Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ đi học tiếp xúc F0, vệ sinh khử khuẩn thế nào, bao lâu cần test COVID-19?

Gần đây, khi trẻ quay lại trường học đã có sự gia tăng các ca COVID-19 mới trong môi trường này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Đặc biệt là khi biến chủng Omicron diễn biến khó lường. Nếu chẳng may con tiếp xúc F0, cha mẹ cần làm gì? Bao lâu nên xét nghiệm COVID-19? BS Trương Hữu Khanh đã giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Bạn gần bàn trở thành F0, trẻ cần theo dõi bao lâu?

Thưa BS, tuần qua AloBacsi nhận được rất nhiều thắc mắc từ phụ huynh có con đến trường. Họ băn khoăn rất nhiều tình huống xảy ra trên lớp của con mình. Đầu tiên, xin nhờ BS giải đáp: trẻ đi học ngồi gần bạn là F0, có nói chuyện, mượn đồ dùng học tập của F0 thì có lây không, mặc dù lúc đó trẻ có đeo khẩu trang?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo nghiên cứu, nếu cả hai đều đeo khẩu trang đúng cách thì gần như xác xuất lây không cao. Tuy nhiên, cho dù có đeo khẩu trang nhưng hai trẻ ngồi gần nhau và không may trở thành F0 thì chúng ta cũng nên tách các trẻ ra, theo dõi 7 ngày. Bởi vì việc tuân thủ đeo khẩu trang trong suốt buổi học là thời gian quá dài. Nếu tiếp xúc nhanh, trong khoảng 20 phút và tất cả đều đeo khẩu trang thì không cần bàn đến. Nhưng ngồi gần nhau trong thời gian dài như vậy thì tốt nhất là nên theo dõi.

2. Trẻ tiếp xúc F0 trên lớp, về nhà cần vệ sinh khử khuẩn thế nào?

Nếu phụ huynh biết con mình vừa tiếp xúc F0 trên lớp thì cần làm gì cho trẻ khi bé về đến nhà ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng nhất của người lớn khi cho trẻ đi học đó là bản thân người lớn phải tiêm ngừa đầy đủ. Đặc biệt, nếu là người lớn tuổi thì nên chích ngừa mũi bổ sung sớm, không nên chủ quan. Khi trẻ tiếp xúc F0 khi về nhà thì chỉ nên hạn chế tiếp xúc, không cần làm gì tuyệt đối bởi vì người lớn đã được tiêm ngừa. Khả năng trẻ mang virus về nhà có thể thấp hơn khi người lớn ra ngoài giao lưu kể từ khi mở cửa.

3. Tắm ngay sau khi đi học về, có đủ ngăn ngừa COVID-19?

Một số phụ huynh rất cẩn thận, không cần biết là hôm nay con mình đi đâu, gặp ai, cứ về nhà là cho con đi tắm liền, như vậy có tốt không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu muốn cắt nguồn lây từ trường về nhà và ngược lại qua trung gian là trẻ thì điều quan trọng nhất vẫn là bàn tay. Chẳng hạn, khi vừa về đến nhà (trước khi bước vào nhà), khi vừa đến trường (hoặc bước ra khỏi cổng trường) thì trẻ cần được rửa tay, thay quần áo.

Điều này không chỉ giúp phòng ngừa COVID-19 mà còn nhiều bệnh khác lây qua đường tiêu hóa, hô hấp. Không nên để trẻ về nhà, vui chơi với bộ quần áo đã mặc cả ngày đi học trong thời gian dài rồi mới đi tắm. Thay quần áo ngay khi đi học về vẫn sẽ tốt hơn.

4. Bao lâu sau khi trẻ tiếp xúc F0 test COVID-19 là chính xác nhất?

Trẻ tiếp xúc F0 dù là ở trường hay nơi khác thì sau bao nhiêu ngày nên test ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước đây, thời gian ủ bệnh có thể lên đến 10-14 ngày. Nhưng hiện nay, đa số các trường hợp tiếp xúc F0 nếu có bị virus tấn công thì khoảng 3-7 ngày sẽ phát bệnh. Nếu quá 7 ngày không thấy triệu chứng thì xem như trẻ không phải lây từ nguồn F0 đó.

