Trần Xuân Chương - Hà Tĩnh
Thưa BS,
Em đang mang thai tuần thứ 15, những ngày hè này rất nóng mà nhà em lại thuê trọ, chưa có điều kiện lắp điều hòa nhiệt độ, em đang trong thời gian nghỉ ở nhà nên cả ngày bị cái nóng hành hạ.
Do nóng quá, em không thể ngủ nổi trên giường mà phải trải chiếu xuống nền gạch và bê chậu nước đặt trước quạt điện cho hạ nhiệt. Làm thế em dễ ngủ hơn.
BS cho em hỏi là em nằm ngủ dưới sàn nhà như vậy có bị ảnh hưởng gì đến con em không ạ (nhà em thuê trọ ở tầng 1). Em xin cảm ơn BS!
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào bạn,
Chắc chắn việc nằm ngủ dưới sàn nhà không tốt cho sức khỏe của bạn và thai nhi do sàn nhà có độ ẩm cao nên bạn dễ bị nhiễm lạnh, ngay cả khi bạn có trải chiếu. Vì vậy để tốt cho bạn và thai nhi thì bạn nên ngủ trên giường. Để giảm tình trạng nóng bức, bạn nên uống nhiều nước.
Đỗ Đồng Lộc - Thanh Hóa
BS ơi,
Em đá bóng bị người khác va vào 1 bên tai, khiến bị ù và không nghe được đã mấy ngày, 4 ngày sau em đi tắm biển thì tai có dấu hiệu bị nhức.
BS cho em hỏi tai em như thế có nghiêm trọng không và em nên làm gì ạ?
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào em Lộc,
Trường hợp của em bị nhức tai, ù tai, mất thính lực sau khi va chạm với người khác, theo tôi tình trạng của em là nghiêm trọng, em cần nhanh chóng đi khám BS chuyên khoa Tai mũi họng.
FB Bảo Quỳnh N.
Xin chào BS,
Cho em hỏi, sau khi đi bơi, em có dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt và rửa mũi (em sợ nước hồ bơi không sạch). Nhưng không may em hít mạnh quá, cảm giác như nước muối xộc lên tận óc.
Em lắc đầu hay xì mũi mạnh nhưng cảm giác nước vẫn chưa ra hết. Nước đọng ở trong đó có gây biến chứng gì không BS?
Giờ em phải làm sao cho nước ra, và có cần đi BV để BS xử lý không ạ? Em cảm ơn BS!
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào bạn,
Bạn sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi là đúng, tuy nhiên thao tác thực hiện của bạn “hít mạnh vào” là chưa đúng. Chính vì vậy nước muối sinh lý có thể chảy xuống hầu họng, gây sặc, khó chịu và vào tai gây ù tai.
Thông thường những khó chịu này không nguy hiểm, sẽ sớm cải thiện, bạn chỉ cần theo dõi mà không cần phải điều trị gì.
FB Hùng C.
Chào AloBacsi,
Ba của em 58 tuổi, đi du lịch, ngồi xe 1 ngày thì phát hiện 2 đầu gối bị bầm tím. Xin hỏi BS, ba em có nên tiếp tục chuyến du lịch không, hay phải đến BV luôn? Hay có thể xử lý tại chỗ như thế nào ạ?
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Trường hợp của ba bạn ngồi lâu, 2 đầu gối bị bầm tím có thể là do tình trạng ứ máu của hệ tĩnh mạch. Bạn cần đưa ba bạn đi siêu âm hệ thống mạch máu 2 chi để xem có bị suy tĩnh mạch sâu chi dưới hay không.
Còn trước mắt, để hạn chế tình trạng này, ba bạn không nên ngồi lâu 1 tư thế, khi ngồi cần gác chân lên cao. Buổi tối, khi ngủ nằm gác chân cao, triệu chứng sẽ cải thiện. Lưu ý: không nên chườm hay xoa dầu nếu không có triệu chứng viêm.
Hoàng Thanh - hoangthanh...@gmail.com
Chào BS,
Em hôm qua bị người ta tông xe từ phía sau, có va đập phần đầu theo phương trượt ngang. Nón bảo hiểm của em bị trầy và không bể, không có tình trạng nôn ói, tê tay chân. Vậy em có nên chụp CT không, và cách theo dõi như thế nào và trong vòng bao lâu?
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào Hoàng Thanh,
Triệu chứng lâm sàng rất quan trọng. Trường hợp của bạn bị chấn thương vùng đầu nhưng không có triệu chứng gì, bạn chỉ cần theo dõi. Khi có bất kỳ triệu chứng như: đau đầu, nôn ói, lừ đừ, tê yếu chân tay thì nên đến BV ngay để kiểm tra.
Hầu hết các trường hợp chỉ cần theo dõi trong 5 ngày, nếu không có biểu hiện gì bất thường thì bạn có thể yên tâm.
Đinh Nhật Huy - doctor...@gmail.com
BS ơi,
Vào chiều ngày 4/6/2018, cháu ra ngoài vườn và giẫm phải mẩu xương cá, mẩu xương đã được vứt ra vườn từ lâu nên khá bẩn, vết thương rất nhỏ, chảy rất ít máu.
Sau khi rửa sạch bằng xà phòng và cồn vết thì máu không chảy nữa. Sau đó mẹ cháu cho cháu uống kháng sinh (cephalexin 500 mg + alphachymotrypsin).
Sáng 5/6 cháu tiểu tiện nhiều lần nhưng đến buổi chiều lại hết. Vì sợ nên cháu chán ăn và có cảm giác ở cổ. Từ lúc bị đến nay đã quá 24h nhưng cháu vẫn chưa tiêm phòng (cháu đã tiêm 3 mũi cơ bản).
Vậy cháu có nguy cơ bị uốn ván không? Nếu có thì cháu phải tiêm phòng như thế nào? Mong BS sớm trả lời cháu.
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Nhật Huy thân mến,
Trường hợp của bạn giẫm mẩu xương cá, vết thương nhỏ, chảy máu rất ít thì không cần phải tiêm ngừa uốn ván. Bạn đã tiêm phòng 3 mũi cơ bản thì bạn yên tâm.
Việc sử dụng kháng sinh như vừa rồi là chưa cần thiết, chỉ nên dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng. Nếu vết thương đau nhức thì có thể uống thuốc giảm đau.
Nhã Hân, 16 tuổi
Thưa BS,
Hôm trước em bị té xe. Về nhà em rắc thuốc ampi lên vết thương và mỗi lần vết thương đụng nước lại nổi màng trắng. Giờ em phải làm sao ạ?
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào Nhã Hân,
Việc rắc ampi lên vết thương là không đúng, có thể làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng vết thương. Hiện vết thương của bạn đang bị nhiễm trùng, bạn nên đi khám BS để BS chỉ định thuốc và hướng dẫn chăm sóc vết thương phù hợp.
Phan Thị Minh Hường - minhhuong…@gmail.com
Xin chào BS,
Người yêu em bị sứa cắn. Dấu hiệu ban đầu chỉ đỏ và ngứa, sau một hồi là đau rát nổi bọng nước. Sau 2 ngày thì sưng phù lên, có sao không ạ? Có thể chữa ở nhà không ạ, và chữa như thế nào? Mong BS tư vấn giúp em!
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào Minh Hường,
Trường hợp người yêu của bạn là tình trạng dị ứng sau khi bị sứa cắn, biểu hiện là triệu chứng đỏ da, ngứa, sưng phù nề, đau rát, nổi bọng nước… bạn ấy cần đi khám BS sớm để đánh giá mức độ của dị ứng vì 1 số trường hợp dị ứng có thể diễn biến nặng hơn và nguy hiểm nếu không điều trị.
FB N. Hồng Nga
Dạ chào BS,
Hồi chiều con lỡ ăn đồ ăn nấu từ hồi trưa mà chưa hâm lại. Giờ con nghe bụng đau lâm râm, sôi bụng óc ách. BS chỉ giúp con nên uống thuốc gì ạ? Con cám ơn BS rất nhiều!
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Hồng Nga thân mến,
Tình trạng của bạn là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, có thể do thức ăn hoặc nguyên nhân khác. Thông thường các triệu chứng sẽ tự hết mà không cần điều trị gì. Bạn nên hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, ăn thức ăn dễ tiêu.
FB Nguyễn T. L.
Xin chào BS,
Cháu nhà tôi 9 tuổi, đi tắm sông bị chuột rút, suýt thì đuối nhưng cứu kịp. Hiện giờ cháu cũng còn hoảng sợ nhưng tôi thấy sức khỏe cháu có vẻ bình thường. Tôi có cần đưa cháu đến BV kiểm tra gì hay không, hay có thể theo dõi tại nhà như thế nào? Mong BS tư vấn giúp.
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào bạn,
Thường sau khi đuối nước, có thể có nguy cơ viêm phổi do hít/sặc nước và nhiễm lạnh, vì vậy bạn cần đưa cháu đến BS kiểm tra sức khỏe và tư vấn tâm lý cho cháu.
Trước mắt, bạn cần giữ ấm cho cháu, theo dõi các triệu chứng: sốt, ho, mệt, khó thở… nếu thấy bất thường thì cho cháu đến BV sớm.
FB Nhoc K.
Thưa BS,
Em bị ong mật đốt vào mu bàn tay, dần dần sưng cả bàn tay. Giờ em nên chườm nóng hay chườm lạnh vậy BS? Em tham khảo trên mạng thấy nói bôi mật ong hay kem đánh răng cũng được, vậy em có nên làm theo không?
Khoảng bao lâu thì nó tự hết được ạ? Ngoài việc sưng tay thì em cảm thấy cơ thể bình thường. Em cám ơn BS!
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào em,
Tình trạng của em là do phản ứng dị ứng sau khi bị ong đốt, gây sưng nề trên mu bàn tay và có xu hướng lan rộng. Đây là tình trạng viêm cấp tính. Em có thể chườm lạnh để giảm sưng nề bàn tay.
Theo kinh nghiệm dân gian, bôi mật ong có thể giúp cải thiện một phần tình trạng viêm. Em không nên thoa kem đánh răng vì không có tác dụng giảm viêm, sưng nề.
Tình trạng của em nên đến khám BS để uống thuốc, khoảng 5-7 ngày có thể sẽ khỏi.
FB N. B. Kim
Chào BS,
Ba em xỉa răng và tăm bị gãy nằm trong nướu. Răng bị sưng, chảy máu nhưng không lấy tăm ra được. Giờ ba em lạnh run, có nên cạo gió không ạ?
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào bạn,
Trường hợp của ba bạn có thể bị viêm và nhiễm trùng nướu răng, gây ra triệu chứng lạnh run, cạo gió không giải quyết được vấn đề. Ba của bạn cần nhanh chóng đi khám BS chuyên khoa Răng hàm mặt để lấy mảnh tăm ra và kê thuốc uống.
FB Julie P.
Chào BS Sóng,
4 hôm trước em bị bỏng nước nóng. May mắn chỉ bị bỏng độ 1 (da đỏ, rát nhưng không phồng rộp, nổi bóng nước), nhưng vết bỏng khá to, em bị từ bả vai đến xương cụt dọc theo đường xương sống. Hiện tại vết bỏng vẫn đỏ, hết rát nhưng cực kỳ ngứa.
Không biết em nên chăm sóc vết bỏng như thế nào, có cần mua thuốc gì không? Em đang ở nước ngoài nên khám bệnh mua thuốc hơi khó khăn, không biết liệu em cứ để như vậy thì vết bỏng có lành được không?
Rất mong được BS tư vấn, em cảm ơn BS!
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào em,
Trường hợp của em là bỏng độ 1, ngày thứ 4, hết đỏ hết rát nhưng rất ngứa là diễn tiến tốt của bệnh. Có thể em sẽ khỏi trong vài ngày tới. Nếu tình trạng ngứa gây khó chịu, em có thể dùng thêm thuốc kháng histamin để chống ngứa.
FB Ngân Nguyễn
Chào bác sĩ,
Mẹ mới bệnh thiếu máu cơ tim, lúc khỏe lúc mệt, giờ làm sao BS, giúp em với.
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Chào bạn,
Thiếu máu cơ tim sẽ có những biểu hiện: đau nặng ngực bên trái, sau xương ức, đôi khi đau vùng thượng vị, triệu chứng thường kèm theo mệt, vã mồ hôi, thường đau khi gắng sức, kéo dài trong vài phút.
Mẹ bạn nên đến khám chuyên khoa Tim mạch để BS có thể điều chỉnh thuốc và làm thêm các cận lâm sàng sâu hơn. Thường BS sẽ đánh giá nguy cơ tim mạch, sau đó có thể xem xét thực hiện siêu âm tim gắng sức để đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim.
FB Ngọc Minh
Chào AloBacsi,
Bữa nay em đi nắng về, thấy trong tủ lạnh có sẵn ly nước dừa nên em uống luôn, rất đã khát. Nhưng sau khoảng 1 tiếng, em thấy ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt, bải hoải trong người. BS giúp em với, em phải làm sao bây giờ ạ?
BS.CK2 Trần Văn Sóng
Ngọc Minh thân mến,
Khi đang mệt mỏi mà uống nước dừa thì có thể gây ra tình trạng như bạn mô tả. Bởi vì nước dừa có tác dụng thanh nhiệt, tuy nhiên nếu uống không đúng thời điểm có thể gây hại cho sức khỏe. Các triệu chứng thường gặp: ớn lạnh, đầy bụng, sốt, đặc biệt là sau khi thi đấu thể thao hoặc làm việc nặng nhọc.
Tình trạng này thường thoáng qua, bạn chỉ cần nghỉ ngơi là hết.