Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bé trai 14 tuổi quê Kiên Giang nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, ăn uống kém. Bác sĩ xác định bé bị khối u đầu tụy rất lớn 10 cm đè ép vào các cơ quan lân cận.
Để cắt khối u, các bác sĩ bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật Whipple. Đây là ca mổ lớn vô cùng phức tạp, đối diện nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng cho bệnh nhi do cùng lúc phải cắt bỏ nhiều cơ quan bao quanh các mạch máu quan trọng.
Phẫu thuật Whipple gồm cắt đầu tụy, tá tràng, đường mật, tái lập lưu thông tụy - ruột, mật - ruột và dạ dày - ruột
Bác sĩ Vũ Trường Nhân, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết ở bệnh nhân này khối u quá lớn và dính nhiều vào các cấu trúc xung quanh, đặc biệt là toàn bộ động mạch nuôi gan. Khi mở ổ bụng bệnh nhân, kíp mổ bất ngờ khi phát hiện khối u đã xâm lấn vào thành của tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách.
Các bác sĩ lập tức thay đổi chiến lược, cắt toàn bộ khối u cùng với mạch máu, sau đó tái tạo lại tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách bằng tĩnh mạch mạc treo tràng dưới của bệnh nhi. Ca mổ khó khăn hoàn thành sau 9 giờ căng thẳng và bệnh nhi chỉ mất 300 ml máu. Nếu không có tình huống phát sinh này, các cuộc mổ Whipple thường kéo dài 5-7 giờ.
"Đây là kết quả ngoạn mục bởi nếu không có chiến lược tốt, kíp phẫu thuật dễ dàng làm vỡ u hoặc chỉ dừng lại sinh thiết u, nguy hiểm hơn là có thể gây tổn thương mạch máu nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi", bác sĩ Nhân cho biết.
Hơn hai tuần sau mổ, bệnh nhân hiện hồi phục hoàn toàn, đã rút ống dẫn lưu ổ bụng, ăn uống ngon miệng, kết quả siêu âm các mạch máu đầu thông tốt và vừa xuất viện.
Giáo sư Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ngoại khoa của bệnh viện cho biết, trước đây những khối u có xâm lấn mạch máu như vậy đều được coi là chống chỉ định của phẫu thuật. Hiện nay sự phát triển của phẫu thuật ghép tạng với các kỹ thuật xử lý và thay thế mạch máu, giúp phẫu thuật được những khối u này. Đây được xem là một tiến bộ lớn của y học.
Theo Lê Phương - VnExpress