TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng tư vấn: Nóng gan là gì và cách nào hạ nhiệt cho gan hiệu quả?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng một lần gặp phải tình trạng nổi mụn, nổi mề đay, hơi thở có mùi khó chịu, thay đổi màu da, mất ngủ… Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo gan có vấn đề. Vậy cách nào giải quyết các tình trạng này? TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giải đáp thông tin này trong chương trình tư vấn chiều ngày 5/6/2020. Mời bạn đọc đón xem.
1. Thế nào là nóng gan?
Thưa TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, theo Đông Y chứng nóng gan nghĩa là khi cơ thể nổi mẩn ngứa, mụn nhọt, táo bón, nước tiểu vàng, nóng nảy... trong người. Vậy trong y học hiện đại, chứng nóng gan này được hiểu như thế nào ạ? Những nguyên nhân nào dẫn đến nóng gan, trong đó nguyên nhân nào thường gặp nhất?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Nóng gan là từ trong dân gian hay gọi. Gan thực hiện chức năng giải độc, giải nhiệt và chuyển hóa các chất. Do vai trò này nên bất kỳ vấn đề bất thường, xuất hiện ra bên ngoài hoặc biểu hiện trong cơ thể thì người ta đổ lỗi do gan gây ra.
Như chúng ta đã biết, gan thực hiện hàng ngàn chức năng. Trong đó 2 chức năng quan trọng nhất là chuyển hóa các chất và thải độc. Trong đó, gan sẽ chuyển hóa những chất ăn vào để cơ thể sử dụng, phát triển và nuôi dưỡng cơ thể. Bên cạnh đó, gan cũng sẽ tạo ra các chất không phù hợp để thải ra bên ngoài. Đồng thời, gan cũng là cơ quan thải độc, những chất nào không phù hợp với cơ thể, gan sẽ biến nó thành những chất ít độc hơn và thải ra bên ngoài. Do đó, khi gan hoạt động quá sức do tiếp nhận nhiều chất độc hoặc do phản ứng chuyển hóa tạo ra những chất độc, hoặc chức năng gan ở một số người không còn toàn vẹn, khi đó sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương ngoài do gan gây ra. Tình trạng này gọi là nóng gan, chứng thực là do nguyên nhân ở gan.
Nói nôm na cho dễ hiểu, nóng gan là những triệu chứng, dấu chứng gây ra do tình trạng chuyển hóa các chất, chuyển hóa trong tế bào của cơ thể hoặc quá trình thải các chất dư thừa, các chất không tốt ra bên ngoài bị rối loạn. Nóng gan bao gồm rất nhiều các triệu chứng, bệnh lý của cơ thể, biểu hiện trên da bằng các triệu chứng như nổi mẩn ngứa, nổi mề đay, biểu hiện trên đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, biểu hiện trên đường hô hấp như hơi thở có mùi…
Bình thường, gan có khả năng tái tạo nhưng đến một lúc nào đó nó hư hại trên 50% thì mới có biểu hiện ra bên ngoài. Các nguyên nhân gây ra chứng nóng gan có thể kể đến như viêm gan, những tổn thương gan do thuốc, độc chất, thức ăn hoặc một số bệnh lý làm xáo trộn chức năng gan. Như vậy, nóng gan thực sự là do gan chứ không phải do nguyên nhân khác.
2. Triệu chứng nào cảnh báo nóng gan?
Dấu hiệu nào cảnh báo nóng gan? Khi có những dấu hiệu này chúng ta nên làm gì thưa bác sĩ? Nóng gan nếu không được điều trị, về lâu dài gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Chứng nóng gan nếu đi kèm với một số bệnh lý như viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, người bệnh phải đối mặt với những nguy cơ nào?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Thực ra những triệu chứng như tôi đã nói ở phần đầu là khi nó đã biểu hiện, bộc phát ra bên ngoài, bản thân người bệnh có thể nhận biết hoặc bác sĩ có thể thăm khám được. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng bệnh gan là “kẻ giết người thầm lặng”. Nghĩa là các triệu chứng của nó tồn tại âm thầm mà chúng ta không hề hay biết, khi đã bộc phát ra bên ngoài thì đôi khi đã quá muộn.
Trong quá trình hoạt động, khi cơ thể đã có tổn thương thì gan sẽ cố gắng để hoạt động, bù trừ lại những tổn thương, mất mát này, do đó người bệnh gân như là không có biểu hiện gì. Nhưng một khi nó đã bộc phát thì thường là biểu hiện của cấp tính rất nặng nề hoặc một quá trình bệnh lâu dài mà gan không thể bù trừ nổi. Vì vậy, không phải khi chúng ta có vàng da, vàng mắt hoặc đã xuất hiện triệu chứng xuất huyết dưới da, nổi mẩn ở da hoặc thay đổi màu da như da sạm lúc đó mới gọi là nóng gan mà thực sự tình trạng này đã xuất hiện ngay cả khi chúng ta cảm thấy hoàn toàn bình thường. Một số trường hợp khi kiểm tra đã có tổn thương tế bào gan rồi.
3. Giải nhiệt gan sao cho đúng?
Khi bị nóng gan, nhiều người nghĩ ngay đến những bài thuốc giải nhiệt, thường ít nghĩ đến việc tìm thầy thuốc Tây Y. Xin hỏi BS trong y học hiện đại, nóng gan được điều trị thế nào? Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ tư vấn giúp bạn đọc bí quyết cải thiện chức năng thanh thải các chất độc của gan? Khi nào có thể giải nhiệt bằng bài thuốc, thực phẩm, khi nào cần tìm đến bác sĩ?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Để có được lá gan khỏe mạnh, chúng ta phải làm sao để gan đừng hoạt động quá sức, và bớt sử dụng các chất làm tổn thương gan. Như vậy, để bảo vệ lá gan, chúng ta đừng bắt gan quá tải, hoạt động quá sức, nếu gan hoạt động quá sức sẽ dẫn đến những tổn thương hồi phục hoặc không hồi phục.
Muốn gan hoạt động không quá sức:
Thứ nhất, về chế độ dinh dưỡng: phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để gan hoạt động tốt.
Thứ hai, không có các chất gây độc gan hay cơ thể để gan phải cố gắng đào thải chất nguy hiểm ra khỏi cơ thể.
Thứ ba, vai trò của hệ thống miễn dịch. Khi khỏe mạnh, cơ thể có thể chống đỡ mọi tác nhân gây bệnh; nhưng khi cơ thể suy yếu, những bất kỳ tổn thương dù nhỏ, cơ thể sẽ bị tổn thương nói chung và gan tổn thương nói riêng.
Chính vì vậy, bên cạnh cần tầm soát và chẩn đoán nguyên nhân gây các bệnh về gan, ví dụ như viêm gan, các tổn thương gan do rượu, tổn thương gan do thuốc, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc… thì cần hạn chế các hoạt động bắt gan quá tải, cung cấp các chất bảo vệ lá gan.
Về Tây y, bên cạnh điều trị chúng tôi còn khuyên bệnh nhân dự phòng. Để phòng bệnh xảy ra, chúng ta cần tăng sức đề kháng và làm cho hệ miễn dịch tốt hơn. Để giúp hệ miễn dịch tốt hơn, một vài thực phẩm có thể kích thích, tăng cường hệ miễn dịch như rau xanh, trái cây tươi, một vài thực phẩm giúp chống quá trình oxy hóa như tỏi, khổ qua… Tuy nhiên, bệnh nhân thắc mắc ăn tỏi, khổ qua, gấc bao nhiêu là đủ, ăn như thế nào và đôi khi nhiều người không thể sử dụng được. Do đó, chúng ta có thể sử dụng một vài sản phẩm được điều chế từ những chất giúp tăng cường đề kháng cơ thể, chống lại quá trình oxy hóa và hỗ trợ cơ thể khử độc.
Những chất này khi sử dụng cần cân nhắc một số vấn đề như: sản phẩm được sản xuất từ những công ty uy tín và được các cơ quan chức năng xác nhận các thành phần không gây hại cơ thể; có nguồn gốc rõ ràng, an toàn và theo chỉ định của bác sĩ.
4. Lưu ý gì khi lựa chọn các sản phẩm giải nhiệt, giải độc cho gan?
Người ta thường nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đây chắc hẳn cũng là câu hỏi của nhiều khán thính giả muốn hỏi TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, cách nào phòng ngừa nóng gan? Nên ăn uống, sinh hoạt ra sao? Bên cạnh đó, nhiều người muốn dùng những sản phẩm để làm mát gan thì nên chọn lựa thế nào? Nên dùng trong bao lâu, có nên dùng ngắt quãng?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Để cho các hoạt động của cơ thể diễn ra suôn sẻ, cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng và tăng cường sử dụng thức ăn có lợi cho cơ thể, đặc biệt cần bổ sung rau xanh, trái cây tươi, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, tập luyện thể dục hằng ngày, thăm khám sức khỏe khi có các triệu chứng bất thường.
Về việc bổ sung các chất mát gan, trong dân gian có những thực phẩm được ông bà sử dụng và qua một số công trình nghiên cứu ghi nhận, cụ thể như atiso, râu bắp, cây chó đẻ, tỏi, khổ qua… có thể góp phần giúp hoạt đông gan đỡ áp lực. Nếu mọi người muốn sử dụng các sản phẩm được tinh lọc từ những thực phẩm/ thảo dược này cũng được tuy nhiên cần lưu ý: sản phẩm được sản xuất bởi các công ty uy tín; các cấp có thẩm quyền công nhận; nguồn gốc an toàn, rõ ràng; hỏi ý kiến của các sĩ.
Về thời gian sử dụng cũng như cách sử dụng cũng nên tuân thủ: hướng dẫn của nhà sản xuất và lời dặn của thầy thuốc.
Trân trọng cảm ơn TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và TPBVSK Naturenz giúp giải độc gan, tăng cường chức năng gan, hạ men gan hiệu quả đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình