Hotline 24/7
08983-08983

Từ Đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy kiện toàn thành khoa Tuyến vú, bước trưởng thành ở tuổi lên 6

Sau 6 năm để kiện toàn từ Đơn vị Tuyến vú, hiện nay Khoa Tuyến vú, thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy đang sở hữu 2 kỹ thuật điều trị u vú mới nhất ở Việt Nam. Bệnh nhân được tham dự buổi hội chẩn liên chuyên khoa và được nâng đỡ tâm lý từ việc tư vấn bệnh, chương trình Đồng hành cùng chiến binh K và nhiều hoạt động nhân văn khác.

Tạo không gian để người bệnh không cảm thấy xa nhà

Những ồn ào tất bật của một bệnh viện tuyến cuối dừng lại sau cánh cửa thang máy lầu 7, khu D. Không gian trở nên khác hẳn ở Khoa Tuyến vú thuộc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, một khung cảnh bình yên đến lạ.

Bên khung cửa sổ nhìn ra đường Nguyễn Chí Thanh là một sảnh rộng, có tủ trưng bày những bộ tóc thật (tóc giả làm từ tóc thật), nón mũ, khăn choàng, áo ngực đoạn nhũ, sách báo, dàn máy vi tính, và nhạc cụ, dụng cụ thể dục... để chăm sóc tinh thần và thể chất của bệnh nhân nơi đây - đa số là chị em phụ nữ.

 Chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” lần 9 (ngày 14/9/2024) diễn ra tại sảnh sinh hoạt chung của Khoa Tuyến vú, lầu 7, khu D

PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh - Trưởng đơn vị Tuyến vú, nay là Trưởng khoa Tuyến vú chia sẻ: “Hầu hết mọi người khi nằm viện đều cảm thấy khoảng thời gian này rất dài. Chúng tôi cố gắng tạo các không gian để chị em cảm thấy nơi đây thoải mái như ở nhà, không cảm thấy xa nhà quá lâu.

Tâm lý của người bị ung thư vú cũng khác so với ung thư khác, vì mắc bệnh ở ngay biểu tượng của tính nữ. Trong điều kiện hiện tại thì các bác sĩ cũng đảm nhận việc tư vấn tâm lý và công việc này không phải chỉ giới hạn trong một buổi mà xuyên suốt cả quá trình điều trị.

Khi mới nhận chẩn đoán ung thư, ai cũng sốc. Bác sĩ là người đầu tiên thông báo tin này cho người bệnh, cũng là người trấn an bệnh nhân. Sau đó tới buổi hội chẩn, các đợt điều trị và nằm viện bệnh nhân vẫn tiếp tục được chăm sóc tâm lý”.

Bên cạnh các chương trình do Khoa Tuyến vú, Phòng Công tác xã hội và các đơn vị đồng hành tổ chức, hội chị em cũng tự khởi xướng những hoạt động chăm sóc nhau như gội đầu, massage, đắp mặt nạ… tạo thêm niềm vui, tiếng cười ở ngôi nhà thứ hai này. Có những chị khi mới phát hiện ung thư vú đã “khóc tối ngày”, trải qua thời gian điều trị trở thành người đem đến nụ cười cho các chị em đồng bệnh.

 Các chiến binh K vú và người nhà tự sinh hoạt văn nghệ vào buổi chiều
Một không gian rất “phiêu”, khó tìm thấy ở những bệnh viện đông đúc tại sảnh sinh hoạt chung của Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy

Những dây đèn lung linh bật lên mỗi chiều, tô điểm cho một góc sảnh, nơi để 2 cây đàn guitar và organ, tạo thành một không gian rất “phiêu”, khó tìm thấy ở những bệnh viện đông đúc. Tại đây, cứ mỗi 2 tháng lại tổ chức chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” với những tiết mục ca hát, đọc sách, ngâm thơ, tập yoga… Đặc biệt, những chia sẻ của người trong cuộc mang lại nguồn năng lượng tích cực cho người bệnh và người nhà của họ.

Hội chẩn liên chuyên khoa, cá thể hóa điều trị là quyền lợi của bệnh nhân

Với một cơ sở y tế điều trị ung thư, về cơ bản các phương pháp điều trị đa mô thức (nội khoa, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc sinh học, liệu pháp miễn dịch…) đều có đủ thì Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy còn có một hoạt động nổi bật đó là hội chẩn liên chuyên khoa vào chiều thứ 3 hàng tuần.

