Hotline 24/7
08983-08983

Tin tức COVID-19 ngày 28/8: Thêm 12.097 ca ở 39 tỉnh thành, 12.375 người khỏi bệnh

Tính từ 18h ngày 27/8 đến 18h ngày 28/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.103 ca bệnh mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 12.097 ca ghi nhận trong nước; 12.375 người khỏi bệnh; 352 ca tử vong.

Theo thông tin tối 29/8 của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, số ca COVID-19 mới ghi nhận trong nước giảm 804 ca. TPHCM tăng 98 ca, Bình Dương giảm 138 ca, Đồng Nai giảm 199 ca, Long An giảm 3 ca, Tiền Giang giảm 71 ca.

Trong số ca nhiễm hôm nay, 5.629 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 6.468 ca đang điều tra dịch tễ.

Hôm nay là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao thứ ba kể từ đầu dịch, với 12.097 ca. Ngày có số ca nhiễm cao nhất là 27/8 (17.409 ca), ngày có số ca nhiễm cao thứ hai là 21/8 (13.417).

Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày là 12.375, tổng số ca được điều trị khỏi là 210.989 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca.

Trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 4.065, thở oxy dòng cao HFNC: 1.310, thở máy không xâm lấn: 88, thở máy xâm lấn: 921, ECMO: 24.

Trong ngày 27/8, 304.176 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.151.122, trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.

Hôm nay, Bộ Y tế tiếp nhận vật tư y tế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tặng Việt Nam, gồm: 36.000 khẩu trang phẫu thuật, 70.000 khẩu trang hô hấp độ lọc cao, 50 bộ hệ thống thở oxy dòng cao qua gọng mũi.

Hà Nội xây dựng kế hoạch về xét nghiệm sàng lọc diện rộng 200.000 mẫu, lập 2 kịch bản sau ngày 6/9, gồm:

- Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó thành phố sẽ lấy 800.000 mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao tại 12 quận, huyện;

- Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận và một số khu vực của các huyện với các ca mắc lớn, phải thực hiện phong tỏa, trên cơ sở đó thành phố sẽ lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao tại 12 quận; khu vực nguy cơ tại các huyện, thị xã.

Ngày mai (29/8), Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Hội đồng Cấp phép) gồm hơn 10 thành viên sẽ họp để xem xét cấp phép khẩn cấp cho 2 vắc xin COVID-19: Nanocovax của công ty Nanogen và Hayat-Vax sản xuất tại UAE, hợp tác, chuyển giao công nghệ từ Sinopharm của Trung Quốc.

Nếu được cấp phép, Nancovax sẽ là vắc xin nội đầu tiên được phê duyệt tại nước ta. Công ty Nanogen - đơn vị phát triển vắc xin, có thể sản xuất ngay 8-10 triệu liều/tháng và có thể nâng cấp lên 20-25 triệu liều/tháng. Giá nhà sản xuất cung cấp là 120.000 đồng/liều sau khi được trợ giá.

Đồng Nai nhận 6.000 lọ thuốc Remdesiver

Ngày 28/8, Đồng Nai đã tổ chức lễ tiếp nhận 6.000 lọ thuốc Remdesivir, 42.000 viên Rivaroxaban và 84.000 viên Methyprednisolon từ Quỹ từ thiện Kim Oanh trao tặng.

Số thuốc này dự kiến được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho khoảng 7.200 bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn Đồng Nai và điều trị tại nhà.

Trong đó, Remdesivir nhập khẩu từ Ấn Độ, được chỉ định dùng cho bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở oxy, thở máy không xâm nhập dưới dạng truyền tĩnh mạch. Còn 124.000 viên thuốc dưới dạng uống do Việt Nam sản xuất dùng để điều trị bệnh nhân thể nhẹ.

Bà Đặng Thị Kim Oanh - chủ tịch hội đồng Quỹ từ thiện Kim Oanh, mong muốn số thuốc trên sẽ góp phần hỗ trợ giảm tải cường độ làm việc làm việc của y bác sĩ, giúp bệnh nhân có thêm cơ hội được cứu sống, sớm quay về cùng người thân và gia đình.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, gửi lời cảm ơn trân trọng đến Quỹ từ thiện Kim Oanh đã gửi tặng thuốc và trước đó là trang thiết bị y tế.

Theo ông Dũng, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, để có đủ nguồn lực, trang thiết bị, thuốc phòng chống COVID-19 không dễ, thậm thí có tiền cũng khó tiếp cận mua được. Do đó, sự đóng góp của quỹ từ thiện là rất cần thiết và quý báu vào lúc này.

Hiện Đồng Nai đã ghi nhận hơn 22.000 ca mắc COVID-19. Trong đó, hơn 9.500 bệnh nhân đã khỏi bệnh, còn hơn 12.500 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bác sĩ vừa chống dịch, vừa hiến máu cứu bệnh nhân

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19, Bệnh viện dã chiến 16 TPHCM do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách; dù tất bật với thăm khám, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nặng, các y bác sĩ vẫn cố gắng sắp xếp để tham gia hiến máu trong chương trình “Hiến máu nhân đạo - San sẻ tình yêu thương từ trong tâm dịch” để cứu chính các bệnh nhân của mình.

Sau lễ phát động, Trung tâm Hồi sức tích cực thu được 100 đơn vị máu và sẽ tiếp tục lấy trong ngày tiếp theo.

Cùng tham gia hiến máu, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Giám đốc trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến 16 cho biết: "Thực tế có khá nhiều bệnh nhân vào Trung tâm Hồi sức tích cực với tình trạng xuất huyết tiêu hóa rất nặng. Hiện nay, việc cung cấp máu trong thời gian bị giãn cách xã hội kéo dài tới gần 3 tháng là hạn chế rất lớn về nguồn cung cấp máu. Chính vì vậy, việc cung cấp máu nhanh và đủ để cấp cứu các bệnh nhân nằm tại Bệnh viện dã chiến 16 và Trung tâm Hồi sức tích cực là hết sức quan trọng và cần thiết".

TS.BS Đoàn Thu Trà - chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai - cho biết tại Trung tâm Hồi sức tích cực đang điều trị rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trước tình trạng khan hiếm máu điều trị cho bệnh nhân, các cán bộ công nhân viên chức của Bệnh viện Bạch Mai đang công tác tại trung tâm xin hiến tặng những dòng máu yêu thương để san sẻ từ trong tâm dịch.

Bệnh viện Bạch Mai tại TPHCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 đã đảm nhận thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) để điều trị bệnh nhân nặng với quy mô 500 giường. Tính đến nay, Bệnh viện dã chiến số 16 có gần 3.000 giường bệnh và 500 giường hồi sức tích cực.

Hơn 65.000 người tại TPHCM được tiêm vắc xin COVID-19 trong ngày 27/8

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM sáng 28/8, trong 24 giờ qua, thành phố đã tiêm vắc xin COVID-19 cho 65.336 người. Các điểm tiêm đều được thực hiện ổn định, trật tự.

Như vậy, từ khi TPHCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 27/8, đã có khoảng 5.806.990 người được tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có hơn 900.000 mũi tiêm Vero Cell.

Tính đến sáng 28/8, toàn thành phố có 8 quận, huyện hoàn thành tiêm vắc xin cho hơn 90% dân số trên 18 tuổi, gồm quận 6, TP Thủ Đức, quận 5, quận 1, quận 11. Phú Nhuận, quận 7 và huyện Cần Giờ là 3 quận, huyện đạt 100%.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó có hơn 17,2 triệu liều AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 2,3 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 2,5 triệu liều Vero Cell.

Tổng số liều vắc xin Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế và tiếp nhận tại kho của Viện Pasteur TPHCM đến nay là 5.792.760 liều, trong đó có 3.909.450 liều AstraZeneca, 571.200 liều Moderna, 73.710 liều Pfizer và 1.238.400 liều Vero Cell.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở TPHCM tự test nhanh COVID-19 cho công nhân, 7 ngày/lần

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động test nhanh COVID-19 cho công nhân viên, đảm bảo việc tổ chức xét nghiệm được thực hiện đúng quy định, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ công nhân định kỳ 7 ngày/lần. Quá trình test nhanh kháng nguyên, tuyệt đối tuân thủ quy định 5K.

Gửi kế hoạch thực hiện xét nghiệm định kỳ về cơ quan có thẩm quyền quản lý doanh nghiệp và trung tâm y tế địa phương để được theo dõi, hỗ trợ. Trong kế hoạch cần nêu rõ thời gian thực hiện, số lượng test nhanh mỗi đợt và loại test sử dụng.

Sở Y tế yêu cầu mỗi ngày sau khi thực hiện test nhanh sàng lọc, doanh nghiệp phải tổng hợp toàn bộ kết quả xét nghiệm gửi về cơ quan quản lý và trung tâm y tế để theo dõi.

Nếu ghi nhận trường hợp nghi mắc COVID-19, phải có hướng xử lý kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời báo cáo ngay thông tin về cơ quan quản lý và y tế địa phương.

Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao, Công viên phát triển phần mềm Quang Trung, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đôn đốc, theo dõi công tác tổ chức xét nghiệm định kỳ của các doanh nghiệp.

Hiện nay, TPHCM có gần 700 nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ”, “1 điểm đến - 2 cung đường” của 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và Khu công nghệ cao.

Hà Nội có 14 ca mắc COVID-19 mới, 7 ca trong cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 27/8 đến 6h ngày 28/8, thành phố ghi nhận 14 ca mắc mới COVID-19, trong đó 7 người tại cộng đồng, 7 trường hợp còn lại trong khu cách ly.

Các ca mắc mới phân bố tại 8 quận, huyện: Hoàng Mai (3), Hai Bà Trưng (3), Thanh Trì (2), Thanh Xuân (2), Đống Đa (1), Thường Tín (1), Đan Phượng (1), Mỹ Đức (1) và phân bố theo chùm ca bệnh: Sàng lọc ho sốt (2); chùm F1 của ho sốt cộng đồng (9); chùm liên quan đến TPHCM (3).

Riêng 7 ca tại cộng đồng được ghi nhận tại 4 quận, huyện: Hoàng Mai (3), Thanh Trì (2), Đan Phượng (1), Mỹ Đức (1) và phân bố theo chùm ca: Sàng lọc ho sốt (2); chùm F1 của ho sốt cộng đồng (2); chùm liên quan đến TPHCM (3).

Thông tin các ca mắc mới:

2 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho sốt:

Bệnh nhân K.A, nam, sinh năm 1968, ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ông làm bảo vệ tại Công ty Pharmacity, khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên. Ngày 22/8, ông cảm thấy mệt mỏi. Từ ngày 23 đến 26/8, người này có sốt nhẹ. Ngày 27/8, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức, test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu RT-PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả dương tính.

Bà T.T.M.T, sinh năm 1969, ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Bà bán hàng tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình. Ngày 26/8, bệnh nhân xuất hiện sốt, mệt mỏi. Ngày 27/8, bà được lấy mẫu test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu RT-PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả dương tính.

9 BN thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng:

Bà N.T.T.N, sinh năm 1985, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Bệnh nhân là đối tượng F1 hết cách ly tập trung về cách ly, theo dõi tại nhà. Ngày 26/8, người này có triệu chứng mệt mỏi, nôn, buồn nôn và khó thở. Ngày 27/8, bà đến khám tại Bệnh viện Thăng Long, test nhanh dương tính, được lấy mẫu RT-PCR cho kết quả dương tính.

Ông N.S.C, sinh năm 1981, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì; là đối tượng F1 hết cách ly tập trung về cách ly, theo dõi tại nhà. Ngày 27/8, ông đưa vợ đến khám tại Bệnh viện Thăng Long, được lấy mẫu RT-PCR cho kết quả dương tính.

Bà P.T.M, nữ, sinh năm 1958 và ông T.H.A, sinh năm 1959, đều ở địa chỉ phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Hai người này là F1 (hàng xóm) của bệnh nhân N.H.M. Ngày 13/8, họ được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tại khu cách ly huyện Gia Lâm. Ngày 27/8, hai ông bà xuất hiện triệu chứng ho, được lấy mẫu và có kết quả dương tính.

Ông N.H.Đ, sinh năm 1975, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng; là đối tượng F1 hết cách ly tập trung về cách ly, theo dõi tại nhà. Ngày 25/8, ông xuất hiện sốt, ho, mệt mỏi. Ngày 26/8, người này được lấy mẫu và có kết quả dương tính.

Bà V.M.N, sinh năm 1964, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa; là F1 (con) của bệnh nhân Đ.N.B. Ngày 20/8, bà được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại huyện Mê Linh. Ngày 27/8, bà được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (CDC Hà Nội).

Bệnh nhân N.N.K, nam, sinh năm 2008; N.K.L, nữ, sinh năm 2004, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Các bệnh nhân là F1 (con) BN N.Q.H, được chuyển cách ly tại huyện Thanh Oai. Ngày 27/8, họ có sốt, được lấy mẫu và kết quả dương tính.

Bà Đ.T.L, sinh năm 1993, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín; F1 của N.K.B và N.B.A, được chuyển cách ly tại khu cách ly huyện Thường Tín (xét nghiệm 2 lần âm tính). Ngày 27/8, bà được lấy mẫu xét nghiệm sau khi xuất hiện đau rát họng và có kết quả dương tính.

3 người thuộc chùm ca liên quan đến TPHCM:

Ông N.T.K, sinh năm 1962; B.T.T, nữ, sinh năm 1965; Đ.T.Đ.H, nữ, sinh năm 1976; đều ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. 3 bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 27/8, họ có kết quả dương tính.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4 đến nay) là 2.909 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.525 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.384 ca.

Riêng tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, tính từ ngày 23/8 đến sáng 28/8, đã ghi nhận 136 ca mắc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X