Các thuốc dùng để trị đau bụng kinh
Còn đau bụng kinh thứ phát xảy ra khi người phụ nữ bị các bệnh như: bệnh lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu kinh niên, viêm vòi trứng….
Các trường hợp gọi là thứ phát này có tổn thương là nguyên nhân và người phụ nữ cần đi khám chuyên khoa để điều trị, khi chữa khỏi sẽ hết đau. Đau bụng kinh được đề cập ở đây và có khi phải dùng thuốc làm giảm đau là đau bụng kinh nguyên phát.
Nguyên nhân nào đưa đến đau bụng kinh nguyên phát?
Nguyên nhân đưa đến đau bụng kinh nguyên phát là do chất sinh học
có tên prostaglandin. Prostaglandin là chất sinh học do cơ thể tự tổng hợp, đóng vai trò quan trọng
trong việc điều hòa nhiều hoạt động sinh lý trong cơ thể. Khi người phụ nữ hành kinh, tử cung sẽ
tiết ra prostaglandin.
Prostaglandin sinh ra sẽ gây co thắt tử cung, đặc biệt sự co thắt sẽ nhiều
hơn khi nội mạc tử cung sẽ bong tróc gây chảy máu kinh. Ở nhiều phụ nữ, sự co thắt không đến độ gây
đau. Nhưng ở một số chị em, sự co thắt tử cung lại quá đáng đưa đến đau bụng kinh.
Cơn đau có thể xảy ra trước khi thấy kinh nhưng thông thường xảy ra vào ngày thứ nhất của kỳ kinh và có thể kéo dài đến 48 giờ. Ở một số phụ nữ, đau bụng kinh có thể kèm theo buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu…
Các thuốc dùng để trị đau bụng kinh nguyên phát?
Khi đau bụng kinh, có người chịu đựng có khi cả ngày và sẽ khỏi, nhưng có người cảm thấy không chịu đựng được và phải dùng thuốc.
Thuốc dùng để trị đau bụng kinh gồm nhiều loại nhưng tựu chung tác dụng theo 2 cơ chế: hoặc là trị triệu chứng bằng cách làm giãn cơ trơn tử cung (tức làm giảm co thắt đưa đến giảm đau), hoặc trị nguyên nhân là ức chế sự sinh tổng hợp prostaglandin trong cơ thể. Có thể kể các nhóm thuốc sau đây:
Thuốc chống co thắt hướng cơ: đây là thuốc trị triệu chứng làm giãn các cơn co thắt của tử cung để làm giảm đau, như: dipropyline, alverine (Spasmaverine), drotaverine (No-spa)…
Thuốc nội tiết tố sinh dục nữ: hoặc dùng thuốc phối hợp estrogen +
progesterone, hoặc dùng thuốc đơn độc là dẫn chất từ progesterone (dydrogesterone, lynestrenol).
Đây là thuốc dùng khi người phụ nữ vừa muốn chữa đau bụng kinh vừa muốn tránh thai, vì thuốc dùng thực chất là thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai không chỉ có tác dụng tránh thai mà còn giúp người phụ nữ không bị một số rối loạn khi hành kinh như: đau bụng kinh hoặc trị mụn trứng cá.
Thuốc ức chế prostaglandin: đây chính là thuốc chống viêm không steroid, viết tắt là NSAID. Cơ chế tác dụng của thuốc nhóm này là ức chế sự sinh tổng hợp prostaglandin trong cơ thể là nguồn gốc đưa đến sự co thắt tử cung gây đau nên có thể xem đây là thuốc điều trị nguyên nhân đau bụng kinh nguyên phát. Đặc biệt thuốc nhóm này dễ được chọn ở thiếu nữ chưa có quan hệ tình dục. Thuốc ức chế prostaglandin thường dùng: axít mefenamic, diclofenac (Cataflam), ibuprofen, naproxen (Anaprox)…
Về cách dùng thuốc ức chế prostaglandin để trị đau bụng kinh nguyên phát, tùy theo loại cách dùng có khác nhau. Có thuốc uống khi hành kinh, có thuốc uống trước vài ngày. Thuốc thường được dùng trong 1 - 3 ngày, liều ấn định cho mỗi lần uống sẽ lặp lại mỗi 6 - 8 giờ trong ngày.
Sự ức chế prostaglandin không chỉ làm giảm đau mà còn có thể dẫn đến một số rối loạn khác. Vì vậy, khi sử dụng loại thuốc này để trị đau bụng kinh, cần xem kỹ trong bản hướng dẫn sử dụng thuốc: chỉ định, chống chỉ định, tác dụng ngoại ý, thận trọng lúc dùng để thực hiện đúng. Tốt hơn nên hỏi kỹ dược sĩ ở nhà thuốc. Nếu có sự nghi ngờ, đặc biệt có thể bị đau bụng kinh thứ phát đã nói trên, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh việc dùng thuốc có lời khuyên chườm nóng ở vùng bụng, kết hợp việc nghỉ ngơi đầy đủ cũng là việc cần thiết.
Đối với câu hỏi: "Có nên dùng thuốc giảm đau khi hành kinh?", có thể trả lời như sau:
Khi phụ nữ hành kinh và có triệu chứng đau bụng rất khó chịu mới
dùng thuốc giảm đau, và không phải dùng bất cứ thuốc giảm đau nào mà phải có sự chọn lựa như đã
trình bày ở trên. Thuốc có thể dùng là thuốc NSAID như: diclofenac, naproxen.
Có thể hỏi mua thuốc tại nhà thuốc và nhờ dược sĩ tư vấn dùng thuốc. Nếu có sự nghi ngờ về các trường hợp gọi là đau bụng kinh thứ phát, người phụ nữ cần đi khám chuyên khoa để điều trị, khi chữa khỏi nguyên nhân gây tổn thương đưa đến đau thì sẽ hết đau bụng kinh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Sức khỏe và Đời sống
Đại học Y Dược TPHCM
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình