Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng kêu cứu
Đầu tháng 3/2015, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng có tờ trình gửi TP Đà Nẵng đề nghị được chuyển đổi cơ sở từ Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) về cơ sở khoa lây cũ (BV Đà Nẵng)...
Xe của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng phải đậu ở lề đường trước cửa trụ sở “ở nhờ” của BV Đà Nẵng - Ảnh: Đ.Cường |
Bà Ngô Thị Phương Thảo - phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng - cho biết sau khi trung tâm chuyển đến quận Liên Chiểu vào năm 2011 đã xảy ra nhiều trường hợp cấp cứu bệnh nhân không kịp.
Như trường hợp tai nạn điện của hai người ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng), khi nhận được điện thoại, 115 Đà Nẵng xuất phát nhưng do kẹt tàu tại ngã ba Huế, mất gần 25 phút xe mới đến nơi thì nạn nhân đã tử vong.
Hay một trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trên đường Ông Ích Khiêm, xe cấp cứu không đến kịp nên cũng không qua khỏi. Trong gần một tháng đầu về cơ sở mới, có đến 80% số ca bị người dân phàn nàn, bức xúc vì bác sĩ tới trễ.
Một bác sĩ của BV Đà Nẵng nói: “Xe cấp cứu thường phải ở bệnh viện để kịp thời di chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu. Ít có nơi nào lại đi xây trung tâm cấp cứu ở xa bệnh viện cả”.
Thực tế là chỉ sau nửa năm chuyển về cơ sở mới, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã có tờ trình xin được chuyển về lại quận trung tâm là Hải Châu.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, việc xây dựng Trung tâm cấp cứu 115 tại Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) xuất phát từ đề xuất của đơn vị này. Nay chính Trung tâm 115 lại xin quay trở lại quận Hải Châu và được bố trí về “ở nhờ” tại khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng với tổng diện tích sử dụng chỉ 76m2.
Trong khi tại trụ sở trung tâm ở Trung Nghĩa với 20 giường cấp cứu gần như bỏ không, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, hiện chỉ có bộ phận hành chính đóng tại đây.
Theo bà Ngô Thị Phương Thảo, sở dĩ trung tâm được xây dựng ở Trung Nghĩa là do lúc đó trung tâm có đề án xây dựng thành trung tâm cấp cứu và phòng chống thảm họa.
Do TP không có kinh phí nên chỉ xây dựng trên diện tích hơn 2.400m2 trong tổng số hơn 9.500m2. Khi chuyển lên Trung Nghĩa thì nảy sinh nhiều bất cập nêu trên.
Bà Thảo còn nói từ khi chuyển về đóng tại khoa dinh dưỡng BV Đà Nẵng, trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở chật chội, xe cấp cứu phải đậu trên vỉa hè, dưới đường phố. Đặc biệt, trung tâm nằm cạnh nhà xác, bãi rác của bệnh viện, rất ô nhiễm.
“Mỗi ngày trung tâm cấp cứu gần 50 ca, sau mỗi ca theo quy định đều phải rửa xe, nhưng hiện không có chỗ để rửa” - bà Thảo nói.
Theo ông Phạm Hùng Chiến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, ban đầu việc xây dựng Trung tâm điều hành cấp cứu 115 ở Trung Nghĩa là phù hợp, ở đây rộng rãi, dự kiến vừa là cấp cứu vừa điều trị, có cả sân đỗ trực thăng theo kiểu của Pháp.
Ông Chiến còn nói quan điểm chung là không chuyển trụ sở Trung tâm cấp cứu 115 nữa, sẽ tiếp tục duy trì ở Trung Nghĩa, đồng thời xây dựng một trạm cấp cứu vệ tinh tại quận Hải Châu.
“Lâu nay khu vực ngã ba Huế bị kẹt tàu, kẹt xe nhưng nay không còn nữa, dự án cầu vượt tại đây đã hoàn thành. Tuy nhiên, sắp tới Sở Y tế sẽ họp lại để nghe các ý kiến sau đó mới có quyết định cuối cùng” - ông Chiến nhấn mạnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình