Hotline 24/7
08983-08983

Trí tuệ nhân tạo và những biến động không ngừng của Y học

Trong buổi giao lưu chủ đề “Y học thế kỷ 21: Tầm nhìn, cơ hội và thách thức” tại trường Đại học Văn Lang, GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Giáo sư Y Khoa, Đại học Paris Descartes Pháp nhận định, Y học thay đổi không ngừng, chính vì vậy các nghiên cứu y khoa được công bố phải thật chính xác và vượt qua thử thách của thời gian. Ví như các nấc thang, nếu không kiên cố, sẽ có ngày thụt lùi để tìm một hướng đi mới.

Hình ảnh nấc thang được GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn nhấn mạnh trong bài giảng khi nhắc đến vấn đề biến động và thay đổi không ngừng của Y khoa 

Buổi giao lưu được tổ chức vào chiều 12/4/2024 tại cơ sở chính trường Đại học Văn Lăng (69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM), nhằm chia sẻ đến giảng viên và sinh viên khối ngành Sức khỏe trường Đại học Văn Lang về những thay đổi trong ngành Y Dược 50 năm qua và thử thách mới trong 25 năm tới do GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Giáo sư Y Khoa, Đại học Paris Descartes Pháp trực tiếp trình bày bài giảng.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang phát biểu tại buổi giao lưu: “Chúng ta đang đứng trước một kỷ nguyên có quá nhiều thách thức, biến động và bất định. Do đó, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi, đào tạo các bạn sinh viên thế nào để khi ra trường các bạn có thể bắt kịp với sự thay đổi quá nhanh chóng của công nghệ, xã hội cùng những thách thức không lường trước?

Hy vọng với sự có mặt của GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn, một chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, sẽ giúp các bạn sinh viên học được nhiều kiến thức cho tương lai. Bên cạnh đó, tạo một vị thế khi học tập tại trường đại học, nắm bắt cơ hội giao lưu ngày hôm nay để học hỏi và phát triển”.

Ảnh hưởng của môi trường tác động lên kiểu hình Gen

Chia sẻ của GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn về những bước đột phá trong quá khứ và thử thách trong tương lai của ngành Y sinh học, ông đã nhấn mạnh về sự thay đổi không ngừng trong Y khoa và trách nhiệm của các nhà khoa học trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển đó. “Mỗi kiến thức là một nấc thang, đưa người học Y ngày càng hiểu sâu và đi đến sự thật. Tuy nhiên, mỗi nấc thang phải là một bước vững chắc, nếu không, đến một thời điểm sẽ phải thụt lùi và tìm một hướng đi mới” - Vị chuyên gia nhìn nhận.

Trong nội dung bài giảng, GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn đã phân tích cụ thể hai khái niệm “necrosis” và “apoptosis”, đưa ra các dẫn chứng giúp người tham dự hiểu rõ hơn về các hiện tượng hoại tử và sự cần thiết của hiện tượng apoptosis đối với cơ thể người. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tác động của ô nhiễm môi trường hiện nay đến sức khỏe con người, gây các vấn đề bệnh lý liên quan đến hô hấp.

Ngoài ra, nếu tìm hiểu sâu, việc hít phải không khí ô nhiễm có thể dẫn đến các bệnh lý không liên quan đến hô hấp như thiếu máu cục bộ, bệnh lý tim mạch, bệnh dị ứng, tác động đến việc tăng hoặc giảm tốc độ lão hóa của con người,…

Những điều đó cho thấy, môi trường không chỉ tác động đến các tế bào hệ hô hấp mà còn tác động đến toàn bộ cơ thể. Thực tế đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, sự ảnh hưởng của môi trường có tác động đến kiểu hình gen.

Câu chuyện giữa môi trường và cơ địa đưa vào bài giảng nhằm nói về ảnh hưởng của môi trường tác động đến kiểu hình gen

Trí tuệ nhân tạo trong ngành Y chưa thể thay thế con người

Tại buổi giao lưu của GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn, các vấn đề tác động của AI đến Y học được bàn luận tại sự kiện lần này.

Đến tham dự buổi giao lưu, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM đã đặt ra câu hỏi “So với trước đây, nhiều vấn đề đã được mở ra, đặc biệt là Gen và di truyền ngoại sinh. Vậy đối với sinh viên hiện nay, chương trình đào tạo có cần đổi mới để theo kịp với sự thay đổi trong tương lai của ngành Y hay không?”.

Giải đáp cho câu hỏi của PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Dung, GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn cho rằng, cần phải nhìn nhận đâu là điều căn bản của một bác sĩ, nha sĩ, những người làm chuyên môn về sức khỏe trong tương lai. Cần ưu tiên, chú trọng các kiến thức cơ bản, lâm sàng,… thầy cô không cần truyền đạt quá nhiều kiến thức, những điều đó các bạn có thể học được trong môi trường công tác, thực tập. Điều các thầy cô cần làm là hướng dẫn nguồn thông tin đáng tin cậy, để sinh viên tự học, nếu có vấn đề, thầy cô sẵn sàng giúp đỡ.

Bàn về vấn đề “Trí tuệ nhân tạo hiện nay đang rất phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực Y khoa. Vậy sinh viên cần chuẩn bị những gì để tiếp cận với công nghệ đó, liệu rằng nghề thầy thuốc trong tương lai có bị thay đổi bởi trí tuệ nhân tạo?” được GS Anh Tuấn giải đáp, trí tuệ nhân tạo đã đến và sẽ tiếp tục phát triển.

Ví dụ, hiện nay trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh. Các bác sĩ chuyên môn khi đứng trước một hình ảnh chụp CT lồng ngực hay bất kỳ hình ảnh CT nào có dấu hiệu bất thường, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Nhờ vào trí tuệ nhân tạo, có thể giải quyết một số câu hỏi và câu trả lời.

Trước một hình ảnh chụp phổi, có một vết bất thường, đối với trí tuệ nhân tạo, ngày hôm nay và trong tương lai, sẽ không cho chúng ta biết chính xác bất thường đó là gì, nhưng nó cho biết những vấn đề có thể loại trừ. Trí tuệ nhân tạo đã có từ rất lâu, và có thể giải đáp tất cả vấn đề trong thời gian ngắn tùy thuộc vào các thông tin mà AI tổng hợp được.

Vị chuyên gia cho rằng, trong Y khoa, cần có nhiều thông tin, giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể. Bởi vì bác sĩ có hai việc, thứ nhất là thấy rõ cục diện, nhưng để làm được điều này, bác sĩ phải đi vào chi tiết. Muốn làm được điều đó, phải có nhiều thông tin đến từ bệnh nhân.

Điều tối hậu chính là con người, trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra thông tin kết quả khám, nhưng điều nó không thể làm là cảm xúc của bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân đang lo âu hoặc gặp một số vấn đề, lúc này cần sự giao tiếp giữa con người với con người.

Do đó, trí tuệ nhân tạo giúp ta đi nhanh hơn để loại trừ những vấn đề không liên quan. Tuy nhiên, thế giới cần giới hạn trí tuệ nhân tạo đi đến một mức nhất định, để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của con người.

Chia sẻ thêm về vấn đề ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với ngành Y, BS.CK2 Trần Thị Tố Quyên - Giảng viên khoa Y, trường Đại học Văn Lang cũng đưa ra ý kiến, trí tuệ nhân tạo trong ngành Y cho tới thời điểm hiện tại chưa thể thay thế con người. Có rất nhiều thông tin do trí tuệ nhân tạo đưa ra, và có thể giúp con người đi nhanh hơn nếu biết áp dụng thành quả của trí tuệ nhân tạo trong Y khoa.

GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Giáo sư Y khoa, Đại học Paris Descartes, Pháp. Ông là chuyên gia của ngành Hô hấp Pháp và Châu Âu; là Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp tại Bệnh viện Cochin Paris, Chủ nhiệm Y khoa năm thứ nhất, Chủ nhiệm Bộ môn “Sinh lý - Dược lý - Độc chất học” của Viện trường Đại học Y Paris Descartes, đồng thời là nguyên Hiệu trưởng Viện Trường Đại học Y khoa Corse.

Giáo sư còn là nhà phê bình, phụ trách biên tập của nhiều tờ báo khoa học chuyên ngành uy tín của Pháp và thế giới (Tạp chí ERJ - European Respiratory Journal, Tổng chủ biên), là Ủy viên Ủy ban nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS, Tổ chức Phổi học Vương quốc Anh, Hội Tim mạch Hoa kỳ,...

Năm 2018, GS Anh Tuấn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị chuyên ngành Hô hấp Châu Âu ERS tập trung hơn 20.000 chuyên gia về Hô hấp trên toàn thế giới tổ chức tại Paris. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X