Hotline 24/7
08983-08983

Tham gia giải chạy: Đừng vì thành tích mà bỏ qua sức khỏe

Các trường hợp ngất xỉu, ngừng tim... xuất hiện rất nhiều trong các giải chạy gần đây. Nhiều vận động viên đã may mắn được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch, nhưng cũng có trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Gần đây nhất, ngày 14/4/2024, tại giải chạy bộ Tay Ho Half Marathon 2024, nam vận động viên bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100m do ngừng tim. Người này có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, hiện được điều trị hồi sức tích cực nhưng tiên lượng xấu.

Giải chạy có số người tham dự đông kỷ lục

Trước đó, ngày 24/3, Ban tổ chức Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 (Vietnam Ultra Marathon 2024) thông tin, một vận động viên tham dự sự kiện đã qua đời tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Một đội cứu hộ 14 thành viên, bao gồm đội ngũ y tế và thành viên Ban tổ chức đã tham gia thực hiện công tác y tế khẩn cấp và vận chuyển vận động viên đến bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi được các y, bác sĩ cấp cứu, vận động viên đã không qua khỏi.

Trong bối cảnh phong trào chạy bộ, các giải chạy ngày càng được mở rộng, 2 sự việc nói trên cũng là hồi chuông cảnh báo cho nhiều runner, vận động viên khi tham gia bộ môn thể thao này.

Chạy bộ ở Việt Nam phần lớn theo phong trào dẫn đến nguy cơ đột tử tăng cao

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TPHCM cho biết, môn thể thao chạy bộ hiện nay thu hút sự tham gia của nhiều người. Vì vậy, tỷ lệ vận động viên gặp vấn đề sức khỏe, thậm chí đột tử do gắng sức quá mức cũng tăng lên.

PGS Nguyễn Hoài Nam nhận định, chạy bộ ở Việt Nam phần lớn là chạy theo phong trào, có người chưa bao giờ luyện tập đã vội đăng ký chạy dài mà không kiểm tra sức khoẻ trước khi chạy bộ. Hàng nghìn người như vậy thì khả năng có người đột tử rất cao.

Đột tử trong bộ môn chạy bộ thường xảy ra ở những người có bệnh lý về tim mạch. Họ không biết mình có bệnh hoặc biết nhưng vì lý do nào đó khiến họ phớt lờ, vẫn tham gia.

PGS Nguyễn Hoài Nam lý giải, trong tim có hệ thống dẫn truyền giúp điều hoà nhịp tim, một số trường hợp nhu cầu oxy cơ thể tăng cao mà tim đập không kịp, dẫn truyền bị rối loạn sẽ làm ngưng tim ngay lúc đó.

Ở những người thường xuyên luyện tập, khi nhịp tim tăng lên 140 - 150 nhịp/phút, họ vẫn chịu đựng được. Nhưng những người không vận động hoặc ít vận động, khi nhịp tim tăng nhanh như vậy khiến rung thất, rung nhĩ. Khi đó máu không về tim kịp, cũng như đến các cơ quan khác, đặc biệt là không kịp đến đến mạch vành, gây ra co thắt mạch vành và họ tử vong vì nhồi máu cơ tim cấp.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực. Chạy thể dục, thể thao tốt cho sức khỏe nhưng việc chạy cần phù hợp với sức khỏe của mình, không cố chạy gắng sức để đạt mục tiêu của bản thân mà quên đi thể lực hiện tại.

Trước mỗi cuộc chạy, bạn cần chuẩn bị tập luyện thật kỹ càng, nâng dần dần độ khó. Khi tập thể lực, bạn cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại.

Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ, bạn cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp.

Theo Hiệp hội Marathon Quốc tế, trước khi bắt đầu chạy, mọi người nên tự đánh giá sức khoẻ bản thân qua bộ câu hỏi sau:

1. Bạn đã bao giờ bất tỉnh hoặc gần như ngất xỉu trong hoặc sau khi tập thể dục chưa?

2. Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu, đau, tức ngực hoặc tức ngực khi tập thể dục chưa?

3. Tim bạn có từng đập nhanh hoặc đập không đều khi tập thể dục không?

4. Bác sĩ đã bao giờ nói rằng bạn có bất kỳ vấn đề nào về tim như huyết áp cao, tiếng thổi ở tim, cholesterol cao, nhiễm trùng tim hoặc bệnh Kawasaki chưa?

5. Bác sĩ đã bao giờ yêu cầu kiểm tra tim của bạn như điện tâm đồ hoặc siêu âm tim chưa?

6. Bạn có bị choáng váng hoặc cảm thấy khó thở ​​khi tập thể dục không?

7. Bạn đã bao giờ bị co giật không rõ nguyên nhân?

8. Bạn có thấy mệt mỏi hoặc khó thở nhanh hơn bạn bè khi tập thể dục không?

9. Bạn có thành viên hoặc người thân nào trong gia đình tử vong vì các vấn đề về tim hoặc đột tử bất ngờ hoặc không rõ nguyên nhân trước 50 tuổi không?

10. Có ai trong gia đình bạn mắc bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Marfan, bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp, hội chứng QT kéo dài, hội chứng QT ngắn, hội chứng Brugada?

11. Có ai trong gia đình bạn có vấn đề về tim, phải phẫu thuật cấy ghép thiết bị không?

12. Có ai trong gia đình bạn bị ngất xỉu, co giật không rõ nguyên nhân?

Nếu có bất kỳ yếu tố rủi ro nào được đề cập ở trên, mọi người nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đánh giá.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X