Trưởng khoa hô hấp, BV Nhi đồng 1 Xem thông tin
1. Trẻ bị ho, khi nào nên dùng thuốc?
2. Trẻ bị ho, có nên massage bằng dầu tràm, dầu khuynh diệp?
3. Trẻ bị ho kéo dài hậu COVID-19, làm sao chấm dứt?
4. Chọn thuốc ho cho trẻ, phụ huynh cần dựa vào tiêu chí nào?
5. Trẻ sơ sinh bị ho, nên dùng thuốc ho loại nào?
6. Nên cho trẻ sử dụng sản phẩm trị ho bao lâu?
7. Nên cho trẻ uống sản phẩm trị ho trước hay sau khi ăn?
8. Trẻ mắc COVID-19, cần chuẩn bị thuốc và dụng cụ y tế nào?
Phần 1: Trẻ mắc COVID-19, làm sao nhanh hết triệu chứng ho đờm, sổ mũi, rát họng?
Nhiều người khi con có triệu chứng thường chần chừ, vì cho rằng ráng không phải dùng thuốc chừng nào tốt chừng đó. Theo BS, quan niệm này có đúng không ạ? Khi nào và bắt đầu lúc nào nên cho trẻ điều trị ho đờm, sổ mũi, rát họng?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Theo tôi, quan điểm này đúng nhưng không đúng 100%. Với kinh nghiệm của một bác sĩ làm việc lâu năm, tôi thấy rằng bệnh “sướng nhất” là khi không phải dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bệnh dần trở nặng thì chúng ta không thể không dùng thuốc. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta không lạm dụng thuốc và phải biết sử dụng thuốc "đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng", đó mới chính là mấu chốt của vấn đề.
Nếu trẻ mắc COVID-19 hoặc bất kỳ bệnh đường hô hấp nào khác mà chỉ ho ít, vẫn chơi đùa bình thường, ngủ ngon, ăn uống không gặp khó khăn thì chúng ta không cần phải cho trẻ uống thuốc. Thay vào đó, chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp “không dùng thuốc” như cho trẻ uống nhiều nước, sử dụng thảo dược, trà ấm loãng pha với mật ong, đồng thời tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
Trong trường hợp trẻ ho quá nhiều khiến đau họng, mất ngủ, không thể ăn uống thì buộc phải sử dụng thuốc. Điều quan trọng là cần phải dùng thuốc đúng lúc để thuốc phát huy hiệu quả cao nhất, tránh tốn kém và tránh những hệ luỵ từ việc lạm dụng thuốc cho trẻ.
Không chỉ riêng thuốc, phụ huynh cũng cần phải lưu ý khi sử dụng các loại kháng sinh cho trẻ. Trên thực tế lâm sàng, tôi thật sự rất buồn và sốc khi có một số phụ huynh dùng toa thuốc điều trị COVID-19 có đến 2 loại kháng sinh cùng một lúc, trong khi trẻ vẫn chưa có triệu chứng. Đây là điều hoàn toàn không nên bởi hiện nay không có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Mặt khác, các loại thuốc kháng viêm, cụ thể là corticoid, cũng cần được thận trọng khi sử dụng cho trẻ. Người ta thấy rằng, trong giai đoạn đầu của COVID-19, cụ thể là trong 5 ngày đầu sau mắc bệnh, thuốc kháng viêm cũng có hại ở cả người lớn bởi chúng làm ức chế khả năng miễn dịch. Như vậy, vô hình trung chúng ta đang “nối giáo cho giặc”, làm cho SARS-CoV-2 tấn công cơ thể nhiều hơn. Chỉ khi đã sau 5 ngày mắc COVID-19, tức giai đoạn miễn dịch, thì thuốc ức chế miễn dịch mới phát huy được vai trò.
Nói tóm lại, chúng ta không nên lạm dụng thuốc mà cần phải có ý kiến của bác sĩ đối với những loại thuốc như kháng sinh hoặc kháng viêm.
TS.BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19 cho trẻ
Ngoài việc dùng sản phẩm trị ho, nhiều bậc phụ huynh còn ứng dụng thêm các mẹo dân gian khác như xoa dầu tràm, dầu khuynh diệp. Xin hỏi BS, việc massage bằng loại dầu này có tác dụng như thế nào trong việc hỗ trợ trị ho, giảm đờm?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trong một chuẩn mực nào đó thì những biện pháp này vẫn có một số hỗ trợ nhất định đối với trẻ lớn và người lớn.
Riêng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 - 2 tuổi, nếu chúng ta quá lạm dụng vào các loại dầu có thể thấm vào da trẻ và gây ngộ độc. Bên cạnh đó, nếu bôi quá nhiều các loại dầu có thể gây kích ứng, kích thích da trẻ đỏ rộp lên giống như bị viêm, khiến trẻ khó chịu.
Chính vì vậy, đối với trẻ lớn hoặc người lớn thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các loại dầu này trong chừng mực còn với những trẻ nhỏ thì cần phải cẩn thận. Theo tôi, tôi không khuyến cáo phụ huynh sử dụng những biện pháp đó cho trẻ nhỏ dưới 1 - 2 tuổi.
Như đã đặt vấn đề từ đầu chương trình, nhiều trẻ vẫn còn tình trạng ho kéo dài sau COVID-19. Với những trường hợp này, cách nào giải quyết hữu hiệu ạ?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Chuyện ho kéo dài sau một đợt nhiễm trùng hô hấp do virus, trong đó có COVID-19, là một chuyện không quá hiếm gặp. Vì vậy, phụ huynh nên bình tĩnh.
Trước hết, chúng ta cần phải loại trừ hết những nguyên nhân gây ho kéo dài khác ở trẻ như hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi xoang, lao.
Sau đó, phụ huynh cần phải áp dụng các biện pháp “không dùng thuốc” như cho trẻ đầy đủ uống nước, tránh những yếu tố kích thích từ bên ngoài (sử dụng quạt máy quạt có chừng mực, tránh khói thuốc lá). Đặc biệt trong COVID-19, tập thở rất quan trọng, phương pháp tập hít thở chủ động đang là một biện pháp đang được khuyến cáo trên thế giới để giảm thiểu được cơn ho kéo dài. Đối với biện pháp này, chúng ta có thể khuyến khích trẻ lớn từ cấp 2, cấp 3 trở lên tập thở.
Đối với việc sử dụng thuốc ho, chúng ta cần phải chú ý không nên lạm dụng thuốc ho mà chỉ sử dụng khi cần thiết. Nếu trẻ ho đến mức đau họng, không ăn uống được thì mới sử dụng thuốc ho. Trong trường hợp này, khuyến cáo đối với trẻ nhỏ là nên sử dụng các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn. Với những loại thuốc ho mạnh dành cho người lớn có thành phần morphine, cafein,… rất ít loại có thể sử dụng cho trẻ nhỏ mà chỉ có thể dùng cho trẻ từ 11 - 12 tuổi trở lên. Một số người nghĩ rằng thuốc ho người lớn hiệu quả nên chia đôi thuốc ra để cho con uống, tuy nhiên đây là một việc làm hoàn toàn sai lầm. Việc làm này là lợi bất cập hại bởi có thể khiến trẻ bị ngộ độc.
Nếu phụ huynh đã áp dụng hết những cách kể trên nhưng tình trạng ho của con vẫn kéo dài quá 7 ngày mà không thuyên giảm, hoặc ho kèm theo những dấu hiệu bất thường khác thì không nên chần chừ, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Ngoài ra, nếu trẻ ho kèm theo các triệu chứng nặng như ngủ li bì không lay gọi được, co giật, quấy khóc, không ăn uống được, có biểu hiện khó thở, ho ra máu, ho đờm,… thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện vì lúc này trẻ cần có sự chăm sóc y tế đầy đủ và toàn diện.
Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm trị ho đờm, rát họng khác nhau. Để lựa chọn sản phẩm phù hợp với trẻ, các bậc phụ huynh cần dựa trên những tiêu chí nào thưa BS?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đương nhiên, nếu sản phẩm trị ho được sản xuất bởi một công ty dược phẩm uy tín thì khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, bảo quản và vận chuyển thuốc sẽ an toàn, thuốc đến tay người sử dụng cũng tốt hơn.
Chúng ta phải lựa chọn sản phẩm phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tốt nhất, khi mua thuốc, phụ huynh nên nhờ các dược sĩ tư vấn hoặc đọc trên thông kê toa để xem thuốc này có thể sử dụng cho trẻ ở độ tuổi nào.
Một vấn đề cũng quan trọng khi xem xét mua thuốc cho trẻ đó là giá cả. Tất nhiên, sản phẩm càng rẻ thì càng lợi cho người dùng.
Nhiều phụ huynh sợ việc dùng viên ngậm, siro trị ho sớm không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ có vấn đề về răng miệng, béo phì. Nhờ BS cho lời khuyên trong những trường hợp này ạ!
