Hotline 24/7
08983-08983

TP.HCM: Xuất hiện sốt phát ban, nhiễm não mô cầu

Sốt phát ban, sởi đang lây lan tại TP.HCM, kèm theo bệnh thủy đậu. Trẻ tiêm ngừa thủy đậu năm 2007 nên đi tiêm ngừa mũi thứ 2.

Sốt phát ban, thuỷ đậu gia tăng

Từ ngày 1 – 13/2, BV Nhi Đồng 2 đã khám cho 163 trẻ có triệu chứng sốt phát ban, trong đó trẻ trên 6 tuổi chiếm đa số (110 trẻ). Theo BS Trịnh Hữu Tùng, trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, số trẻ nhập viện do sốt phát ban và quai bị tăng khoảng 10% so với trước tết.

Tại BV Nhi Đồng 1 cũng có hàng trăm trẻ đến khám phát hiện sốt phát ban. Tuy nhiên, BS. Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa nhiễm nhận định, tình hình sốt phát ban ở trẻ nhỏ không trầm trọng lắm, bệnh chỉ nguy hiểm khi lây lan cho người lớn và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, gia đình nên đưa bé nhập viện kịp thời để bé không sốt nặng gây biến chứng.

Bệnh thủy đậu đang có 7-8 trẻ đang điều trị tại Khoa nhiễm và nguy cơ lây nhiễm cao liên tiếp trong 3 tuần nay, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng gây nhiễm trùng huyết. Những trẻ đã tiêm ngừa mũi thủy đậu năm 2007, nay vẫn có thể bị lại. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm ngừa mũi thứ 2.

Thời tiết nắng nóng khiến nhiều loại bệnh gia tăng. Trẻ cần được ăn uống đủ chất và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để phòng tránh lây nhiễm bệnh. (Ảnh: Hoàng Nhung)
 
Nắng nóng, bệnh nhiễm não mô cầu dễ thành dịch

Riêng tại BV bệnh Nhiệt Đới, liên tiếp những ngày qua đã phát hiện nhiều ca nhiễm não mô cầu. Đây là bệnh rất nguy hiểm, lây nhiễm qua đường hô hấp với tốc độ khá nhanh. Trong phạm vi 1m2, người bệnh có thể lây nhiễm cho những người khỏe mạnh khác. Bệnh có nhiều dạng thể khác nhau, từ nhiễm não mô cầu đến viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết… và nặng nhất là nhiễm não mô cầu tối cấp gây tử vong rất cao.
Sáng 15/2, BV Bệnh Nhiệt Đới đã phát hiện thêm 1 ca nhiễm cúm A/H1N1, đó là bệnh nhân Đ.C.T (nam, 41 tuổi). Trước đó, ngày 12/2, bệnh nhân này được chuyển đến trong tình trạng sốt cao và hôn mê.
 
Đây là ca mắc cúm thứ 6 được phát hiện tại bệnh viện này tính từ đầu năm 2001.

Tính đến ngày 15/2, BV Nhiệt Đới đã phát hiện 3 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh nhiễm não mô cầu gồm: N.T.H.Đ.Kh (nam, 16 tháng, ngụ Bình Thuận), N.T.N.T (nữ, 15 tháng, ngụ An Giang) và T.G.Th (nam, 4,5 tháng, ngụ TP.HCM).

Hiện trung tâm y tế dự phòng các địa phương đã điều tra dịch tễ, cho uống và chích thuốc ngừa đối với người nhà của 3 cháu bé trên. “Trong số 3 cháu nhiễm bệnh thì cháu Th. và Kh. còn mắc bệnh tim bẩm sinh, nên khả năng điều trị dứt bệnh cho 2 cháu này tương đối khó khăn”, BS Nguyễn Quang Trung, phó Khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em cho biết.

Dáng vẻ mệt mỏi, căng thẳng, anh Trì Công Tâm (cha của bệnh nhi Th.) cho biết, cháu Th. đã điều trị được 3 ngày nhưng sức khỏe chưa có gì tiến triển. Các bác sĩ bảo, nếu chậm tí nữa thì cháu sẽ chuyển sang nhiễm não mô cầu tối cấp, khả năng cứu sống là rất thấp.
 
Trước đó cháu Th. bị sốt âm ỉ nhiều ngày liền nhưng lúc đó cháu đang mọc răng nên gia đình cứ nghĩ sốt là do mọc răng. Trong 4 ngày đầu, cháu Th. uống thuốc hạ sốt có dấu hiệu giảm, nhưng đến ngày thứ 5 lại sốt cao hơn và phát ban đỏ, gia đình mới tá hỏa đưa đến bệnh viện.

“Trước đây, bệnh chỉ ở mức độ nhẹ và rải rác nhưng năm nay đang có dấu hiệu dồn dập. Nếu không được kiểm soát tốt, cộng với thời tiết nắng nóng sắp tới, cùng với không gian chật chội, đông đúc sẽ là cơ hội tốt để bệnh nhiễm não mô cầu bùng phát thành dịch”, BS Nguyễn Quang Trung cảnh báo.

Cũng theo bác sĩ Trung, do bệnh phát hiện chậm có nguy cơ dẫn đến tử vong cao, nên khi người bệnh có dấu hiệu sốt, ho, nổi tử ban trên da thì ngay lập tức đến bệnh viện kiểm tra.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X