỏ nên phải kết hợp với nhiều biện pháp khác như siêu âm hoặc MRI, CT.

2. Biến chứng của u nang buồng trứng gồm những gì?

Các biến chứng của u nang buồng trứng gồm những gì? U nang buồng trứng được xem là bệnh lý lành tính, vì đâu mà nó có thể chuyển biến và gây ra những biến chứng này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng khoa Khoa Phụ nội Nội tiết, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: U nang buồng trứng có một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ như: Thứ nhất, biến chứng cấp tính thường gặp là xoắn u nang, khi đó bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, kèm theo nôn và buồn nôn. Đối với các trường hợp này cần phẫu thuật kịp thời để tránh hoại tử buồng trứng do thiếu máu nuôi.

Thứ hai là trường hợp vỡ nang buồng trứng. Nếu bệnh nhân có u nang to mà bị chấn thương hay sang chấn mạnh gây vỡ nang sẽ có thể gây xuất huyết ổ bụng, phản ứng phúc mạc và có triệu chứng đau bụng cấp và cần phẫu thuật kịp thời.

Thứ ba, trường hợp u nang to có thể chèn ép các cơ quan lân cận như chèn ép bàng quang gây tiểu khó hoặc táo bón, ứ nước ở bể thận hoặc niệu quản, chèn ép trực tràng.

Thứ tư, trong thai kỳ u nang buồng trứng có thể gây tình trạng u tiền đạo, cản trở quá trình sanh của bệnh nhân dẫn đến thai không xuống được và cần phải mổ sanh. Tình trạng này thường gặp ở tam cá nguyệt 1 hoặc tam cá nguyệt 2. Trong giai đoạn hậu sản sau sanh, thông thường tử cung co nhỏ lại và ổ bụng sẽ trống nên u có khả năng dễ bị xoắn. Các u thực thể gây ra biến chứng xoắn thường gặp nhất là trường hợp u bì.

3. Có phải mắc u nang buồng trứng sẽ chuyển thành ung thư buồng trứng?

Mối lo ngại hàng đầu của phụ nữ là u nang buồng trứng có thể thành ung thư buồng trứng. Nỗi lo này có cơ sở không, thưa BS? Nguy cơ từ u nang sang ung thư cụ thể như thế nào và trên những ai?

BS.CK2 Hoàng Thị Thu Huyền trả lời: Theo nghiên cứu, có rất ít trường hợp sau một thời gian theo dõi thì u buồng trứng phát triển thành ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, điều này chưa chứng minh được u buồng trứng sẽ chuyển thành ung thư buồng trứng. Các trường hợp của u buồng trứng nói chung hầu như khả năng tiến triển thành ung thư buồng trứng rất thấp, chưa đến 1%.

4. U nang buồng trứng gây ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản?

Mối lo ngại thứ hai đó là u nang buồng trứng làm chậm con. Thực tế, u nang buồng trứng có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Tâm trả lời: U nang buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ, tuỳ thuộc vào thể u nang, kích thước và vị trí của u. Một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ, đầu tiên là u nang buồng trứng sẽ cản trở sự rụng trứng. Khi trứng không rụng đều đặn, khả năng mang thai sẽ suy giảm.

Nguyên nhân thứ hai, nếu u nang buồng trứng to có thể sẽ gây chèn ép cơ quan sinh sản. Ví dụ khi u nang quá to sẽ gây chèn ép tử cung hoặc chèn ép ống dẫn trứng, làm cản trở quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng ở 1/3 ngoài quả trứng, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng và làm chậm đến khả năng có thai của bệnh nhân.

Nguyên nhân thứ ba cũng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai là u nang buồng trứng mẻ. Trong trường hợp vỡ nang sẽ gây ra tình trạng dính hoặc viêm nhiễm, làm cho quá trình thụ thai của bệnh bị ảnh hưởng do tình trạng viêm nhiễm vùng chậu đi kèm.

Nguyên nhân thứ tư là ảnh hưởng đến chất lượng của trứng. Trong một số loại u nang, ví dụ như nang lạc tuyến, chất lượng trứng trong u nang buồng trứng của nang lạc tuyến sẽ suy giảm hơn so với khi  bị u nang bình thường. U nang buồng trứng cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị vô sinh. Ví dụ ở một bệnh nhân đang điều trị hiếm muộn nhưng phát hiện có tình trạng u nang buồng trứng đi kèm sẽ gây cản trở quá trình điều trị của họ.

Khi có u nang buồng trứng sẽ làm giảm hiệu quả của các phương pháp kích thích buồng trứng. Trong trường hợp cần lấy trứng để thụ tinh trong ống nghiệm, tình trạng u nang buồng trứng sẽ làm phức tạp thêm cho quá trình này. Không phải tất cả u nang buồng trứng đều gây ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của người phụ nữ. Hầu hết các nang cơ năng thường sẽ không gây ra biến chứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng. Thông thường sẽ biến mất sau một vài chu kỳ kinh, chính vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến quá trình sinh sản.

Nếu các chị em phụ nữ phát hiện mình bị mắc u nang buồng trứng nhưng vẫn muốn mang thai, tốt nhất nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

>>> Phần 1: Phụ nữ mãn kinh có tỷ lệ u nang buồng trứng ác tính cao hơn

>>> Phần 3: U nang buồng trứng trong thai kỳ có đáng lo ngại không?

Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X