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Chúng ta cần biết rằng ho là phản xạ có lợi để bảo vệ cơ thể chúng ta nên không nhất thiết phải tìm đủ mọi cách để kìm hãm sự có lợi này.
Đối với những loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược, nếu chúng ta cho trẻ dùng sớm thì cũng sẽ không nguy hại. Trừ trường hợp chúng ta dùng thuốc ức chế ho thường dùng cho người lớn (trong đó có dẫn xuất của á phiện, codein, dextromethorphan, kháng dị ứng) thì mới lợi bất cập hại.
Những trẻ sơ sinh thường ho rất ít nên nếu chúng ta lạm dụng những loại thuốc ho có nguồn gốc y dược kể trên thì nguy cơ ngộ độc và tác dụng phụ của thuốc là rất cao.
Nên cho trẻ sử dụng sản phẩm trị ho đờm, giảm đau rát họng, sổ mũi trong bao lâu? Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con giảm triệu chứng nên ngưng dùng. Thói quen này có đúng không ạ?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Thuốc ho chỉ là một biện pháp điều trị hỗ trợ mà thôi. Do đó, trong thông tin kê toa thường sẽ ghi rằng nếu điều trị trong vòng 7 - 10 ngày triệu chứng không giảm thì nên đi khám, điều này cũng phù hợp với phần mà tôi đã tư vấn ở trên. Bởi nếu trẻ đã uống thuốc trong 7 - 10 ngày vẫn chưa bớt thì nên xem xét những nguyên nhân khác, chẳng hạn như biến chứng qua phổi, hen suyễn,… Chính vì vậy, chúng ta không thể nào giữ con ở nhà quá 1 tuần nếu trẻ vẫn còn triệu chứng nặng.
Phụ huynh cần hiểu rõ rằng, việc trẻ không thuyên giảm là do chúng ta tự cho con uống thuốc quá 7 ngày ở nhà chứ không phải vì dùng lâu những loại thuốc ho thảo dược.
Trong quá trình điều trị kháng sinh, bắt buộc chúng ta phải có liệu trình đầy đủ và bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc ngay cả khi có đáp ứng tốt. Vì vậy, nếu dùng thuốc kháng sinh thì bắt buộc người bệnh phải uống hết thuốc để diệt hết vi khuẩn. Riêng thuốc ho là thuốc hỗ trợ điều trị nên khi trẻ bớt ho rồi thì không nhất thiết phải cho trẻ uống thuốc ho quá lâu vì triệu chứng ho lúc này không ảnh hưởng quá nhiều đến trẻ.
Chương trình tư vấn cung cấp giải pháp hiệu quả giúp trẻ giảm ho đờm, sổ mũi, rát họng do COVID-19 nhận được sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh
Dùng sản phẩm trị ho đờm, sổ mũi, rát họng… vào thời điểm nào là tốt nhất? Trước hay sau khi ăn sẽ lợi hơn cho trẻ, thưa BS?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Việc nên uống thuốc ho trước hay sau khi ăn được căn cứ vào yếu tố ảnh hưởng của thức ăn đến việc hấp thu của thuốc. Chẳng hạn, có một số loại thuốc khi uống vào sẽ dính vào thức ăn khiến thuốc không hấp thu được vào máu. Hoặc một số thuốc nếu uống khi bụng đói thì sẽ gây kích ứng bao tử nên buộc người bệnh phải uống khi no để hạn chế vấn đề kích ứng này.
Với những loại thuốc ho thảo dược, trẻ có thể uống trước, trong hay sau khi ăn đều được.
Gia đình có trẻ mắc COVID-19, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị các loại thuốc, dụng cụ y tế nào thưa BS?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Thông thường, để phòng trường hợp trong gia đình có một thành viên là F0, chúng ta phải dự trù đủ những dụng cụ, thiết bị cần thiết để sử dụng trong suốt thời gian cách ly tại nhà.
Để chăm sóc tốt cho trẻ, đầu tiên chúng ta cần đảm bảo có đủ khẩu trang y tế dùng trong suốt thời gian cách ly. Một điều cần lưu ý là không khuyến cáo đeo khẩu trang cho trẻ dưới 2 tuổi. Phụ huynh cũng cần chuẩn bị các loại giấy vệ sinh để khi trẻ ho thì có thể che miệng. Bên cạnh đó, chúng ta nên cho trẻ đeo tấm chắn che giọt bắn để tránh phát tán virus cho những thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, phụ huynh có thể chuẩn bị thêm găng tay để chăm sóc cho con hoặc lau dọn vệ sinh phòng của trẻ.
Do trẻ phải được cách ly trong phòng riêng nên phụ huynh cũng nên chuẩn bị thêm các vật dụng cá nhân khác như: bàn chải đánh răng, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội,… Đặc biệt, theo quy định, phòng cách ly phải có thùng rác riêng để chứa những vật phẩm có thể có chất tiết chứa virus của bệnh nhân.
Với những dụng cụ chăm sóc y tế cho trẻ, phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ như nhiệt kế, thiết bị đo độ bão hoà oxy (máy đo SpO2),…
Bên cạnh đó, chúng ta có thể cho trẻ dùng điện thoại có thể dễ dàng liên lạc với người nhà trong thời gian cách ly tại phòng riêng và giúp trẻ xin được tư vấn y tế khi cần thiết.
Ngoài ra, những dụng cụ khác để khử trùng như các dung dịch cồn, dung dịch rửa tay nhanh,… cũng nên được dự trù đầy đủ.
Với các loại thuốc, chúng ta cần dự trữ thuốc hạ sốt, tốt nhất nên sử dụng paracetamol để vừa an toàn, vừa hiệu quả cho trẻ em. Bên cạnh đó, trẻ em thường bị sổ mũi nên phụ huynh có thể chuẩn bị các loại nước muối sinh lý để nhỏ mũi, làm thông thoáng mũi cho trẻ. Ho cũng là triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc COVID-19, phụ huynh có thể dự trù sẵn các loại thuốc ho thảo dược an toàn để có thể sử dụng khi cần thiết. Theo thống kê, khoảng 20% trẻ em có biểu hiện tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,…). Do đó, chúng ta có thể trữ thêm oresol và các men tiêu hóa cho trẻ. Với những trẻ có bệnh cần phải sử dụng thuốc lâu dài, chẳng hạn như hen suyễn, phụ huynh cần dự trù đủ thuốc cho con sử dụng trong thời gian cách ly tại nhà.
Đó là một số thuốc mà tôi nghĩ cần thiết cho trẻ trong suốt thời gian điều trị và cách ly do COVID-19.
Nhờ BS đưa ra lời khuyên cũng như những lưu ý cho các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ mắc COVID-19 nói chung và cách để giảm thiểu những khó chịu do các triệu chứng ho đờm, sổ mũi, rát họng rói riêng?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trong thời điểm này, tình trạng trẻ mắc COVID-19 gia tăng có lẽ mối bận tâm lớn không chỉ của riêng các bậc cha mẹ mà còn là của cả chính phủ. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng nhưng trẻ em thường có xu hướng bệnh nhẹ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan.
Mặt khác, chúng ta cũng đang hội nhập với xu hướng bắt nhịp với cuộc sống bình thường mới theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, trong thời điểm này, các bậc cha mẹ phải thật bình tĩnh và sáng suốt. Đồng thời, quý phụ huynh cũng nên tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng đáng tin cậy như Kênh truyền thông sức khỏe AloBacsi để tăng cường kiến thức trong chăm sóc con, đồng thời giúp nắm bắt tình hình để có ứng biến phù hợp, vừa tỉnh táo, vừa không hoang mang.
Trẻ mắc COVID-19 cũng sẽ có những triệu chứng ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, đau họng,… như những bệnh thường gặp. Song, thường trẻ mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ và đa số trường hợp thường chỉ kéo dài trong vài ngày nên các bậc cha mẹ hãy cứ bình tĩnh điều trị triệu chứng là chính bằng những phương pháp hiệu quả, an toàn với trẻ. Với triệu chứng ho, chúng ta có thể sử dụng những loại thuốc ho thảo dược. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý theo dõi con những dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Đặc biệt, chúng ta vẫn cần phải tuân thủ tốt khuyến cáo 5K. Mặc dù có nhiều ý kiến bàn luận về tính phù hợp của 5K, nhưng theo tôi nghĩ rằng việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay vẫn là biện pháp rất thiết thực và vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình chúng ta trước COVID-19.
Trong tương lai, nếu trẻ em được cho phép tiêm vắc xin thì phụ huynh cũng nên ủng hộ chủ trương lớn này để trẻ được tăng thêm biện pháp bảo vệ. Vắc xin được coi là “cứu cánh” mà cả thế giới trông chờ để ngăn chặn và chống lại COVID-19.
Cảm ơn Các sản phẩm nhóm Ho - Cảm Ích Nhi đã đồng hành cùng chương trình!