Trẻ sốt kéo dài: Hạ sốt ra sao, chăm sóc thế nào?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sốt là một trong những triệu chứng thường gặp đối với trẻ nhỏ, tuy nhiên sốt kéo dài có thể liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần lưu ý để chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
1. Trẻ sốt thế nào gọi là sốt kéo dài?
Việc trẻ bị sốt không còn là vấn đề xa lạ đối với các ông bố bà mẹ. Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho trẻ bị sốt kéo dài và khó hạ?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp đối với trẻ nhỏ.
Sốt kéo dài là khi trẻ sốt trên 3 tuần, ở nhiệt độ 38,3 độ C (bất cứ thời điểm nào) hoặc trẻ nhập viện trên 7 ngày vẫn còn sốt.
Sốt là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, sốt kéo dài là một trong những triệu chứng liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm ở trẻ nhỏ mà phụ huynh cần quan tâm.
2. Sốt kéo dài thường đi kèm với triệu chứng gì?
Sốt kéo dài ở trẻ nhỏ thường đi kèm với những triệu chứng gì thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Sốt kéo dài thường đi kèm với nhiều triệu chứng.
Ví dụ, khi trẻ ho có thể liên quan đến đường hô hấp, các bệnh lý như lao hoặc viêm phổi; đối với trường hợp sốt kéo dài kèm theo nhức đầu hoặc trẻ nôn ói thì có thể do ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương; nếu trẻ sốt kéo dài kèm theo tiêu chảy hoặc tiêu đàm máu đó có thể là bệnh lý đường ruột.
Sốt kéo dài là triệu chứng nguy hiểm, vì vậy phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, nhập viện tìm ra nguyên nhân nếu cần thiết.
3. Vì sao trẻ sốt kéo dài thường quấy khóc và giật mình?
Vì sao trẻ bị sốt kéo dài thường quấy khóc và giật mình, lúc này phụ huynh nên làm gì?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Sốt là một triệu chứng ảnh hưởng rất nhiều đến hệ cơ quan của trẻ. Chính vì vậy trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và quấy khóc để thông báo cho ba mẹ biết là cơ thể con không khỏe và cần được chăm sóc tốt hơn. Phụ huynh cần lưu ý, trẻ càng quấy khóc là cơ thể càng bất ổn.
Bên cạnh đó, trẻ có nguy cơ co giật. Vì sốt có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là rối loạn rất nhiều cơ quan khác. Khi trẻ bị sốt kéo dài kèm theo có giật cần được đưa đến bệnh viện ngay vì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý viêm não hoặc viêm màng não.
4. Dùng thuốc hạ sốt thế nào là đúng cách?
Nhiều ông bố bà mẹ quá lo lắng vì con bị sốt kéo dài nên đã tăng liều lượng thuốc cho con uống, thậm chí cho bé uống xen kẽ giữa ibuprofen và paracetamol, điều này có nên hay không và phụ huynh cần xử trí như thế nào?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, phụ huynh có thể tự lên mạng tìm hiểu về sản phẩm như tên các loại thuốc, chỉ định, liều lượng,…
Tuy nhiên sốt kéo dài không phải là triệu chứng bình thường có thể lơ là. Không bắt buộc phải hạ sốt khẩn cấp cho trẻ vì có thể làm triệu chứng sốt mờ đi tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ vẫn không được giải quyết, từ đó làm che lấp triệu chứng.
Ngoài ra, thuốc hạ sốt không phải để phòng ngừa, chỉ uống khi bị sốt và uống đúng liều lượng. Vì thuốc hạ sốt sẽ tác động lên cơ chế điều hòa thân nhiệt của trẻ làm cho trẻ hạ sốt nhưng vẫn có thể sốt lại khi thời gian tác dụng thuốc hết.
Như vậy, thuốc hạ sốt chỉ nên cho trẻ uống trong trường hợp bị sốt, nếu trẻ không sốt nhưng uống thuốc hạ sốt sẽ làm hạ thân nhiệt. Trường hợp phụ huynh muốn bé mau hạ sốt nên cho uống quá liều sẽ làm hại gan vì thuốc hạ sốt chuyển hóa qua gan mà gan của trẻ còn non nên dễ nhạy cảm.
5. Trẻ bị sốt khi nào cần nhập viện?
Đối với trẻ bị sốt khi nào cần cho trẻ nhập viện hoặc đưa đến các cơ sở y tế để được cấp cứu khẩn cấp?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Trẻ sốt kéo dài đa số có nguyên nhân như ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não hoặc viêm phổi, tổn tương phổi do áp xe phổi; do vi khuẩn lao hoặc liên quan đến những bệnh lý ung thư máu, tủy của trẻ,… Do đó, khi đã sốt kéo dài trên 3 tuần bắt buộc phải đưa đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và xét nghiệm.
Đối với trường hợp trẻ sốt chưa đến 3 tuần và vì một lý do nào đó phụ huynh không đưa trẻ đi khám kịp thì vẫn phải theo dõi. Nếu trẻ tươi tỉnh, chơi bình thường, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, trẻ sốt kéo dài và không chơi đùa như bình thường thì phải đưa đến bệnh viện ngay.
6. Phụ huynh nên chăm sóc trẻ bị sốt thế nào?
Nhờ BS gửi lời khuyên đến các ông bố bà mẹ, khi có trẻ bị sốt kéo dài nên xử lý thế nào là đúng cách ạ?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với trẻ sốt phụ huynh cần lưu ý:
- Theo dõi tri giác của trẻ như tỉnh táo, chơi bình thường và không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
- Nên cho trẻ uống nhiều nước, mặt đồ thoáng mát, chườm ấm để thân nhiệt được thoát ra một cách tự nhiên và điều hòa.
- Khi trẻ có biểu hiện mệt mỏi, nhiệt độ trên 38,5 độ C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt thông thường, đúng chỉ định như paracetamol với liều lượng 10 - 15 mg/kg cách 4 - 6 giờ/lần.
- Đối với những trường hợp sốt trong vòng 3 ngày đầu trẻ vẫn tươi tỉnh, đó là trường hợp nhiễm siêu vi nên vẫn có thể chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà.
- Nếu trẻ sốt quá 3 ngày kèm theo những triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như li bì, vật vã hoặc co giật, tím tái phải đưa đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và tìm ra nguyên nhân gây sốt.
Trong mùa dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng các phụ huynh nên lưu ý, nếu nghi ngờ trẻ mắc sốt xuất huyết phải đưa đến bệnh viện thăm khám để được chăm sóc, chẩn đoán, uống thuốc đúng cách, đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh để diễn tiến nặng và gây ra những trường hợp đáng tiếc.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình