Hotline 24/7
08983-08983

Tiểu đường và bệnh lý gan

Tôi 56 tuổi, mắc bệnh tiểu đường đã hơn 6 năm nay, đang điều trị tại BVĐK Trung tâm An Giang (vừa chích Insulin 35/35đv, vừa uống thuốc ngừa huyết áp, tim mạch, mỡ máu).

Mới đây, tôi có làm xét nghiệm máu tổng quát, giấy ghi kết quả: Glucose 10.60, HbA1c 7.8, các chỉ số mỡ máu bình thường. Riêng các men gan thì AST 80.4, ALT 53.9, GGT 559.1, Ferritin 440.4, tiểu cầu 128. Xin hỏi, các chỉ số trên có nguy hiểm lắm không? Có phải các men gan cao do uống các loại thuốc trên? Tôi phải làm gì để hạ các chỉ số trên vào ngưỡng an toàn để ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường? Tôi có thể uống thêm thực phẩm chức năng về gan, tiểu đường được không?

Đặng Văn Hai (xã Định Thành, Thoại Sơn)

Ảnh minh họa: Internet

BS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Tịnh Biên:

Các dữ kiện bạn đưa ra cho thấy, có hai vấn đề chính là tiểu đường và bệnh lý về gan. Nhìn chung, các xét nghiệm hầu hết đều bất thường. Bạn chưa nói rõ đang uống thuốc huyết áp và mỡ máu là thuốc gì, các bệnh kèm theo của bạn có hay không, tình trạng bệnh hiện tại và thiếu môt số dữ liệu xét nghiệm. Với các vấn đề bạn đưa ra, chúng tôi chỉ có thể góp ý bạn một số nội dung:

Các chỉ số xét nghiệm trên tập trung hầu hết vào hai vấn đề chính: Tiểu đường và bệnh lý về gan. Glucose máu 10.6 mmol/L (bình thường 3,6-6,4mmol/L) và HbA1c 7.8% (bình thường <6,5%), chứng tỏ đường huyết trong máu chưa được kiểm soát tốt, tức là điều trị bệnh tiểu đường chưa đạt được mục tiêu.

Mục tiêu điều trị lý tưởng là đường huyết được kiểm soát tốt nhất khi HbA1c < 6.5% và đường huyết trở về bình thường. Riêng chỉ số HbA1c phải duy trì ổn định, nếu chỉ số này > 6,5%, chứng tỏ đường huyết chưa kiểm soát tốt, khi đường huyết không ổn định nên làm xét nghiệm 3 tháng/lần, vì đây là xét nghiệm theo dõi bạn có điều trị tốt hay chưa, còn Glucose máu có thể tăng/giảm nhất thời vì có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, thuốc men, lao động…

Các chỉ số AST, ALT, GGT tăng, đặc biệt là GGT tăng rất cao (bình thường 11-50UI/L), gan của bạn đã bị tổn thương như viêm gan, xơ gan… Bạn cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa gan để được làm thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân cụ thể.

Có một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, mỡ máu gây tổn thương gan. Bạn không nói rõ đang sử dụng thuốc gì, nên chúng tôi không thể xác định được. Riêng đối với thuốc điều trị tiểu đường sử dụng đường uống hầu hết có tác hại cho gan, chống chỉ định trong trường hợp suy gan, suy thận nặng. Nhưng bạn đang sử dụng insulin, thuốc này rất an toàn cho gan. Insulin là thuốc được lựa chọn khi bệnh nhân có suy chức năng gan, thận.

Vấn đề hạ các chỉ số xét nghiệm đó về ngưỡng an toàn:

Kiểm soát tốt đường huyết tối ưu: Tùy trường hợp cụ thể như chọn loại insulin phù hợp (tăng liều, loại phối hợp nhanh-chậm,…), chế độ ăn uống phù hợp cho người bị tiểu đường, chế độ thể dục-thể thao, lao động và chế độ thuốc men điều trị các bệnh lý khác ngoài tiểu đường (tăng đường huyết do thuốc, đặc biệt là corticoid như dexamethasone, Prednison…

Thuốc này thường hay bị lạm dụng trong điều trị viêm nhức khớp). Cũng cần chú ý vấn đề hạ đường huyết khi sử dụng liều lượng không thích hợp (quá liều), vì đây là biến chứng chết người trong điều trị bệnh tiểu đường.

Kiểm soát tổn thương gan: Tùy loại tổn thương cụ thể, bác sĩ chuyên khoa gan sẽ giúp bạn, nhưng quan trọng nhất là bạn phải hạn chế rượu, bia và cẩn thận không lạm dụng các thuốc gây độc cho gan, như paracetamol (panadol)…

Riêng chỉ số Ferritin phản ánh bạn có thiếu/dư sắt hay không, 440.4nmol/ml là ngưỡng cao (bình thường người nam 30 – 400nmol/ml) với chỉ số này bạn không cần lo lắng. Ferritin tăng trong nhiều trường hợp như tổn thương gan, lách, ung thư, bệnh lý cần truyền máu nhiều lần…

Trường hợp này, có thể là do gan bị tổn thương nên nồng độ Ferritin tăng nhẹ. Và tiểu cầu của bạn giảm nhẹ (bình thường 100-400x109/L). Khi tiểu cầu < 100x109/L, thì có thể tổn thương gan của bạn đã chuyển qua giai đoạn xơ gan.

Vấn đề uống thêm thực phẩm chức năng, bạn phải hiểu rõ thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh, quan điểm sử dụng thực phẩm chức năng tùy ở mỗi nước và vẫn còn tranh luận.

Tuy nhiên, tốt nhất bạn đừng lạm dụng nó, chỉ sử dụng đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Bạn cần chú ý xem thành phần của thực phẩm chức năng có tương tác với các thuốc đang điều trị bệnh hay không. Đặc biệt, các loại thực phẩm chức năng có chứa đường, vì sẽ không tốt cho bệnh tiểu đường.

Theo báo An Giang Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X