Thuốc nhỏ mắt - đừng nhỏ vô tội vạ
Làm việc nhiều trên máy tính, rồi bụi đường, khói xe khiến đôi mắt mệt mỏi, đỏ, sưng hay ngứa... Nhiều người coi thuốc nhỏ mắt như vật bất ly thân, hễ có vấn đề về mắt là lập tức lấy ra nhỏ ngay. Thực tế, nhiều loại thuốc chỉ có tác dụng rửa mắt, chứ không chữa được bệnh về mắt. Cũng như ngược lại, nhiều thuốc chữa bệnh sẽ là quá nặng với ai chỉ muốn dưỡng mắt.
Thuốc nhỏ mắt chứa thành phần corticoid cao (Polydexa, Dexacol...) có tác dụng kháng viêm mạnh nên được sử dụng trong các trường hợp như: viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm bờ mi...
Tuy nhiên, nếu bạ đâu dùng đấy thì thuốc lại làm trầm trọng thêm bệnh. Ví dụ: Người bị loét giác mạc mà nhỏ thuốc này sẽ làm cho vết loét rộng ra, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù.
Dưới một tác động nào đó, mắt chúng ta bị đỏ lên vì cơ chế giãn mạch. Các loại thuốc chứa corticoid lại làm co mạch, nên chỉ cần nhỏ một vài giọt là chúng ta có cảm giác dễ chịu ngay. Nhưng thực tế, hệ thống vùng bè xung quanh lòng đen trong mắt có chức năng lọc, đào thải, luân chuyển.
Trong khi đó thành phần corticoid thường tồn tại dưới dạng những tinh thể rất nhỏ, không tan trong nước nên có thể gây bít tắc vùng bè, làm cho nước thải trong mắt không luân chuyển được và gây ra hiện tượng tăng nhãn áp. Bởi vậy, nếu dùng những loại thuốc này để dưỡng mắt thì vô cùng nguy hiểm.
Ngược lại, với các loại thuốc dưỡng mắt (như: Visine, V. Rhoto, Daigaku...) thì khi mắt bị nhiễm bệnh thực sự chúng không có tác dụng. Nếu dùng thuốc lâu quá một tuần thì có thể “chuốc” bệnh cho mắt, và nếu không kịp thời điều trị thường để lại di chứng (sẹo giác mạc), ảnh hưởng đến thị lực.
Đọc trước khi nhỏ
Vì thuốc nhỏ mắt không hề đơn giản như chúng ta tưởng, nên trước khi nhỏ, cần biết thuốc trên tay bạn thuộc nhóm nào, và lợi hại ra sao. Cụ thể:
- Nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn có chứa kháng sinh chloramphenicol, neomycin, tetracyclin, azithromycin, tobramycin: Có thể dùng như thuốc rửa mắt sơ cứu khi mắt bị chấn thương, dị vật vào mắt. Nhưng không nên dùng thường xuyên nhóm thuốc này vì nó có nguy cơ gây loạn khuẩn ở kết mạc, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển. Tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh vì có nguy cơ cơ gây suy tủy.
- Thuốc thuộc nhóm quinolon như ciprofloxacin: có tác dụng phòng ngừa nhiễm khuẩn sau mổ mắt. Nhưng thuốc dễ gây kết tủa tinh thể hoặc vảy tinh thể, cảm giác có dị vật ở mắt, ngứa, sung huyết, sưng mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, buồn nôn, giảm thị lực.
- Thuốc nhỏ mắt có chất kháng histamin: thường dùng trong điều trị viêm kết mạc, viêm giác mạc do dị ứng. Tuy nhiên, hiện tượng khô mắt, nhức đầu, mộng mị, nhìn mờ, khó chịu như có dị vật ở mắt, sung huyết, chảy nước mắt chống dị ứng là những tác dụng phụ do thuốc gây ra. Người bị tăng nhãn áp nên thận trọng khi sử dụng.
- Thuốc nhỏ mắt có chứa các chất cường giao cảm như phenylephrin, tetrahydrozolin... là thuốc cấm sử dụng cho người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, cường giáp.
- Các thuốc kháng sinh dùng đồng thời có thể gây kháng chéo, dị ứng chéo, ví dụ chloramphenicol không dùng đồng thời với penicilin, cephalosporin, gentamicin, tetracyclin, vancomycin, sulfadiazin.
Nhỏ mắt đúng cách
- Chỉ nên dùng thuốc nhỏ mắt trong vòng 15 ngày kể từ khi mở lắp. Để tránh quên, nên ghi lại ngày mở. Nếu quá thời gian này, các vi khuẩn, vi nấm có trong không khí có thể xâm nhập vào lọ thuốc, gây nhiễm bẩn.
- Khi sử dụng, tránh để đầu lọ thuốc chạm vào mắt đang đau để hạn chế tiếp xúc với nguồn gây bệnh.
- Hạn chế nhỏ 2 hoặc 3 loại thuốc cùng lúc để tránh phản ứng thuốc. Nếu trường hợp bắt buộc phải dùng hai loại thuốc nhỏ mắt, thì nên nhỏ cách nhau 15 phút để tránh lãng phí thuốc do bị trào ra ngoài.
Theo An Nhiên - Sức khỏe Gia đình
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình