Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ mắc COVID-19, làm sao nhanh hết triệu chứng ho đờm, sổ mũi, rát họng?

Sốt, ho đờm, sổ mũi, rát họng là những triệu chứng gây nhiều khó chịu, mệt mỏi khi trẻ mắc COVID-19. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để điều trị hiệu quả, an toàn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Lời khuyên hữu ích từ TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ giúp quý phụ huynh giải toả những mối lo này.

1. Thời tiết giao mùa, phân biệt cảm lạnh và COVID-19 ở trẻ như thế nào?

Hiện nay, F0 là trẻ em ngày càng gia tăng. Trước tiên xin hỏi BS, đâu là những dấu hiệu điển hình cảnh báo trẻ mắc COVID-19? Thời tiết giao mùa, làm sao nhận diện đó là do cảm lạnh hay COVID-19?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: COVID-19 cũng là một trong những trường hợp bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. COVID-19 có đầy đủ tính chất, cũng như những triệu chứng tương tự như những trường hợp nhiễm trùng hô hấp do virus khác. Do đó, khi mắc bệnh, trẻ cũng sẽ xuất hiện những triệu chứng tương tự các bệnh thường gặp (cảm lạnh, cảm cúm thông thường) như: sốt, ho, sổ mũi, đau nhức, mệt mỏi,… Cũng chính vì thế, rất khó để chúng ta có thể phân biệt được trường hợp trẻ bị COVID-19 với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường, đặc biệt là cảm lạnh hay cảm cúm.

Tuy nhiên, vào thời điểm đặc biệt như thế này, người ta thấy rằng tất cả những loại virus gây nhiễm trùng hô hấp khác trên thế giới dường như đều bị “lùi bước” trước sự hiện diện quá “dữ dội” của virus SARS-CoV-2. Ngay cả những thủ phạm gây bệnh khiến trẻ dưới 2 tuổi nhập viện hàng đầu thế giới - viêm đường phế quản do virus hẹp hợp bào hô hấp - cũng đã biến mất. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, chỉ có virus SARS-CoV-2 đang “làm mưa làm gió” trên “ngũ đài” thế giới.

Có thể nhận định rằng, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng hô hấp trong thời điểm này đều do virus SARS-CoV-2 - tác nhân gây bệnh COVID-19.

Người lớn khi mắc COVID-19 sẽ xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, đặc biệt là mất vị giác, khứu giác. Đó là những triệu chứng rất điển hình mà chúng ta đã quá quen thuộc, đặc biệt là ở chủng Delta. Tuy nhiên, khoảng 50% trẻ em không biểu hiện đầy đủ những triệu chứng điển hình giống như người lớn. Đặc biệt, nếu trẻ nhỏ mất khứu giác, vị giác sẽ rất khó nhận biết bởi trẻ chỉ có thể khóc.

Vì vậy, nếu chỉ dựa vào triệu chứng không thôi thì rất khó phân biệt trẻ đang mắc COVID-19 hay cảm lạnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào yếu tố dịch tễ cảnh giác trường hợp trẻ mắc COVID-19. Nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng nhiễm trùng hô hấp quen thuộc mà có tiếp xúc gần với F0 hoặc F1 thì khả năng cao là trẻ đã bị COVID-19.

2. Trẻ không may “dính” Omicron, triệu chứng rầm rộ ở giai đoạn nào, có khác gì so với Delta?

Các triệu chứng như ho đờm, sổ mũi, rát họng thường xuất hiện trong giai đoạn nào của bệnh? Dấu hiệu này có khác nhau giữa chủng Delta và Omicron không thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Có thể thấy, chúng ta đã quá quen thuộc với biến chủng kinh hoàng - Delta. Sau giai đoạn ủ bệnh, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ở giai đoạn khởi phát.

Tuy nhiên, với chủng Omicron mới xuất hiện gần đây, người ta vẫn còn khá ít hiểu biết về “người khách không mời mà đến” này.

