Hotline 24/7
08983-08983

Trầm cảm: Rối loạn tâm thần phổ biến ở người già

Hiện có nhiều người già mắc bệnh trầm cảm, nhưng hay bị quy về "bệnh tuổi già". Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến việc người già bị trầm cảm nhưng không được chữa trị kịp thời...

Nguy cơ tự sát khi mắc bệnh trầm cảm!

Theo thống kê, trong số 35 triệu người cao niên ở Mỹ ước tính có khoảng 2 triệu người mắc bệnh trầm cảm, 5 triệu người trầm cảm không triệu chứng. Như vậy, cứ 10 người Mỹ trên 65 tuổi sẽ có 1 người bị trầm cảm. Một con số báo động đó là có đến 19% các vụ tự tử do bệnh nhân trầm cảm trên 65 tuổi.

Trong báo cáo “Trầm cảm trên bệnh nhân cao tuổi” tại Hội nghị Tích tuổi học và Lão khoa lần thứ 5 tại Vũng Tàu mới đây, TS.BS Ngô Tích Linh - Trưởng Bộ môn Tâm thần - BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Trầm cảm là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, nếu không được điều trị sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, tuy bệnh lý trầm cảm ở người cao tuổi là phổ biến, nhưng rất ít trường hợp được điều trị. Ngay cả ở một đất nước có hệ thống y tế tốt như Mỹ thì chỉ có 10% người cao tuổi mắc trầm cảm được điều trị y tế”.

Tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm thậm chí còn cao hơn ở những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong các trung tâm điều dưỡng, cô đơn. Bệnh trầm cảm dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như đái tháo đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp, bệnh parkinson, bệnh alzhemer... Các chuyên gia ước tính ở những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể như trên, tỷ lệ bị trầm cảm có thể lên 30 - 35%.

Nguyên nhân dẫn đến việc người cao tuổi bị trầm cảm thường không được điều trị là vì nhiều người nghĩ rằng trầm cảm là một phần bình thường của sự lão hóa, một phản ứng tự nhiên đối với bệnh mạn tính, với những mất mát trong cuộc sống và những thay đổi xã hội.

Nhiều người lớn tuổi và gia đình không nhận ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm, thậm chí nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh trầm cảm với các bệnh lý khác và chỉ tìm đến BS tim mạch, BS tiêu hóa, thần kinh… Chính sự nhầm lẫn tai hại này khiến cho người già bị trầm cảm không được phát hiện và điều trị kịp thời.

“Những triệu chứng thực thể ở người già bị trầm cảm là bực bội, lo âu, thường hay than phiền nhưng lại mơ hồ về triệu chứng cơ thể, nhất là các triệu chứng đau. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Khi cố gắng diễn đạt những cảm giác của mình liên quan đến trầm cảm, họ lại thường tập trung vào các chủ đề khác.

Đặc biệt, họ luôn lo lắng, bận tâm về sức khỏe một cách khó hiểu, từ đó mất dần sự quan tâm, hứng thú, thu rút xã hội hoặc né tránh các tương tác xã hội… Ngoài ra, triệu chứng của một số bệnh lý khác có thể trầm trọng thêm khi kèm theo trầm cảm. Ví dụ như bệnh nhân alzhemer trở nên biếng ăn, mất tập trung và cô lập, bệnh nhân parkinson mất phản xạ, nói chậm hoặc di chuyển chậm…” - TS Linh cho biết.

Với sự dẫn dắt dí dỏm, TS.BS Ngô Tích Linh - BV Đại học Y Dược TPHCM giúp các đồng nghiệp dễ tiếp cận phần báo cáo của mình trong hội nghị khoa học tại Vũng Tàu ngày 15/4
Bên cạnh đó, sự suy giảm nhận thức ở bệnh nhân trầm cảm cao tuổi thường được gọi là hội chứng sa sút trí tuệ của trầm cảm (giả sa sút trí tuệ) và có thể dễ dàng lầm lẫn với sa sút trí tuệ thật sự, nên rất khó phân biệt.

Để phân biệt sa sút trí tuệ với trầm cảm, TS Linh cho biết: “Trầm cảm là khởi phát cấp tính, tiến triển nhanh, sự suy giảm không nhất quán theo thời gian, bệnh nhân nhận thấy các biệu hiện tiêu cực, buồn bã, không cảm nhận được niềm vui và bệnh nhân sẽ trả lời “tôi không biết” cho câu hỏi mà họ không quan tâm. Còn sa sút trí tuệ là khởi phát âm thầm, tiến triển chẩn, sự suy giảm nhất quản, chậm, giảm dần từng nấc. Bệnh nhân phủ nhận hoặc không nhận thấy các triệu chứng, có thể cảm thấy vui vẻ, câu trả lời thường gắn với “tôi quên” và bệnh nhân thường cố che đậy điều này. Hiện nay, có thể dùng các tiêu chuẩn, bảng câu hỏi như DSM-V, PHO-2, PHO-9 để chẩn đoán sớm trầm cảm cho người cao tuổi”.      

Phát hiện, điều trị sớm giúp người cao tuổi vượt qua “cơn bão” trầm cảm

Hiện nay, việc can thiệp điều trị các bệnh lý - tâm thần ở nước ta ngày càng có hiệu quả hơn nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, việc đáp ứng điều trị ở bệnh nhân trầm cảm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó chỉ có 40% ca rối loạn trầm cảm chủ yếu đáp ứng với điều trị khởi đầu bằng thuốc trong 6 tuần. Thêm 15% - 25% đạt được đáp ứng khi tiếp tục trị liệu trong 6 tuần tiếp theo và có đến 35-45% đơn trị thất bại.

Theo TS Linh, lỗi kê toa thường gặp nhất là thất bại trong việc tăng liều tới liều khuyến cáo trong 2 tuần điều trị đầu tiên. Bệnh nhân lớn tuổi dễ bị tái phát hoặc điều trị thất bại do thiếu sự theo dõi và đánh giá, can thiệp kịp thời với bác sĩ. Khi trị liệu thất bại, bác sĩ nên xem xét đổi sang một nhóm thuốc khác, kết hợp thêm lithium carbonate, methylphenidate hay triodothyronine và amin thứ cấp TCA, kết hợp thêm điều trị tâm lý, tham khảo thêm ý kiến của một BS lão khoa.

Bên cạnh đó, bác sĩ điều trị cần khuyến cáo cho bệnh nhân/ người nhà rằng thuốc chưa có hiệu quả đến khi bệnh nhân đã dùng đúng thời gian, thường từ 3-6 tuần và đủ liều. Liều thuốc chống trầm cảm thường bắt đầu từ liều thấp, nâng liều từ từ nhưng tiếp tục để đạt được hiệu quả điều trị. Thời gian trị liệu tối thiểu từ 9-12 tháng sau khi triệu chứng ở mức hồi phục cho giai đoạn đầu tiên và trị liệu lâu dài cho bệnh nhân có từ 2 giai đoạn trở lên.

Bệnh nhân cao tuổi dễ bị tác dụng phụ hơn do nhiều yếu tố như thay đổi chuyển hoá thuốc, suy giảm các chức năng sinh lý, thay đổi các thành phần phân bố trong cơ thể như tỷ lệ mỡ, cơ… Do đó, khi chọn thuốc chống trầm cảm cần lưu ý đến các bệnh lý kết hợp thường có ở người cao tuổi như cao huyết áp, bệnh tim mạch, suy thận, suy gan… và cần chú ý tương tác với những loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng điều trị các bệnh lý kết hợp này.

“Trước đây, thuốc ba vòng (TCA) là một trong những loại thuốc chữa trị trầm cảm đầu tiên, tuy nhiên nó có nhiều tác dụng phụ gây nguy hiểm hơn ở người cao tuổi như: kháng cholinergic làm nặng hơn bệnh tăng nhãn áp, táo bón, bí tiểu và lơ mơ; kháng adrenergic gây hạ đường huyết áp tư thế; kháng histamin gây an thần; nguy cơ té ngã… Do đó, TCA không còn là lựa chọn đầu tay khi điều trị trầm cảm cho người cao tuổi.

Thay vào đó, các thuốc chống trầm cảm SSRI hay được lựa chọn do chúng có ít tác dụng phụ, an toàn tốt nhất cho người lớn tuổi và ít có tương tác thuốc nhất với citalopram, escitaloppram, sertraline” - TS Linh cho biết.

Do vậy, để việc điều trị hiệu quả, phòng bệnh tái phát theo TS Linh bệnh nhân cần ý thức được việc uống thuốc đúng thời gian và phải uống đủ liều, tái khám ít nhất 3 lần trong 3 tháng đầu tiên. Bên cạnh đó cần tầm soát hằng năm về trầm cảm cho tất cả bệnh nhân, trong đó bệnh nhân tầm soát dương tính phải được đánh giá về trầm cảm, ý định tự sát mỗi 6 tuần và được điều trị với thuốc hoặc phối hợp tâm lý trị liệu.

P.N
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X