TPHCM: Bệnh sởi gia tăng, ghi nhận thêm 1 trẻ tử vong
Ngày 2/12/2024, Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến tuần 48, năm 2024, Số ca bệnh sởi nội trú là 180 (tăng 36,6%), ngoại trú 180 ca (tăng 98,6%). Trong đó, có 1 ca tử vong là trẻ 12 tháng tuổi, thiểu sản phổi phải.
Theo thống kê, tính đến tuần 48, năm 2024, TPHCM ghi nhận 319 ca bệnh sởi, tăng 58,1% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh sởi nội trú là 180 (tăng 36,6%), ngoại trú 180 ca (tăng 98,6%).
Trong đó, có 1 ca tử vong là trẻ 12 tháng tuổi, thiểu sản phổi phải. Bệnh tăng mạnh ở nhóm dưới 6 tháng tuổi và nhóm 11 đến 14 tuổi, nhóm 6 đến 9 tháng tuổi có tỷ lệ tăng chậm, nhóm 1 đến 10 tuổi không tăng.
Theo Sở Y tế TPHCM, tiến độ tiêm chủng cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi còn chậm. Cần tăng cường mời tiêm và cập nhật số trẻ đi tiêm chủng tại cơ sở dịch vụ để theo dõi tiến độ tiêm. Tiến độ tiêm của trẻ từ 1 - 10 tuổi đã vượt 100% ở đa số quận, huyện (không bao gồm trẻ tiêm chủng vắc xin có thành phần sởi tại cơ sở dịch vụ).
Sở Y tế TPHCM đã đưa ra những giải pháp để kiểm soát bệnh sởi trên toàn thành phố. Cần tiến hành tiêm vắc xin sởi cho trẻ nội trú, ngoại trú (nếu chưa đủ mũi) hoặc tư vấn đến các điểm tiêm để tiêm ngay; tư vấn cho người thuộc nhóm nguy cơ cao tiêm vắc xin sởi (nếu chưa tiêm đủ mũi). Bác sĩ khi khám bệnh phải hỏi tiền sử tiêm chủng của trẻ, đặc biệt là tiền sử tiêm vắc xin sởi.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, truyền thông và phòng chống dịch trong cộng đồng. Các trường học phải có trách nhiệm rà soát, phối hợp tổ chức tiêm chủng sởi cho trẻ, lưu trữ đầy đủ hồ sơ rà soát tiền sử tiêm chủng.
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác, TPHCM ghi nhận 756 ca sốt xuất huyết (tăng 1,3% so với tuần 47). Số ca nội trú là 362 ca, trong đó có 15 ca nặng và 57 ca có dấu hiệu cảnh báo.
Toàn thành phố ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng tại 5 phường xã trên 4 quận huyện. Tổng số ca tay chân miệng là 268 (tăng 0,8% so với tuần 47), trong đó có 36 ca nội trú.
Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cho biết có thêm 1 ca nhiễm não mô cầu tối cấp tại huyện Bình Chánh. Trung tâm y tế đã kịp thời điều tra dịch tễ và cho người tiếp xúc uống kháng sinh dự phòng.
Virus sởi thường xâm nhập vào cơ thể của người bệnh thông qua các đường mũi, họng và cả đường mắt. Loại virus này sẽ được nhân lên ở hệ bạch huyết nơi xâm nhập và tại tế bào đường hô hấp trên, sau đó đi qua máu và phát bệnh. Giai đoạn ủ bệnh: 7 - 21 ngày, trung bình 10 ngày. Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): 2 - 4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5 - 1mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên). Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình