Hotline 24/7
08983-08983

Dầu cá Omega 3: Những điều cần biết

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Dầu cá được lấy từ đâu?


Dầu cá chứa nhiều omega-3 thì lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Dầu cá có nhiều trong cá biển như cá trích, cá thu, cá hồi. Dầu cá là nguồn cung cấp omega-3 (EPA và DHA) và vitamin A, vitamin D (có nhiều trong dầu gan cá).

Trong 100g mỗi loại cá trích, cá thu, cá hồi, cá chép có lượng lipid và omega-3 tương ứng như: 13,9g; 13,9g; 5,4g; 5,6g và  1,7g; 2,5g; 1,2g; 0,3g. Một viên dầu cá có chứa khoảng 1.000mg dầu nhưng lượng omega-3 thì có sự khác biệt giữa các loại dầu cá, có khoảng từ 100 - 700mg chất omega-3 (EPA+DHA).

Omega-3 là một loại acid béo không no, nó là tiền chất của DHA (chữ viết tắt của docosahexaenoic acid) và EPA (viết tắt của eicosapentaenoic acid). Những acid béo không no cần thiết này cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm.

Nhu cầu của omega-3 trong ngày đối với trẻ dưới 6 tháng DHA cần 0,1-0,18% năng lượng/ngày, trẻ từ 6-24 tháng DHA cần 10-12mg/kg cân nặng/ngày, trẻ từ 2-4 tuổi cần 100-150mg (DHA + EPA), trẻ từ 4-6 tuổi cần 150-200mg (DHA+EPA), trẻ từ 6-10 tuổi cần 200-250mg (DHA+EPA).

Những công dụng tuyệt vời của dầu cá


Bạn đang trong tình trạng khó ngủ. Nếu vậy hãy uống viên dầu cá omega 3 vào bữa ăn tối. Các nghiên cứu đã chỉ ra nồng độ omega 3 cao trong máu sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Nói đến chất béo hoặc axit béo mọi người thường nghĩ rằng chúng rất có hại cho cơ thể, nhưng với axit béo từ dầu cá hồi omega-3 thì mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chẳng hạn như:

Tăng cường sức khỏe tim mạch: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), các thử nghiệm cho thấy dầu cá chứa một nguồn dồi dào omega-3, nhờ đó, dầu cá omega 3 mang lại hiệu quả tích cực trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa, các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng dầu cá có khả năng ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch và sử dụng dầu cá đúng cách sẽ phòng tránh được nguy cơ tử vong đột ngột do bệnh đột quỵ gây ra.

Giảm cân: Dầu cá chứa axit béo omega-3 giúp thúc đẩy việc giảm cân, vì vậy sự kết hợp giữa tập luyện thể thao và bổ sung thêm dầu cá sẽ đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể nhanh chóng.

Phòng ngừa ung thư: Dầu cá được chứng minh là có hiệu quả chống lại ba dạng ung thư phổ biến: ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt. Omega 3 giúp nuôi dưỡng các tế bào khỏe mạnh bình thường không bị đột biến thành các khối ung thư và ngăn chặn sự phát triển tế bào vô ích.

Cân bằng nồng độ cholesterol: Sự hiện diện của các axit EPA và DPA trong phần lớn chế phẩm dầu cá bổ sung chất lượng cao giúp cân bằng cholesterol.

Điều trị rối loạn thị lực: Tương tự với não bộ, chất béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của mắt. Những người không hấp thu đủ hàm lượng omega-3 có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt. Hơn nữa, mắt của bạn bắt đầu yếu đi khi về già, dẫn đến chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ hàm lượng lớn dầu cá trong bốn tháng rưỡi sẽ giúp cải thiện thị lực ở tất cả các bệnh nhân AMD.

Rối loạn tâm thần: Dầu cá giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzehimer, sa sút trí tuệ và tâm thần phân liệt.

Huyết áp cao: Omega 3 có các đặc tính chống viêm và chống đông máu, giúp hạ huyết áp. Do vậy, máu được bơm nhanh khắp cơ thể giúp giảm bớt áp lực lên tim.

AIDS: Một nghiên cứu được tiến hành bởi Chương trình Khoa học dinh dưỡng tại Lexington chứng minh rằng dầu cá hỗ trợ điều trị AIDS và giảm nồng độ triglycerid.

Các tác dụng phụ từ dầu cá


Bạn nên chọn những sản phẩm dầu cá omega-3 riêng cho từng độ tuổi, vì chúng thường được tính toán để có hàm lượng omega-3 phù hợp, cũng như bổ sung những dưỡng chất cần thiết theo sự phát triển riêng của từng độ tuổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Dầu cá chứa omega-3 hiện nay được lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng. Khi sử dụng các sản phẩm này, chúng ta không có thói quen kiểm tra các tác dụng phụ vì cứ nghĩ rằng đây là những chất chỉ có ích cho sức khỏe thôi.

Tuy nhiên, theo tạp chí Mayo Clinic, dù là thực phẩm chức năng nhưng việc dùng dầu cá vẫn cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số tác dụng phụ thường gặp đó là:

- Buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, táo bón. Nên sử dụng dầu cá kèm theo trong bữa ăn với liều lượng từ thấp và tăng dần.

- Vài trường hợp hiếm hoi dầu cá gây ra rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nặng. Cảm giác bồn chồn và khó chịu như kiến bò trên da cũng được tìm thấy ở một số người dùng.