Bởi vì điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, nên khi bệnh nhân đắn đo về hướng điều trị của mình, nếu gặp bác sĩ nội khoa thường được hướng dẫn điều trị nội khoa, nếu gặp bác sĩ ngoại khoa thì sẽ được khuyên nên phẫu thuật, nếu gặp bác sĩ hóa trị có thể được tư vấn tình trạng này nên hóa trị trước... dẫn tới sự bối rối, không rõ chiến lược nào phù hợp. Hơn nữa, ngoài bệnh ung thư thì họ còn có thể có bệnh khác đi kèm.

Tại buổi hội chẩn, các bác sĩ nội khoa, ngoại khoa, hóa trị, xạ trị, giải phẫu bệnh cùng nhau ngồi lại, phân tích trường hợp của người bệnh từ chẩn đoán, yếu tố nguy cơ, lập kế hoạch điều trị chi tiết và cá thể hóa.

Điểm đặc biệt là trong buổi hội chẩn này, bệnh nhân và người nhà được vào xem và trao đổi ý kiến với các bác sĩ/chuyên gia, một việc mà chưa có nhiều trung tâm ung bướu triển khai được.

Trong khi các bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị, người bệnh cùng tham gia sẽ biết được có phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, phong tục tập quán, thói quen của họ hay không, có đồng ý với phác đồ hay không. Khi bệnh nhân và người nhà đồng ý với phác đồ thì việc tuân thủ sẽ tốt hơn.

Điểm đặc biệt ở buổi hội chẩn liên chuyên khoa tại Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh nhân và người nhà cùng tham dự và trao đổi ý kiến với các bác sĩ.
Hội chẩn liên chuyên khoa là nỗ lực rất lớn của Trung tâm Ung bướu để mời chuyên gia hàng đầu của hầu như tất cả các khoa cùng ngồi lại, và được lợi nhiều nhất chính là người bệnh.

PGS Khánh đưa ra ví dụ một trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm có thụ thể HER2(+), theo guideline thì có thể sử dụng thuốc trúng đích nhưng quan trọng phải xem điều kiện kinh tế của người bệnh có đủ để chi trả hết liệu trình hay không. Nếu người bệnh không nắm đầy đủ thông tin từ đầu, rất dễ xảy ra trường hợp điều trị một thời gian thì không đủ điều kiện nữa và bỏ liệu trình.

Trong quá trình điều trị phát sinh một số khó khăn của chuyên môn hoặc từ phía người bệnh, các bác sĩ sẽ hội chẩn lại để thảo luận lần nữa để điều chỉnh phác đồ cho phù hợp.

Tại một số nước trên thế giới, hội chẩn liên chuyên khoa đã trở thành luật, tức là sau khi hội chẩn mới được tiến hành điều trị. PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh hi vọng trong thời gian tới ngành Y tế sẽ quan tâm hơn tới vấn đề này để nhiều người bệnh được hưởng lợi,  “Và khi chúng ta đã có phác đồ theo đúng chuẩn của thế giới thì sẽ phân tích được kết quả điều trị của nước mình so với thế giới như thế nào, từ đó có cơ sở để báo cáo khoa học, tạo ra nguồn dữ liệu quý từ các hoạt động này”.

Điều trị ung thư vú theo chuẩn quốc tế, sở hữu 2 kỹ thuật mới nhất ở Việt Nam

Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy mới được kiện toàn từ Đơn vị Tuyến vú vào ngày 22/8/2024, được xem như một bước “trưởng thành” khi lên 6️ tuổi. Từ một đơn vị chỉ có vài nhân sự chủ chốt, số lượng bệnh và số giường bệnh khiêm tốn, đến nay sau 6 năm Khoa Tuyến vú cũng đã có những kết quả đáng khích lệ để các anh em trong khoa nỗ lực phấn đấu hơn.

Cách đây 6 năm, Đơn vị Tuyến vú được thành lập, tiền thân là Đơn vị Ngoại D. Trước đó việc điều trị ung thư vú chưa có sự tập trung, bệnh nhân điều trị rải rác ở nhiều khoa. Nếu bệnh nhân được khoa ngoại tiếp nhận thì sẽ phẫu thuật rồi sau đó gửi qua khoa Ung bướu để hóa trị hay xạ trị,. Sau đó đó, Đơn vị Tuyến vú được thành lập, hoạt động như một khoa độc lập.

Năm 2018, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn ký Quyết định thành lập Đơn vị Tuyến vú
Bảng thống kê kết quả hoạt động khám chữa bệnh Đơn vị Tuyến vú từ ngày thành lập.

Năm 2018 khi mới thành lập đơn vị chỉ có 18 giường ở 1 cánh của lầu 7 khu D, đến nay khoa có 34 giường, và 1 phòng khám tuyến vú lầu 1 khu D.

Để đáp ứng lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, chất lượng đội ngũ y bác sĩ cũng phải được nâng cao. PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh nhớ lại: “Lúc đầu chúng tôi chỉ có 2-3 bác sĩ và một vài nhân viên chủ yếu từ khoa Ngoại lồng ngực chuyển qua. Cho đến bây giờ đội ngũ có tổng số 20 nhân viên, bác sĩ có 7 người, trong đó gồm 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 1 bác sĩ chuyên khoa 2 (và 1 bác sĩ chuẩn bị trình chuyên khoa 2), 3 thạc sĩ, 1 bác sĩ. Khoa cũng đã có 1 tiến sĩ điều dưỡng”.

PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh tham gia chủ tọa và báo cáo ở Hội nghị Đốt khối u Thế giới 2023

Cũng từ ngày đầu thành lập Đơn vị Tuyến vú, bệnh viện đã cử ekip đi học ở Úc về các phẫu thuật và hóa trị, xạ trị ung thư vú, ngoài ra cũng có đi học ở các nước bạn Hàn Quốc, Malaysia và các trung tâm lớn ở trong nước như Bệnh viện Ung bướu TPHCM. PGS Khánh phấn khởi “khoe”: “Mới đây chúng tôi có một bác sĩ học ở Pháp 1 năm đã về rồi, đầu tháng 10 này lại có 1 bác sĩ đi sang Đài Loan học tập”, điều này cho thấy việc học tập kinh nghiệm từ các nơi trên thế giới luôn được chú trọng.

 BS.CK2 Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trao quyết định và tặng hoa chúc mừng kiện toàn thành Khoa Tuyến vú, ngày 22/8/2024. Lễ trao quyết định có sự hiện diện của GS Nguyễn Văn Khôi và PGS Trần Minh Trường.

Từ lúc thành lập tới nay, Khoa luôn chú trọng việc tiếp cận những kỹ thuật mới cũng như báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học. Mỗi năm Khoa Tuyến vú đều có báo cáo khoa học tại bệnh viện, hội nghị trong nước và quốc tế, đến nay đã có 15 bài báo quốc tế về lĩnh vực ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng.

Máy móc thiết bị cũng đã được Ban giám đốc đầu tư cho khoa Tuyến vú: máy siêu âm, sinh thiết hút chân không, máy microwave điều trị ung thư vú, đây là những máy mới, hàng đầu về kỹ thuật ở Việt Nam, đó là sinh thiết vú hút chân khôngmicrowave (vi sóng) đốt u vú lành tính.

Kỹ thuật sinh thiết vú có hút chân không tại Đơn vị Tuyến vú - Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (tháng 3/2023)
 Kỹ thuật đốt u lành, nang tuyến vú bằng vi sóng tại Đơn vị Tuyến vú - Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (tháng 3/2023)
Kỹ thuật sinh thiết lõi kim thực hiện tại Đơn vị Tuyến vú - Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (tháng 3/2023)

PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh cho biết: “Về sinh thiết vú hút chân không thì Khoa đã cử bác sĩ đi học ở nước ngoài về và hiện nay đã mở khóa đào tạo mỗi năm 2 lớp, mỗi lớp 60 học viên đến từ nhiều bệnh viện khác ở trong nước.

Còn microwave đốt tổn thương vú hiện tại đang áp dụng cho u vú lành tính. Trên thế giới đã có một số báo cáo về điều trị microwave cho ung thư vú, sắp tới chúng tôi sẽ đi cập nhật để ứng dụng ở trong nước”.

Ba nhiệm vụ mới đặc biệt chú trọng trong 5 năm tới của Khoa Tuyến vú

1. Phải làm tốt công việc truyền thông, giáo dục sức khỏe. Khi truyền thông tốt, tầm soát tốt sẽ giúp cho việc phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư vú, giảm gánh nặng điều trị và chăm sóc. Trước đây, nhiệm vụ này mới chỉ được thực hiện trong phạm vi đơn vị và trên truyền thông bệnh viện. Sau khi trở thành Khoa Tuyến vú, bên cạnh việc vẫn duy trì chương trình khám và tầm soát ung thư vú thì cần thêm các hoạt động ở cộng đồng.

2. Tăng cường về chuyên môn: học tập về nâng cao kiến thức về chẩn đoán và điều trị bệnh, đó là nòng cốt mà khoa nào cũng phải làm thì vẫn tiếp tục có các bác sĩ được cử đi học ở nước ngoài, đem kiến thức của thế giới về Việt Nam.

3. Hiện nay là thời đại của sinh học phân tử, ung thư không thể tách rời sinh học phân tử, vì vậy Khoa Tuyến vú phải kết hợp với Đơn vị Sinh học phân tử của bệnh viện để nghiên cứu vấn đề tầm soát và chẩn đoán sớm ở những phụ nữ có nguy cơ cao, lên kế hoạch phòng ngừa và điều trị cho bệnh nhân có gen đột biến.

Tháng 10 hồng, đẩy mạnh tuyên truyền và tầm soát ung thư vú

Như thông lệ hằng năm, trong “tháng 10 hồng”, hưởng ứng tháng hành động phòng chống ung thư vú trên toàn thế giới và kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, Khoa Tuyến vú - Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp Phòng Công tác xã hội tổ chức khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” cho chị em phụ nữ từ 40 tuổi trở lên trong cộng đồng. Thông báo vừa đăng lên, chỉ qua vài ngày, số lượng 135 chị em phụ nữ đã đăng ký đủ.

 Talkshow Trò chuyện cùng chuyên gia với chủ đề “Chung tay vì một nửa yêu thương”, tháng 10/2023

Đẩy mạnh tuyên truyền và tầm soát ung thư vú cũng là nhiệm vụ đầu tiên trong 3 nhiệm vụ mới đặc biệt chú trọng trong 5 năm tới của Khoa Tuyến vú. Trước đây, nhiệm vụ này mới được thực hiện trong phạm vi bệnh viện và trên truyền thông, chưa đủ sức lan tỏa đến với cộng đồng. Sau khi trở thành Khoa Tuyến vú, bên cạnh việc vẫn duy trì chương trình khám và tầm soát ung thư vú thì cần thêm các hoạt động ở cộng đồng.

Mới đây, Khoa đã kết hợp cùng Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ quận 8 tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe, đồng thời khám và tầm soát trong cộng đồng. PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh thông tin thêm: “Đây là một trong những hoạt động bước đầu, chúng tôi sẽ mở rộng hơn để nhiều người quan tâm hơn tới ung thư vú, phòng ngừa, tầm soát và phát hiện sớm bệnh này”.

 Tại chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe ở quận 8, Đoàn bệnh viện Chợ Rẫy do PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh làm trưởng đoàn đã tư vấn sức khỏe và khám tầm soát về ung thư tuyến vú cho 50 phụ nữ trên 40 tuổi hiện đang cư trú trên địa bàn quận.
Ngày 16/10/2024, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức hội thảo Cập nhật kiến thức chẩn đoán điều trị ung thư vú. Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ sở y tế trên cả nước. Diễn giả là các bác sĩ thuộc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy và các báo cáo viên đến từ Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, Bệnh viện Privé des Peupliers – Ramsay Santé (Paris, Pháp), Bệnh viện Đại học Paris Saclay (Pháp)…

Giữa tháng 11, Khoa Tuyến vú phối hợp cùng Quỹ ngày mai tươi sáng tổ chức một chương trình truyền thông về ung thư vú, giúp mọi người nhận diện và đi tầm soát sớm bệnh này, cũng như giải đáp thắc mắc của các chị em.

Là Khoa Tuyến vú của bệnh viện tuyến cuối, những trường hợp ung thư vú phát hiện trễ, di căn khắp nơi để lại nỗi buồn cho đội ngũ y bác sĩ. Với sự phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều trường hợp ung thư phát hiện sớm hơn, điều trị nhẹ nhàng hơn. Để thêm nhiều gam màu tươi sáng cho bức tranh lớn này là một hành trình dài, đòi hỏi nhiều tâm tư và nỗ lực của vị bác sĩ trưởng khoa và đội ngũ y bác sĩ Khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhiều đơn vị đồng hành.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X