Hotline 24/7
08983-08983

Uống thuốc với quá ít nước, coi chừng viêm loét thực quản

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.
Mới đây, BV Nguyễn Tri Phương tiếp nhận trường hợp của anh H.M.C (22 tuổi, Q.Tân Bình) đến khám do đau ngực nhiều ngày. Trước đó khoảng 1 tuần, anh C có uống nhiều loại thuốc trị mụn mà lại không chịu uống nhiều nước. 

Sau khi nội soi thực quản dạ dày qua đường miệng, các BS kết luận đây là trường hợp loét thực quản (đoạn nối từ miệng xuống dạ dày) cấp tính do thuốc. Bệnh nhân được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp kèm với thuốc hỗ trợ, chỉ sau 2 ngày triệu chứng giảm rõ rệt.

“Loét thực quản do thuốc” là bệnh do chúng ta vô tình gây ra cho mình khi điều trị một bệnh lý khác và điều quan trọng là cả bệnh nhân và bác sĩ đều ít chú ý đến vấn đề này. Hiểu rõ bệnh lý này chúng ta sẽ có cách phòng tránh hữu hiệu nhằm tránh việc “trị hết bệnh này, lại mắc thêm bệnh khác”.

Vết loét thực quản của anh H.M.C được chụp lại qua máy nội soi. Ảnh: TNLP
Dấu hiệu tổn thương và nguyên nhân thường gặp

Nguyên nhân thường thấy của chứng viêm loét thực quản do dùng thuốc là uống thuốc không đúng cách. Nhiều người uống thuốc với quá ít nước, thậm chí uống thuốc không cần nước; uống thuốc ở tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc ở tư thế nằm, uống thuốc xong rồi đi nằm ngay.

Vị trí thường bị tổn thương nhất là đoạn đoạn giữa thực quản vì là nơi hẹp nhất của thực quản làm cho các viên thuốc, nhất là thuốc dạng viên nang bám dính lại trên thực quản.

Triệu chứng thường gặp nhất là sau khi uống thuốc 24 - 48 giờ sẽ đau nóng rát sau xương ức có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên khi ăn uống kèm theo nuốt đau hay nuốt vướng. Do những bệnh nhân thường than đau ngực lan sau lưng hoặc cảm giác tức ngực nên lo lắng đi khám tim, khám phổi chứ ít khi tìm đến khám chuyên khoa tiêu hóa.

Phương pháp chẩn đoán chính xác nhất là nội soi thực quản dạ dày qua đường miệng.

Biến chứng và cách điều trị

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến vết loét lành sẹo không tốt, co rút làm hẹp thực quản gây nuốt khó kéo dài. Trường hợp ít gặp hơn là xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng thực quản.

Các biện pháp điều trị chủ yếu là ngưng ngay thuốc nghi ngờ gây loét thực quản, điều trị hỗ trợ bằng các thuốc Sucrafate dạng gel, Lidocaine dạng gel. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được uống nhiều nước lạnh, ăn uống thức ăn mềm, nguội (cháo, sữa, súp xay…).

Thông thường sau điều trị, triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 1 tuần nhưng để thực quản lành hoàn toàn thì cần 2- 4 tuần.

Những loại thuốc dễ gây viêm loét thực quản

Có nhiều loại thuốc có thể gây viêm loét thực quản. Tuy nhiên, thường gặp nhất vẫn là nhóm thuốc kháng sinh đặc biệt là Tetracycline, Doxycycline thường dùng trong bệnh lý phụ khoa và da liễu. Ngoài ra, còn có các loại thuốc trị loãng xương nhóm Bisphosphonate, thuốc giảm đau kháng viêm (Diclofenac, Ibuprofen,…), thuốc bổ sung muối Potasium cho cơ thể (Kaleorid, …).

Cách phòng tránh loét thực quản do thuốc

- Nên uống thuốc với đầy đủ nước (1 ly # 250ml).

- Nên uống thuốc ở tư thế ngồi hoặc đứng.

- Uống thuốc xong ít nhất 15 phút sau mới đi nằm.

- Khi chăm sóc người già hay trẻ em phải nằm 1 chỗ, chúng ta nên:

+ Ưu tiên chọn dạng thuốc nước.

+ Xoay đầu giường lên cao hoặc đỡ bệnh nhân ngồi dậy khi cho uống thuốc.

ThS.BS.CKII Trần Ngọc Lưu Phương
Trưởng đơn vị Tiêu Hóa can thiệp - BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X