Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ em bị COVID-19 do biến thể Omicron, dấu hiệu nào nguy hiểm?

Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ nhiễm biến chủng Omicron? Đâu là dấu hiệu trở nặng phụ huynh cần lưu ý? PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên đã giải đáp cụ thể về những lo lắng của bậc cha mẹ.

1. F0 tăng mạnh tại trường học, có phải do Omicron?

Đông đảo phụ huynh rất lo lắng khi trẻ vừa trở lại trường thì số ca F0 tăng mạnh, nhiều lớp phải nghỉ học. Theo PGS, đây có phải là dấu hiệu cho thấy Omicron đã lan ra cộng đồng?

PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên trả lời: Theo kết quả báo cáo của SYT TP, 76% SARS-CoV-2 ở Sở Y tế TPHCM hiện nay là Omicron. Gần đây số ca mắc tăng trở lại ở người lớn và cả trẻ em (nhiều ở trẻ em do chưa chích ngừa và do trở lại trường).

Số ca tái nhiễm cao, tái nhiễm thường chỉ xảy ra khi có biến chủng khác. Tỷ lệ nhiễm ở người chủng ngừa đầy đủ cũng gia tăng, phù hợp với khả năng bảo vệ có thể giảm của vắc xin với chủng Omicron.

Do vậy hiện nay Omicron có thể đang có tỷ lệ cao ở thành phố, khiến cho tỷ lệ mắc tăng cao.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm biến thể Omicron?

Nếu nhiễm biến thể Omicron, trẻ sẽ có biểu hiện thế nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên trả lời: Khó có thể nói đang nhiễm biến thể nào nếu dựa trên đơn thuần triệu chứng lâm sàng của người nhiễm, phải dựa vào dịch tễ chủng lưu hành được phát hiện chính xác sau khi giải trình tự gen từ phòng xét nghiệm.

Tuy vậy, so với chủng Delta (mà chủ yếu trong năm 2021), thì Omicron có các biểu hiện sau: khởi đầu là mệt mỏi, đau cơ nhiều, đau đầu, nghẹt mũi- chảy mũi, ho khan và đau họng. Sốt thường nhẹ và thuyên giảm trong 3 ngày đầu, sốt cao hay kéo dài cần xem có biến chứng không? Vã mồ hôi vào ban đêm cũng được ghi nhận. Chúng tôi ghi nhận nhiều trẻ thở rít.

Một số nghiên cứu cho thấy, Omicron lây nhanh, nhưng tỷ lệ nhập viện giảm 2/3, tỷ lệ thở máy cũng giảm 2/3, và tử vong giảm so với trước đây.

3. Trẻ nóng, ho, sổ mũi, có cần test ngay COVID-19?

Có phải hễ thấy trẻ bị nóng, ho, sổ mũi là phụ huynh nên test cho con không ạ?

PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên trả lời: Đó là cách duy nhất để biết trẻ có nhiễm SARS-CoV2 không? Nhất là khi trẻ có tiếp xúc gần với người F0. 40-65% trẻ mắc COVID-19 có sốt, ở trẻ nhập viện của chúng tôi lên đến 60-90%. Tuy nhiên bao nhiêu trẻ sốt bị mắc COVID-19 thì tôi nghĩ thấp, không quá 10% và có nhiều nguyên nhân khác gây nên sốt ở trẻ. Hiện, Sở Y tế TPHCM đang làm khảo sát.

Nên khi trẻ sốt, cần biết trẻ có nhiễm SARS-CoV2 không nhằm cho trẻ nghỉ học, hạn chế lây thì cách duy nhất là test cho trẻ. Nhưng cần hiểu là có hơn 90% trẻ sốt do nguyên nhân khác, không phải do COVID-19.

Ngoài ra thi không cần phải test mỗi ngày, chúng tôi định nghĩa thời gian bệnh tính từ ngày đầu có triệu chứng, có triệu chứng mà không test dương thì không cần test nữa.

Ngay cả nếu là F1 mà không triệu chứng, theo dõi 5 -14 ngày (Bộ Y tế yêu cầu 5 ngày) và hiện nay Bộ Y tế cũng yêu cầu test vào N5. Sau 14 ngày thì đương nhiên không còn là F1, đừng test nữa.

Khi đã là F0 thì bao lâu test lại, ngày thứ 7 mới cần test lại, không có mối tương quan nào giữa vạch đỏ đậm nhạt với độ nặng của bệnh. Tuy nhiên nếu trẻ nhỏ, không đi học hay chưa được đến trường chỉ ở nhà thì cũng không cần test, 10 ngày không biểu hiện gì xem như khỏi bệnh.

4. Triệu chứng nhiễm Omicron kéo dài bao lâu?

Theo PGS, thường thì trẻ bị nhiễm Omicron sẽ có triệu chứng trong bao nhiêu ngày? Ngày nào có nguy cơ trở nặng?

PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên trả lời: Omicron khác với các thể khác về thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm đến biểu hiện), khoảng 2-3 ngày (so với biến thể khác trung bình 4-5 ngày).

Nhiễm Omicron đa phần không triệu chứng, hay nhẹ của viêm hô hấp trên. Triệu chứng hiện nay cũng như các loại khác, tùy mức độ nặng của bệnh, trung bình hồi phục 7-10 ngày, nếu nặng cần 2-3 tuần để hồi phục.

Mỗi trẻ có biểu hiện khác nhau, có trẻ sốt cao, có trẻ không có triệu chứng gì hay chỉ ói, tiêu chảy. Trong tất cả biểu hiện đó thì tổn thương phổi thường gặp nhất và có thể nặng. Ngày trẻ có tổn thương phổi và nặng thường ngày 5-8 của bệnh.

5. Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc COVID-19 trở nặng

Xin PGS đưa ra các dấu hiệu cảnh báo bệnh của trẻ trở nặng, cần đưa đi bệnh viện?

PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên trả lời:

- Trẻ khó thở, thở nhanh theo tuổi, khó thở khi gắng sức

- SpO2 < 96%

- Trẻ đau tức ngực

- Trẻ có mạch nhanh > 150-160 lần/ phút.

- Trẻ li bì, không ăn uống được hay nôn ói tất cả thức ăn ăn vào.

- Trẻ co giật

- Trẻ sốt cao không giảm sau 48 giờ hay sốt không hết sau 72 giờ.

- Trẻ có bệnh nền không ổn định.

- Trẻ có vấn đề mà gia đình không an tâm

6. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có nguy hiểm?

Thông tin về hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) bị COVID-19 khiến nhiều phụ huynh lo ngại. PGS nhận thấy số trẻ em F0 gặp hội chứng này có nhiều không, và cách phát hiện, điều trị thế nào ạ?

PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên trả lời: Đây là hội chứng ít gặp, sau nhiễm SARS-CoV2, dù khi nhiễm không triệu chứng. Tuy nhiên, đây lại là biến chứng nặng ở trẻ nhiễm SARS-CoV2. Xảy ra sau nhiễm khoảng 2-6 tuần. Gần đây số trường hợp trẻ em nhập viện vì MIS-C tăng do số trẻ F0 tăng và xảy ra cả nước.

Chẩn đoán không khó nếu cả gia đình và bác sĩ cùng quan tâm và nghĩ đến. Chúng tôi đã thông tin và đưa ra hướng dẫn chẩn đoán, điều trị rất rõ ràng cho nhân viên y tế.

Sau 2-6 tuần nhiễm SARS-CoV2, nếu có sốt, phát ban, đỏ mắt, tróc da đầu chi, khó thở, mạch nhanh… nhất là khi phối hợp từ 2 triệu chứng trở lên, cần đưa trẻ đi khám bệnh. Bệnh có thể để lại di chứng hay tử vong nếu tự điều trị ở nhà hay đến viện trễ. Nhưng thường đáp ứng tốt với điều trị.

Trẻ cần được điều trị tại bệnh viện bằng thuốc kháng viêm và kháng thể IVIG. Các bệnh viện cũng đang khó khăn vì thuốc IVIG chưa được bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh này. Có lẽ Bộ Y tế cũng đang đề xuất.

>>> PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên hướng dẫn chăm sóc trẻ em là F0, F1 cách ly tại nhà

Mời đón xem phần 2: Chăm sóc trẻ mắc COVID-19: Nên chuẩn bị thuốc nào, xông hơi ra sao và làm gì khi đau đầu, khó ngủ?

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X