- Các tác dụng phụ khác bao gồm mất trí nhớ ngắn hạn, đau đầu, rối loạn soma, viêm mũi họng, hen suyễn, giảm hoạt động thể chất, tăng sự thèm ăn và tăng huyết áp.

Dùng dầu cá bao nhiêu là đủ?


Dầu cá có thể bổ sung cùng bất cứ bữa ăn nào trong ngày. Tuy nhiên, nếu bạn uống bổ sung vào cùng một thời điểm mỗi ngày vào bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối sẽ hình thành thói quen và không bỏ lỡ ngày nào. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Theo Cơ quan quản lý Thực-dược phẩm Mỹ (FDA) trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại dầu cá khác nhau như dạng viên, con nhộng, loại gel mềm… nhưng liều lượng dùng cũng không thống nhất.

Việc dùng dầu cá còn phụ thuộc và thực đơn ăn uống hàng ngày của mỗi người, ví dụ có người khoẻ, người yếu hoặc người ăn nhiều cá, ăn ít cá... Theo khuyến cáo của FDA thì mỗi ngày nên dùng từ 500-1.000mg/ngày, riêng nhóm người mắc bệnh tim, bệnh tâm thần thì có thể dùng tới mức cao hơn, đến 5.000mg/ngày.

Đối với phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ: Dùng 200mg/ngày, ngoài ra nên ăn từ 1-2 bữa cá tuần, nhất là nhóm cá có chứa dầu. Nó có tác dụng làm tăng hàm lượng DHA trong não cho đứa trẻ đang phát triển trong bụng mẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý, với phụ nữ có thai và cho con bú không nên bổ sung sử dụng dầu cá thô. Lý do là vì các kim loại nặng và chất ô nhiễm trong dầu cá có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi và cả người mẹ. Do tính chất chống đông máu có trong Omega-3 nên nguy cơ chảy máu tử cung ở những người phụ nữ bổ sung dầu cá là rất cao.

Đối với nhóm trẻ dưới 18: Đây là nhóm hoạt động nhiều nên liều dùng hiện nay vẫn chưa thống nhất.

Nhóm người lớn khoẻ mạnh: Dùng liều 500mg/ngày. Mức này vừa đủ để duy trì sức khoẻ và hạn chế nguy cơ mắc các loại bệnh về tim.

Tuy nhiên, dùng dầu cá omega 3 vẫn phải đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn. Do thực phẩm chức năng được quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nên nhiều người cả tin, cứ tưởng chúng là “thần dược” chữa bá bệnh. Có người uống dầu cá trong suốt một năm với hy vọng giúp “mỡ trong máu” tốt nhưng không ngờ khi khám sức khỏe thì bị rối loạn lipid máu, tức mỡ trong máu, trong đó có cholesterol tăng cao.

Ở đây, nhiều không biết dầu cá chỉ có tác dụng hỗ trợ, trong khi còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn quá thừa năng lượng như nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia, rượu hoặc đã nhuốm bệnh gọi là rối loạn lipid máu thì dù uống bao nhiêu dầu cá vẫn bị tăng lipid máu. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung dầu cá.

Lưu ý khi sử dụng dầu cá


Dầu cá không nên dùng với thuốc điều trị tăng huyết áp vì sự kết hợp này có thể làm huyết áp tụt xuống mức quá thấp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Omega-3 có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường, những người dùng thuốc, thảo dược có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Dầu cá lưu trữ trong thời gian dài có thể bị thiếu hụt vitamin E và tăng nguy cơ ngộ độc vitamin A hoặc D. Vì vậy cần thận trọng khi dùng với số lượng lớn.

Bệnh nhân bị bệnh hen suyễn, viêm ruột, gan, ung thư ruột kết cũng nên thận trọng khi sử dụng do những tác dụng phụ của dầu cá.

Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, bạn không nên dùng chung với dầu cá.

Bảo quản dầu cá như thế nào?


Dầu cá bảo quản tốt nhất ở nơi tránh có ánh nắng rọi thẳng vào. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Đặc tính của dầu cá các vitamin và chất béo omega-3 nói chung sẽ bị mất đi trong một số điều kiện. Ánh nắng, ánh sáng là yếu tố hàng đầu khiến cho các loại dầu cá dành cho trẻ em dễ bị hư hại và vô tác dụng nhất.

Hoặc nếu để dầu cá ở nơi có độ ẩm cao là yếu tố gây hư hỏng các loại thực phẩm bổ sung. Độ ẩm làm mềm vỏ bọc viên dầu cá, lâu ngày gây thất thoát dưỡng chất.

Kể cả việc có nhiều bà mẹ quá cẩn thận bảo quản dầu cá trẻ em trong ngăn tủ đông lạnh hoặc ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ quá thấp cũng không tốt vì dầu cá không được để ở nơi nóng quá cũng như lạnh quá. Điều kiện nào cũng làm dầu cá dễ hỏng và không còn giữ được chức năng bổ sung.

Vì vậy để bảo quản tốt nhất dầu cá ở nhiệt độ trung bình tránh nơi có ánh nắng rọi thẳng vào.

Khi mở hộp dầu cá ra cần đóng chật nắp hộp. Khi mua, bạn nên chọn sản phẩm dầu cá có hộp đựng không xuyên thấu (hộp không nhìn thấy bên trong hoặc nhìn thấy nhưng màu nhựa trong phải sậm màu, không trắng trong suốt). Loại hộp này giúp bảo quản dầu cá tốt nhất.

H.T (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X