5. Trẻ bị cảm, ho, hắt xì, có cần test COVID-19?

Nếu trẻ đi học về mà có triệu chứng cảm, ho, hắt xì… thì có nên test luôn không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng nhất khi trẻ bắt đầu đi học là cần có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Nếu trong gia đình có người bị F0 thì phụ huynh cần báo ngay cho nhà trường. Khi trẻ có biểu hiện nóng, ho, sổ mũi… cũng nên cho trẻ ở nhà theo dõi và đi khám bệnh. Nhưng nếu trong nhà cùng lúc có từ 2 người trở lên có triệu chứng tương tự như nhau thì khả năng mắc COVID-19 cao, lúc đó mới cần xét nghiệm. Nếu là bệnh cảm thông thường, đi khám tùy theo cơ sở y tế bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm, không cần làm xét nghiệm đại trà.

6. Trẻ đi học tiếp xúc nguồn lây, có nhất thiết phải tìm ra F0, F1?

Theo BS thì với tình hình hiện nay, khi trong lớp có 1 trẻ F0 thì việc tìm ra bé nào là F1 và 3 ngày test 1 lần có thật sự cần thiết không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thực tế, chúng ta cần chuẩn bị vấn đề này trước, không đợi đến khi có F0 mới làm. Nghĩa là khi trẻ đến trường, chúng ta nên khuyên và giám sát trẻ thành một cụm (5-7 bé), cùng học, cùng chơi với nhau. Nếu trong lớp có F0 thì theo dõi bé trong từng cụm, vì nếu để đã mắc mới truy sẽ không bao giờ chính xác. Vì vậy, việc trẻ đi học sẽ cực hơn cho phụ huynh và giáo viên trong trường, nhưng điều này có thể hướng dẫn cho trẻ thực hiện được.

7. Trẻ đi học bằng xe bus, cần lưu ý những gì?

Nhiều trẻ đến trường bằng xe buýt do cha mẹ không có điều kiện đưa đón bằng xe riêng nhưng cũng không khỏi lo lắng vì xe buýt là không gian kín và đông người. Vậy làm sao để đảm bảo an toàn, tránh lây bệnh khi học sinh đi xe buýt ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Xe bus cũng giống như môi trường trong lớp, trong trường học. Quan trọng là hướng dẫn trẻ thực hành đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, trẻ đi xe bus, cha mẹ cũng cần trang bị nước rửa tay nhanh. Khi lên xe, bước xuống xe đều nên rửa tay. Thời gian di chuyển trên xe bus cũng không quá dài, đồng thời khi lên xe nên ngồi một chỗ, không nên di chuyển, nói chuyện nhiều.

8. Lời khuyên của bác sĩ khi trẻ đi học trong mùa dịch COVID-19

BS có những lưu ý gì dành cho các phụ huynh có con đến trường để họ quan tâm đúng mức, tránh lo lắng thái quá khi con trẻ đến trường?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có thể nói, việc trẻ quay trở lại trường học là điều cần thiết và quan trọng. Nếu chúng ta nói vì trẻ con, thì hãy cho con chích ngừa. Nếu chúng ta nói vì trẻ con đi học có thể mang nguồn lây cho người lớn, thì người lớn hãy lo chích ngừa, kể cả người lớn tuổi và bệnh nền, không còn cách nào khác.

Nếu chúng ta nói trẻ đến trường nguy cơ lây bệnh nhiều hơn là đi chơi hàng xóm, siêu thị, khu vui chơi thì điều này không chính xác. Vì trong trường sẽ giám sát tốt hơn, an toàn hơn các nơi đông người khác.

Nếu trẻ không may trở thành F0 cũng cần bình tĩnh, vì đa phần trẻ mắc COVID-19 còn nhẹ hơn sốt xuất huyết, sốt siêu vi, tay chân miệng… nhẹ hơn rất nhiều bệnh lý thông thường khác ở trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X