Qua thực tế, chúng ta có thể thấy thời gian ủ bệnh của chủng Omicron dường như nhanh hơn so với chủng Delta. Chẳng hạn, nếu trẻ vô tình tiếp xúc với một người nhiễm chủng Delta thì trung bình khoảng 4 - 5 ngày mới biểu hiện bệnh nhưng nếu tiếp xúc với người nhiễm chủng Omicron thì chỉ sau 2 - 3 ngày trẻ đã có triệu chứng.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học nhận thấy rằng dường như chủng Omicron thích hoạt động ở đường hô hấp trên hơn, trong khi chủng Delta lại ưa tấn công vào đường hô hấp dưới một cách dữ dội. Chúng ta đều biết rằng, nếu đường hô hấp dưới bị tấn công, đặc biệt là ở phổi, thì người bệnh sẽ nặng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Những trẻ nhiễm chủng Omicron thường có triệu chứng ở đường hô hấp trên, chẳng hạn như sốt, ho, sổ mũi, đặc biệt là đau họng. Những triệu chứng nặng được ghi nhận ở chủng Delta trước đây như khó thở cũng ít thấy hơn ở trẻ em nhiễm chủng Omicron. Đó là điểm khác biệt đầu tiên mà người ta ghi nhận ở chủng Delta và Omicron.

Đối với chủng Delta, thời gian kéo dài triệu chứng trung bình khoảng 8 - 10 ngày. Đối với chủng Omicron, dường như thời gian kéo dài các triệu chứng cũng ngắn hơn, chỉ vài ngày là bệnh nhân đã cải thiện.

Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong gian gần đây, chúng ta có thể thấy đã trường hợp trẻ nhiễm Omicron bị sốt đến co giật khiến cho người nhà rất lúng túng trong vấn đề xử trí tại nhà.

Đó là những điều chúng ta cần lưu ý ở những triệu chứng ban đầu của chủng Delta và Omicron.

3. Cơ chế gây ho đờm, sổ mũi, rát họng do COVID-19 có khác với các bệnh đường hô hấp khác?

Thưa BS, cơ chế gây ho đờm, sổ mũi, rát họng do COVID-19 có khác với các bệnh đường hô hấp khác? Các triệu chứng này thường kéo dài bao lâu ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Như đã chia sẻ, COVID-19 cũng là một bệnh thuộc nhiễm trùng đường hô hấp do virus nên triệu chứng cũng không khác biệt nhiều so với các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp khác. Dường như trẻ khi mắc bệnh sẽ có các biểu hiện sổ mũi, đặc biệt đau họng có vẻ nổi bật hơn đối với chủng Omicron trong thời điểm này.

4. Trẻ em liệu có nguy cơ tái nhiễm với COVID-19?

Gần đây, số người tái nhiễm với COVID-19 tiếp tục gia tăng. Ở trẻ em, liệu có nguy cơ tái nhiễm không thưa BS? Với những trường hợp tái nhiễm, các triệu chứng như ho đờm, sổ mũi, rát họng liệu có nặng hơn so với lần trước?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng liệu trẻ có nguy cơ tái nhiễm hay không.

Thường sau khi chúng ta mắc một căn bệnh nào đó, ngay cả nhiễm SARS-CoV-2 chủng Delta, thì cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra được một số kháng thể ban đầu. Một số người có kháng thể rất cao nên sẽ có tác dụng bảo vệ chống lại lần “xâm lược” thứ 2 của chủng Delta.

Điều đáng tiếc là sự bảo vệ này có tính chất đặc hiệu, tức nó chỉ chống được chủng Delta nên với những chủng virus khác sẽ không mang lại hiệu quả bảo vệ 100% được.

So với chủng Delta, chủng Omicron có khoảng 50 đột biến khác nhau nên kháng thể mà cơ thể sản xuất ra để chống lại chủng Delta dường như không đủ sức chống được sự “xâm lược” của một chủng virus mới là Omicron bởi có quá nhiều đột biến như vậy.

Vì vậy, chủng virus hoàn toàn mới, kháng thể chỉ chống được chủng cũ nên nguy cơ tái nhiễm là hoàn toàn có thể.

Trên thực tế, một số người chủ quan rằng trước đây mình đã từng “bầm dập” với Delta rồi nên nghĩ rằng mình sẽ không tái nhiễm và bỏ quên những biện pháp 5K phòng vệ cho bản thân. Thực tế, những F0 đã khỏi bệnh này vẫn có khả năng tái nhiễm với chủng Omicron rất cao.

Ở trẻ em, đương nhiên việc tái nhiễm với Omicron là chuyện hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh chủng Omicron lây lan gấp hàng chục lần so với chủng Delta, lại có quá nhiều đột biến, trong khi trẻ em lại không được chủng ngừa.

5. Trẻ mắc COVID-19 có được dùng thuốc kháng virus?

Một số phụ huynh thấy con ho nhiều, đau rát họng quá mức khiến trẻ quấy khóc nên cho rằng cần sử dụng thuốc kháng virus để chấm dứt các triệu chứng này. Thực hư điều này như thế nào thưa BS? Trẻ mắc COVID-19 có được dùng thuốc kháng virus?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Rất tiếc, theo khuyến cáo trên thế giới, các loại thuốc kháng virus chẳng hạn như Molnupiravir hoặc gần đây là Favipiravir chưa cho phép sử dụng ở trẻ em.

Với các loại thuốc kháng virus khác dùng bằng đường tĩnh mạch, chẳng hạn như Remdesivir thì phải vào bệnh viện mới có thể sử dụng. Do đó, những em bé ở nhà có triệu chứng nghi ngờ hoặc xác định bị COVID-19 không nên sử dụng thuốc kháng virus.

6. Trẻ ho kéo dài hậu COVID-19, khi nào cần đi khám?

Không chỉ trẻ đang mắc bệnh mà ngay cả những trẻ dù đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn còn ho kéo dài. Tình trạng này là do đâu, thưa BS? Khi nào ba mẹ cần cho trẻ đi khám?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Sau một trường hợp nhiễm trùng hô hấp do virus, do nhiều lý do khác nhau mà trẻ có thể gặp tình trạng ho kéo dài. Chẳng hạn nếu trẻ đã từng viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp thì khoảng 15% trẻ sẽ ho kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Có thể thấy, ho kéo dài sau nhiễm trùng đường hô hấp không quá hiếm. Đối với virus SARS-CoV-2 cũng vậy, tình trạng ho sau nhiễm virus cũng giống như những trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Hiện nay, nhiều người lại quá quan tâm và sợ hãi hậu COVID-19 nhưng thật ra tình trạng này không phải quá hiếm. Theo y văn thế giới, số trẻ sau mắc COVID-19 có tình trạng ho kéo dài chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10 - 15%, không nhiều hơn so với những trẻ bị viêm phế quản do virus hợp bào hô hấp.

Tình trạng ho kéo dài ở trẻ là do 2 nguyên nhân chính:

- Thứ nhất, virus SARS-CoV-2 tấn công vào đường hô hấp của trẻ làm cho trẻ viêm kéo dài và kích ứng gây ra tình trạng ho.

- Thứ 2, một nguyên nhân được nghĩ đến nhiều hơn đó là cơ chế miễn dịch. Ví dụ, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập, cơ thể trẻ phải “khởi động một trận chiến” về phương diện miễn dịch để chống lại sự tấn công này, hay còn gọi là đáp ứng miễn dịch. Theo đó, trận chiến này sẽ để lại hậu quả là các hệ thống mà cung phản xạ ho của trẻ trở nên rất nhạy cảm, ở cả ở vùng hầu họng (tức đường hô hấp trên) và ở não bộ (tức hệ thống thần kinh trung ương) đều trở nên rất nhạy cảm với ho.

Bình thường, khi chúng ta hít một ít bụi thì không sao, chỉ khi hít phải quá nhiều bụi thì mới ho. Tuy nhiên, đối với những trẻ sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, do quá nhạy cảm nên chỉ cần hít một ít bụi cũng khiến trẻ ho rất nhiều. Theo y văn, trường hợp này xảy ra khoảng 10 - 15%.

Các nhà khoa học thấy rằng, thời gian trẻ ho kéo dài sau COVID-19 là chủ đề vẫn còn rất mới, giống như “vùng đất hoang sơ” mà trên thế giới còn phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, người ta thấy rằng trẻ em ho kéo dài không quá lâu, khoảng 3 - 4 tuần thì có khả năng khỏi dần mà không cần phải điều trị gì thêm.

Song, khi thấy trẻ ho kéo dài, bên cạnh nguyên nhân hậu COVID-19, quý phụ huynh cũng cần phải chú ý đến những nguyên nhân khác cũng gây ho kéo dài. Thực tế, tôi từng khám cho những trẻ ho kéo dài, phụ huynh cứ nghĩ nguyên nhân là do hậu COVID-19 nhưng thực chất trẻ lại bị hen suyễn không được điều trị nên mới ho kéo dài.

Với những trẻ nhỏ hơn, tình trạng viêm mũi xoang gây ra hiện tượng chảy nước mũi từ vùng xoang xuống vùng họng cũng có thể gây ho kéo dài. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh thường gặp tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sau khi bú, bao tử trào lên làm kích thích cũng khiến trẻ ho kéo dài.

Hơn nữa, phụ huynh cũng đừng quên rằng bệnh lao vẫn là một bệnh đáng quan ngại gây ho kéo dài ở trẻ em. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bệnh lý khác gây ho kéo dài ở trẻ.

Do vậy, bên cạnh việc cảnh giác tình trạng hậu COVID-19, phụ huynh cũng đừng bỏ sót những nguyên nhân gây ho kéo dài khác ở trẻ.

Về vấn đề điều trị, do virus trong cơ thể của trẻ đã hết nên chúng ta không cần phải tìm đến các loại thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh với hy vọng chấm dứt sớm tình trạng ho kéo dài. Hơn hết, điều quan trọng là quý phụ huynh cần loại trừ nguyên nhân gây ho kéo dài khác và tính toán điều trị tình trạng ho kéo dài do virus làm tăng độ nhạy cảm của cung phản xạ ho ở trẻ em.

7. Liệu có nên kiêng tắm, gội cho trẻ mắc COVID-19?

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng, trẻ mắc COVID-19, nếu tắm, gội sẽ làm cho những triệu chứng ho đờm, sổ mũi, rát họng nặng hơn, lâu khỏi hơn. Quan niệm này có đúng không thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Một em bé khi bị COVID-19 ít nhất cũng phải 7 ngày mới khỏi bệnh. Nếu trong 7 ngày đó mà không cho trẻ tắm, gội thì “quá khủng khiếp!”.

Chúng ta nên nhớ rằng, khi em bé bị COVID-19 như vậy, sức đề kháng cũng giảm nhất định, nếu sống trong môi trường kém vệ sinh như thế thì nguy cơ vi khuẩn tấn công (hay còn gọi là bội nhiễm) là rất lớn. Do đó, dù trẻ có bị bệnh đi chăng nữa thì chúng ta vẫn phải tuân thủ đúng các nguyên tắc vệ sinh cơ bản cho trẻ.

Theo đó, phụ huynh cần lưu ý tắm, gội tuỳ vào mức độ bệnh của trẻ. Chẳng hạn, trong giai đầu, trẻ bị nhiều triệu chứng thì phụ huynh có thể tắm nhanh cho trẻ ở nơi kín gió, sau đó lau khô liền và tránh ngâm trẻ trong chậu nước lớn sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Ở giai đoạn sau thì chúng ta cứ tắm, gội cho trẻ như bình thường để tránh nguy cơ nhiễm trùng từ việc kém vệ sinh.

Nói tóm lại, việc kiêng tắm gội cho trẻ là chuyện hoàn toàn không nên và không theo cơ sở khoa học nào cả.

