Một trong những cách phòng tránh là luôn quan tâm đến các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thuốc, bao gồm: yếu tố do thuốc và yếu tố do người bệnh
Các yếu tố do thuốc
Bản chất của thuốc
Hầu hết các loại thuốc khi vào cơ thể có thể kết hợp với huyết thanh hoặc protein ở mô và trở thành các dị nguyên hoàn chỉnh. Các dị nguyên này kích thích cơ thể tạo ra kháng thể và gây nên tình trạng dị ứng với thuốc.
Nhiều trường hợp các sản phẩm chuyển hóa của thuốc cũng như các chất vi ô nhiễm có tính phản ứng đóng vai trò gây quá mẫn trên lâm sàng. Vì vậy đã có rất nhiều thuốc được cho là nguyên nhân của phản ứng dị ứng.
Mức độ tiếp xúc và nghề nghiệp
Quá trình dùng thuốc gián đoạn với một liều cơ bản rõ ràng sẽ làm tăng nguy cơ gây quá mẫn, điều trị kéo dài không ngắt quãng ít có khả năng gây quá mẫn như vậy. Trong một đợt điều trị, khả năng gặp phản ứng dị ứng trong 2-3 tuần đầu cao hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, công nhân dược phẩm tuổi nghề càng cao thì mức độ dị ứng càng lớn, vị trí của của người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bị dị ứng nhiều hơn so với người bình thường.
Công nhân ngành dược có thời gian tiếp xúc trực tiếp với thuốc kháng sinh trên 10 năm có nguy cơ dị ứng cao gấp 2,67 lần so với nhóm công nhân sản xuất thuốc dưới 10 năm. Điều này cũng khẳng định, những người làm nghề y, dược thường xuyên tiếp xúc với thuốc cũng dễ bị dị ứng với thuốc.
Giai đoạn mẫn cảm
Dị ứng thuốc cũng như dị ứng nói chung không xảy ra ngay sau lần tiếp xúc đầu tiên với dị nguyên. Một người mẫn cảm với một dị nguyên nào đó phải sau nhiều lần tiếp xúc trong thời gian khá dài khoảng vài tuần, vài tháng, thậm chí nhiều năm, thông thường khoảng từ 7-21 ngày.
Trên thực tế, các triệu chứng dị ứng chỉ xảy ra sau hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần tiếp xúc với loại dị nguyên ấy. Thời gian đó gọi là gian đoạn mẫn cảm - thời gian từ khi dị nguyên vào cơ thể đến lúc sinh ra kháng thể dị ứng và khởi phát các triệu chứng dị ứng.
Nhưng khi đã bị dị ứng rồi thì hầu hết các trường hợp triệu chứng dị ứng sẽ xảy ra rất nhanh mỗi khi bệnh nhân tiếp xúc lại với dị nguyên đó, dù chỉ là một lượng rất nhỏ.
Hiện tượng mẫn cảm chéo là một vấn đề quan trọng của dị ứng thuốc. Hiện tượng này có nghĩa là khi bệnh nhân bị dị ứng với một loại thuốc nào đó thì họ có thể tự động dị ứng với các thuốc khác có thành phần hóa học hoặc các sản phẩm chuyển hóa gần tương đương liên quan đến loại thuốc này.
Hội chứng đa dị ứng thuốc: một bệnh nhân khi bị hội chứng đa dị ứng thuốc, nghĩa là người đó có thể tăng nguy cơ dị ứng với một thuốc hoàn toàn khác cho dù đây không phải là mẫn cảm chéo, tuy nhiên, sự tồn tại của hội chứng này hiện vẫn còn đang tranh cãi.
Các yếu tố do bản thân bệnh nhân
Tuổi và giới
Phản ứng dị ứng do thuốc ít gặp ở trẻ em và các bệnh nhân cao tuổi, có lẽ do sự chưa trưởng thành hoặc suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch. Tuổi trưởng thành, hệ thống miễn dịch đã phát triển hoàn chỉnh, lại có quá trình tích lũy mẫn cảm do nhiều lần dùng thuốc, mắc các bệnh viêm và nhiễm khuẩn nhiều lần, nên đã tạo điều kiện cho cơ thể dễ mẫn cảm với thuốc. Không có bằng chứng cho rằng dị ứng thuốc gặp nhiều ở nữ hơn nam.
Các yếu tố di truyền
Các phản ứng dị ứng chỉ xảy ra với một tỷ lệ nhỏ trên các bệnh nhân được điều trị bằng một loại thuốc nhất định. Di truyền và môi trường đều có tác động trong việc quyết định các cá thể nào trong một quần thể bất kỳ sẽ tiến triển phản ứng dị ứng với thuốc cho trước.
Các tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của các phản ứng dị ứng thuốc do làm thay đổi quá trình chuyển hóa và gây cảm ứng các đáp ứng miễn dịch với thuốc. Các phản ứng với thuốc ít gặp hơn trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Quan điểm cho rằng, quá mẫn với thuốc hay gặp trên các bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống hiện vẫn chưa được xác nhận. Một số bệnh nhiễm khuẩn làm tăng nguy cơ quá mẫn với thuốc như trường hợp ban dạng rát sẩn gây ra do ampicillin phát sinh chủ yếu trên các bệnh nhân bị tăng bạch cầu mono nhiễm khuẩn.
Đã có bằng chứng thuyết phục cho thấy đáp ứng này không qua trung gian miễn dịch. Các phản ứng có hại do thuốc cũng gặp thường xuyên hơn trên các bệnh nhân có HIV/AIDS, đặc biệt trên các bệnh nhân sử dụng co-trimoxazol.
Tiền sử dị ứng thuốc được nhiều tác giả nhấn mạnh vai trò quan trọng của nó trong các bệnh dị ứng nói chung và dị ứng thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay người ta chưa xác định được gen nào trên nhiễm sắc thể có thể gây ra tình trạng dị ứng thuốc.
Đã có một số cho rằng các bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với thuốc có thể làm tăng nguy cơ dị ứng với các thuốc khác. Như vậy, dù có liên quan nhiều hay ít với thuốc đã gây quá mẫn trong tiền sử thì cũng được cảnh báo về hiện tượng phản ứng chéo trước khi sử dụng thuốc.
Đường dùng thuốc
Thuốc dùng tại chỗ thường làm tăng nguy cơ gây quá mẫn và cần tránh sử dụng với một số thuốc nhất định, đặc biệt trên da bị viêm. Đường uống thường an toàn hơn tất cả các đường tiêm. Đường tĩnh mạch là đường dùng thuốc ít gây quá mẫn nhất, nhưng nếu sốc phản vệ gặp ở đường này thì cực kỳ nguy hiểm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn - Sức khỏe & Đời sống