Hotline 24/7
08983-08983

Tìm ra cách khắc phục tình trạng đông máu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca

Các nhà khoa học Đức và Áo tuyên bố tìm ra nguyên nhân vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu và giải pháp chữa trị dứt tình trạng này khi nó vừa xảy ra. AstraZeneca cũng bác thông tin vắc xin COVID-19 có thành phần từ heo.

Theo đài Deutsche Welle của Đức, các nhà nghiên cứu Bệnh viện Greifswald ở miền bắc nước Đức công bố đã phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu khác thường ở số ít người tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca.

Theo đó, vắc xin AstraZeneca dường như đã kích hoạt hệ miễn dịch sinh ra một loại kháng thể tự miễn có thể gây đông máu trong não. Cơ chế này có vẻ giống cách virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng đông máu ở bệnh nhân COVID-19 nặng, nhưng rủi ro với vắc xin thấp hơn nhiều.

Phát hiện trên đồng nghĩa các bác sĩ có thể chữa cho những người bị đông máu bằng các loại thuốc chống đông máu thông dụng, vốn cũng đã được áp dụng cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp điều trị chỉ có thể được dùng khi người tiêm vắc xin đã xuất hiện chứng đông máu, không thể dùng như một biện pháp ngăn ngừa sớm.

Thông tin hiện đã được chia sẻ với các bệnh viện trên khắp châu Âu.

Công trình nghiên cứu hợp tác giữa Bệnh viện Greifswald, Viện Paul Ehrlich (PEI) - Cơ quan Quản lý y tế Liên bang Đức và các bác sĩ của Áo chưa được đăng tải trên tạp chí khoa học nên hiện chưa nhận được ý kiến từ các chuyên gia độc lập.

Từ phát hiện mới, Hiệp hội Nghiên cứu về huyết khối và cầm máu của Đức khuyến cáo những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca có triệu chứng đau đầu, chóng mặt hoặc thị lực giảm kéo dài hơn 3 ngày cần phải đi khám lại.

Ngày 18/3, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) thông báo “không tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa vắc xin AstraZeneca và chứng đông máu” dựa trên những thông tin họ có. Cơ quan này cho rằng “lợi ích của vắc xin vẫn lớn hơn rủi ro có thể có”.

Sau hướng dẫn mới, Đức và nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu nối lại chương trình tiêm chủng bằng vắc xin AstraZeneca từ ngày 19/3.

AstraZeneca bác thông tin vắc xin COVID-19 có thành phần từ heo

AstraZeneca khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 do hãng sản xuất không sử dụng bất cứ thành phần nào liên quan tới động vật, bao gồm cả heo. Trước đó, thông tin vắc xin AstraZeneca có thành phần từ heo đã gây lo ngại tại các nước Hồi giáo.

"Trong tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất, vắc xin của AstraZeneca không sử dụng cũng như không tiếp xúc với các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn hoặc các sản phẩm động vật khác" - giám đốc AstraZeneca Indonesia, ông Rizman Abudaeri, nhấn mạnh với Hãng tin Reuters ngày 21/3.

Tuyên bố trên được đưa sau khi Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) - cơ quan Hồi giáo hàng đầu tại Indonesia - gọi vắc xin AstraZeneca là “thứ cấm kỵ” đối với người Hồi giáo.

Một bài viết trên trang web của MUI cho rằng vắc xin của AstraZeneca có quy trình sản xuất sử dụng “trypsin từ tuyến tụy của heo”. Điều này khiến nhiều người Indonesia lo ngại họ đã phạm điều cấm của Hồi giáo vì tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Indonesia là nước có nhiều người theo Hồi giáo nhất thế giới.

Mặc dù gọi vắc xin AstraZeneca là “thứ cấm kỵ”, MUI vẫn đồng ý cho phép sử dụng loại vắc xin này tại Indonesia vì tình thế khẩn cấp. Hôm 19/3, nhà chức trách Indonesia đã chấp thuận sử dụng vắc xin AstraZeneca sau khi nhiều nước châu Âu nối lại chiến dịch tiêm chủng sau thời gian ngắn tạm ngừng vì các lo ngại an toàn.

Trypsin là một dạng enzym trong hệ tiêu hóa của động vật có vú và cả con người, thường được sử dụng trong nuôi cấy tế bào, sản xuất vắc xin, các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa... MUI và cơ quan quản lý dược phẩm Indonesia không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo Hãng thông tấn AP, ngoài những lo ngại về mức độ an toàn, một trong những lý do chính khiến nhiều người không chịu tiêm vắc xin COVID-19 là do lo sợ nó có thể xung đột với tôn giáo, tín ngưỡng của họ.

Một số lãnh đạo Công giáo Roma ở New Orleans và St. Louis (Mỹ) gần đây đã kêu gọi giáo dân không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Họ cho rằng loại vắc xin này được chiết xuất từ thai nhi bị phá. Cho đến thời điểm hiện tại, những tranh cãi xung quanh vấn đề này vẫn chưa chấm dứt, theo AP.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X