8. Trẻ mắc COVID-19 bị ho đờm, sổ mũi, rát họng, nên làm gì và không nên làm gì?

Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng ho đờm, sổ mũi, rát họng, phụ huynh nên làm gì và không nên làm gì, thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đầu tiên, quý phụ huynh nên bình tĩnh. Mặc dù chủng Omicron lây lan nhanh nhưng triệu chứng bệnh khá nhẹ, đặc biệt là ở trẻ. Do đó, phụ huynh không nên vì quá lo lắng mà tìm đến các “bác sĩ Google”. Mới đây, một phụ huynh nhờ tôi tư vấn rất nhiều thuốc để điều trị, tuy nhiên những loại thuốc này đều là thuốc có hại.

Thứ hai, phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ uống đủ nước. Việc này sẽ giúp cho viêm mạc, đường thở của trẻ ấm và ẩm, giúp trẻ giảm ho. Quý phụ huynh cũng cần lưu ý rằng, thật ra ho cũng là một phản xạ có lợi để bảo vệ đường thở. Nhờ ho, trẻ mới có thể tống đàm ra ngoài, giúp đường thở thông thoáng và thở dễ dàng hơn. Đặc biệt, do trẻ nhỏ không biết khạc đờm vãi nên việc ho lại càng có ích. Chỉ khi trẻ ho quá nhiều làm để lại hậu quả xấu như quấy khóc không ngủ được, nôn ói, thì chúng ta mới sử dụng các loại thuốc ho.

Trong các loại thuốc ho này, người ta khuyến cáo phải sử dụng thuốc ho an toàn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, tốt nhất chúng ta nên chọn những loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược bởi chúng đã được ông bà ta sử dụng từ hàng ngàn năm nay, hiệu quả và tính an toàn đã được chứng mình phù hợp cho trẻ.

Song, cũng có rất nhiều loại thảo dược không được sử dụng cho trẻ nhỏ như khuynh diệp, cam thảo.

Trong điều trị ho do COVID-19, nhiều hướng dẫn đã được đưa ra, gần đây nhất là hướng dẫn của Anh Quốc khuyến cáo rằng mật ong có hiệu quả cao trong điều trị ho do COVID-19, đặc biệt là ho kéo dài. Tuy nhiên, với những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì không được sử dụng mật ong tự nhiên vì nó có thể chứa nhiều bào tử mầm bệnh, nếu không xử lý khéo thì trẻ có thể nhiễm các độc tố của những mầm bệnh này. Do đó, tuyệt đối không sử dụng các loại mật ong tự nhiên để trị ho cho trẻ.

Tuy nhiên, với những mật ong đã được các công ty dược phẩm tinh chế, trải qua quy trình sát khuẩn thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng cho trẻ nhỏ chứ không phải cấm tuyệt đối không sử dụng mật ong trẻ như chúng ta thường nghĩ. Thực tế, chúng ta chỉ không nên sử dụng mật ong tự nhiên chưa qua sơ chế với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà thôi. Với các loại mật ong từ những công ty sản xuất lớn uy tín đã qua sơ chế, khử khuẩn thì vẫn có thể sử dụng được.

9. Tác dụng của thuốc ho dân gian trong góc nhìn y học hiện đại?

Thực tế, khi trẻ có các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi, các bậc phụ huynh có xu hướng tìm về các bài thuốc dân gian được ứng dụng lâu đời. Trong đó, nổi trội nhất là quất (tắc), húng chanh, mật ong, cát cánh, mạch môn, đường phèn, gừng. Thưa BS, các vị thuốc này ứng dụng như thế nào trong hỗ trợ điều trị ho đờm, giảm đau rát họng, sổ mũi? Góc nhìn của Y học hiện đại ra sao về tác dụng của những vị thuốc dân gian này ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng bài thuốc dân gian này để điều trị ho cho trẻ.

Về phương diện thực hành, ông bà ta đã sử dụng những bài thuốc này từ hàng ngàn năm rồi nên đó là những “khuôn vàng thước ngọc” để các thầy thuốc Đông y tin tưởng và sử dụng.

Về phương diện y học, cũng đã có những nghiên cứu chứng minh hiệu quả của những bài thuốc dân gian này, chẳng hạn như mật ong đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị ho nói chung và do COVID-19 nói riêng.

10. Sản phẩm trị ho vận dụng bài thuốc cổ xưa và ứng dụng công nghệ hiện đại mang lại lợi ích gì?

Song không phải ai cũng có thời gian để bào chế những bài thuốc này. Xin hỏi BS, so với việc áp dụng các bài thuốc từ dân gian, việc dùng sản phẩm trị ho vận dụng bài thuốc cổ xưa và ứng dụng công nghệ hiện đại mang lại lợi ích gì cho trẻ và cả bậc phụ huynh?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Bên cạnh việc không có thời gian, chúng ta còn gặp một số hạn chế trong việc pha chế, bào chế những bài thuốc dân gian này một cách chính xác để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Do đó, chúng ta có thể ghé các hiệu thuốc tây và nhờ các dược sĩ tư vấn loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn có thể sử dụng cho trẻ em.

Theo tôi, chúng ta có thể tìm những loại thuốc này ở bất cứ nơi nào với điều kiện thuốc phù hợp với trẻ và được xếp vào nhóm sử dụng không cần kê toa. Như vậy, phụ huynh có thể vừa tiết kiệm được thời gian, vừa bảo đảm an toàn cho trẻ.

11. Kết hợp thuốc ho cả dạng siro lẫn viên ngậm, có nên không?

Trên thị trường có nhiều dạng bào chế khác nhau, từ siro, đến dạng gói, viên ngậm. Vậy, độ tuổi nào và trẻ nào thì nên dùng siro, độ tuổi nào và trẻ nào nên dùng viên ngậm? Nhiều ba mẹ kết hợp cả siro lẫn viên ngậm thì có nên không, thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Việc lựa chọn loại thuốc nào phù hợp cho trẻ em đó là một “nghệ thuật” của bác sĩ nhi khoa. Có một số trẻ rất thích các loại thuốc siro, ngược lại có một số trẻ tuổi mới lớn thì lại không thích uống thuốc dạng siro mà thích dạng thuốc viên hoặc viên ngậm hơn.

Do đó, tuỳ thuộc vào lứa tuổi của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc cho phù hợp. Theo nguyên tắc, do nhỏ dưới 5 tuổi sẽ uống thuốc viên khó khăn, nên sử dụng các loại thuốc siro là phù hợp nhất.

Với những trẻ trên 5 tuổi, chúng ta có thể giã nhuyễn thuốc và pha chung với một ít đường để cho trẻ uống.

Với trẻ ở lứa tuổi cấp 2, chúng ta có thể sử dụng thuốc dạng viên.

Nên lưu ý rằng, dù thuốc dạng kẹo ngậm rất hấp dẫn đối với trẻ em nhưng với những trẻ quá nhỏ, việc ngậm kẹo như vậy sẽ làm tăng nguy cơ bị hít sặc, nếu không sơ cứu không kịp thời sẽ để lại hậu quả rất khó lường.

Do đó, trên nguyên tắc, người ta không khuyến cáo sử dụng kẹo ngậm cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Việc kết hợp uống thuốc siro và kẹo ngậm là có thể được nhưng với điều kiện là thuốc ho với kẹo ngậm chứa những cơ chất khác nhau. Chẳng hạn, nếu trong siro đã có thành phần thuốc ho này rồi mà trong kẹo ngậm cũng có thành phần thuốc ho đó thì vô hình trung khiến trẻ bị gấp đôi liều. Còn nếu 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau thì vẫn có thể sử dụng chung.

Phần 2: Bác sĩ nhi khoa cảnh báo: Điều trị COVID-19 cho trẻ, phụ huynh tự mua đến 2 loại thuốc kháng sinh cùng lúc

Cảm ơn Các sản phẩm nhóm Ho - Cảm Ích Nhi đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X